Bon Jovi – Ban nhạc rock làm việc “kinh khủng” và chưa bao giờ thất bại

Bon Jovi trong buổi biểu diễn hồi Tháng Mười, 2010 ở Gulf Shores, Alabama. (ảnh: Skip Bolen/Getty Images)

Kể từ khi thành lập vào năm 1983, ban nhạc rock Bon Jovi đã có một sự nghiệp đáng kinh ngạc, kéo dài hơn ba thập niên. Với một số giải thưởng, gồm cả giải Grammy, âm nhạc của họ chưa bao giờ thất bại, trong cả quá khứ lẫn hiện tại.

Về một ban nhạc rock thần tượng với cường độ làm việc “kinh khủng” của John Francis Bongiovi Jr., được biết đến với nghệ danh Jon Bon Jovi (Jon) đầu tiên phải nói đến sự kết hợp với tay keyboard David Bryan khi họ chơi nhạc cùng nhau ở New Jersey trong ban nhạc có tên Atlantic City Expressway vào đầu thập niên 1970. Nhiều năm sau đó, Jon thành lập một vài ban nhạc khác và năm 1980 thu âm đĩa đơn đầu tiên “Runaway” tại phòng thu, rồi thu âm lại ca khúc này cho album tổng hợp “The Apple” phát trên radio địa phương WAPP 103.5FM ở New York.

Ban nhạc rock Bon Jovi, trước buổi biểu diễn tại Rosemont Horizon, Rosemont, Illinois, ngày 20 Tháng Năm, 1984. Trong ảnh là David Bryan, Tico Torres, Jon Bon Jovi, Alec John such, và Richie Sambora. (ảnh: Paul Natkin / Getty Images)

Thay đổi phong cách để sống

Năm 1983, Jovi tận dụng sự đón nhận “Runaway” của khán giả để thành lập một ban nhạc mới với sự giúp đỡ của Bryan. Chính Bryan đã liên lạc với tay bass Alec John Such (John) và John kéo thêm tay trống Tico Torres, trong khi Jon mời tay guitar địa phương Richie Sambora do Such và Torres giới thiệu. Bryan đang học nhạc tại trường Juilliard vào thời điểm đó nhưng quyết định bỏ dở để đi theo Jovi và thành lập một ban nhạc “sẽ không giống ban nhạc nào từng nghe trước đây” như lời Bon Jovi nói.

Năm 1984, ban nhạc ký được hợp đồng với hãng thu âm Mercury Records và cùng người quản lý Doc McGhee (từng quản lý cho Kiss, Mötley Crüe và Skid Row) thu âm album phòng thu đầu tiên lấy tựa là tên ban nhạc, trong đó có cả “Runaway” và đạt vị trí thứ 43 trên Bảng xếp hạng album Billboard 200. Album thứ hai “7800 ° Fahrenheit” phát hành năm 1985 đạt được đĩa Vàng (GOLD) của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ (Recording Industry Association of America-RIAA).

Dù không đúng kỳ vọng cao của ban nhạc, nhưng nó đã giúp Bon Jovi thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới, và biểu diễn lần đầu tiên tại sự kiện âm nhạc Farm Aid vào năm 1985. Sau đó, Bon Jovi quyết định rời dòng nhạc “heavy metal” và nhờ người viết ca khúc nổi tiếng Desmond Child tạo ra các giai điệu dễ nghe hơn cho album thứ ba có tựa “Slippery When Wet” phát hành năm 1986. Quyết định đúng này đã dẫn đến thành công thương mại ngay lập tức.

Với những bản hit kinh điển như “You Give Love a Bad Name”, “Wanted Dead or Alive” và “Livin on a Prayer”, album đứng vững tám tuần ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard 200 của Mỹ và trở thành album bán chạy nhất năm 1987, củng cố vị thế “Ban nhạc rock ngôi sao”.

Cho đến nay. “Slippery When Wet” vẫn là album bán chạy nhất của Bon Jovi, đạt được đĩa bạch kim (PLATINUM) của RIAA 12 lần và trở thành một trong 100 album bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc Mỹ. Bon Jovi dành cả năm để lưu diễn album này với 130 buổi diễn trong vòng lưu diễn “Tour Without End” thu về hơn $28 triệu.

Album thứ tư được phát hành vào Tháng Chín, 1988, có tựa “New Jersey”, nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số 1 trên các bảng xếp hạng ở Mỹ, Canada, Ireland, New Zealand, Anh và Úc. “New Jersey” có 5 bản hit lọt vào Top 10 trên Billboard Hot 100. Riêng “Bad Medicine” và “I’ll Be There for You” đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng. Nhưng video nhạc (MV) “Living in Sin” (Sống trong tội lỗi) bị kênh âm nhạc MTV chặn lại vì nội dung khiêu dâm, buộc phải chỉnh sửa trước khi phát sóng và thành công.

Tính đến nay, Bon Jovi đã đến 22 quốc gia và biểu diễn trong hơn 230 buổi trong các chuyến lưu diễn thế giới từ 1989 đến 1990 trước khi tạm ngừng hoạt động. Sau đó, Jon và Richie cũng rất thành công với các album solo. Jon kết hôn với người yêu thời trung học Dorothea Hurley, tại Graceland Wedding Chapel (Nhà nguyện Đám cưới Graceland) ở Las Vegas khi dừng chân trong chuyến lưu diễn New Jersey. Họ có với nhau bốn người con.

Jon Bon Jovi và cô bạn gái Dorothea Hurley – người trở thành vợ và sanh cho anh được bốn người con. Trong ảnh: Jovi và Hurley tại lễ trao giải Rockers ’85, tổ chức tại khách sạn Sheraton Premiere ở Los Angeles, California, Tháng Ba năm 1985. (ảnh: Vinnie Zuffante / Michael Ochs Archives / Getty Images)

Cá tính và đam mê

Không hài lòng với ngành công nghiệp âm nhạc, Jon cho sa thải nhiều cố vấn kinh doanh lâu năm của mình, gồm cả người quản lý McGhee vào năm 1991, và thành lập công ty quản lý riêng Bon Jovi Management. Ban nhạc thay đổi xu hướng âm nhạc một lần nữa với phong cách pop-metal nghiêm túc hơn với sự hợp tác của nhà sản xuất Bob Rock (từng sản xuất cho Metallica và Aerosmith) trong album thứ năm “Keep the Faith” phát hành năm 1992. Tiếp theo là album “Cross Road” thành công nhất năm 1994 với hai bản hit “Always” và “Someday I’ll Be Saturday Night”. “Always” trở thành đĩa đơn bán chạy nhất của Bon Jovi và đứng đầu 6 tháng liền trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100.

Nhưng mọi thứ không suôn sẻ với ban nhạc như âm nhạc của họ. Đầu tiên là Alec John rời nhóm vào năm 1994. Jon nói: “Tất nhiên là rất đau lòng. Nhưng tôi đã học cách chấp nhận và tôn trọng anh ấy. Sự thật tôi là một người nghiện công việc, trong phòng thu, ngoài phòng thu, trên bục diễn, ngoài bục diễn và sống với âm nhạc cả ngày lẫn đêm. Điều đó không có nghĩa là bắt các đồng nghiệp phải làm như thế. Alec muốn nghỉ việc từ lâu rồi, nên tôi không ngạc nhiên”.

Năm 1995, Bon Jovi thu âm album “These Days” và đi lưu diễn 126 show trước khi trở về Mỹ và họ đồng ý tạm nghỉ hai năm để nạp năng lượng. Năm năm sau album “Cross Road”, Bon Jovi mới tung ra “Crush” vào Tháng Sáu, 2000 thu âm tại Island Records, và trở thành album đầu tiên của ban được đề cử giải Grammy. “It’s My Life” trong album cũng là một trong những ca khúc thành công nhất của ban tính đến nay.

Mùa Xuân năm 2002, Bon Jovi lại thu âm album phòng thu thứ tám “Bounce” bị ảnh hưởng bởi vụ khủng bố ngày 11 Tháng Chín. Album “Have a Nice Day” phát hành Tháng Chín, 2005 có ca khúc “Who Says You Can’t Go Home” đạt vị trí số 1 trên Billboard Hot Country Songs và Tháng Hai, 2007 mang về cho Bon Jovi giải “Grammy Best Country Collaboration with Vocals” chia sẻ với ca sỹ Jennifer Nettles.

Chuyến lưu diễn album “Have a Nice Day” rất thành công về mặt thương mại, thu về $191 triệu với hơn hai triệu người hâm mộ xem ban nhạc biểu diễn trong hai năm 2005-2006. Chuyến lưu diễn “Lost Highway Tour” bắt đầu từ Tháng Mười, 2007 và kéo dài đến Tháng Bảy, 2008, là chuyến lưu diễn đạt doanh thu cao nhất trong thế giới âm nhạc năm 2008 với $210 triệu tiền vé thu được. Tháng Sáu, 2009, Jon và Richie được vinh dự đưa vào “Songwriters Hall of Fame” (Đại sảnh Danh vọng Nhà soạn nhạc) và Bon Jovi phát hành album phòng thu thứ 11 “The Circle”.

Jon Bon Jovi, vợ và các con tại lễ giới thiệu “Đại sảnh Danh vọng Rock & Roll” lần thứ 33 hồi Tháng Tư năm 2018 ở Cleveland, Ohio. (ảnh: Kevin Mazur / Getty Images)

Theo tạp chí Forbes, Jon là một trong những nhạc sĩ được trả lương cao nhất thế giới, kiếm được khoảng $125 triệu trong năm 2011. Có thời điểm, Jon sở hữu đội bóng chuyên nghiệp Philadelphia Soul của tiểu bang Pennsylvania, và được xem là một trong những người có ảnh hưởng và quyền lực nhất trong kinh doanh âm nhạc.

Năm 2018, Jon tiết lộ ban nhạc đang thu âm album phòng thu thứ 15 và sẽ phát hành trong năm 2020, kèm một chuyến lưu diễn dài ngày. Nhưng dự tính này phải hoãn do đại dịch COVID-19 cho mãi đến Tháng Mười 2021, album được phát hành. Ngày 7 Tháng Một, 2022 ban nhạc thông báo chuyến lưu diễn sẽ bắt đầu trở lại vào Tháng Tư, 2022 với các buổi biểu diễn trên khắp nước Mỹ. Nhưng nhóm vừa trải qua một cú sốc khi Alec John qua đời ở tuổi 70, vào ngày 5 Tháng Sáu. Chuyến lưu diễn phải tạm ngưng.

Đọc thêm:

-Con gái của ông chủ Huawei chiến thắng tại Cannes: Dân mạng Trung Quốc cười mỉa

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: