Cuối tuần này, ngày 28 Tháng Tám, từ lúc 15h00 tại Singapore, nhà Sotheby’s sẽ mang lại một trong vài bức tranh “nhỏ mà có võ” của Lê Phổ.
Nếu xét riêng về kích thước, chỉ với 28.5cm x 23.5cm, tương đương khổ A4, đây là bức tranh có giá ước định cao nhất của Việt Nam. Với mức giá ước định từ 620.000 đến 1,000,000 SGD, tương đương từ $445,000 đến $720,000; và dự kiến sẽ bán ở mức $1.3 triệu đến $1.5 triệu.
Vì sao “Vietnamese lady” (越南女士: Việt Nam nữ sĩ) lại cao giá đến vậy? Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, khó mà đồng thuận. Dưới đây là vài suy luận:
1/ Nếu không chú ý trước đến kích thước, thì tự thân bức tranh đã có đủ sự bề thế trọn vẹn với ngôn ngữ, chất liệu và thị giác của nó.
2/ Mực và bột mực trên lụa (ink and gouache on silk) là một vật liệu được Lê Phổ say sưa nghiên cứu, thử nghiệm thành công từ khi còn là sinh viên, nên đã mang đến một bảng màu không chỉ mới mẻ, mà còn bền đẹp. So về tuổi đời và bề mặt vật lý với nhiều vật liệu khác như sơn mài hoặc sơn dầu, đâu có mấy bức tranh ra đời trong thập niên 1930 mà còn hoàn hảo như “Vietnamese lady”.
3/ Như tên gọi, đây có lẽ cũng là một hình mẫu về phụ nữ Việt theo quan niệm của Lê Phổ – một quan niệm có tính kế thừa và tiếp biến từ truyền thống. Tên chữ Nho là “Việt Nam nữ sĩ”, thời Lê Phổ trở về trước, rất ít phụ nữ Việt được gọi là nữ sĩ, vì danh xưng này thường gắn với một vài tên tuổi đã quá lẫy lừng, như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan…
4/ 1938, sáng tác “Vietnamese lady”, cũng là năm Lê Phổ mở cửa xưởng vẽ tại Paris cho khách xem và sau đó là triển lãm cá nhân đầu tiên. Chính cột mốc thành công của năm 1938 đã giúp Lê Phổ có vô số hợp đồng sáng tác và triển lãm cá nhân ở Algiers (1941), Paris (1945), Brussels (1948), San Francisco (1962), New York (1963)…
5/ Bức tranh có một lai lịch và “hành tung” rõ ràng, qua tay những người sở hữu thanh lịch, hoặc có ảnh hưởng lớn trong giới sưu tập.
Dù đấu trực tuyến, nhưng dự báo là cuối tuần này sẽ có cuộc quần hùng và tiệc tùng nhảy múa tại Tân Gia Ba, vì đường đi đã thông suốt trở lại. Đã có 4-5 nhà sưu tập trong nước dự tính kéo bầu đoàn thê tử, binh hùng tướng mạnh để sang đây quyết chiến.
Ai sẽ là chủ sở hữu mới của “Vietnamese lady”, sớm biết thôi!