“Cánh Bướm Vườn Xuân” cuồng say với vũ điệu Mambo

Góc nhạc xưa
Minh họa: jennie-clavel-unsplash

Nhạc phẩm “Le Cerisier et Le Pommier Blanc” ra đời và đã sống vượt qua ranh giới giữa hai thế kỷ trong hơn 70 năm qua. “Cánh Bướm Vườn Xuân” là bản phóng tác của nhạc sĩ Huyền Vân từ nguyên bản ca khúc này…

Nguyên bản được ra mắt hồi năm 1950, với nhạc của Luis Guglielmi (bút danh là Louiguy) mang giai điệu Mambo vui nhộn, và lời của Jacques Larue, chuyển tải một câu chuyện tình đẹp với kết thúc có hậu.

Chúng ta có thể bắt gặp sự giao thoa giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt trong nội dung của bài hát. Trong khi người Việt ví von đôi trai gái mới lớn là mận là đào trong ca dao rằng:

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa:

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Hình ảnh mận trong ca dao hỏi đào xem đào đã có ai tỏ ý yêu đương hay chưa cũng giống như hình ảnh hoa đào, hoa táo trong “Le Cerisier et Le Pommier Blanc”, và từ hoa đào, hoa táo mà Jacques Larue liên tưởng đến đôi thiếu niên:

Thuở đó đôi ta chơi lò cò

Trong vườn đào, táo đã đơm hoa

Biết lòng ta đã yêu ngây ngất

Kề má trao em nụ hôn đầu

 

Lúc ấy rằng em tuổi trăng non

Đẹp tựa sắc hoa, chớm nụ đầu

Vốc tình tim trẻ yêu em sớm

Bởi sắc hương em, cuốn hút tim

 

Cành táo trong vườn trắng sắc hoa

Cành đào e ấp tỏa hương thơm

Biết rằng ta đã yêu ngây ngất

Với người con gái tuổi như tôi

 

Nhìn thấy hoa tươi quấn quít cùng

Tựa hồ chen chúc bó hoa xuân

Biết rằng ta đã yêu ngây ngất

Hoa cỏ yêu nhau ta cũng yêu

 

Một đêm hôm ấy hoa tươi mới

Hoa đào, hoa táo nở trong vườn

Trèo thang ngăn ngắn sang vườn mộng

Ở tuổi mười lăm tuổi biết yêu

 

Kẻ ngó người dòm ngăn cản tôi

Chớ có yêu chi tuổi dậy thì

Biết rằng ta sẽ yêu em mãi

Khi tình trao gửi chiếc hôn môi

 

Đợi chờ ngày đẹp, má hây hây

Em đội khăn voan đến nhà thờ

Hạnh phúc bên tôi, em sánh bước

Nguyện cầu tình đẹp mãi đôi ta

 

Vậy là đôi lứa đã nên duyên

Loan báo tin vui đến mọi người

Hoa đào, hoa táo trong vườn nở

Em với anh là cặp vợ chồng

 

Tháng ngày, ngày tháng tiếp trôi qua

Đã mấy xuân sang, mấy bận hè

Hoa đào, hoa táo thơm kết trái

Duyên tình ta cũng khác chi đâu

 

Câu chuyện tình tôi vẫn tiếp trôi

Giản đơn như điệp khúc xuân tình

Con đầu, con thứ, con thêm nữa

Tất cả là ba, vui hát ca

Minh họa: annie-spratt-unsplash

Le Cerisier et Le Pommier Blanc” được ca sĩ André Claveau thu âm và phát hành lần đầu tiên cũng vào năm 1950, trở nên phổ biến và nổi tiếng trên khắp thế giới kể từ đó cho đến ngày nay. Chính vì ý nghĩa nhạc ngữ mang tính lạc quan hòa quyện trong giai điệu Mambo vui tươi, nên nhiều ca sĩ khác lần lượt cover nguyên bản như là nam ca sĩ Tino Rossi (Tháng Tám 1950), nữ ca sĩ Gisele MacKenzie (1956), nữ ca sĩ Petula Clark (1962), nam ca sĩ Jean-Jacques Debout (1997).

“Le Cerisier et Le Pommier Blanc” lan rộng ra nhiều nước trên thế giới qua những bản phóng tác bằng nhiều ngôn ngữ, được nhiều ca sĩ trình bày, lần lượt có tựa đề là “Cherry Pink and Apple Blossom White” (tiếng Anh – 1951), “Ciliegi rosa” (tiếng Ý- 1951), “Frøken forår” (tiếng Đan Mạch – 1952), “Den ena röd, den andra vit” (tiếng Thụy Điển – 1952), “Cerezo rosa” (tiếng Tây Ban Nha – 1952), “Kaksi ruusua” (tiếng Phần Lan – 1955), “Den ene hvit, den andre rød” (tiếng Norwegian  – 1955), “Cánh Bướm Vườn Xuân” (tiếng Việt – 1957)… v.v.

Giai điệu Mambo là vũ điệu “điên cuồng” từ những năm cuối thập niên 1940 và những năm đầu thập niên 1950, mà thậm chí ngày nay nhiều người vẫn còn mê mẩn vũ điệu Mambo. Vì vậy, không thể không nói đến giai điệu Mambo của bản “Le Cerisier et Le Pommier Blanc” cũng như các bản phóng tác, được rất nhiều nghệ sĩ chơi nhạc cụ trên thế giới biểu diễn.

Thành công nhất là nghệ sĩ Perez Prado và dàn nhạc của ông (được mệnh danh là “Vua của vũ điệu Mambo”) đã thu âm giai điệu Mambo của phóng tác “Cherry Pink and Apple Blossom White”, và trở thành bản hit hồi năm 1954.

Nếu lắng nghe kỹ thì khán giả sẽ nhận thấy bản phóng tác “Cherry Pink and Apple Blossom White” đã được cắt bỏ phân đoạn có tiết tấu làm người nghe khó cảm thụ, và câu cuối được hát chay (không nhạc đệm) so với nguyên bản. Vì vậy bản phóng tác này càng trở nên lôi cuốn. Đây là phân đoạn được cắt bỏ:

Non, non, ne dites pas qu’à son âge

Vous n’étiez pas si volage

Non, non, quand deux lèvres vous attirent

J’en sais peu qui peuvent dire non.

Bản nhạc phóng tác Cánh Bướm Vườn Xuân được in ở Sài Gòn năm 1957 với hình ảnh cô Dung trong ban nhạc kịch Anh Đào – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Cuối thập niên 1950, Sài Gòn bắt đầu rộ lên xu hướng nhạc ngoại lời Việt. Vào năm 1957, nhạc sĩ Huyền Vân đã viết lời Việt từ nguyên bản “Le Cerisier et Le Pommier Blanc”, và lấy tựa đề là “Cánh Bướm Vườn Xuân”. Bản phóng tác của nhạc sĩ Huyền Vân cũng cắt bỏ phân đoạn trên.

Xin nói thêm, một số người lầm tưởng phóng tác “Cánh Bướm Vườn Xuân” là của nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên, tờ nhạc “Cánh Bướm Vườn Xuân” của nhà xuất bản Hoa Thủy Tiên được ấn hành lần thứ nhứt hồi năm 1957 ở Sài Gòn in tên tác giả lời Việt là Huyền Vân.

Nhạc sĩ Huyền Vân, tên thật là Trần Đỗ Lộc, có bút danh khác là Từ Vũ, quê quán Hà Đông. Ông di cư từ miền Bắc vào Sài Gòn hồi năm 1950. Nhạc phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài Gái Xuân, phổ thơ Nguyễn Bính. Hiện nay ông 91 tuổi.

Thường các bản nhạc ngoại lời Việt ra đời trong thập niên 1950 thì ngày nay người ta khó có thể tìm thấy lời Việt hay các bản ghi hình hay ghi âm trên Google hay trên YouTube. Tuy nhiên, khi tìm “Cánh Bướm Vườn Xuân” thì chúng ta có thể thấy hằng hà sa số kết quả.

Bản phóng tác lời Việt “Cánh Bướm Vườn Xuân” của nhạc sĩ Huyền Vân được nhà xuất bản Hoa Thủy Tiên in ở Sài Gòn hồi năm 1957 – Ảnh: Tidoo Nguyễn

Có rất nhiều video clip “Cánh Bướm Vườn Xuân” do nhiều ca sĩ thể hiện kể từ đó đến nay. Ngay cả hai trung tâm ca nhạc là Thúy Nga By Night và Trung tâm Asia cũng đã đem bài hát này vào chương trình ca nhạc của họ. Phiên bản của Trung tâm Thúy Nga By Night do ca sĩ Hồ Lệ Thu thể hiện, còn phiên bản của Trung tâm Asia do ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung trình diễn. Hòa âm của hai phiên bản này có phần sôi động hơn cả nguyên bản.

Nhiều ca khúc nguyên bản hay phóng tác chỉ “sống” trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, cũng có những bài hát “sống” từ thời này sang thời khác. Sau hơn 70 năm, “Le Cerisier Et Le Pommier Blanc” và phóng tác “Cánh Bướm Mùa Xuân” (66 năm) vẫn vang lên đâu đó trên thế giới và ở Việt Nam, gợi cho người nghe nhớ lại ký ức đẹp của một thời đã qua, trong đó có thể là những giây phút “cùng ai đó” cuồng say mê đắm trong vũ điệu Mambo của một thời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: