Đối với nhiều người, bài hát “Hai mùa Noel” gợi cho nhiều kỷ niệm của những câu chuyện tình, những người yêu nhau những năm trước 1975.
Thật vậy, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, còn gọi là Vương cung Thánh đường là nơi lưu dấu nhiều chuyện tình trong tân nhạc Việt Nam. Đó là những buổi hẹn hò của nhạc sĩ Vũ Thành An với cô xướng ngôn viên, sinh viên trường Luật mà sau này đã để lại cho tân nhạc Việt Nam những bài Không Tên bất hủ. Đó là những vạt nắng chiều phủ xuống đại lộ Thống Nhất qua vóc dáng của những tà áo nữ sinh khiến nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không khỏi xao xuyến, vội vàng gửi vào nhạc những giai điệu đẹp lạ lùng. Và cũng chính nơi này, chỉ với giây phút tình cờ trong một đêm Đông mùa Vọng, trước Vương Cung Thánh Đường ở Sài Gòn năm 1972, nhạc sĩ Đài Phương Trang đã viết lên tuyệt phẩm “Hai mùa Noel.”
Đó là một câu chuyện tình…
Họ là đôi trai gái quen nhau bên giáo đường, cùng nghe lời kinh cầu. Đó là mùa Giáng Sinh đầu tiên họ có nhau, yêu nhau và thầm nguyện cầu sẽ cưới nhau vào mùa Noel năm sau. Thế nhưng, nguyện ước đã không thành. Vì lý do nào đó, họ đã chia tay nên chỉ còn một người đứng đợi chờ, nhớ lại mùa Noel năm cũ…
Câu chuyện ngày xưa được ông kể lại trong ký ức còn nguyên vẹn:
“Tôi đến Vương cung Thánh đường khoảng 21 giờ. Tôi thấy một thanh niên với dáng vẻ đợi ai đó. Sau khi tan lễ, tôi là một trong những người cuối cùng ra về và thật bất ngờ, người thanh niên vẫn đứng đợi.”
Sau khi nhận được lời yêu cầu viết ca khúc mới cho cuốn băng Sơn Ca 3 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nhạc sĩ Đài Phương Trang nhớ lại hình ảnh chàng thanh niên đứng đợi trước Vương cung Thánh đường. Từ đó, ông đã viết bài Hai mùa Noel chỉ trong một đêm.
Nôi dung bài hát cùng với ca từ đầy chất thơ, giai điệu nhẹ nhàng đã nhanh chóng trở thành bài hát ăn khách nhất ngay khi vừa phát hành năm 1972 trong cuốn băng Sơn ca 3 với chủ đề: Mừng Giáng sinh, Tình yêu và Thanh bình.
Một ngày nọ, nhạc sĩ Đài Phương Trang nhận được bức thư của một người tên Thanh gửi đến. Trong thư, Thanh tự nhận mình là chàng trai đứng đợi người yêu nhưng nàng đã không đến trong bài hát Hai mùa Noel. Lá thư khiến nhạc sĩ Đài Phương Trang vô cùng ngạc nhiên.
Ông quyết định gặp người viết lá thư để xem có đúng người mình đã gặp trong đêm Giáng sinh trước đó không.
“Và thật bất ngờ, đúng là anh ấy”, nhạc sĩ nói.
Theo lời Thanh kể, mùa Giáng sinh đó, anh và người yêu giận nhau. Thanh đã đứng đợi ở Nhà thờ Đức Bà vì nghĩ rằng người yêu sẽ đến. Tuy nhiên, nàng đã không đến và Thanh đã chờ từ chiều đến khuya Giáng sinh năm đó.
Rồi sau này, họ hết giận nhau nhưng cô gái đã không tin việc đứng đợi đến nửa khuya của người yêu. Thanh chỉ còn biết nhờ đến lời bài hát Hai mùa Noel để chứng minh. Anh đưa người yêu đến gặp nhạc sĩ Đài Phương Trang.
Khi ấy, chính cô gái cũng bất ngờ. Cô đã nghĩ rằng cuộc tình của mình đã kết thúc vì sự giận hờn của tuổi trẻ. Nhưng nhờ ca khúc Hai mùa Noel, họ đã cho nhau cơ hội lần nữa.
Và chẳng bao lâu, nhạc sĩ Đài Phương Trang nhận được thiệp cưới từ đôi bạn này.
Câu chuyện tình “Hai mùa Noel” có một kết thúc đẹp.
Rồi cuộc loạn ly xảy ra.
Năm 1975, những chuyện tình trong nhiều ca khúc đẹp của tân nhạc Việt Nam có thể đã không còn như mộng tưởng. Những chuyện tình vỡ tan theo phận nổi trôi, nước mắt và chia lìa. Những mùa Giáng sinh an lành của miền Nam mơ mộng của mội thời giờ đã chìm vào lạnh giá của nước mắt, thương đau và chìm khuất.
Chuyện tình thật của “Hai mùa Noel” năm nào rồi cũng trở thành ảo ảnh. Nhạc sĩ Đài Phương Trang đã không còn gặp lại đôi tình nhân mùa Giáng sinh năm đó.
“Đã hơn 40 năm, tôi không còn gặp lại họ. Tôi mong họ được hạnh phúc”, ông bùi ngùi.
Hai mùa Noel tiếp nối
Thời gian hơn nửa đời người đủ dài để những sự chờ đợi, đau buồn chuyển tiếp thành niềm tin vào ánh sáng của con đường phía trước.
“Hai mùa Noel 2” mà nhạc sĩ Đài Phương Trang vừa hoàn thành cũng vẫn là câu chuyện của chàng trai trong bài “Hai mùa Noel”. Nhưng, 20 năm sau, anh trở lại Nhà thờ Đức Bà. Cuộc tình xưa không thành. Anh đứng trước nơi từng hò hẹn cũng vào đúng đêm Giáng sinh và văng vẳng nghe ca khúc “Hai mùa Noel”. Nhưng lần này, người con trai đã không đợi chờ ai, anh chỉ đến để nghe Kinh thánh và những tiếng chuông vang xa.
“Trong bài Hai mùa Noel 2, người con trai ấy nhận ra sự tương hợp của cuộc đời, tình đến rồi tình đi. Qua những lời kinh, anh mong cho những cuộc tình của hiện tại và tương lai không bao giờ bị hoàn cảnh như mình”. Nhạc sĩ Đài Phương Trang nói thêm về sáng tác mới của ông.
“Bài Hai mùa Noel tôi viết theo điệu slow rock nhưng bài Hai mùa Noel 2 theo điệu bolero”.
Sài Gòn đang đón Giáng sinh. Đó là dịp để nhiều người nghe lại Hai mùa Noel để cảm nhận không khí đêm Giáng sinh. Không những thế, qua bài hát, nhiều người còn nghe cả những kỷ niệm của một thời Sài Gòn trước 1975 đã từng đẹp, lung linh với những chuyện tình ngây thơ và trong sáng không phai mờ theo tháng năm. Nhạc sĩ Đài Phương Trang tên thật là Phạm Vũ Anh Tứ, sinh năm 1940. Ông là nhạc sĩ nổi tiếng thập niên 1970 qua các nhạc phẩm được yêu thích như: Hai mùa Noel, Hoa mười giờ, Người yêu cô đơn, Tình nghèo có nhau… Sau năm 1975, nhạc sĩ Đài Phương Trang vẫn tham gia sinh hoạt văn nghệ. Ngoài vai trò là một nhạc sĩ, ông còn là một giáo viên được nhiều thế hệ học sinh yêu mến. Hiện tại, ông sống ở quận Bình Tân, Sài Gòn.