Huế, “nơi đi xa để mà nhớ, không phải là nơi sống để mà thương” (*)

Minh họa: Roméo A/Unsplash
Cảo Thơm Lần Giở
Cảo Thơm Lần Giở
Huế, thành phố của bí ẩn
Loading
/

Mời quý vị đọc lại một đoản văn về thành phố này của tác giả Lý Hoàng Phong. Ông tên thật là Đoàn Tường, sinh năm 1942 tại Huế, vào Nam làm báo, khởi nghiệp với truyện Sau Cơn Mưa đăng trên nhật báo Dân Chủ. Ông là anh ruột của nhà thơ Quách Thoại, cả hai đều cộng tác với tạp chí Sáng Tạo. Lý Hoàng Phong là chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ, biên tập viên Đài phát thanh Sài Gòn, chủ nhiệm nguyệt san Quê Hương, tuần báo Thế Kỷ 20, Hiện Đại… Bài viết về Huế này đăng trên tạp chí Vấn Đề (số 4, ra Tháng Bảy 1967) như một cái nhìn vào thành phố bí ẩn, khó hiểu và nhiều oan khiên này…

Minh Thái Lê/Pixabay

HUẾ, THÀNH PHỐ CỦA BÍ ẨN

(LÝ HOÀNG PHONG)

Mỗi lần về thăm rồi từ giã Huế, tôi vẫn từ giã thành phố ấy như một kẻ trốn chạy, Huế, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Thật ra, tôi không bao giờ quên được thành phố đó, thành phố của một quê hương như đã mất nhưng bao giờ cũng có mặt. Nhưng nhớ đến nó, tôi vẫn nhớ như người ta nhớ đến một ngôi chùa, một giòng sông hay một đêm trăng. Hình ảnh Huế gợi lên trong trí tưởng vẫn cho tôi cảm giác đứng trước một cái gì vĩnh viễn không đổi thay, vĩnh viễn im lặng, nhưng vẫn luôn khuấy động đời sống con người như một bí ẩn. Tôi nghĩ: Huế là thành phố của hư vô. Nó xô đẩy và cuốn hút con người như hư vô.

Đà Lạt cũng cho người ta cảm giác đó. Với bầu trời mênh mông trên đầu, những núi đồi trùng điệp, những con đường vắng chuồi đi mất hút, những mặt hồ im lìm, những đêm sương sa mù mịt ánh đèn nhòe ra lung linh ở xa như những ánh sáng của một thế giới nào khác. Nhưng Đà-lạt chưa phải là một thành phố. Nó còn quá trẻ. Nó chưa có đủ một lịch sử, một cuộc đời để cho những cảm giác siêu hình đè nặng trên chúng ta. Huế có đủ dĩ vãng để cho hư vô vây quanh con người.

Bước xuống phi trường Phú-bài, anh đã gặp phải một cảm giác ngây ngây lạc loài. Con tàu chở anh vừa bay men theo một miền biển xanh nhấp nhánh ánh nắng, nó vừa vượt qua một ngọn núi thấp, lướt trên một vùng cát trắng với những bãi đất nhấp nhô, lởm chởm những bụi cỏ khô cháy, nó hạ thấp xuống trên một khóm tre trước khi đáp xuống phi đạo. Đứng trên sân bay mất chìm giữa vùng sa mạc đó, anh thở một thứ không khí nóng hổi, một thứ gió nồng nàn táp vào người làm anh say say. Những hành khách mang giỏ, mang va ly chậm chạp rời sân bay. Một người con gái mặc áo trắng chạy ra đón người thân. Một thân hình và một khuôn mặt đều đặn, một mái tóc đen chải sát trên đầu với một đường rẻ giữa và thả xuống ngang vai. Người con gái có thấy anh, có nhìn anh, anh không biết, nhưng anh cứ tưởng đôi mắt đen lẫn quất chung quanh, như một ảo ảnh.

Chiếc xe lam chở anh rời phi trường ra đến quốc lộ và chạy về thành phố. Qua những đám ruộng, những khóm tre, những mái nhà tranh, chiếc xe chạy bên cạnh một con đường sắt, anh nhìn thấy những dãy núi xám ở gần trước mặt và gần hơn, những ngọn đồi trần trụi. Bây giờ đã thấy hiện ra những xóm nhà chen chúc, những mái ngói, những khu vườn, chiếc xe bẻ quanh, chạy thẳng qua một chiếc cầu ngắn, một mái chợ và một khu phố nhỏ rồi đổ xuống trên một mảnh sân, nơi một ngã tư. Anh đã đến Huế giữa một trưa hè. Anh thả mình trên một chiếc xích lô, hai chiếc bánh thong thả lăn trên một con đường vắng lấp loáng bóng cây, anh nghe một im lặng mênh mông dâng lên từ cảnh vật và ở chính trong anh. Anh đang đi vào thành phố hư vô.

Anh về đến gia đình và biết rằng sắp có một ngày giỗ lớn và ngày mai, trước ngày giỗ, anh đi tảo mộ với người cha. Anh trở lại nơi những ngọn đồi trần trụi và những con đường cát trắng với một ngọn suối nhỏ. Anh leo lên những ngọn đồi, đi từ ngôi mộ này đến ngôi mộ khác, anh thắp những cây hương cắm trước những tấm bia, anh vái lạy những người đã chết, ông cố, bà cố, ông nội, bà nội, những anh em đã mất. Đứng nơi ngôi mộ người cố nằm khoanh giữa một nấm đồi dưới chân một ngọn núi thấp, nhìn xuống ngôi nhà thờ nhỏ sơn trắng nằm giữa bãi thung lũng bên cạnh một khóm thông già, anh sống lại với dĩ vãng anh đắm chìm trong thế giới vô hình giữa cảnh vắng lặng của núi đồi. Và ngày giỗ đến với mùi hương trầm lan tỏa trong nhà, bàn thờ sáng choang đèn nến và những hình ảnh người chết hiển hiện lại với mọi người, những anh em, bà con, chú bác, cô dì tụ họp, những người chết luôn có mặt trong đời sống của thành phố.

Những ngày hôm sau, anh đi thăm bà con, những bạn bè quen thuộc cũ. Anh đi vào Thành Nội với điện đài cổ kính, với những căn nhà vuông vắn giữa một mảnh vườn nhỏ có hàng dậu xanh, trước sân có cây kiểng, có bồn hoa, có cây ăn trái mỗi khu nhà là mỗi vũ trụ riêng biệt. Anh đi qua Ao-Hồ, nơi những khu vườn rộng, những kiểu nhà quan cách, có bình phong đằng trước, căn nhà kiểu cổ ẩn dấu bên trong. Anh đi qua Vĩ Dạ, về An Cựu, lên Bến Ngự, Phú Cam rồi đến Nam Giao. Ở đâu, trong mỗi nơi anh đi qua, trong mỗi gia đình anh ghé thăm cũng có một phần hư vô bao bọc, nơi những bàn thờ khuất phía sau những tấm màn, nơi những khoảng trống lặng lẽ giữa đồ vật, nơi khu vườn đầy cây lá, nơi màu trắng những tà áo con gái, nơi con mắt một người gặp trên đường, trên giòng sông, trong ánh trăng.

Nhan Hoang/Pixabay

Huế có lẽ là thành phố độc nhất trên thế giới mà những nữ sinh gặp nhau buổi sáng ở nhà trường với câu nói đầu tiên “đêm qua trăng đẹp quá”. Về với Huế là về với những đêm trăng, một thứ trăng của Hàn mặc-Tử, trăng của tôn giáo, của Đông phương, của một thiên nhiên đầy tình cảm. Đêm, nằm trước sân nhà hay nằm trên gác, trăng chơi với trước mắt anh. Đêm, anh đi trên những con đường đầy trăng ra đến ngoài bờ sông và anh nhìn trăng tràn ngập trên giòng nước anh nhớ đến bao nhiêu đêm trăng của tuổi thơ và của những ngày niên thiếu đầy ảo mộng. Về với Huế là về với con sông anh không bao giờ quên, con sông đã trở thành một với thành phố, gắn liền với đời sống con người chung quanh, con sông mù sương buổi sáng, con sông rực rỡ buổi trưa, con sông êm đềm buổi chiều, con sông man mác buổi đêm.

Một buổi chiều anh xuống bến đò Thừa phủ và anh thấy cả một giòng nước màu xanh lá cây óng ả, một hoàng hôn, anh qua bến đò Vĩ Dạ và mặt sông là cả một màu huyết dụ lấp lánh mênh mang; cũng một buổi chiều, anh lên đồi Vọng Cảnh, trên đường đi, anh thấy con sông lấp loáng dưới xa như một giải lụa huyền, không như chảy về mà như xuôi lên một miền Thiên-Thai xa vời, một đêm nào, đứng trên cầu Tràng-Tiền, anh nhìn xuống mặt nước đen in bóng những bông mây trắng nõn, một mảnh trăng và những vì sao, và ngày lại ngày, con sông im lìm chảy mãi như giòng thời gian đi vào bất tận. Và tất cả, ánh trăng và giòng sông, tất cả mang lời mời gọi của một hư vô đầy huyền nhiệm, tràn ngập, xâm chiếm lấy anh.

Huế có phải là thế, là thành phố của im lặng, của ánh trăng và của giòng sông. Nếu vậy làm sao giải nghĩa được sự vùng dậy của thành phố đó những năm qua. Hay là sự vùng dậy cũng chỉ là một tác động của hư vô. Và đó là điều bí ẩn của một thành phố trong lịch sử. Một buổi sáng, anh đến nhà thờ Phú-Cam, anh bước lên những hàng tầng cấp cao và những mặt sân rộng, nơi đây những toán học sinh nhỏ đang chơi đùa, múa hát, anh lên đến hành lang của nhà thờ, vào bên trong những ông già bà già quì đọc kinh giữa những cây cột lớn và trong một thứ ánh sáng nửa chừng, với một giọng ngân nga anh chưa từng nghe, nhắc anh nhớ đến những điệu đàn độc thoại tây-ban-nha.

Anh đi qua chùa Từ Đàm cách đấy không xa, cũng bước lên những tầng cấp cao và đi vào trong kiến trúc của một thứ chùa Trung-hoa, khép kín, cao lớn và uy nghi, khác hẳn với vẻ trang nhã đơn sơ của một chùa Bảo Quốc. Anh nhớ rằng vùng Phú Cam là nơi nuôi dưỡng tinh thần một gia đình đã làm cuộc cách mạng nhân vị và chùa Từ-Đàm là nơi phát xuất một cuộc cách mạng khác mà chung cục đang còn là một dấu hỏi. Anh tiếp tục cuộc hành trình về phía Nam Giao, rẽ vào một cảnh đồi thông, bước đi trên con đường lặng lẽ. Anh lên đến đỉnh đồi và thành phố hiện ra trước mắt anh, dưới xa; con sông lẩn khuất, ẩn hiện giữa những vùng xanh cây lá, và hai bên bờ, cột cờ Thành Nội, góc chợ Đông-ba, mái trường Đại học, tòa nhà Hành-Chánh… Anh đang ở thành phố trên cao nhìn xuống thành phố dưới thấp.

Simone Assetta/Pixabay

Một thành phố cũng như một con người. Nó có một đời sống của thể xác, một đời sống của trí thức và một đời sống của tâm linh. Đặc biệt của Huế là ba khu vực đó của đời sống được phân ra trong ba khu vực của thành phố, với những giới hạn, những tầng cao thấp rõ rệt. Khu tả ngạn là khu vực đời sống kinh tế với phố xá buôn bán dọc theo con đường ven sông từ Ba-Vinh đến chợ Đông-ba. Khu hữu ngạn là khu vực của đời sống chính trị và văn-hóa với công sở hành chánh, các trường đại học và trung học. Và khu vực thứ ba là của đời sống tâm linh ở một tầng cao hơn là Bến Ngự, là Phú Cam, là Nam Giao, với những con dốc đưa lên những vùng đồi núi cao lên mãi là núi Ngự, là Thiên Thai, nơi đây là miền ngự trị của tôn giáo, với nhà thờ Phú-Cam và những ngôi chùa đầy dẫy khắp nơi.

Trước khi có mặt người Tây phương thì ba khu vực này của đời sống đều ở về phía tả ngạn : khu vực Đông ba, khu vực Thành nội và khu vực chùa Thiên mụ. Nhưng người Tây phương đã đến, tạo ra một thành phố hữu ngạn của văn minh phương Tây đối chiếu với thành phố cũ của phương Đông.

Trong những trang cuối của tác phẩm Le Zero et l’infini, hình như Koestler đã tưởng tượng đến một cuộc cách mạng của những tu-sĩ, tiếp theo cuộc cách mạng của những ủy viên chính trị. Nếu Huế, nơi mà hư vô đang còn bao trùm đời sống, nơi mà những lực lượng kinh tế chưa đè bẹp con người như Sài-gòn và Hà nội, đã là nơi phát sinh cuộc cách mạng như Koesler đã từng tưởng tượng, thì đấy không là một sự kiện khó hiểu.

Đã có một thời kỳ con người đắm chìm trong hư vô và đã có một thời kỳ con người muốn hoàn toàn chối bỏ hơ vô coi nó như một sức mạnh ma chiết con người. Mark đã nói đến tình trạng vong thân trong đời sống tôn giáo, trong chế độ tư bản, đến nay người ta đang nói đến một tình trạng vong thân khác trong đời sống kinh tế, trong chế đó cộng sản. Nhưng hư vô là sự sống, là sức mạnh kết hợp và giải phóng hay trái lại. Đó là câu hỏi một thành phố có thể trả lời trong lúc dân tộc đang trên đường đi tìm sự hợp nhất để trở thành một thực thể toàn diện.

Nghĩ về Huế với bao nhiêu ký ức và ý tưởng, có lẽ tôi đã hiểu được một phần nào tại sao Huế vẫn đem đến cho tôi những cảm giác đầy mâu thuẫn. Tôi mơ ước một ngày trở về thành phố đó mà không còn thấy bị xô đẩy và phải trốn chạy. Đó là ngày tôi không còn thấy choáng ngợp trước sự im lặng, không còn thấy sa lầy trên những con đường không bóng người, không còn thấy chết đuối giữa đêm sâu trong một tiếng chuông chùa bỗng nhiên vang động. Ngày đó tôi cũng sẽ hiểu được điều bí ẩn của một thủ đô đã xuất hiện do lời phán từ khoảng không.

(*) “Huế là nơi đi xa để mà nhớ, không phải là nơi sống để mà thương” – Nữ văn sĩ Túy Hồng viết trong một truyện ngắn của bà.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: