Kỷ niệm buồn vui nghề báo

Bìa một số tạp chí văn chương trước 1975. Hình minh hoạ

Lời tác giả: Sau biến cố Tháng Tư 1975, “trải qua bao cuộc bể dâu”, tôi không còn giữ được tờ Nghiên Cứu Văn Học nào. Nhờ một duyên may, GS Nguyễn Văn Trung còn giữ được và đã mang đầy đủ các số báo từ Việt Nam qua và giao cho ông Trịnh Viết Đức, nguyên Giám đốc nhà xuất bản Nam Sơn lo việc sao chụp xuất bản tại Montréal, năm 2000. Tôi nhận được tương đối đầy đủ báo Nghiên Cứu Văn Học sao chụp lại (chỉ thiếu các số 3,8 và 13, bạn nào còn giữ xin vui lòng nhượng lại, rất cám ơn) nên đã sử dụng trong bài nầy. Xin được bày tỏ lời cám ơn sâu đậm và chân thành nhứt đến GS Nguyễn Văn Trung và cố Giám đốc Trịnh Viết Đức.

Trên đời mọi việc đều có cái duyên, trong đó có duyên làm báo. Từ cái “duyên” làm báo sẽ dẫn tới “nghề” báo, rồi “nghiệp” làm báo. Đối với tôi, nói là nghề báo e không đúng- bởi vì đó là nghề tay trái, nói đúng hơn là nghiệp làm báo.

Nguyên do

Tôi muốn kể cho các bạn nghe nguyên do nào đã đưa đẩy tôi tới nghề báo cùng những thăng trầm sướng khổ của nó. Vào những năm bản lề của các thập niên 1960-1970, tại thủ đô Sài Gòn có hàng chục tạp chí văn học nghệ thuật ra đời. Hầu hết các tạp chí nầy đều phải tự “bơi”, phải vững tay lèo lái nếu không muốn bị “chết đuối”. Tờ Nghiên Cứu Văn Học (NCVH) Bộ cũ do Linh mục Thanh Lãng làm Chủ nhiệm, nhà văn Thế Nguyên phụ trách Tòa soạn cũng không ngoại lệ. Sau một năm tự bơi (1967-1968) với 10 số báo phát hành, tờ báo đã tự đình bản.

Với lòng thiết tha phục vụ văn hóa, và cũng để tránh vết xe đổ bởi cái chết non yểu của NCVH Bộ cũ, vào cuối năm 1970, Linh mục (LM) Thanh Lãng đã mở một phiên họp bàn về việc tái bản tờ báo. Thành phần tham dự buổi họp hôm ấy gồm một số cựu sinh viên thuộc nhóm Văn Học Việt Nam Đại Học Văn Khoa Sài Gòn dưới sự chủ trì của LM Thanh Lãng. Nội dung chánh của buổi họp là bình chọn nhân sự phụ trách Tòa soạn. Nhóm Văn Học Việt Nam chúng tôi tất cả đều tốt nghiệp cử nhân, đều là giáo chức đã an phận nên không ai dám lãnh trách nhiệm nầy. 

Theo sự gợi ý của LM Chủ nhiệm, lần tái bản nầy phải mở rộng địa bàn hoạt động nên cần có sự hợp tác của những cây bút trẻ. Trong nhóm chỉ có tôi trẻ hơn các anh em khác, là dân Nam Kỳ Lục tỉnh chánh hiệu, gốc Phật giáo, nên dễ thích hợp với việc mở rộng địa bàn hoạt động của tờ báo- nhứt là ở các tỉnh miền Tây. Tôi muốn mở dấu ngoặc: Từ ông chủ báo đến các nhân viên khác- kể cả nhà in, đều là dân gốc Bắc, theo Công giáo. Sau khi thảo luận, bàn cãi, tôi được mọi người tín nhiệm giao trọng trách trông coi tòa soạn với muôn vàn cái khó. Đó là cái duyên đưa tôi dấn bước vào nghề báo, vào nghiệp làm báo.

Ảnh do tác giả gởi

Hoạt động của tờ báo

Như đã thưa ở trên, tôi lãnh nhiệm vụ Tổng Thơ ký tòa soạn với vô số cái khó: Một là vừa học (soạn luận án Cao học), vừa đi dạy, vừa làm báo, phải sắp xếp thời gian sao cho hợp tình hợp lý; hai là không có tòa soạn và số điện thoại riêng để tiện liên lạc với cộng tác viên, với độc giả cũng như với nhà in và Ban trị sự (Địa chỉ tòa soạn và số điện thoại ghi trên báo là chỗ ở của LM Thanh Lãng- số 386/14 Trương Minh Giảng Saigon III. ĐT: 41756); ba là “không có thực” nhưng phải “vực được đạo”. Đã mang lấy nghiệp vào thân, tôi và các anh em tòa soạn vẫn hăng say làm việc, lầm lũi làm việc. 

Có thể nói tôi là “nhà báo không chuyên”, “nhà báo không tên”, bước chập chững vào nghề nên đòi hỏi nhiều công phu, kiên trì và cố gắng. Riêng tôi vẫn lấy làm vui vì đó là tất cả sự đam mê, thích thú. Nhứt là được sự tín nhiệm của LM Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, của một số cộng tác viên; và sau nhiều số báo, tôi được phần đông độc giả- đặc biệt là bạn đọc trẻ ở miền Tây dành cho bao mối cảm tình nồng hậu. 

Trong số ra mắt, Tháng Ba 1971, LM Thanh Lãng đã viết: “Để tránh cho Nghiên Cứu Văn Học đỡ cái khuôn mặt cau có, nó đã may mắn tiếp nhận sự hợp tác của nhiều cây bút trẻ, mà sự nghiệp nghiên cứu cũng như sáng tác đang ở trong thời kỳ sáng giá”. Tôi còn được sự cảm thông- hay là sự nhận lỗi gián tiếp muộn màng, của một trong những cộng tác viên khó tánh, khó gần gũi (?) là thi sĩ Nguyên Sa. Chính nhà thơ đã nhận xét về bảy tạp chí văn chương- trong đó có Nghiên Cứu Văn Học “đã và còn ở trong tình trạng vất vả”, có thể nói là “bẩy tờ báo định kỳ là bẩy nhân với một ngàn lần khốn khó”. 

Theo tác giả tập thơ “Những năm sáu mươi”, nỗi vất vả thứ nhứt là “sự cực nhọc về tài chánh”; nhưng “nặng nề hơn nữa là những khó khăn về bài vở”. Xin trích một vài đoạn: “Bài vở của tạp chí thật cực nhọc. Bởi vì số người viết có hạn, mà đã bị chia năm sẻ bẩy. Cái ông nhà văn hẹn đưa bài đầu năm Dậu, có khi qua năm Hợi mới nhớ đến nhau (…). Lấy tờ Nghiên Cứu Văn Học ra làm thí dụ điển hình thì có lẽ tôi đã để cho ông Tổng thơ ký tòa soạn báo này đi lại cả chục lần mà chưa viết cho nhau được một chữ” (Nguyên Sa. Nghiên Cứu Văn Học số 6/1971).

Trở lại việc điều hành tờ báo. Ngay cái tên của tờ báo như đã có luồng sinh khí mới: “Nghiên Cứu Văn Học, Tạp Chí Nghiên Cứu – Phê Bình Sáng Tác và Sinh Hoạt Văn Học”. Muốn cho tờ báo được phát hành rộng khắp trong cả nước (từ Bến Hải tới Cà Mau), được đông đảo độc giả hưởng ứng, trước hết phải có bài vở nòng cốt của những cây bút tên tuổi; sau đó là bài viết của những cây bút mới ra lò, còn tập tễnh với cái nghiệp dĩ văn chương. 

Bài của các cây bút cổ thụ đều có nhuận bút hẳn hoi, còn bài của các cây bút mới coi như phải “cúng dường” để tạo phước báu. Lúc bấy giờ tòa soạn chỉ có hai người, gồm anh Phạm Văn Khiết- chịu trách nhiệm về tiền bạc, và tôi- chịu trách nhiệm tổng quát, đối nội lẫn đối ngoại. Từ việc nhận bài vở, chọn lọc sơ khởi rồi thông qua Chủ nhiệm, đến việc liên lạc với nhà in, làm “thầy cò” sửa bài, rồi liên lạc với độc giả và phát hành báo, tôi phải đảm đương mọi thứ, có thể nói là cả gánh nặng quằn vai.

Tôi không dám so câu nói của ông Nguyễn Vỹ “Nhà văn An Nam khổ như chó” mà chỉ muốn nói làm báo, làm tạp chí về văn học là làm “những công tác bạc bẽo, khô khan”, không sướng chút nào. Cụ thể là việc nhận bài viết của các cây bút thành danh. Đã nhiều lần đến hẹn lại lên, bị các “đấng văn hóa” hẹn lần hẹn lữa, cười trừ, bị làm tình làm tội đủ điều, phải học chữ “nhẫn” mới khả dĩ đạt được mục đích. 

Chính nhà thơ Nguyên Sa đã thú nhận: “Sống với tạp chí liên tục từ năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu tới nay, số lần hẹn cuội, thất hứa, cười trừ, những tội lỗi lớn nhỏ đó mà tôi đã làm với anh em, xét ra đếm không thể xuể”(…). “Hẹn với Thanh Lãng là viết bài từ số một mà nay số một dường như đã đứng phía sau khá xa trong dĩ vãng, mới có can đảm ngồi gõ lọc cọc cho nhau được mấy hàng. Mà can đảm đó tìm thấy nó thật hãn hữu. Bạn Nguyễn Kiến Thiết nói kỳ này chủ nhiệm đau, ông ráng dùm (1) cho. 

Cái vụ chủ nhiệm đau đó có thiệt, ông ấy ốm tưởng chết”(…). “Nhưng tôi biết chắc là ông ấy còn cả tháng nữa mới viết lách được, đành “xâm mình” viết một bài cho tạp chí này bằng cách nói về những khốn khó của tạp chí ” (báo đã dẫn). Tôi không muốn vơ đũa cả nắm, bởi cũng có một số cộng tác viên tương đối đúng hẹn (Toan Ánh, Nguyễn Thị Hoàng), có người chỉ hẹn vài lần nhưng dễ gần gũi, trò chuyện thân mật, cởi mở (Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc) v.v… Đó là chưa kể sau khi phát hành, tôi phải bao sân lặn lội đem báo biếu, gởi trả nhuận bút cho các tác giả cộng tác (cho vài số báo đầu tiên), đồng thời xin bài mới. Nếu bài vở chưa có sẵn, phải lặp lại điệp khúc: “hẹn cuội – lần lữa – cười trừ – thất hứa”.

Ngoài ra, có mục Tin thư nhằm bắc nhịp cầu giao cảm giữa NCVH với độc giả và các cây bút mới. Chuyên mục nầy khá quan trọng- mà NCVH Bộ cũ không có, nhằm thu hút, mời gọi và duy trì độc giả, bảo đảm phần nào sự sống còn của tờ báo. Ban đầu mục nầy do tôi phụ trách, mỗi tháng phải đọc hàng trăm lá thư của độc giả khắp nơi gởi về tòa soạn ngõ hầu trả lời thỏa đáng. 

Đôi khi phải trả lời bằng thư riêng viết tay gởi qua đường bưu điện, nếu có độc giả yêu cầu và gởi kèm tem thư. Về sau công việc nầy quá tải, tôi cáng đáng không xuể nên LM Chủ nhiệm cử bạn Nhuệ Hương (Nguyễn Văn Vịnh) đảm trách mục Tin thư nầy. Nhằm tô điểm sắc hương cho tờ báo, NCVH còn có thêm các mục: Giới thiệu sách báo, Sinh hoạt Văn học Nghệ thuật do bạn Phú Hà (Phạm Văn Khiết) phụ trách, với sự tiếp tay của Nhuệ Hương và tôi, cũng như của một số bạn đọc.

Tuy nhiên còn cái khó quyết định sự tồn vong của tờ báo, đó là tài chánh. NCVH không có nguồn tài trợ nào, mọi khoản chi phí từ A tới Z đều do LM Thanh Lãng gồng mình gánh hết, cộng với công sức của đám môn sinh rất mực trung thành. Vì mới học việc, chúng tôi phải tự bơi, lần dò tìm phương cách phát hành tương đối có hiệu quả. 

Đầu tiên là thiết lập một mạng lưới phát hành (đại lý) ở một số tỉnh, thành phố, rồi tăng cường quảng cáo bằng cách đăng báo hoặc rỉ tai; sau hết là tự mang báo đi chào hàng nếu có thể. Tôi nhớ có lần mang 100 tờ NCVH về Cần Thơ và Vĩnh Long phát hành, nhờ sự quen biết với các văn thi hữu và giáo chức ở miền Tây, trong vòng hai ngày, báo đã bán hết. Tôi nghiệm ra rằng “cái khó làm ló cái khôn”, trong cái cực nhọc đã mang lại niềm vui và sự khích lệ tinh thần!

Ảnh do tác giả gởi

Vài kỷ niệm

Sau hai năm phục vụ bạn đọc với 16 số báo phát hành, tờ NCVH Bộ mới cũng cùng chung số phận với Bộ cũ. Cho đến bây giờ tôi vẫn mãi ưu tư vì chưa thể giải thích căn nguyên của việc đình bản nầy. Có lẽ tôi quá chủ quan vì thấy độc giả vẫn không ngừng gởi bài vở, thư từ về tòa soạn và nhiệt tình cổ võ. Mặt khác, NCVH đã kính cáo: “Sau số 16 này, tạp chí NCVH sẽ nghỉ hè ba tháng và số 17 sẽ là số Chủ đề HỒ XUÂN HƯƠNG phát hành ngày 15-10-1972”. Nghĩa là NCVH vẫn còn “sống” và phải tự “bơi” để phục vụ bạn đọc. 

Nhưng tờ báo đã nghỉ hè dài hạn, nghỉ hè vĩnh viễn. Thôi thì cứ đổ lỗi đủ thứ để tự an ủi: Nào do chiến tranh ngày càng ác liệt, do nguồn tài chánh cạn kiệt bởi vật giá leo thang, nào do bài vở không đáp ứng thị hiếu của đại đa số bạn đọc và ngọn lửa nhiệt tình của người phục vụ không còn mãnh liệt như thuở ban đầu. Mỗi một yếu tố trên đây, vừa khách quan vừa chủ quan đã góp phần tác động đến sự tồn vong của tờ báo. Nhưng hình như sự thiếu sót lớn của các tạp chí văn chương, nói chung và của Nguyệt san NCVH, nói riêng là sự thiếu vắng linh hồn, thiếu vắng tinh thần của một tạp chí văn học.

Sự thiếu vắng linh hồn và thiếu vắng tinh thần của tờ Nghiên Cứu Văn Học thể hiện bởi sự khiếm khuyết một ban biên tập có tâm có tầm, cũng như một lực lượng cộng tác viên hùng hậu, trường kỳ. Qua sự dọ hỏi một số tạp chí văn học khác hoạt động cùng thời, tôi được biết sự thiếu vắng nầy đối với họ không quá trầm trọng. Bằng chứng là họ có một đội ngũ cộng tác viên đông đảo gồm những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học tên tuổi viết định kỳ cho tờ báo. 

Vì vậy các tạp chí ấy đều có nội dung dồi dào phong phú đáp ứng được thị hiếu của người mua. Một khi báo bán chạy, tiền nhuận bút cũng tăng để người viết có thể sống được bằng ngòi bút của mình. Chủ báo, nhân viên tòa soạn và người viết đều nương nhau mà sống, sống lâu hay chết yểu là nhờ độc giả ủng hộ nhiều hay ít. Mất độc giả, tờ báo sẽ chết. Đôi khi chết trong tức tưởi. 

Báo sống được, sống mạnh thì nhân viên tòa soạn cũng được trả lương đầy đủ hàng tháng (theo thông lệ từ 10 ngàn tới 15 ngàn đồng một người) để tạm đủ sống, để toàn tâm toàn ý phục vụ hết mình cho tờ báo. Một khi có tiền, có thực lực sẽ dễ bề cải tiến cách trang trí tờ báo cho dễ nhìn, chữ in dễ đọc- nói chung là dễ bắt mắt làm hài lòng “Thượng đế”! Có như vậy, mọi người sẽ đều phấn khởi, ai nấy đều lên tinh thần. Một tờ báo có được cái linh hồn và cái tinh thần như vậy thì làm sao chết non yểu được?

Vừa rồi tình cờ lướt trên mạng, đọc được bài viết của nhà văn Viên Linh “Làm báo văn nghệ ở miền Nam trước tháng Tư 1975”, niềm ưu tư của tôi về việc đình bản của tờ NCVH giờ đây đã được giải tỏa. Xin cám ơn người làm báo kỳ cựu với hơn 60 năm trong nghề, Thư ký tòa soạn tư niên cho rất nhiều tờ báo từ trong nước ra tới hải ngoại. Xin phép được sử dụng một số dẫn chứng trong bài báo của nhà văn (qua trang mạng www.litviet.org) để so sánh giữa tạp chí NCVH và các tờ báo do ông phụ trách tòa soạn.

Hình bìa tờ Khởi Hành do nhà văn Viên Linh làm Tổng thư ký

*Về việc tài trợ, NCVH (1971-1972) không có một Mạnh Thường Quân nào hỗ trợ, trong khi báo Nghệ Thuật (1966-1968) “được ông Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ tài trợ cho khoảng một triệu bạc”. Đó là một số tiền rất lớn thời bấy giờ.

*Về số lượng in, báo NCVH chỉ in từ một tới hai ngàn số mỗi tháng (giá bán 60 đồng, rồi 70 đồng mỗi số), trong khi báo Khởi Hành (1969-1973) in từ năm tới bảy ngàn số, có lúc lên đến mười ngàn mỗi tuần (giá bán 15 đồng mỗi số). Khởi Hành sống tới số 156.

*Về lực lượng cộng tác viên, NCVH chỉ có 5-6 người có tên tuổi do Chủ nhiệm mời, nhưng không thường xuyên. Số còn lại là những cây bút trẻ còn trong thời kỳ thử nghiệm. Khởi Hành có ít nhứt 20 người cộng tác trường kỳ gồm những tên tuổi lớn, chẳng hạn như: Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Mai Thảo, Võ Phiến, Sơn Nam, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, CHÓE, Dương Nghiễm Mậu, Đỗ Khánh Hoan, Huỳnh Phan Anh, Lê Xuyên, Nguyễn Thị Hoàng, Lê Huy Oanh, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Vũ Bằng, Văn Quang v.v…

*Về việc chọn bài vở, NCVH đăng 100% những bài của các cây bút “gạo cội” hoặc do Chủ nhiệm giao và có trả nhuận bút bèo bọt theo quy định của Ban Trị sự (mỗi bài từ 300 đồng tới 400 đồng). Bài của cộng tác viên khác do tòa soạn chọn đăng không cần thông qua Chủ nhiệm. Chỉ những bài khảo cứu, phê bình văn học được chọn đăng mới được trả nhuận bút “tượng trưng”, còn thơ văn thì đành chịu “cúng dường”. 

Tôi có đăng mấy bài khảo cứu văn học và một số bài linh tinh cũng góp phần “công quả” (2). Báo Khởi Hành giao toàn quyền cho Thư ký tòa soạn như “mời người cộng tác, chọn đăng bài và toàn quyền trong việc trả nhuận bút cho các tác giả cộng tác”. Có khi những cây bút “sáng giá” bị ràng buộc bởi tiền nhuận bút ứng trước, sau đó mới viết bài “trả nợ”- thường gọi là “nộp bài”. Tuần báo Khởi Hành trả nhuận bút cho tác giả cộng tác bất cứ thể loại nào (từ thơ, văn đến biên khảo, dịch thuật…), có thể nói là cao chót vót so với NCVH. Thấp nhứt là 700 đồng một bài, trung bình 1000 đồng, và cao nhứt là 1500 đồng một bài. Trong số người lãnh nhuận bút hậu hĩnh đó có nhà văn Thanh Tâm Tuyền.

Tình trạng nầy giống như các đoàn hát lớn- các đại ban, sẵn sàng chi tiền khủng để mua/chuộc đào kép hạng siêu sao nên khán giả không tiếc tiền mua vé. Thành thử có đoàn hát “ăn nên làm ra”, đêm diễn nào cũng cháy vé, có khi chỉ diễn một vở tuồng ăn khách liên tục mấy tháng. Chính khán giả đã “nuôi” cả đoàn hát, từ ông bầu, thầy tuồng tới tập thể nhân viên phục vụ cũng như trang trải mọi chi phí lớn nhỏ khác. Và hơn ai hết đào kép thượng thặng được dịp hốt bạc, ký giao kèo hàng triệu bạc, có cuộc sống sung túc, có nhà lầu, xe hơi, kẻ hầu người hạ. Những nhà văn, nhà báo lớn đã thành danh cũng đều được hưởng ưu đãi tương tự như vậy.

*Về vấn đề lương lậu, nói ra đôi khi cũng đau lòng! Theo thông lệ “bất thành văn”, mỗi nhân viên tòa soạn một tạp chí- dầu làm nghề tay trái, cũng được lãnh lương bèo từ 15 ngàn đồng trở lên mỗi tháng. Trong hai năm làm báo NCVH, bộ ba nhân viên tòa soạn chúng tôi không được hưởng một khoản tiền nào. Có lần tiếp một cộng tác viên từ miền Trung vào, tôi “nổi hứng” xuất tiền túi ra để thù tạc tại một quán nhậu, bàn chuyện văn chương thế sự- đúng hơn là để “câu” bài, “câu” độc giả! 

Ông Thư ký tòa soạn Viên Linh báo Khởi Hành trái lại có phước hơn tôi nhiều- nếu không muốn nói là đại phước. Mỗi tuần ông lãnh 20 ngàn đồng để chi trả nhuận bút cho các tác giả cộng tác, kể cả lương của ông. Tôi không biết ông trả nhuận bút hàng tuần hết thảy bao nhiêu trong số 20 ngàn đồng đó, nhưng có thể phỏng đoán lương của ông ít nhứt khoảng 7 ngàn đồng một tuần, vị chi gần 30 ngàn đồng mỗi tháng (?).

Một quầy báo tại Sài Gòn trước 1975. Hình minh hoạ

So sánh “thực lực” và “tiềm lực” giữa NCVH và nhiều tờ báo do nhà văn Viên Linh làm Thư ký tòa soạn, ai cũng thấy ngay báo nào yếu, báo nào mạnh, báo nào chưa đánh đã muốn thua, càng đánh càng thua, báo nào chưa đánh đã chắc thắng, càng đánh càng thắng. Đối với những ai sống bằng ngòi bút, phải “có thực mới vực được đạo”, ngòi bút là “cần câu cơm” nuôi sống bản thân và gia đình. Ngòi bút càng sáng giá, lợi lộc càng vô ào ào. Từ đó giá trị được nâng cao, nổi tiếng trên văn đàn, có nhiều đầu sách xuất bản lưu danh hậu thế. Còn những cây bút chưa có tiếng tăm thì chút đỉnh tiền nhuận bút bèo cũng gây phấn khích tinh thần- phần thưởng của công sức đã bỏ ra. 

Chắc số tôi bị cái “nghiệp dĩ” văn chương đè nặng nên phải “làm chùa”, “viết chùa” từ trong nước ra tới hải ngoại, trước và sau năm 1975 và cho tới ngày nay. Đã viết chùa còn phải xuất tiền túi mua báo gọi là “ủng hộ” cho tờ báo mình yêu thích được sống còn. Chỉ có báo Saigon Nhỏ, các tạp chí Đồng Nai-Cửu Long và Tân Văn là có báo biếu cộng với một số quà tinh thần khác. Đặc biệt hơn hai mươi năm nay, hằng năm tôi đếu có ít nhứt một bài đăng trên Thời Báo Montréal vào dịp Tết Nguyên đán. Ban đầu tôi tự nguyện làm “công quả”, về sau được trả nhuận bút từ 100 tới 150 Gia kim. 

Riêng số Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa rồi, Thời Báo đã trả 200 Gia kim cho một bài báo của tôi. Hằng năm tôi còn nhận được thiệp chúc Xuân gởi qua Bưu điện của Thời Báo. Thế là vật chất tinh thần đầy đủ, vẹn cả đôi đường! Xin cám ơn Thời Báo rất nhiều. Tôi thầm nghĩ, nếu các ông chủ báo thể hiện cái tinh thần của Thời Báo, sự sòng phẳng đối với cộng tác viên- người đã bỏ tâm huyết ra vun bồi cho tờ báo thì hay biết mấy! Thật ra tiền tài như “phấn thổ” mà thôi; nó vừa là đầy tớ tốt, nhưng lại là ông chủ xấu.

Đó là chân lý. Đó là tinh thần của một tờ báo. Bất giác tôi thầm nghĩ, nếu ông Viên Linh làm Thư ký tòa soạn cho tờ NCVH- mà chắc gì ông chịu “làm chùa” với tình trạng khốn khó như vậy, thì chắc chắn báo sẽ bị chết yểu, mặc dầu ông có nhiều tài và lăn lóc mấy mươi năm trong nghề.

Thật ra, làm nghề nào cũng có vui-buồn, sướng-khổ, đắng cay-ngọt bùi. Làm báo, dầu là nghề tay trái cũng không ngoại lệ. Như kiếp tằm vẫn cứ nhả tơ, đã mang lấy “nghiệp” làm báo, tôi đã “say” nghề, đam mê với nghề, vui sướng với cái nghề có chút vinh quang nhưng không kém phần cực nhọc. Tôi vui vì được tiếp cận với các nhà văn hóa lớn, được học hỏi kinh nghiệm xương máu trong nghề cầm bút của họ, cũng như nhận được những ý kiến đóng góp quý báu và  sự ân cần khích lệ. 

Một số nhà văn  đã nhận xét, góp ý trên tờ NCVH số 14/1972, chẳng hạn như: “Tờ Nghiên Cứu Văn Học là một tạp chí can đảm, nhưng nhiều thiện chí hơn sinh lực”. GS Bửu Cầm đã viết: “NCVH là một tạp chí có giá trị, đóng góp nhiều cho Văn học. Thành thật khen ngợi sự hoạt động hăng say của anh em tòa soạn”. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã nhận xét: “Tôi có làm chủ báo mà báo của tôi bị dẹp tiệm… NCVH có nội dung tốt. Hình thức thì một tạp chí nhỏ không làm sao trình bày đẹp hơn được”. Còn nhà văn Sơn Nam cũng góp ý tương tự: 

“Tạp chí NCVH quá mỏng, bài quá ngắn, chữ sắp quá thưa. Nên làm một tạp chí dày hơn, với chủ đề, bán với giá 100 đ” v.v… Tôi vui vì được biết rồi quen biết đông đảo người cộng tác và được bạn đọc dành cho bao mối cảm tình nồng hậu. Chẳng hạn những nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa tên tuổi như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Thị Hoàng, Duyên Anh, Toan Ánh, Đông Tùng, Thái Bạch…, các bạn trẻ thời bấy giờ như Hoàng Xuân Sơn, Trần Hoài Thư, Lê Văn Chưởng, Vũ Đức Sao Biển, Mang Viên Long, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Tấn Vinh, Việt Chung Tử, Ngũ Lang v.v… 

Tôi cũng vui vì có bài đăng báo giống như niềm vui sướng của thi sĩ Đông Hồ lần đầu tiên khi thấy bài của mình được đăng trên Nam Phong tạp chí. Nhưng trong niềm vui có ẩn chứa nỗi buồn, cái buồn âm ỷ đôi khi vô cùng cay đắng, biết tỏ cùng ai. Mang tiếng làm báo mà “báo hại” cho chính mình và cho người thân cũng không ít. Bởi cứ mãi “ăn cơm nhà vác ngà voi” năm nầy sang tháng khác! 

Đó là chưa kể tôi không được giao toàn quyền như ông Thư ký tòa soạn Viên Linh của báo Khởi Hành trong việc điều hành tờ báo. Tôi nghĩ trong số nhân viên tòa soạn báo NCVH, người nắm toàn quyền lại là người phụ trách tiền bạc, chịu trách nhiệm “báo cáo” riêng với LM Chủ Nhiệm về tài chánh. Thành thử tôi không biết việc chi thâu ra sao, lời lỗ thế nào, tại sao độc giả vẫn còn nhiệt tình ủng hộ mà báo phải đình bản (?). Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, mỗi người nếm trải mùi vị “đoạn trường” theo từng cung bậc khác nhau.

Một quầy báo tại Sài Gòn trước 1975. Hình minh hoạ

Giờ đây nghĩ lại tôi vẫn thấy được an ủi phần nào vì mối quan hệ giữa chủ báo và nhân viên tòa soạn là quan hệ thầy-trò, là tình nghĩa thầy trò. Đã “theo thầy nấu sử xôi kinh”, lại được dịp học nghề làm báo miễn phí vẫn còn hạnh phúc, dầu rằng hạnh phúc nhỏ nhoi, bởi lẽ “Con người là kẻ học nghề. Mà thầy là nỗi ê chề đớn đau!”. Tôi vẫn không quên “món nợ ân tình” đối với LM Chủ nhiệm- mà cũng là thầy tôi, mặc dầu tôi đã trả phần nào bằng công sức của chính mình trong hai năm làm báo.

Trong thời đại công nghệ thông tin toàn cầu hiện nay, việc làm báo có nhiều thuận lợi hơn trước- đặc biệt tại hải ngoại. Nhân viên phụ trách tòa soạn có thể “nằm nhà” và với cái máy tính vẫn nhận được vô số bài vở từ khắp nơi trên thế giới gởi về, tha hồ mà chọn đăng. Do vậy mà nội dung tờ báo luôn được dồi dào phong phú, đáp ứng được thị hiếu của đại đa số bạn đọc. Hơn nữa, phần lớn tạp chí ở hải ngoại đều không trả tiền nhuận bút cho tác giả cộng tác, nên chủ báo có thể dành tiền thuê họa sĩ trình bày cho tờ báo thêm phần trang nhã.

Tôi muốn nói lên lời cám ơn và xin lỗi muộn màng đến bạn đọc. Lời cám ơn chân thành nầy được ghi rõ trong Thơ Tòa soạn: “Nghiên Cứu Văn Học tục bản trong nửa năm qua đã hân hạnh được sự đón tiếp niềm nở của độc giả bốn phương, sự đóng góp ý kiến và bài vở của các thân hữu xa gần, nhất là các bạn trẻ. 

Trước tấm thịnh tình của thân hữu và bạn đọc khắp nơi, chúng tôi xin chân thành ghi ân” (NCVH số 6/1971). Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi bạn đọc, các cộng tác viên về những sơ suất ngoài ý muốn, nếu có. Chẳng hạn một vài trường hợp báo trước bài sẽ đăng (hoặc còn tiếp) trong số báo tới, nhưng bị gác lại vì lý do “kỹ thuật” mà chưa kịp cáo lỗi. Ngay cả bài của chính tôi cũng không ngoại lệ. Sở dĩ có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nầy vì tôi thường đi “công tác”, bài vở đã giao cho anh em tòa soạn, lại bị bỏ sót (!).

Cuối cùng tôi rút ra được bài học: Bạn hãy cứ thắp ngọn đèn tâm để chuyền ánh sáng, hãy cứ làm thật hoàn hảo công việc của mình đi, chắc chắn bạn sẽ nếm được những vị ngọt thơm lành của thành quả. Tôi cũng cám ơn cuộc đời đã cho tôi một cơ hội, một vai diễn để trả nợ cho đời, phục vụ cho đời dầu phải hy sinh thầm lặng.

Chú thích:

(1) “Dùm”: đáng lẽ phải viết “giùm”. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (tr.385) và Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (tr.224) đều viết “giùm”. Cả hai bộ tự điển nầy đều không có từ “dùm”. Ngay cả trong Từ điển tiếng Việt của GS Hoàng Phê: “giùm” là từ viết đúng chính tả. Người ta thường lẫn lộn giùm/dùm qua cách phát âm của từng vùng miền. Theo thiển ý giùm/dùm đều được chấp nhận; không có vấn đề đúng/sai.

(2) Đó là các bài: Tâm lý những nhân vật chánh trong truyện Hoa Tiên (NCVH số 1); Những nét đặc thù trong Ca dao miền Nam (NCVH số 7); Câu hát Huê tình (NCVH số 9).

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: