Bức Ảnh    

Một hồi ức với nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang
Một hoạt động của phong trào Du Ca tại miền Nam trước 1975 (file photo)

Thấm thoát đã một năm trôi qua ngày Nguyễn Đức Quang, con chim đầu đàn của Phong Trào Du Ca Việt Nam đã lìa bầy ngày 27-03-2011. Nhân dịp giỗ đầu của anh, hồi tưởng lại những sinh hoạt thân thương mà chúng tôi đã có, tôi viết lên đây một kỷ niệm tuy thật nhỏ bé, chả có gì gọi là đặc biệt, thế nhưng nó là sự khởi đầu của tôi dính liền với phong trào du ca nói chung và với Nguyễn Đức Quang nói riêng, đã ăn sâu một nền văn nghệ cộng đồng trong tôi và kéo dài mãi cho đến hôm nay.

Mảnh kỷ niệm này anh Nguyễn Đức Quang vẫn luôn nhớ và đã kể lại cho tôi cùng các bạn nghe trong lần họp mặt “30 Năm Sinh Hoạt Cộng Đồng” tại Cali năm 1997, và tôi cũng có dịp kể lại cho anh và các bạn nghe lại trong buổi văn nghệ “Tình Ca Người Hát Rong” tại Hòa Lan năm 2010 trong dịp anh đi thăm Âu Châu cùng bằng hữu. Hôm nay một lần nữa, tôi ghi lại đây với tất cả lòng quí mến và thương nhớ tới người anh tinh thần Nguyễn Đức Quang của tôi đã muôn trùng xa cách.

Tác giả và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

Sinh nhật tuổi mới lớn của tôi rơi đúng vào ngày đại hội du ca toàn quốc lần thứ I, năm 1967, nhóm họp tại khuôn viên trường Đại học Văn Khoa (cũ) tọa lạc trên đường Gia Long Sài Gòn. Chúng tôi gồm bốn người, đại diện cho đoàn Du Ca Lòng Mẹ tại Ban Mê Thuột kéo nhau về dự. Mặc dù tôi đã thành lập đoàn Du Ca Lòng Mẹ năm 1966 khi đoàn còn mang tên là đoàn Thanh Ca Tác Động nhưng khi tình cờ nghe được những bản nhạc này bởi Huỳnh Long Hải thuộc đoàn Thanh Ca Tác Động Long An hát, trong lòng tôi vẫn dâng một niềm cảm mến vô biên người nhạc sĩ, tuy chưa được diện kiến nhưng vẫn coi anh như một thần tượng.

Từ bến xe đò, chúng tôi tìm đến điểm hẹn tập trung. Vào khuôn viên trường, tôi phải đi qua những căn phòng nhỏ thấy đề bảng CPS, rồi bảng Thanh Niên Thiện Chí, rồi bảng Nguồn Sống… Cuối cùng là một phòng sinh hoạt thật lớn có nhiều người đang lui tới: Phong Trào Du Ca Việt Nam.

Tôi rụt rè lấp ló nhìn vào trong, bất chợt có một người đi ngược ra gặp tôi hỏi:

– Em tìm ai?

– Dạ, em muốn tìm anh Nguyễn Đức Quang ạ.

– Vào đi em, Quang đang ở trong đó. Hôm sau tôi mới biết tên anh ấy là Huỳnh Đắc Đậu, một người thật dễ thương, vui tánh, luôn hòa đồng với mọi người, sẵn sàng để mọi người đem ra làm trò diễn kịch.

Vào phía trong hội trường, tôi thấy nhiều người đang bận rộn treo biểu ngữ trên sân khấu. Người thì đang kê bàn, treo đèn, kết hoa… Bên cạnh tôi dựng một cái thang và có người đang đứng trên đó gắn bóng đèn, thấy tôi liền hỏi vọng xuống:

– Các em mới đến đó hả? Đơn vị nào đấy?

Tôi hỏi:

– Dạ chúng em thuộc đoàn Du Ca Ban Mê Thuột. Em muốn gặp anh Nguyễn Đức Quang ạ.

– Ờ! anh đây, chờ anh một tí.

Tôi giật mình. Thì ra người mình đang muốn tìm là đây. Tôi ngước lên nhìn, thấy một người thanh niên chắc lớn hơn tôi 5-7 tuổi là cùng, mặc một chiếc sơ mi trắng ngắn tay, quần kaki vàng và mang đôi sandals nhựa có quai, dáng dấp của một học sinh chứ không phải dáng … “thần tượng” như tôi nghĩ. Lòng chợt trùng xuống, đôi chút thất vọng…

Lúc còn ở quê nhà chúng tôi đã học thuộc và tập cho nhau những bài ca có tinh thần yêu quê hương đấu tranh thật hào hùng và bất khuất của dân tộc. Qua những bản nhạc của Nguyễn Đức Quang, tôi đã học được những bài học thật hữu dụng, thực tiễn hơn là những bài trong lớp mà thầy cô giáo đã dạy.

“… Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng giờ qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam,triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng…

Hình ảnh qua lời nhạc của Nguyễn Đức Quang phải là một người vạm vỡ, bắp thịt săn tròn, tung xiềng như Phù Đổng hiên ngang. Chứ sao giờ thấy cái cổ thì dài thoòng, thân mình mảnh mai gió thổi cũng bay, mái tóc chẻ ngôi vắt ngang một bên, cái miệng hô ra, cười cười …

“Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận
Đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn
Đường ngày qua đầy vết kinh hoàng
Mỗi xóm làng một dở dang.
Đường ruộng ngô đến xóm dừa chưa cùng
Đường ngông cuồng đường trường chinh vẫn ruổi rong
Đường mồ hôi tràn đến lưng đồi
Lúa yêu người hẹn về bước rong chơi
……

Nhưng càng mưa giông càng vươn tới
Bước chân hùng còn đi rất hăng
Đi dựng lấy huy hoàng
Giống da vàng này là vua đấu tranh …”

Như một bài địa lý về đất nước Việt Nam, rộng lớn đến độ từ thuở chào đời đến nay, nào ai có thể đi hết được? Tôi nghĩ thế. Nguyễn Đức Quang như một Hercule với đôi chân rắn chắc rong ruổi đường dài, bước trên mọi chông gai, thế sao bây giờ tôi lại thấy Nguyễn Đức Quang với hai cánh tay lêu khêu và cái miệng rộng đến mang tai thế kia. Hình ảnh một chàng trai hào hùng mà tôi đã hình dung tưởng tượng ra, mà tôi đã nắn nót vẽ trên bìa giấy hẹn sẽ tặng anh lúc gặp gỡ, nay trở thành kịch cỡm vô duyên quá.

Tối hôm đó, tất cả du ca viên khắp nơi đã tề tựu đông đủ. Chúng tôi ngồi thành vòng tròn quây quần trong hội trường, dưới ánh sáng chỉ đủ soi tỏ những mái đầu xanh. Chúng tôi cùng nhau hát những bài ca quen thuộc của du ca. Nguyễn Đức Quang đứng ở giữa vòng tròn, anh khom người cong chân, rồi vung tay lều khều đánh nhịp:

“… Ta còn những người thật yêu nhau biết bao thiết tha
Chưa gặp bao giờ mà đã quá uống máu ăn thề
Giam mình trong lòng thành đô kia sống nơi ấp quê
Nhưng tình cao vời đòi yêu thương khắp luôn thế gian
…………

Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang chiến tranh
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang khó khăn
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa ấm êm… “

Cánh tay của anh dang dài như bao phủ trên đầu chúng tôi, đôi cánh tay ôm trọn tiếng hát của chúng tôi đổ ra, rồi tung lên cao vụn vỡ rơi rớt lên tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi càng vươn vai hát lớn. Chúng tôi hát bằng trái tim thật trong sáng, thật non nớt của tuổi chưa đầy đôi mươi. Chúng tôi chưa được nghe đến những giáo điều, chủ nghĩa, chính kiến, những tuyên ngôn tung trời của loài người.

Chúng tôi chỉ biết lúc chào đời cho đến nay toàn thấy cảnh chiến tranh dày xéo trên quê hương, người dân phải sống trong cơ cực của thiên tai lũ lụt, chiến đấu với miếng cơm manh áo. Chúng tôi chưa biết đến tình yêu trai gái, nhưng điều chắc chắn chúng tôi đang có là một trái tim và một bầu máu nóng đang sôi sục trong những trại công tác thiện nguyện trong dịp nghỉ hè, trong những mái trường bằng tre lá được cất lên vội vã nơi những thôn làng bản ốc xa. Chúng tôi đang học và đang hành những bài công dân thật đơn giản mà nhiều người đã hay bị lãng quên.

Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau
Nghi ngờ nhau, khích bác nhau
Cho cay cho sâu, cho thật đau

Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông
Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đầu
Thế giới ngày nay không còn ma quái
Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi
chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi

Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê
Cứ bắt tay từ từ chúng ta giải quyết
Mình chậm chân theo sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viễn vong
Thắc mắc ngại ngùng đến lúc nào mới làm xong …

… Không đâu! đó chỉ là tỷ dụ mà anh Quang nêu cho cho chúng tôi thấy lớp đàn anh của chúng tôi đã vấp phải như thế đó. Giờ đây trong căn phòng này chúng tôi đang ngồi sát bên nhau, kề vai nhau, tay nắm tay nhau. Chúng tôi không nhìn nhau nhưng tất cả đang cùng nhìn về điểm giữa, con tim đang cùng một nhịp thở, mọi người đều hát lên một câu cùng ý nghĩa, theo cùng một chỉ đạo hướng dẫn của cái dáng người nhập nhô đứng giữa vòng.

“… Hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền
Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến
Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt
Hy vọng đã vươn dậy như làn tên, đang rực lên, trong màn đêm …

Niềm xúc cảm mạnh mẽ dâng lên, dường như có giọt nước mắt nào long lanh, và hình như tôi đã có cảm tình với bóng hình mảnh khảnh này.

Lìa nhau mây đen lớp lớp, về đây che khuất, che khuất mẹ hiền
Mẹ buồn nhìn đời khốn khó, đàn con gieo thêm lắm, thêm lắm ưu phiền
Mẹ khuyên khuyên con tiếng nấc nghẹn ngào:  à ơi con hỡi đừng lìa nhau
Đạn bay trên non cao, hay đạn tuôn về xóm nghèo
Lìa nhau cho non nước tiêu điều

Ai từng đi trên đường Việt Nam.
Bước âm thầm và tim nát tan.
Bao lòng tham chất chứa đầy
những mưu đồ bạo tàn đang ngăn lối.
Nhưng càng mưa giông càng vươn tới.
Bước chân hùng còn đi rất hăng.
….”

Cái chân khẳng khiu của anh xoay chuyển chống đỡ, đạp lên niềm kiêu hãnh, bước theo nhịp con tim.

Cho đàn em tôi còn bỡ ngỡ nơi sân trường
Đi kiếm tình thương trong tập sách in đen
Em say sưa học cố vươn lên
Trong khi cô thầy bỗng lo hơn
Bao nhiêu năm dạy chưa thấy niềm tin

Cho người bạn trai mà bạn gái rất mơ mộng
Hay cố đùa vui theo ngày tháng long đong
Nay cho ra đời đứa con trai
Mai sinh thêm một gái đông vui
Theo gương cha mẹ bơ vơ rồi đói …”

Tiếng hát như gào thét thiết tha, như năn nỉ kể lể, như trách móc giận hờn, thoát ra từ cái miệng rộng đến mang tai kia. Sự trông chờ của con người Việt Nam đau khổ khiến cái cổ dài của anh lại càng dài thêm. Chúng tôi hát say sưa bên nhau như chưa từng được hát, mà quả  thật như thế, đây là lần đầu tiên chúng tôi từ bốn hướng trở về, cùng hát một lời ca, cùng mang một tâm trạng, cùng gõ một nhịp tim với cánh tay bao phủ trên đầu.

Rõ thật Nguyễn Đức Quang đứng đó, không còn là Nguyễn Đức Quang thư sinh ban đầu của tôi nữa. Anh thật mạnh mẽ như người lực sĩ đang phô bày những bắp thịt căng tràn, tiếng hát của anh hùng hồn, không cần đến máy phóng thanh, vang vang như dẫn lối, như truyền khẩu. Lời hát của anh là một nhắc nhở, một lời khuyên nhủ, hay một khuyến cáo. Nó ngầm chứa một sự đau khổ, một chút phẫn nộ, và cả lòng tự hào dân tộc nữa.

“Chuyện Việt Nam ta mấy mươi năm
Mấy trăm năm hay đã hơn ngàn năm
Mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang
Trên đường đi vẫn đầy bóng tối tăm
Ôi quê hương ơi đẹp tươi đứng trong trời đất
Ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất…”

Mấy trăm cái miệng cũng ngoạc lớn theo anh. Những nhịp chân nhún nhảy của anh dội ngược vào lòng chúng tôi. Tôi thấy anh quả cao lớn và quyền uy nơi đây. Anh không yếu đuối như tôi tưởng, và hình ảnh tôi đã tưởng tượng con người to lớn vai u thịt bắp mà tôi đã vẽ ra, vẫn còn nằm trong balô kia quả đúng không sai. Tôi yêu và tôi thích cái dáng dấp này của anh. Cám ơn anh đã cho tôi ôn lại những bài học Sử Ký, Địa Lý, Công Dân Giáo Dục, tình Nhân Bản…, qua những bài hát của anh. Tôi yêu quý anh và cho nên tôi yêu quý Du Ca vô cùng.

Hôm chia tay trở về, tôi bồn chồn lui tới quanh co một hồi. Điều này không tránh khỏi ánh mắt với sự thắc mắc của anh. Anh hỏi:

– Có chuyện gì không em?

Tôi rụt rè chìa ra tấm hình đã vẽ:

– Em định tặng anh tấm ảnh này, mặc dù có thể không giống anh lắm, nhưng đó là sự tưởng tượng của em về anh. Xin anh nhận cho.

Anh Quang cầm tấm ảnh đưa lên xem, rồi há miệng cười ha hả.

Tôi thở dài nhẹ nhõm…

*****

MỜI XEM THÊM:

Bên kia sông, nhớ người nhạc sĩ Du Ca

Phong trào Du Ca Việt Nam, và giấy phép thành lập

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: