Một vài ý nghĩ về thơ Việt hôm nay

Sáng Dội Miền Nam là tờ báo in ấn rất đẹp, truyền tải những nội dung xiển dương cho một nền cộng hòa bác ái, tự do & dân chủ… mà ngay từ cái tên đã nói lên hết được cái tinh thần của những người phụ trách tờ “đặc san văn hóa xã hội” đặc biệt này. Có thể dẫn ra những tác giả đóng góp về thơ như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương hay nhạc như Phạm Duy… Chủ nhiệm là kiến trúc sư Võ Đức Diên (một trong hai kiến trúc sư làm ra Nhà thủy tạ bên hồ Hoàn Kiếm (thiết kế năm 1937). Trường ca CON ĐƯỜNG CÁI QUAN của Nhạc sĩ Phạm Duy cũng lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí này.

Xin mời đọc lại bài của thi bá Vũ Hoàng Chương về “một vài ý nghĩ về thơ Việt hôm nay” đăng trên ấn phẩm Sáng Dội Miền Nam số Tháng Sáu 1962. Tuy 60 năm đã trôi qua nhưng những cảm nghĩ về thơ, về đọc thơ, về tâm hồn người-thơ, về tinh thần dân tộc trong thơ/qua thơ… vẫn còn rất mới! Qua “đọc thơ”, ông gửi gắm thơ Việt rồi đây có thể “mang hình ảnh Con Người đang vươn dậy, dẵm lên số không để bắt “cái có” phải hiện hữu, sẵn sàng chịu mọi hi-sinh đau đớn, tin tưởng, quyết liệt, bảo vệ lấy “tinh thần văn nghệ”, đem nó ra làm khí giới để tái lập Tự Do và Hòa Bình”.

Nguyễn Trường Trung Huy giới thiệu

Một vài ý nghĩ về thơ Việt hôm nay

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Bàn tay lực sĩ nào đã trong phút giây nhấc bổng Trái Đất nhúng vào một môi trường ảo diệu; mùa Xuân, mùa Xuân rồi! Nhựa trường sinh chẳng biết lần thứ mấy trăm ngàn đã tẩm nhuận từng tế bào của “Đại-Khối và tâm”; bàn tay thợ Trời vừa uốn chĩu cành cây Tái Tạo.

Ruột Địa-Cầu được sửa lại cho đúng nhiệt độ. Vỏ nó được sức lại hương, da nó được thoa lại phấn cho hợp thời trang; con mắt hồ biển tình tứ hơn lên, gò má núi non càng nổi bật đường cong quyến rũ. Hơi thở hòa dịu; không khí giầu thêm nhiều chất “dưỡng” để gây Mộng, để ươm Thơ. Rồi mai đây, thiều quang chín chục khi đã ngoài cả chín mươi, liệu men Xuân có loãng nhạt đi chăng, điều đó hãy khoan đề cập. Giờ đây nguyên-đán men nồng…

Hẳn cũng trong một bầu men ngây ngất thuở hỗn mang nào xưa, Đất chẳng hề khai-hoa mà kết Trái; cho nên Trời đâu cần đề mục mới sáng-tác thành Thơ. Có đúng như hai câu trong Tùy Viên Thị Thoại:

Hoa như hữu tử phi chân-sắc
Thi đáo vô đề thị Hóa-Công

Kìa, những cánh mai vàng đang mở lối vào muôn vạn bài thơ vô đề của Tạo Hóa. Lạ thay, lòng rào rạt bỗng nghe vần sông điệu núi chữ nhạn lời oanh thấp thoáng bao ý tình quen thuộc. Phải chăng văn Trời hồi chiếu cả gấm vóc của văn Người? Thật rồi vậy! Giữa phút linh cảm, chiếc thuyền ký ức tự nổi gió lên, ngược giòng ngày tháng của một năm qua, để lượm lấy từ hai bờ Thời-Gian những vọng âm của hàng ngàn trang giấy thơm mùi mực in, và đã hái về được vô số lời châu ngọc… Trước hết là Chuỗi Ngọc của thi sĩ Đông Hồ:

Nhặt ngôi sao lạc đêm thanh khiết

Vớt điểm hào quang đáy biển sâu

Hứng giọt bình minh từng lá cỏ

Chàng đưa em giữ Chuỗi-minh-châu
Em có ngờ đâu cơn lửa binh
Cho tràng châu ngọc vỡ tan tành

Ngọc rơi, ôi, cũng như hoa rụng:

Đáo địa nhất vô thanh!
Chuỗi ngọc Chàng cho Em, mất rồi!

Còn đây một chuỗi tiếc thương dài.
Và đây vạn giọt lòng ngưng đọng
Ý ngọc tình châu chớp mắt rơi.
Sao lạc không về, trời thổn thức

Nước chìm điểm sáng biển bâng khuâng
Sương tan cỏ héo lòng thương nhớ

Ngọc mất Chàng xa, lệ ngập ngừng…

(Trinh Trắng, trang 32)

Sao lạc, nước chìm, sương tan, ngọc vỡ; Nhân loại đã đánh mất những gì quý báu thiêng liêng. Cơn lửa binh tiêu hủy dần hết. Chỉ còn chuỗi Tiếc thương dài! Nguồn cảm hứng phong tao bi thiết này, từ Đỗ Phủ đến Thanh Quan, từ Thanh Quan đến Đông Hồ, sóng u hoài càng lắng sâu càng khích động. Con Người đang tự diệt, tiếng than-trách của các nhà thơ tỏa ra, tôi tin rằng nó còn tiếp tục chảy mãi, góp thành một giòng lệ to lớn trên chiều hướng của Thi-Ca hiện đại, bao gồm cả Đông-Phương và Tây-Phương.

Thi-sĩ Đông-Hồ từ hai mươi sáu năm nay mới chính thức lại cất giọng trên Thi-đàn. Bài thơ Chuỗi Ngọc trong tập Trinh Trắng, tôi xem, tôi đọc, tôi ngâm vang, mà thấy đúc kết biết bao suy-tư, lóng lánh biết bao rung động, tài ma-luyện đây đó gợn lên hào quang. Nguồn thơ Cổ-Điển chưa phải đã bế tắc như ai lầm tưởng! Chữ lựa cho thật đắc-vị, tiết-điệu cho biến hóa, vần cho tự nhiên; trộm nghĩ một tứ thơ kỳ-tuyệt đến mấy, đem lồng vào những khuôn thước trên cũng vẫn có thể hiển-hiện chân thân được lắm chứ! Ánh sáng trắng gồm chứa cả bẩy sắc hồng-nghê…

Nhưng dẫu sao, Mặt Trăng thời xưa với Chị Hằng Cung Quế cũng khác Mặt Trăng thời nay với những “núi phễu” dựng đứng và “biển câm” tối đen. Xưa, kẻ phương sĩ chỉ cần một giải lụa đủ sức đưa Đường Minh Hoàng lên Nguyệt-điện thưởng khúc Nghê thường vũ-y; nay kẻ thuật-sĩ của phòng thí nghiệm khoa học phải tìm cho được thứ hợp-kim bền-bỉ mới chế tạo nổi phi-thuyền nguyên tử và một nhiên-liệu cực mãnh liệt mới mong đẩy được nó ra ngoài tầng khí quyển để trực chỉ Nguyệt-cầu. Thi-nhân hiện diện sau cuộc đại chiến của “lưng-chừng thế kỷ Hai Mươi” hẳn không thể tự bằng lòng với cái vốn nghệ thuật cổ điển; những hình ảnh cũ, những ngôn ngữ xưa khó mà diễn tả thấu suốt cái tâm-sự phức tạp của Con Người hôm nay.

Bao nhiêu ám ảnh lo âu, bao nhiêu chán chường dần vặt, bao nhiêu hổ thẹn, phẫn-hận chống đối, bất bình… Nguồn cảm hứng đã lan tràn cả sang biên thùy của Tiềm thức và Vô thức; các lề lối diễn đạt phải giầu mạnh gấp trăm lần trước kia. Muốn khám phá Mặt Trăng, giờ đây không thể đặt cả hy vọng thành công vào một giải lụa.

Vậy sứ-mạng của Thơ là khám phá: Khám phá ra cái đẹp muôn vẻ của cõi hữu hình, ngay trước mắt bên tai; khám phá ra những uẩn khúc tế-vi của cõi vô hình, ngay trong tâm tưởng con người và cả trong linh đài của vạn vật; đằng sau cái nháy mắt của hạt cát hay nhịp thở của lá cây. Cành liễu tiếng oanh, chưa chắc thị-quan và thính quan của ta đã nhận thức được vẻ đẹp, nếu thi-hào Nguyễn-Du không khám phá ra nó trong hai câu thơ bất hủ:

Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành mỉa mai

Xa người yêu mà mong nhớ, chưa chắc ta đã cảm đến cùng cực nỗi niềm tê tái của tâm trạng tương tự nếu tác giả Đoạn-Trường Tân-Thanh không khám phá ra nó trong trường hợp Kim Trọng:

Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi Nàng canh cánh bên lòng biếng khuây
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê

Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao

Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao
Mặt mơ-tưởng mặt lòng ngao-ngán lòng

Cho nên, nếu chỉ tự mãn với những hình ảnh tô đi dặm lại, những tứ thơ mòn nhẵn như con đường muôn vết chân, kẻ khéo vay mượn chắp nối kia chẳng bao giờ thành thi sĩ. Trở về những thi tập mới xuất hiện gần đây, tôi thấy tập Đường vào Tình sử cũng khiến tôi đọc say mê thích thú như khi đọc bài Chuỗi Ngọc của Đông Hồ.

Tác giả Đinh-Hùng vẫn ưa xử dụng lối thơ Thất ngôn phân đoạn, rất thịnh hành từ phong trào Thơ Mới đến nay. Nhưng cách gửi ý lựa tứ ở nhiều câu đáng coi là có giá trị khám phá:

Gió táp ba canh mộng thở dài
Lùa mây bên gối suối bên vai
Cô đơn tay níu trời khung cửa
Đèn phố nhòa trong nước mắt ai?

Lối ca lục bát, Đinh Hùng cũng khai thác được rồi rào; tính cách trong sáng mềm mại của lối này, ông đã tận dụng để lồng vào những giấc mộng đơn sơ thi vị: Đổi mới một vài cách giãi bày ông đã làm nổi bật được nhiều khả năng của tiếng mẹ đẻ, ngay trong những khuôn thước cổ truyền. Đây tôi xin trích một đoạn trong bài Thủy Mặc:

Thuyền đi núi cũng phiêu bồng
Đáy sông lần sắc cầu vồng trao nghiêng
Thoảng mùi hương lạ cao nguyên

Thuyền ơi! Có chở ngàn thiêng đi cùng?
Chèo đưa mây dáng ngập ngừng

Lao xao hoa nắng thủy cung in hình

Sông sâu chớp mắt thần linh

Thuyền qua thạch động thấy mình cao bay.

Cổ nhân thường nói Thơ, Ca, Từ, Phú; tác giả Đường vào Tình sử không những thiện dụng thơ ca mà còn chế biến cả từ điệu để xây dựng thế giới ảo mộng của mình cho thật phong phú diễm lệ. Mở rộng con đường phóng khoáng do Tản-Đà và Á Nam từng đi bước tiên phong với bài Đưa chân Lưu NguyễnGánh nước đêm, thi sĩ Đinh Hùng đã tự tạo lấy những kích thước xứng hợp với một nguồn thi hứng lãng mạn:

Sông xuân thuyền có hẹn hò
Giấc mơ lộng gió đôi bờ cảm thông
Thuyền đi!
Ôi bóng chèo rung!
Bến vàng thơm nắng
Hương bay cánh đồng.
Nửa âm đàn rụng đáy sông
Bài ca trầm lắng
Trao duyên chiều hồng.
Nhìn lên hướng núi thương mong
Hồn ai xa vắng
Hoài xuân mênh mông?
Vào mùa hoa trắng
Ta say núi rừng…

Mộng giải thoát vốn là hoài vọng chung của tâm hồn người bị giam trong bốn tường da thịt. Chừng nào thể-xác còn hiện hữu, chừng ấy kẻ làm thơ còn đóng vai một tạo-hóa-nhỏ, xây mộng giải thoát cho chính mình và cho thiên hạ. Đinh Hùng mở lối vào Tình sử, đề nghị một thế giới ảo diễm đầy nhạc đầy hương, và đây cũng là một chiều hướng sáng tác của Thi ca hôm nay. Văn-minh cơ khí càng đắc thắng, đời sống tinh thần của nhân loại càng bị bóc lột; Con Người mỗi ngày một nghèo đi. Mộng giải thoát cứu vớt Người Máy.

Đường vào Tình sử nói chuyện Mộng, nhưng lối kiến trúc không toàn những nét thẳng đường cong quen thuộc mà nhiều khi đột ngột làm bỡ ngỡ những người chỉ quen tìm vào Mộng con, Mộng lớn của Tản Đà. Đây một đoạn trong bài mở đầu tác phẩm:

Chúng ta đi vào lá hoa tình sử
Hơi thở em hòa sương khói Đường Thi.
Anh đọc cho em những dòng cổ tự
Ai-Cập và cổ La-Hy.
Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ
Bài thơ xanh ánh mắt tình cờ.
Có những chữ Hoa yểu điệu
Không phải đại-danh-từ.
Nét uốn đơn sơ
Lưng mềm óng ả
Những chữ Hoa không thêu phù hiệu
Những chữ Hoa không biết phất cờ.

Tuy nhiên Thơ Thất Ngôn, Ca Lục Bát, và Thơ Mới, Từ Khúc, dẫu là Từ Khúc biến chế thật rộng rãi đi nữa, trước sau vẫn coi nặng yếu tố Vần. Còn vần là còn trói buộc! Huống hồ dẫu Thơ Ca hay Từ, luật gián thanh tức là “luật-lên-bổng xuống trầm” vẫn ngang nhiên ngự trị. Thi nhân rất có thể gặp trường hợp phải hy sinh một khám phá cho sự nối tiếp “bằng, bằng, trắc, trắc” vô nghĩa-lý kia! Không! Phải hoàn toàn tự do mới được; phải phá hết vần luật, thể cách và ngôn ngữ khuôn sáo đi! Ấy luận điệu của các nhà thơ mệnh danh là “thơ tự do”, truyền từ Âu sang Á, từ Mỹ sang Nhật, đã nửa thế kỷ nay; hùng-hồn thật! quyết liệt lắm! Người tuyên bố đã sướng miệng mà người nghe cũng đã sướng tại…

Nhưng điều can hệ tối yếu là phải tạo ra những bài thơ hay. Và nếu cái ngôn ngữ đặc biệt tân kỳ nọ không làm cho thiên-hạ cảm được thì họ đâu thấy được là hay! Các nhà thơ của trường phái Tự Do còn phải tranh đấu gian nan mới chiếm được cảm tình của đại chúng. Cảm tình này thật là một phần thưởng quý giá, hơn hẳn những dòng chữ cứng nhắc ghi trong văn học sử hay các sách biên khảo phê bình.

Đứng vào cương vị một người cầm bút chép sử văn học Việt Nam thời hậu chiến, không ai bỏ qua được phong trào Thơ Tự Do. Nhưng chỉ khi nào người dân Việt Nam thuần túy, trong lúc cầy ruộng gặt lúa, hay dệt vải ươm tơ, ngồi nghỉ mát dưới gốc cây đa hay nằm thả mộng trên chiếc võng mà đột nhiên những câu thơ tự do của Thanh tâm-Tuyền, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Hoàng-Bảo-Việt, Thế Viên, vv…, đột nhiên từ tiềm thức bật nhớ ra hiện thành lời ngâm điệu hát, khi ấy Thơ Tự Do mới thật sự thành công. Chỉ lúc nào dân chúng thành thị và thôn quê nước ta cũng thuộc những tác giả kể trên như đã thuộc những câu Kiều.

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

Hoặc thơ Thanh Quan:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Hoặc bài hát xẩm của Tản Đà:

Nước trong xanh lơ lửng con cá vàng
Cây ngô cảnh bích con chim phụng hoàng nó đậu cao
Anh tiếc cho em phận gái má đào…

Lúc đi thơ Tự Do mới làm xong cái nhiệm vụ lịch sử mà nó tự nhận lấy. Đi vào văn học sử đâu có khó bằng đi hẳn vào lòng người, đâu có bất diệt bằng đi hẳn vào tâm hồn dân tộc! Địa vị của Thơ chỉ rực rỡ nơi trái tim; hào quang của nó một khi đã chói lòa thì bất chấp cả mực đen giấy trắng.

Tôi thành thật nghĩ như trên và mong mỏi cho những dịp cầu thông cảm mỗi ngày một nhiều, một đậm, một vững bền giữa những khám phá của thơ Tự Do và trái tim người Việt. Và trong năm qua, một vài dấu hiệu đã khiến tôi vui mừng. Bầu không khí tái tạo của mùa Xuân hôm nay càng tô đậm nỗi vui mừng ấy… Một số bài thơ tự do trong hai tập Hy vọng của Hoàng Bảo Việt và Nỗi buồn của anh của Thế Viên, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và cảm thấy có hứng vị có thích thú, dẫu rằng đọc chứ không ngâm. Đây bài Tâm Sự Nhỏ của Hoàng Bảo Việt.

Người đào đường hầm dưới biển
Qua hai bờ sông dài người bắc cầu treo
Cho xe hơi xe lửa đi lại
Để tìm mạch nước uống được
Cho những mầm non sắp chết khát.

Tôi đào giếng sâu trong hồn tôi
Đã hơn mười năm qua
Tôi lấy câu thơ làm nấc thang
Điều tôi thầm nguyện là ước mong sao
Tới giây phút nào trái tim ngừng đập

Cây viết còn nằm giữa hai ngón tay

Các em tôi, con cháu tôi sẽ nối tiếp

 Mực chảy hòa với thời gian
Tôi không có gì hối tiếc.

Và đây một đoạn trong bài Hồi sinh của Thế Viên:

Cho tôi sống lại một ngày
Tuổi xuân trôi qua như dòng nước mặn
Thấm vào thân cây vỡ tan đường phố
Tuổi ba mươi tôi đã làm gì
Hai cánh tay, hai bàn chân cô độc

Những khóe mắt những làn môi dở cười dở khóc
Bao bài thơ sầu muộn
Quá khứ đầy đau thương

Cho tôi sống lại một ngày, chỉ một ngày thôi.

Thật không có gì quái gở hay giả tạo, chỉ là những tiếng vọng của tâm hồn. Thơ Tự Do nếu trong sáng, chân thành vẫn có thể rung động được lắm. Quả nhiên niêm luật vần điệu cũng đôi khi chẳng cần thiết cho thơ. Nhưng lạ thay trong hai tập Hy Vọng Nỗi Buồn Của Anh, vẫn còn rất nhiều bài sáng tác theo giòng cổ điển: ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát, thơ mới. Và từ ngữ rất quen thuộc, vần điệu rất chỉnh tề. Đủ tỏ rằng người làm thơ Tự Do, không phải là thiếu năng lực xử dụng tiết tấu thanh vận cổ truyền và nếu tôi không lầm, họ cũng nhận thấy năng lực truyền cảm của những yếu tố ấy hãy còn mạnh lắm, chưa thì một sớm một chiều gạt được chúng ra ngoài nhận thức mỹ quan của dân tộc Việt.

Cho nên để kết luận buổi nói chuyện đầu năm với các bạn đồng điệu bốn phương, tôi thành thật tin rằng chiều hướng sáng tác thi-ca hiện nay đang mở rộng ra nhiều ngả chân trời. Lượng và phẩm của những thi tập xuất hiện trong vòng 12 tháng vừa qua đã vượt hẳn mấy năm trước. Những khám phá tân kỳ đang thai-nghén, và hứa hẹn rất nhiều. Truyền thống thi ca Đông phương cũng không hề phai héo; nhựa sống trong lòng đất mẹ làm nẩy ra muôn ngàn lộc nõn bông tươi. Khí hậu mới của văn-minh nguyên tử khác với khí hậu thuần nhã xưa kia, tất phải sản sinh nhiều đóa hoa dị sắc dị hương. Nhưng hoa đào hoa cúc hoa huệ hoa lan vẫn nẩy nở và còn đẹp mãi.

Cách đây vài tuần, một bạn thơ chưa có thời danh, một nông dân chất phác từ miền duyên hải Bắc Việt di cư vào Nam, đã đọc cho nghe hai câu thơ thất ngôn trong một bài Xuân Cảm.

Gió tung cánh én trời cao thấp

Nắng vẽ cành cây đất dọc ngang

Thật chứa chan hào khí! Một bạn khác, tuổi trẻ hơn nhưng cũng thuộc giới lao động bình dân, lại đã dùng lối thơ ngũ ngôn để gửi tâm sự :

Cô đơn vai áo bạc
Lênh đênh vạn gốc dừa
Mơ trời hoa gạo đỏ
Giữa hai mùa nắng mưa
Hẹn mai về mai về
Xuân rồi Xuân quạnh quẽ
Thương người em gái quê
Xuân, buồng xuân vắng vẻ.

Tình ý xuân tha hương mới thấm thía não nuột làm sao! Và một thanh niên miền Tây Ninh, tuổi mới ngoài hai mươi mà nếm đủ mùi chua xót của thời đại, dẫu chẳng có dụng ý đứng ra làm chứng nhân lịch sử của giai đoạn phi lý này, cũng đã dùng thể thơ tám chữ vần chéo, để viết ra cả một tâm sự thời hậu chiến, giọng điệu rất gần thơ tự do:

Thăm thẳm đường dài, tôi người cô độc
Mòn gót giầy cắm trọ quán đêm nay
Mưa Cẩm-giang như niềm đau ai khóc
Đường sụt sùi trong mấy nẻo truông lầy
Cho cốc cà phê, cô hàng xanh tóc!
Tôi uống đắng cay hay mắt em say

Nghe đâu đây ai cười lên vỡ ngọc ?
Thấy đau chúng mình một kiếp trắng tay.

Thì ra trên nền trời vẩn đục của một năm qua trong số những thi-tập đã xuất bản, giống như các ngôi sao, hay trong những bài thơ chưa in thành tập, chưa đăng trên báo chương giống như muôn vàn chấm sáng li-ti của giải Ngân hà, khách yêu thơ đã lượm được khá nhiều châu ngọc. Phong trào thi ca đã nổi mạnh, đã dâng cao. Tôi muốn đem niềm hân hoan của riêng mình góp vào chén men xuân của Đất Trời, để thay bài “Tương Tiến Tửu”:

Nhưng trên chiều hướng của Thơ hôm nay tôi mới vừa kiểm-điểm được ba dòng cảm hứng: Than van, oán trách, phẫn hận mà tuyệt vọng trước những thế lực tàn nhẫn thô bạo tượng trưng bằng Chiến Tranh và đang bóc lột tinh thần, hạ thấp phẩm giá của nhân loại; tạo ra những thế giới ảo diễm huyền bí, càng dị-biệt với thế giới thật càng hay, để giải thoát con người khỏi những dây trói càng ngày càng chặt chẽ của văn minh cơ khí; diễn tả phân tích ra cho hết những nỗi niềm u uất cay đắng những khao khát, những kỳ vọng của lớp người bé mọn thiệt thòi.

Ba dòng cảm hứng ấy sẽ tuôn trào thành suối ngàn thác lũ, nhưng nếu khai phá được thêm một dòng thứ tư nữa, tôi tin rằng con sông Thơ càng mãnh liệt để lồng gấp ra biển khơi. Ấy chính là dòng thơ hào hùng bi-tráng mang hình ảnh Con Người đang vươn dậy, dẵm lên số không để bắt “cái có” phải hiện hữu, sẵn sàng chịu mọi hi-sinh đau đớn, tin tưởng, quyết liệt, bảo vệ lấy “tinh thần văn nghệ”, đem nó ra làm khí giới đề tái lập Tự Do và Hòa Bình.

Lịch-sử Thi-Ca Việt-Nam hiện đại đang chờ đón những bản hùng-ca. Tôi cầu nguyện cho các bạn thơ và nhất là thế hệ trẻ, nhựa sống đang hăng hái, kỹ thuật mỗi ngày một tân kỳ, sẽ khai thác khám phá dòng cảm hứng mới kia bằng cả một bàn tay lực sĩ.

(Ngày) 5-2-1962

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

(Nguyễn Trường Trung Huy chép lại từ bộ sưu tập cá nhân)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: