Ca sĩ đỏ hát nhạc vàng: Có thay thế được thế hệ cũ?

Ảnh: Kelly Sikkema/Unsplash

SGN: Gần đây có cuộc tranh cãi dữ dội về chuyện thưởng thức trên không gian mạng. Người yêu thích những giọng hát mới trong nước sau 1975 nói rằng họ hài lòng với việc thưởng thức. Thế nhưng vẫn có một lớp khán giả – bao gồm cả những người trẻ – nhận định rằng mãi mãi ca sĩ nhạc đỏ không bao giờ có thể trình bày trọn vẹn được tinh thần lẫn phong cách đặc biệt của nền âm nhạc VNCH. Nói cách khác, họ hát không có hồn. Dưới đây là nhận định của tác giả Chương VT, một nhà báo chuyên về âm nhạc, gửi riêng cho SGN. Quý độc giả nghĩ như thế nào về điều này? Hãy gửi về chúng tôi góc nhìn riêng của quý vị…

____

Nếu nói ca sĩ miền Bắc hát nhạc miền Nam trước 1975 thì không phải bây giờ mới trở thành câu chuyện, mà từ hơn 10-20 năm trước, đã có các ca sĩ như Thu Hiền, Bằng Kiều… Lâu hơn nữa thì có Ái Vân – một trong những giọng ca nhạc đỏ nổi tiếng nhất thế hệ cô, người bất ngờ từ bỏ quê hương để định cư nước ngoài và sau đó tham gia làng nhạc hải ngoại. Cô hát trong nhiều chương trình Paris By Night, được nhiều người quan tâm, nhưng khó có thể nói Ái Vân đã thành công với dòng nhạc miền Nam tại hải ngoại, nếu so với thời đỉnh cao khi cô hát nhạc đỏ vào thập niên 1970-1980. Một người quen biết, từng là bộ đội, kể rằng thời còn chiến tranh vào khoảng năm 1974, ông và nhiều đồng đội đã chuyền tay nhau tấm hình cô ca sĩ trẻ xinh đẹp Ái Vân và xem như một báu vật. Như vậy mới thấy cô từng nổi tiếng như thế nào.

Bây giờ, khi nói đến ca sĩ miền Bắc hát nhạc vàng, người ta nghĩ ngay đến Lệ Quyên. Từ một ca sĩ hát nhạc trẻ không nổi bật lắm, khi chuyển sang nhạc vàng, Lệ Quyên lại thành công vang dội. Lệ Quyên hiện có lực lượng fan hùng hậu, liveshow nhạc vàng nào cũng kín khán giả, và các album Khúc Tình Xưa 1,2,3 của cô phát hành được số lượng đáng mơ ước vào thời điểm hiếm ai còn mua CD. Tuy nhiên, Lệ Quyên hát nhạc vàng có hay không?

Lệ Quyên xây dựng tên tuổi như một ca sĩ kế thừa dòng nhạc vàng nhưng không ít người vẫn không thể nghe nổi giọng ca nhạc vàng thế hệ mới này (ảnh: PLO)

Điều này dĩ nhiên một mình tôi không thể khẳng định, vì nhu cầu thưởng thức âm nhạc mỗi người khác nhau và cách cảm thụ khác nhau. Với cá nhân mình, tôi chưa bao giờ nghe trọn vẹn một bài nhạc vàng mà Lệ Quyên hát. Tôi đã nghe nhạc vàng từ 30 năm qua. Tôi cũng làm việc trong lĩnh vực âm nhạc hơn 15 năm liên tục. Sở thích của tôi thiên về original, tức là những thứ nguyên bản, chủ yếu là những gì thuộc về thế hệ ca sĩ trước 1975. Tôi vẫn nghe những ca sĩ thế hệ sau này như Tuấn Vũ, Trường Vũ hoặc Như Quỳnh, nhưng tôi vẫn không nghe nổi Lệ Quyên hát nhạc vàng.

Nhiều người có thể nghĩ, như phần đông người yêu nhạc vàng, tôi đã “kỳ thị” Lệ Quyên. Thật ra là không. Từ khi Lệ Quyên mới đi hát, tôi đã theo dõi từng bước đi đầu tiên của cô, cũng thích nghe cô hát những bài nhạc trẻ như Giấc Mơ Có Thật, Thôi Đừng Chiêm Bao, Về Bên Em… Điều đó cho thấy tôi không “kỳ thị” ca sĩ trẻ nói chung. Vậy thì tại sao tôi không thích nghe Lệ Quyên hát nhạc vàng? Đơn giản vì tôi không thấy xúc động hay rung cảm. Đây là dòng nhạc mà ca sĩ phải đưa cảm xúc vào bài hát, và để được điều đó, ca sĩ phải hiểu nội dung bài hát, ý tứ từng câu chữ, có trải nghiệm nào đó với câu chuyện của bài hát, và nếu biết được hoàn cảnh sáng tác bài hát nữa thì thật tốt.

Tôi thấy Lệ Quyên nói riêng và hầu hết ca sĩ trẻ hiện nay hát nhạc vàng chưa “đã”. Họ hát một cách vô hồn, dù tiếng hát của họ được đệm bằng kỹ thuật ghi âm hiện đại với âm thanh tốt gấp nhiều lần ngày xưa. Hầu hết ca khúc nhạc vàng ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh. Các tác giả đã mang nỗi buồn loạn lạc, ly tán vào ca từ, nội dung bài hát chủ yếu là hoài niệm và do vậy giọng hát cũng cần ít nhiều sự từng trải. Trong khi đó, Lệ Quyên và nhiều ca sĩ ngày nay khi hát nhạc vàng lại vận dụng quá nhiều việc phô diễn kỹ thuật. Nói như vậy không có nghĩa hát nhạc vàng thì không cần kỹ thuật, vì thực tế các ca sĩ huyền thoại của nhạc vàng luôn cần mẫn luyện giọng. Tuy nhiên kỹ thuật hát nhạc vàng khác với kỹ thuật hát nhạc nhẹ hoặc nhạc thính phòng… Thế hệ ca sĩ mà Lệ Quyên là đại diện lại áp dụng những công thức kỹ thuật lắt léo nên kết quả là bài hát trở nên khô cứng, sượng trân. Nghe nhạc vàng là nghe bằng con tim và hát nhạc vàng khác với đi thi tài năng và so tài trình độ thanh nhạc.

Thế hệ Lệ Quyên hát nhạc vàng không “tới” nhưng sao họ vẫn ăn khách? Ở đây cần biết khán giả của họ là ai. Fan của Lệ Quyên chẳng hạn, hầu hết là khán giả trẻ, chưa từng nghe, hoặc từng nghe, nhưng không cảm thụ được kiểu hát của thế hệ ca sĩ nhạc vàng trước đây. Tiếng hát Duy Khánh, Chế Linh, Giao Linh, Thanh Tuyền, Thanh Thúy… một thời lại từng bị chê bai là rền rĩ, bi lụy, sến sẩm… Kiểu miệt thị đó đã ăn sâu vào tâm khảm của một lớp người sinh sau, đặc biệt thế hệ 8x, 9x. Thế hệ trẻ này nghe nhạc vàng theo kiểu mới, hiện đại hơn. Họ không quan tâm đến chiến tranh hoặc những nỗi buồn thời cuộc được nhạc sĩ lồng vào bài hát. Họ nghe nhạc vàng đơn giản có khi chỉ vì quá chán ngán nhạc đỏ tuyên truyền.

Nói về một trường hợp khác, Bằng Kiều là ca sĩ miền Bắc nhưng có thể nói anh thành công khi hát nhạc miền Nam trước 1975. Cũng cần để ý một điều quan trọng là khi Bằng Kiều hát trên sân khấu Paris By Night, anh biết tiết chế, dù vẫn có những đoạn feeling tạo điểm nhấn kỹ thuật trình diễn. Tuy nhiên, anh đã không còn phô bày những đoạn “khoe” giọng hát. Cùng là ca sĩ miền Bắc hát nhạc miền Nam như Lệ Quyên, nhưng khi nghe Bằng Kiều, tôi thấy anh hát có cảm xúc, diễn cảm có hồn…

Cao Trí, Sài Gòn

Tôi lấy làm lạ và khó hiểu về việc tại sao ca sĩ trẻ hải ngoại hát nhạc vàng trước 1975 hay hơn ca sĩ trẻ trong nước. Thật khó có thể diễn tả chữ “hay” sao cho trọn nghĩa và đầy đủ. Chỉ “thấy” hay, thế thôi. Tôi tưởng đây là cảm giác cá nhân nhưng khi nói chuyện thì một số người quen – trong nước cũng như ở Mỹ, giới chơi nhạc cũng như người nghe bình thường – cũng có cảm giác tương tự dù gần như không ai có thể giải thích thấu đáo. Rốt cuộc, tôi cho rằng, sở dĩ có sự khác biệt là do yếu tố tinh tế trong diễn-ca.

Muốn hát nhạc vàng hay, ca sĩ giỏi – cho dù thuộc thế hệ nào và ở trong hay ngoài nước –phải là người biết cách “gọt” thật gọn kỹ thuật được đào tạo trường lớp và hạn chế tối đa phô bày kỹ thuật cá nhân để nhường chỗ cho biểu cảm một cách thành thật. Nhạc vàng là nhạc lòng. Nó cần sự thành thật khi biểu diễn chứ không phải sự khoe khoang kỹ năng thanh nhạc. Thử nghe Thanh Tuyền. Bà không hề có chút phô trương màu mè. Bản thân nhạc vàng gần như luôn mộc mạc, từ ca từ đến giai điệu. Nhạc vàng là cô gái có nhan sắc tự nhiên, và do vậy nó không cần tô thêm son, trát thêm phấn khi mang nó lên sân khấu…

____________

Ian Bui, Dallas, Texas

Từ góc độ người chơi nhạc, soạn nhạc, nhận xét về mặt kỹ thuật, tôi thấy đa số ca sĩ trẻ sau này thiếu chiều sâu, khi trình diễn hơi bị màu mè quá độ nhưng thiếu sự giản dị vốn không phải dễ có. Phần nữa, muốn diễn tả đúng cái hồn của nhạc vàng có lẽ phải học hỏi và hiểu biết nhiều hơn về cái thời đó. Và cũng không thể bỏ qua vai trò của người soạn hòa âm, ban nhạc v.v. Tôi có cảm giác như thiên hạ nghiêng về mặt kỹ thuật (âm thanh, nhạc cụ etc) nhiều hơn biểu cảm nghệ thuật.

_________________

Thúy Hà, Huntington Beach, California

Ca sĩ trẻ hiện nay, những người không có liên quan thực thể, không có cảm quan hay ký ức gì trực tiếp với không gian nhạc vàng trước 1975 thì đương nhiên họ không thể hát nhạc vàng theo đúng cái hồn mà những người từng sống cùng thời nhạc vàng cảm nhận. Đó là điều tất yếu. Để một ca khúc được thể hiện tốt, ca sĩ phải hát bằng cái hồn của họ, bằng hơi thở âm nhạc gắn liền với thời đại mình. Bây giờ giả sử Justin Bieber hát lại Imagine thì làm sao ra cái hồn Imagine của John Lennon?

Có người nói ca sĩ trẻ hải ngoại hát nhạc vàng trước 1975 có vẻ tốt hơn. Điều này đúng không? Ca sĩ trẻ hải ngoại (hát tiếng Việt) phục vụ cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại với nhu cầu tâm lý đặc thù là thương nhớ quê hương nuối tiếc quá khứ (Paris By Night hay Asia đều làm nhạc hướng theo các chủ đề này). Họ không có nhiều lựa chọn như ca sĩ trẻ trong nước (môi trường âm nhạc và nhu cầu rộng mở hơn) và như vậy đương nhiên các ca sĩ trẻ hải ngoại phải luyện rèn với dòng nhạc vàng. Do đó, họ có thể hát điêu luyện hơn chứ chưa hẳn hay hơn. Vì tiêu chuẩn “hay” cũng vô cùng, với cảm nhận của từng người, từng không gian, từng thời kỳ…

_____________

Nếu anh chị có ý kiến về chủ đề này, vui lòng thư về [email protected]. Chúng tôi sẽ đăng bài viết của anh chị như một cách mở rộng diễn đàn: “NHẠC VÀNG TRONG TIM TÔI”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: