Những ca khúc nhạc pop kinh điển bị cấm vì các lý do bất thường.
Lịch sử kiểm duyệt trên radio có từ lâu đời, với nhiều bài hát phải đối mặt với lệnh cấm hoặc hạn chế vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi “Strange Fruit” của Billie Holiday năm 1939 là một ví dụ điển hình về kiểm duyệt do định kiến chủng tộc thúc đẩy, thì sự trỗi dậy của thể loại nhạc rock ‘n’ roll vào những năm 1950 mở ra một kỷ nguyên mới của âm nhạc gây tranh cãi, dẫn đến nhiều lệnh cấm khác nhau.
Năm 1957, “Wake Up Little Susie” của Everly Brothers bị coi là quá “gợi cảm” vì mô tả cảnh những thiếu niên ngủ cùng nhau, mặc dù bài hát có nội dung vô hại. Một năm sau, “Splish Splash” của Bobby Darin bị cấm do có hình ảnh một người đàn ông bước ra khỏi bồn tắm mà không đề cập rõ ràng đến việc ông ấy có mặc quần áo vào hay không (chỉ quấn khăn tắm).
Bản ballad năm 1960 “Tell Laura I Love Her” của Ray Peterson, mô tả một cuộc đua xe thảm khốc, bị ngừng phát sóng để ngăn chặn hành vi lái xe liều lĩnh ở những người nghe trẻ tuổi.
Vào những năm 1960, nhiều trường hợp kiểm duyệt hơn nữa xảy ra. Vào năm 1970, bài hát “Puff the Magic Dragon” nghe có vẻ vô hại của Peter, Paul và Mary bị Phó Tổng Thống Spiro Agnew nhắm đến, người tuyên bố ca khúc này cổ súy cho việc sử dụng ma túy. Mặc dù nhạc sĩ Peter Yarrow khăng khăng rằng đó là một câu chuyện tưởng tượng, ông Agnew ngay lập tức phát động chiến dịch cấm các bài hát có liên quan đến ma túy.
“My Generation” của The Who phải đối mặt với lệnh cấm của BBC vào năm 1965, không phải vì tinh thần nổi loạn của nó, mà vì lời bài hát lắp bắp của Roger Daltrey, nghe như xúc phạm đến những người bị khiếm khuyết về giọng nói.
Năm 1967, “Let’s Spend the Night Together” của Rolling Stones bị cấm biểu diễn trên The Ed Sullivan Show. Với bản tính “nổi loạn,” họ từ chối, nhưng cũng đưa ra một thỏa hiệp, đồng ý thay đổi lời bài hát thành “let’s spend some time together” (hãy dành thời gian cùng nhau) ít mang tính gợi ý hơn. Trong chương trình trực tiếp, Mick Jagger hát “let’s spend some mmmm together” và đảo mắt lên trời, tỏ ý chán nản. Sullivan vẫn cấm họ xuất hiện trong chương trình một lần nữa.
Ca khúc “A Day in the Life” của The Beatles, phát hành năm 1967, cũng bị BBC cấm vì câu hát “found my way upstairs and had a smoke” (tôi lên trên lầu và hút thuốc) của Paul McCartney bị coi là ám chỉ đến ma túy.
“Lola” của Kinks đã bị BBC cấm vì đề cập rõ ràng đến Coca-Cola, buộc Ray Davies phải thu âm lại câu hát đó. Trong những năm 1980 và 1990, các sự kiện địa chính trị ảnh hưởng đến lệnh cấm phát thanh.
“Walk Like an Egyptian” của The Bangles thì bị ngừng phát sóng trong Chiến Tranh Vùng Vịnh Ba Tư và sau vụ tấn công ngày 11 Tháng Chín, nhằm mục đích tránh căng thẳng leo thang.
Năm 1992, “Cop Killer” của Ice-T và Body Count bị cấm. Sau khi bạo loạn nổ ra ở Los Angeles sau vụ đánh Rodney King, một cảnh sát ở Texas kêu gọi ngừng phát thanh bài hát của Ice-T và Body Count. Các cuộc bạo loạn không phải xuất phát từ âm nhạc, mà từ việc các cảnh sát da trắng của Sở Cảnh Sát Los Angeles được tha bổng sau khi họ bị quay video cảnh tấn công King. Ice-T tiếp tục bảo vệ bài hát, nói rằng có ý thức mạnh mẽ về công lý. Mang nội dung về việc tự vệ và trả thù chống lại lực lượng thực thi pháp luật tham nhũng, ông ví nó như bộ phim miền Tây “Unforgiven” (1992) của Clint Eastwood.