Viết trên gác bút

Trích chương 5, một trong những phần hồi ký đau đớn nhất của nhà văn Nguyễn Thụy Long sau 1975
Minh họa: Julia Engel/Unsplash

LTS: Nhà văn Nguyễn Thụy Long (1938-2009) là một cây bút tài hoa của nền văn học tự do Việt Nam. Người ta vẫn nói nếu viết kiểu “giang hồ”, Sài Gòn không thể không nhắc đến Duyên Anh và Nguyễn Thụy Long. Sau 1975, cuộc đời của nhà văn Nguyễn Thụy Long là một chuỗi muộn phiền day dứt. Vẫn không hiểu sao, trong hoàn cảnh đó ông vẫn cho ra nhiều tác phẩm mô tả đủ về cuộc đời thật của mình.

Nhưng ít ai biết rằng phải đến mất 16 năm sau 1975, nhà văn Nguyễn Thụy Long mới có thể cầm lại bút sáng tác. Dĩ nhiên, sách của ông, nhà nước “cách mạng” không in, nên ông gửi ra hải ngoại. Lần lượt các tác phẩm Nửa đời bóng tối (1991), Hồi Ký Viết Trên Gác Bút (1999), Giữa đêm trường (2000), Thuở mơ làm văn sĩ (2000), Thân phận ma trơi (2000) ra đời. Trong đó Viết Trên Gác Bút được coi là mô tả đủ tủi nhục và cô độc của một trí thức tự do, đột nhiên một ngày lại trở thành kẻ thù của chế độ.

Nhân ngày 3-9, ngày mất của Nguyễn Thụy Long, không có gì bằng đọc lại đôi dòng, để biết và để nhớ.

***

Thời gian này tôi gặp lại anh Lê Xuân Hảo, giáo sư Anh văn hồi chế độ cũ, anh Hảo cũng là nhà thơ, nhà văn với bút danh là Đỗ Thế, thường cộng tác với những báo văn nghệ hồi trước. Thời gian sau anh có nằm vùng cho cách mạng, anh nghĩ anh là người yêu nước. Thôi được, đó là lý tưởng của anh. Bạn bè có biết cũng mặc anh. Công việc đó là công việc của cảnh sát, công an chế độ cũ. Phải thú thật mà nói người thuộc chế độ cũ rất lơ là với việc làm “tình báo nhân dân”. Nhất là giữa những bạn bè, không nỡ tố cáo nhau, đôi khi còn bao che, nếu có thể được. Việc tìm bắt cách mạng nằm vùng là việc của công an, những chỉ điểm viên chuyên nghiệp ăn công xá.

Không ai rỗi hơi làm chuyện mà người ta cho là tào lao. Đến bây giờ tôi không thể nói tính cách ấy tốt hay xấu. Sau giải phóng tôi biết rõ, sáng mắt ra những người theo cách mạng 30-4. Mà người ta gọi là cách mạng 30. Những “lính mới” lập công dữ dội. Bao nhiêu hàng xóm láng giềng bị bắt bớ, tù tội. Kể cả những người có tội và những người không có tội. Người người nhìn nhau cũng phải cảnh giác, phải dè chừng. Những anh trót làm văn nghệ còn ớn hơn. Đi đâu cũng phải nhìn trước nhìn sau xem mình có bị theo dõi không. Có anh thi sĩ nghèo rớt mồng tơi cũng sợ, bây giờ vẫn còn sợ. Tôi gặp anh, ngồi uống cà phê với nhau, anh bạn nói nhỏ với tôi:

– Mình bị theo đó, cái thằng ngồi bàn bên kia kìa, tay đeo kính đen đó. Này, khi nào cậu với tớ chia tay nhau. Nếu có bị túm thì mình nói rằng nói chuyện với cậu câu này nhé, cậu có bị lôi ra hỏi riêng thì cũng nói thế nhé. Khẩu cung mình cùng khai có ăn khớp thì chẳng sao đâu, họ sẽ tha mình…

Tôi muốn phì cười, anh bạn thi sĩ của tôi luôn luôn nhắc nhở, như những lời nhắc nhở nhau hồi hai mươi năm về trước. Tôi không muốn làm bạn phật lòng vì tính cẩn thận thất kinh của bạn. Tôi trả tiền cà phê rồi biến, không nhớ cả câu dặn dò. Tôi lơ lơ là là như kẻ sống trên mây… Tôi rất bình thường chẳng có gì quan trọng hết. Muốn làm một phó thường dân còn không nên thân nữa là. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng tìm gặp lại ông bạn thi sĩ của tôi để hù dọa, nói phét cho đỡ buồn.

Tôi đến nhà bạn, nói phét, hù chơi:

– Có một người coi nghi lắm theo tôi khi tôi vào nhà anh. Khi quay lại hắn biến mất như ma…

Anh bạn thất kinh hồn vía:

– Thế hả, sao còn đến đây, biết vậy cậu biến đi có được không.

– Kệ, tôi đến rủ cậu đi uống cà phê, mình cứ bổn cũ soạn lại. Tôi nói rằng tôi đến thăm cậu bệnh. Cậu nói sao cho khớp thì nói.

Thế là một màn kịch được soạn ngay tức thì. Vui đáo để. Bạn tôi tâm phục khẩu phục:

– Ừ, tớ cũng có ốm thật, hai ngày hôm nay không bước chân ra khỏi nhà, vã cà phê thấy mồ.

Bệnh sợ công an của bạn tôi cao độ, không thuốc nào trị nổi. Tôi phải dĩ độc trị độc. Đã lâu tôi không gặp bạn, không biết bệnh của bạn tôi thuyên giảm phần nào chưa. Tôi viết hồi ký nhắc đến bạn mà không dám nêu tên. Không may bạn “trở bệnh” thình lình thất kinh lăn ra chết thì tôi có tội. Tôi quen thói sống luông tuồng nên cũng hay thường bị mắng mỏ. Mong bạn tha thứ cho tôi.

Trở lại chuyện nhà thơ Đỗ Thế, tức Lê Xuân Hảo. Sau giải phóng, dĩ nhiên Hảo được biệt đãi, anh có công việc làm ở Bộ Giáo dục, một việc làm cà là mèng là lái xe cho ông lớn. Nhưng thế cũng là an ủi lắm rồi, thời gian sau anh nghỉ hưu non về làm nghề hàn cửa sắt. Nhà ở phường 23 quận Tân Bình, là người cách mạng mang bí danh Tám Hảo, anh tham gia hội phụ lão, nhà có vườn rộng nên anh trồng mai, đêm sáng trăng ngồi ngâm thơ, uống rượu với các bạn thơ ở phường. Đời sống thanh nhàn bên bà vợ trẻ đồng điệu, cũng là một nhà thơ. Anh là người tốt luôn luôn đằm thắm với bạn bè không phân biệt bạn cũ mới.

Gặp tôi anh rất mừng, nghe tôi tâm sự về hoàn cảnh, chỉ một phút suy nghĩ anh hỏi tôi:

– Bạn cần một chỗ ở và một việc làm hả?

– Đúng vậy.

– Không chê việc này việc nọ chứ?

– Còn chê việc gì nữa, bất cứ việc gì, dù chưa biết nhưng tôi hứa sẽ tận tâm, tôi đã quen lao động rồi.

– Vậy thì được, ở phường này có một ao cá đang thiếu người trông coi, có một túp lều cạnh ao cá cho nhân viên bảo vệ ao cá ở coi áo cho tiện. Cảnh trí nên thơ lắm, có thể hợp với bạn tha hồ mà ngâm thơ vịnh nguyệt.

Tôi phải nhận lời ngay kẻo hố. Buổi tối tôi đến nhà Lê Xuân Hảo, ngồi ngoài vườn mai trăng sáng uống rượu để cùng với những nhà thơ miệt vườn, chính là những vị có chức sắc ở phường. Tất cả đều là những người làm thơ tài năng hoặc có máu yêu thơ. Bà vợ trẻ của nhà thơ Tám Hảo là ngôi sao Bắc đẩu trong đám thi ca này. Chỉ cần bước đi ba bước đã làm xong bài thơ, vần điệu nghiêm chỉnh. Có người phải xin chị một bài thơ để mừng đám cưới, người xin thơ phúng điếu đám ma. Nghĩa là tuần chay nào cũng có nước mắt. Tôi được một vị lão ông hội phụ lão làm một bài thơ Đường luật tặng, có nhan đề như sau “Mừng bạn thơ văn về coi ao cá Bác Hồ”.

Nhưng nào tôi đã mừng được đâu. Trở lại công ăn việc làm tôi gặp liền trở ngại. Các vị chức sắc có thế có quyền ở ao cá đòi tôi phải có người bảo lãnh. Nghĩa là người cách mạng mới đủ tầm cỡ. Tôi lại vắt giò lên cổ chạy đi tìm người quen làm cách mạng. Đầu tiên tôi nghĩ đến Duy Thái, tổng thư ký nhật báo Đông Phương tôi cộng tác hồi trước. Duy Thái là người nằm vùng, bây giờ anh được biệt đãi, công tác tại viện bảo tồn bảo tàng gì đó trong thành phố. Nhiều lần tôi gặp anh thấy anh đội mũ cối đi dép râu. Tôi và anh vẫn giữ quan hệ bình thường như xưa kia. Gặp tôi nhờ vả, Duy Thái mau mắn lên đường đi giúp đỡ ngay. Nhưng khi tới cơ quan, các vị chức sắc lại từ chối rằng anh chưa đủ tầm cỡ để bảo lãnh cho tôi, một kẻ bị vấy bùn. Giấy xanh mực đỏ của anh có trình ra cũng vô hiệu. Duy Thái vểnh râu bất mãn:

– Mẹ kiếp, tớ thua rồi, thành tích cách mạng của tớ như vậy mà cũng chẳng bảo lãnh được anh thì đúng là kẻ có mắt không tròng. Không thể nhìn thấy núi Thái sơn ở trước mặt.

Vậy là tôi phải lên đường tìm núi Thái sơn khác để người ta có thể nhìn thấy. Tôi đi tìm Cung Tích Biền. Biền không phải là núi Thái sơn nhưng anh ta quen nhiều núi Thái sơn có tầm vóc vĩ đại. Biền mau mắn giúp tôi. Anh giới thiệu tôi với Huỳnh Bá Thành, nay là thiếu tá công an, đang làm tổng biên tập cho tờ báo Công An bán rất chạy. Tôi cũng là người quen biết Huỳnh Bá Thành trước giải phóng, anh làm phóng viên cho báo Điện Tín, tôi chỉ không biết Thành hoạt động cho phía bên kia. Sau giải phóng Huỳnh Bá Thành xuất hiện với quân hàm công an. Anh từng giữ nhiệm vụ hỏi cung văn nghệ sĩ bị bắt. Tôi không gặp anh lần nào, nhưng sợ. Tôi nghĩ anh ta là người dữ dằn và nguy hiểm, nhưng khi gặp Thành, tôi thấy khác, anh hồn nhiên và chân thành:

– Chuyện đó được thôi, cần làm một công dân thì đó cũng là chủ trương của chế độ. Tôi biết về anh lâu rồi, cũng chẳng nên uổng phí tài năng của mình. Nếu anh không có điều gì đố kỵ thì nên làm việc khớp với khả năng và nghề nghiệp của mình. Nếu anh bằng lòng, tôi giúp anh.

Huỳnh Bá Thành là người sống có lý tưởng và tin vào lý tưởng của mình đang phục vụ. Dù muốn dù không, anh đã từng giúp được nhiều anh em thuộc chế độ cũ thất cơ lơ vận, anh giúp trong cái thế của anh lúc ấy. Không phải qua một bài viết trên báo anh với tiền nhuận bút hậu hĩnh mà tôi muốn nói đến tình người. Nay Huỳnh Bá Thành đã chết ở tuổi 49, bỏ ra ngoài chính kiến và đố kỵ, tôi vẫn nói Huỳnh Bá Thành là người tốt. Lòng tốt của một con người với con người giữa nơi “gió tanh mưa máu”.

Tôi đã có một công việc làm, một túp lều để đụt mưa tránh nắng giữa thời buổi khó khăn. Không phải bị mua chuộc để tôi làm một việc gì đó, không đúng với ý nguyện lương tâm của mình. Đời sống cũng đang gặp khó khăn, nhưng đổi lại tôi có chút thảnh thơi. Đêm ngồi trên bờ ao, ngước mặt nhìn trăng sao, không biết làm thơ thì chuyện suy nghĩ vẩn vơ. Một chút yên tâm không bị bắt vì cư trú bất hợp pháp, trong khi tôi đang bất hợp pháp thật. Tôi biết thân phận mình chỉ là một hạt cát bụi mỏng manh không chống nổi một nhát chổi lùa. Đứa con của tôi sắp ra đời, có nhận được một sự giúp đỡ nào của ai đâu, hay chỉ là những tiếng tội nghiệp suông. Như kẻ uống rượu mà không có đồ mồi.

Ao cá rộng chừng một mẫu. Trước kia có người thầu khai thác cá, sau này phường lấy lại tự khai thác. Đương nhiên cần người trông coi, bảo vệ. Trên bờ ao có một dẫy cầu cá lộ thiên để dân xóm đi cầu lấy lương thực thải ra nuôi cá tra. Từ ba bốn giờ sáng đến mười hai giờ đêm cá tra và chẳng biết thứ cá gì nữa quẫy lộn tranh nhau đớp mồi. Lương thực cho cá vẫn không đủ, một ngày tôi phải đi hốt đầy hai xe phân chuồng heo đổ xuống cho cá ăn, thêm một xe đầu tép của nhà máy tôm đông lạnh gần đó làm lương thực bồi dưỡng thêm cho cá đói mồi. Đêm đêm tôi vác cây gậy giàn thun đi giáp vòng bờ ao làm công việc bảo vệ, coi xem có ai ăn trộm cá không.

Túp lều bên cạnh bờ ao heo hút, nền đất gập ghềnh, không có nổi một cái giường hay cái chõng tre để nằm, một người bạn thân của tôi, anh Nhạ hứa cho vay hai ngàn rưỡi bạc để mua lại một cái giường cũ, nhưng sau đó anh lại rút lời vì lý do gì đó tôi không quan tâm nữa. Người hàng xóm không quen biết thấy chúng tôi nằm đất, tội nghiệp cho mượn một tấm liếp trải xuống đất cho đỡ ẩm thấp. Cái lu đựng nước ăn cũng không có. Tôi xin của bạn Hảo cái lu bể một nửa, khi sắp sửa lăn ra đến nửa sân, bà mẹ của bạn tôi đòi lại, tôi phải lăn trả lại chỗ cũ. Lần đó thực sự tôi khóc vì tủi nhục, dù không muốn khóc, nước mắt cứ tự động trào ra.

Ôi bạn bè chơi với nhau bốn chục năm. Còn rất nhiều chuyện cay đắng nữa, tôi chẳng muốn kể ra làm gì. Đời sống tôi như đời sống của Robinson Crusoe lạc trên hoang đảo. Nhưng không phải tất cả những bạn bè đều thế. Có những người bạn đến với tôi chân tình. Một người bạn cũ Trần Thúc Vũ đến với tôi, anh thấy vợ tôi bụng mang dạ chửa, nằm đất tội nghiệp anh cho mượn một chiếc giường của chính mẹ anh nay đã gác lên nóc bếp. Tôi ân hận mãi chiếc giường tôi đã để lại ao cá khi phải dời túp lều ấy, không trả lại được cho anh.

Ngày đầu tiên tôi đến nhận”nhiệm sở”. Vị sếp sòng ao cá cho tôi biết lương tôi một tháng được lãnh ba ngàn đồng, có thể mua được hai chục ký gạo hồi đó. Được ở túp lều cạnh ao cá, có sự chấp nhận của công an phường. Và những công việc tôi phải làm tròn trách nhiệm như tôi đã kể trên. Mỗi buổi trưa tôi phải dọn sạch phân ba cái chuồng heo, ước chừng hai chục con heo. Đẩy xe phân về cho cá ăn rồi đẩy xe đầu tép. Tôi mót lượm những con tép sót làm đồ ăn, hái rau lang ngoài ruộng về luộc. Vợ tôi gầy xanh rớt như tàu lá. Xe phân heo tôi đẩy đến đâu, mọi người chạy tránh xa. Tôi trông giống như một con ma đói già nua, tóc râu lởm chởm, lại dở hơi thường hay cáu kỉnh. Quần áo tơi tả như thằng ăn mày.

Tuy thương hoàn cảnh gia đình mình, nhưng tôi vẫn hư hỏng. Tôi trở thành kẻ nghiện rượu. Bạn bè loại thất phu thừa dịp đó cho uống chén rượu rồi chửi lên đầu, làm nhục làm nhã vậy mà tôi vẫn không sáng mắt ra. Lỗi lầm đó do tôi, tôi không bao giờ quê. Bởi tại thời gian đó tôi quá chán đời. Tôi cứ bí tỉ như thế không biết bao nhiêu năm, cho đến lúc tỉnh ngộ nằm trên giường bệnh chờ chết. Rồi thì tôi không chết được, sống cho tới ngày nay. Ngồi trên gác bút viết những dòng hồi ký này mà còn thấy hãi hùng.

Tôi chẳng giống ai mà cũng chẳng ai giống tôi.

Phường thuê tôi coi ao cá, thật tình chỉ có một lần trả cho ba ngàn đồng tiền lương. Những tháng sau kế tiếp không trả lương, họ biết thóp tôi cần một chỗ ở. Một mái nhà dù mái nhà dột nát. Vợ chồng tôi cắn răng chịu đựng. Đói đầu gối phải bò, tôi biết phải làm gì? Tôi biết sửa xe đạp, một thằng thợ tay ngang. Nhưng cũng liều nhắm mắt đưa chân. Tôi phải đi “xoay” kìm búa để hành nghề sửa xe. Việc này cũng rất là khó khăn và nhục nhã. Người bạn thân bốn mươi năm của tôi, có thể không từ chối cho tôi uống một xị rượu, nhưng từ chối cho tôi mượn cái kìm khi anh dư thừa. Cuối cùng thì tôi cũng có tạm đầy đủ đồ hành nghề do anh em bạn chợ trời lạc soong ve chai giúp. Ngày ngày tôi ngồi lề đường từ năm giờ sáng cũng có thể kiếm được tí gạo nấu cơm ăn, hôm nào ế ẩm nấu cháo. Chẳng sao, miễn là sống được. Ngồi lề đường là chuyện khổ, nhiều khi phải ôm đồ nghề chạy công an vắt giò lên cổ.

Hôm phải lên phường công an chuộc cái bơm bị bắt, tôi chiếm dụng lòng lề đường bất hợp pháp. Buổi trưa về “nhà” thay vì nghỉ ngơi, tôi đi đẩy xe phân heo rồi lại tiếp tục đi sửa xe. Đêm thức như vạc coi ao cá. Vợ tôi bụng mang dạ chửa cũng phải gục đầu trên đống đầu tép mót lượm những con tép sót, những cây roi liên tiếp quất vun vút lên thân phận tôi. Đời sống tôi luôn luôn bấp bênh. Vợ tôi lại sắp đến ngày sinh nở. Tôi càng lo lắng càng chán đời, có lẽ thấy mình bất lực. Những chén rượu không giúp tôi thêm nghị lực mà chỉ dìm dần tôi xuống bùn…

Một buổi trưa đang ngồi sửa xe. Hai cậu bé mang xe ra sửa. Tôi loay hoay mãi không tháo nổi cái cổ xe đạp quá rỉ xét. Tôi nói với chú nhỏ sửa xe:

– Không thể tháo bằng tay được, có lẽ phải mang ra hàn xì hơ lửa mới lấy ra được.

Cậu bé chủ xe nói:

– Bố mang đi làm giùm con đi.

Cậu bé có vẻ ngoan ngoãn, có vẻ là một học sinh, vì tôi thấy trên ngực áo sơ mi của cậu có phù hiệu tên trường. Nhưng tôi phải từ chối lắc đầu:

– Không được đâu, tôi còn phải làm việc em mang đi đi.

– Có xa không bố?

– Cách đây chừng nửa cây số có tiệm hàn, tuốt trên đầu đường kia.

Hai cậu bé ngại ngùng:

– Xa quá, con mang gì nổi.

– Cũng phải ráng thôi.

Hai cậu bé chụm đầu vào nhau bàn tán, một lát quay lại nói với tôi:

– Chúng con không có tiền nhiều, không thể đi xích lô được. Hay là con đề nghị bố thế này…

– Cái gì?

– Nếu bố có thể tin được tụi con, cho con mượn cái xe đạp của bố. Thằng đạp, thằng vác lên vai. Đồ nghề xe con tháo ra còn để đây mà.

Thấy hai thằng bé đáng yêu quá, tôi tội nghiệp chúng:

– Tụi bay mượn xe tao?

Hai cậu bé rụt rè:

– Dạ, có thể được không bố?

Tự nhiên tôi trở nên cả nể, khẽ gật đầu:

– Cũng được, tụi bay lẹ lên, chiều rồi đấy.

– Cám ơn bố, con không phụ lòng tin của bố đâu. Già như bố mà còn ngồi sửa xe, tội nghiệp quá.

Niềm tin của tôi vào con người thật to lớn, khi nghe được một lời ngọt ngào. Tôi đã cả tin đến chín giờ tối hôm ấy. Hai chú nhỏ không trở lại. Tôi dòi dõi nhìn ra cuối đường trong hy vọng mỏng manh. Chiếc xe đạp dùng cho công việc kiếm cơm của cả gia đình tôi không bao giờ trở lại nữa, đồ nghề ngổn ngang. Chị bán thuốc lá lẻ đầu đường mắng tôi:

– Bác già rồi mà còn cả tin quá, con nít bây giờ ghê gớm lắm. Thôi bác về đi, khuya rồi đấy.

Tôi bó đồ nghề sửa xe đạp vào một cái bao khiêng lên vai, lội dưới trời mưa trở về túp lều ao cá có người bụng mang dạ chửa trông chờ. Tôi đội những món đồ nghề sắt thép trên lưng, lầm lũi lê bước như con rùa đội cái mai của mình, không, như một con ốc sên nhỏ nhoi ươn hèn đội cái vỏ liêm sỉ của nó thì đúng hơn. Con đường về nhà của tôi sao đêm ấy dài diệu vợi. Từ đường Nguyễn Kim qua trường đua Phú Thọ, qua hương lộ 14, đến hết con đường Âu Cơ, trước đây tôi cũng đã dùng cái tên Âu Cơ này đặt tên cho nhà xuất bản của mình. Một sự trùng hợp vô lý. Mưa ướt lướt thướt, mà tôi vẫn cứ lội đi, qua một nghĩa địa đang cải táng. Những tia chớp xanh loằng ngoằng vạch nát bầu trời đen, rồi tiếng sét nổ. Vẫn không có một lưỡi tầm sét nào của ông trời giáng trúng đầu tôi.

Khi đó thì tôi bật khóc. Túp lều cá cô liêu, tiếng ếch nhái y uông vang trong suốt một đêm trường. Túp lều dột nát quá, vợ chồng tôi ngồi đội áo mưa rách suốt đêm hôm đó.

Tôi chờ trời hửng sáng để lại lên đường đi làm. Đứa con của tôi đang quẫy đạp trong bụng mẹ nó. Thây kệ, không thiếu gì người mắng mỏ tôi là dại khờ, con nít cũng lừa gạt được. Không chẳng ai mắng mỏ tôi thế, họ chửi lên đầu tôi, chửi một thằng già còn ngu hơn con chó. Tôi chỉ biết một điều, mỗi chiều tôi vẫn phải trả nợ góp. Không đủ tiền lập tức tôi bị xiết kìm búa, mỏ lết. Chủ nợ của tôi là vợ của một người bạn cho tôi vay một chỉ vàng từ hồi buôn bao ni lông phế liệu, tiền nợ còn nguyên gốc. Mỗi ngày bà ta đến lấy tiền lời. Muốn có tiền mua gạo, tôi ngồi thêm giờ sửa xe cho đến khi trời tối. Về muộn mua gạo ở hàng tạp hóa người ta không mở cửa vì sợ tôi xông vào nhà ăn cướp. Hai vợ chồng tôi và cái bào thai đói thường xuyên.

Tôi chìm đắm trong buồn chán và men rượu khan. Tôi thường ăn nói lung tung như một thằng điên. Có dịp gặp lại thi sĩ Bùi Giáng, nhìn bộ dạng tôi, anh khuyên tôi đừng có điên. Tôi nhìn anh:

– Nhưng sao anh lại điên?

– Chắc không, đồ ngu, tao có thì giờ để điên, mày có thì giờ điên không?

Tôi chịu thầy. Đúng đó tôi đâu có thì giờ để điên. Nhận định của một người điên có tiếng như thi sĩ Bùi Giáng thật là đúng, sáng suốt không chê được.

Tôi chưa đủ tư cách làm một người điên. Quan trọng nhất phải có thì giờ dành cho những cơn điên dại. Những cơn điên phải có đầy đủ chất lượng của nó, nghĩa là khác đời. Dầu điên thật hay điên giả. Bệnh điên nên coi là một bộ môn nghệ thuật. Với thi sĩ Bùi Giáng, tôi chịu thua vì ông thuộc loại siêu điên có nghệ thuật. Tôi chỉ là hàng hậu sinh, không dám phán đoán. Nghĩ đến ông, tôi vừa cảm phục vừa thán phục. Tôi muốn viết một quyển sách về ông có nhan đề là “một đời điên dại”. Hôm nay tôi đang sưu tầm những mẩu chuyện điên của Bùi Giáng, một thi sĩ “điên” kỳ lạ. Một bậc tài năng, không nhắc đến là một điều thiếu sót. Người ta phải gọi Bùi Giáng là “Ông điên” chứ không ai gọi là “Thằng điên”. Người điên nên chẳng có đẳng cấp do những người còn tỉnh gọi và phân biệt.

Trong thiên hồi hồi ký này, nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng, chỉ để nhắc đến mà thôi, chưa hẳn là một bài viết về ông. Một hiện tượng nêu ra trong cuộc đời này. Bây giờ tôi lại xin tiếp tục thiên hồi ký của mình.

Những ngày cư ngụ “hợp pháp” ở ao cá là những ngày tháng nặng nề, cay nghiệt, những điều xấu và những điều tốt đến với tôi lẫn lộn. Điều tốt đến với tôi hiếm hoi như những vẩy vàng đãi được, còn điều xấu thì như như sỏi cát. Rồi tôi cũng có lại chiếc xe đạp đi kiếm cơm. Những món đồ lạc soong của những người bán ve chai cho. Tôi ráp thành hình một chiếc xe đạp và đạp đi được. Hình như tay nghề của tôi cũng đã cao. Nhờ vậy đời sống tôi xoay trở cũng dễ dàng hơn. Vợ tôi gần kề ngày chuyển bụng. Tôi phải có xe đi để xoay ra tiền. Tôi biết đứa trẻ này ra đời chẳng được ai thừa nhận, ngoại trừ chúng tôi, nhưng cần thiết gì. Bố thương con, dẫu con là trai hay gái. Không biết con có khỏe mạnh không. Mẹ con suốt thời gian mang thai sự bồi dưỡng quá thiếu thốn. Mẹ con gầy và xanh như tàu lá. Tôi lo lắng cho giờ phút sinh nở của vợ, với nàng là sinh con so…

Vị sếp sòng ao cá còn nợ tôi năm tháng tiền lương. Vị chi là mười lăm ngàn đồng bạc. Số tiền này xem ra cũng đủ cho cuộc sinh nở cho vợ tôi. Buổi trưa tôi đẩy xe phân không đến nhà chủ. Tôi vào nhà nói “ý nguyện” của mình với ông chủ. Ông ta có vẻ suy nghĩ một lát rồi nói:

– Anh ra dọn cho sạch phân chuồng heo đi rồi tính. Tôi chưa bán được heo.

Buổi chiều hôm ấy, tôi phải chở đến bốn xe phân heo đổ xuống ao cá. Ông chủ nói với tôi:

– Vợ anh chưa sanh phải không? Vậy thì khi nào đi sanh rồi tính.

– Thưa ông tôi cần phải thu xếp, cả ngày hôm nay tôi phục vụ cho ao cá, tôi không đi kiếm tiền được. Tôi cần chút đỉnh trước…

Ông chủ cười mỉa mai:

– Anh nói anh cần lương thực? Tôi được báo cáo ngày nào anh cũng vớt cá lên ăn. Anh dung túng cho kẻ lưới trộm cá rồi chia tiền với họ.

Tôi nghẹn uất lên tận cổ, đầu nóng bừng bừng. Tôi không thể nhịn được:

– Ông nói tôi là thằng bảo vệ đi ăn cắp cá hả? Ông sỉ nhục tôi phải không?

Cái cười nhếch mép đêu đểu, cái mặt gà mái men mét và giọng nói Quảng hơi khó nghe:

– Thế hả? Tôi chỉ nghe nhân dân báo cáo và phản ánh như vậy. Ừ, đâu có chứng cớ gì. Thôi được, cứ tới ngày vợ anh đi sanh, anh đến đây.

Chú em ruột tôi, ngày còn sống ở nhà nói tôi chỉ là con cọp giấy. Hung hăng cái lỗ miệng, chẳng làm gì được ai. Bây giờ tôi thấy nhận xét của chú em đúng. Cả đời tôi chỉ chịu thua chịu thiệt. Tuổi Mậu Dần mà cầm tinh con Tuất, con Hợi. Mẹ tôi vẫn thường dạy tôi một điều một điều nhịn là chín điều lành. Tôi nhẫn nhịn ra khỏi cửa nhà ông ta, đẩy chiếc xe chở phân heo, trong tiếng máy dệt vải ì xèo, cả một khu nhà ngang của ông ta đặt khung dệt. Một con người biết làm ăn, biết tích lũy và biết bóc lột, dối trá sẵn sàng nuốt lời. Có lẽ một giai cấp giàu sang mới đang thành hình trong chế độ. Năm mươi năm kháng chiến đấu tranh để hình thành một giai cấp mới. Mỹ đã cút và Ngụy cũng đã nhào.

Cho đến nay đã mười năm qua rồi tôi không thể nào ăn nổi những con cá ao, đừng nói chi phải mất công ăn trộm cá. Mười cái cầu cá cung cấp phân cho đủ loại cá từ ba giờ sáng đến 12 giờ đêm, còn xe phân heo, đầu tép mà cá lúc nào cũng như thòm thèm. Nhìn cảnh đó tôi thất kinh rồi, tính trộm cắp tắt ngấm, không một chút manh động. Vợ tôi chỉ nhặt những con tép sót trong xe đầu tôm, rang lên với muối hoặc nấu cháo tìm chút nước ngọt thịt thà. Còn những con cá ao xin chịu thua. Tôi nghe nói cá nuôi ao có lương thực của nó, cái đó phải mua nên tốn tiền.

Các ông bà chủ của tôi tiết kiệm và biết tận dụng mọi chất thải để nuôi chúng. Tận dụng sức lao động của tôi mà không tốn kém gì mấy ngoài một chỗ ở là túp lều rách bên ao cá. Tôi yếu xìu như con sên và người ta nắm được điểm yếu ấy. Tôi đã sống qua hai mùa lưới cá, chủ lưới cá thương hại tôi là người hầu trà nước nên tặng tôi bốn con cá tra để kho ăn dần, ông ta còn dặn tôi đừng kho gừng vì cá sẽ trở lại mùi hôi thối… Tôi từ chối, không nhận cả bốn con cá ấy. Nên không biết cá tra kho gừng có trở lại mùi thối không như lương thực chúng mỗi ngày. Ông chủ bèn tặng tôi tiền, vài trăm bạc ít ỏi, nhưng còn có cái tình…

Các ông chủ nuôi cá của tôi là một trong những vì tinh tú trong thi văn đàn của phường. Tôi từng nhìn thấy các vị xướng họa. Thơ chép nắn nót vào tập vở đóng bìa da mạ vàng để lại cho hậu thế. Một ông cụ làm nghề thầy cúng chuyên viết sớ ở đền miếu biết được vài ba chữ Hán, chữ Nôm được giới thiệu là học giả thông kim bác cổ. Một lần tôi đến nhà ông Tám Hảo chơi, thấy quyển sách Tư Mã Thiên, tôi mó vào định lật xem. Tôi bị một vị mắng cho một trận kịch liệt…

Tôi tiếc là chưa được đọc quyển tiểu thuyết “Những vĩ nhân tỉnh lẻ” của Dương Thu Hương nên không biết trong đó viết gì.

Tới ngày vợ tôi đập bầu, tôi vẫn không thể nào lấy được tiền công trông coi ao cá. Đứa con trong bụng mẹ nó quẫy đạp dữ dội. Vợ tôi vẫn phải cúi gập đầu trên xe tôm kiếm tìm những con tôm sót. Tôi khuyên vợ tôi nấu một nồi cháo tôm ăn lấy sức, chắc là sáng mai thì sinh em bé. Vợ tôi nói thôi. Tôi phải đưa nàng đến nhà bảo sanh. Tôi phóng đi hành nghề sửa xe hành nghề kiếm tí tiền lẻ. Buổi chiều hôm ấy tôi phải cãi nhau kịch liệt với bà chủ nợ để bảo vệ món tiền ít ỏi kiếm được. Không cho bà ta xiết tiền lời. Lần đầu tiên trong đời tôi chiến đấu dũng mãnh như vậy.

Qua một đêm vợ tôi chuyển bụng đẻ, sáng sớm ngày hôm sau tôi phải đưa vợ đi sớm. Túp lều bên ao cá buồn heo hắt. Hàng cây tre, lối đi quanh ao trồng cây bạch đàn cao vút lao xao gió thổi. Căn chòi chúng tôi ở như căn chòi hoang. Ở bờ thềm có một tổ kiến, tôi còn kịp nhìn hàng kiến tha mồi về tổ. Tôi không nỡ di bàn chân lên đó. Không gian như đứng lại.

Tôi đèo xe đạp vợ tôi lên nhà bảo sanh quận Tân Bình. Trong khi chờ đợi khám, tôi mời vợ tôi tô hủ tíu và ly cà phê sữa. Tại quán cà phê tôi gặp anh nhà báo Đường Thiên Lý, xưa kia tôi cũng làm việc chung với anh tại một tòa báo. Hình như ngày nay anh còn tiếp tục hành nghề, nhưng cũng èo uột lắm. Sau giải phóng đời sống anh thảm hại, bị vợ bỏ, anh đi đạp xích lô. Trong nghề nghiệp mới này anh lại gặp một mối tình, rồi cũng nên vợ bên chồng. Anh hứa với tôi sẽ thông báo cho bạn bè. Tôi tin điều đó cũng được và không tin cũng chẳng sao.

Tôi lại phải chở vợ về nhà bảo sanh Hùng Vương vì đẻ khó. Những đồng bạc ít ỏi của tôi vét bằng sạch, không thấm tháp gì với thủ tục nhập viện. Tôi lại lên đường hy vọng khi trở về có tiền, rồi suốt buổi trưa, buổi chiều. Mãi chiều tôi mới gặp được một người bạn tù cũ, anh Phạm Như Kiều. Hiện thời anh là kẻ có tiền. Tôi nói với anh, anh sẵn lòng giúp. Tôi nhớ rõ là hai ngàn rưỡi đồng bạc. Anh là người theo đạo Tin Lành, anh nói với giọng rất chân thành:

– Anh nhớ nhé, Chúa đã nói rằng làm việc thiện bằng tay mặt thì không cho tay trái biết.

Nhưng sau tôi biết đó là lời Chúa nói chứ không phải là lời của bạn tôi Phạm Như Kiều. Tôi khốn đốn vì nghĩa cử của bạn tôi không ít.

Tám giờ tối tôi chạy về nhà bảo sanh. Vợ tôi vẫn nằm trong phòng đợi sanh. Tôi hỏi tại sao lại chưa sanh được. Cô nữ hộ sinh cho biết đã gọi thân nhân của bà Trần Thị Thúy mấy lần. Bà Thúy cần phải chích thuốc giục sinh. Tôi cáu kỉnh:

– Tại sao lại không chích?

– Tại vì ông chưa đóng tiền, đóng tiền thuốc và công chích đỡ đẻ thì sinh ngay ấy mà. Chưa có tiền thì để đó đã. Nguyên tắc thôi.

Tôi đóng tiền xong, mười phút sau vợ tôi sanh. Một đứa con gái èo uột. Chắc chắn là suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Tôi cúi xuống con, nhìn vợ nói: “Mình gọi nó là con Tép nhé! ”

Nhờ có mũi thuốc chích giục sinh, con tôi mới được ra đời an toàn, tôi biết thêm được một điều ở nơi làm công việc nhân đạo này họ rất sòng phẳng về mặt tiền bạc. Thấm thía câu “thầy thuốc như đồ tể”. Một câu vô cùng xỏ lá, phản ánh lòng nhân đạo hồi ấy trong chốn y tế.

Suốt thời gian vợ tôi nằm ở nhà bảo sanh, xảy ra mấy vụ trốn khỏi nhà đẻ. Lần nào người mẹ cũng bỏ lại con trốn đi người không. Tôi cũng chẳng hiểu người ta xử lý với những đứa trẻ bị bỏ rơi đó ra sao. Nhưng tôi vẫn nghĩ đến một lòng nhân đạo mà con người phải có. Hy vọng là thế! Nên tôi không thể khẳng định đó là điều tốt hay xấu cho những trẻ sơ sinh. Có thiếu chăng là bầu sữa nóng của mẹ và tình mẫu tử. Biết đâu trên thân thể đứa trẻ sơ sinh đang yên ngủ hay o oe khóc đó không in lại rẫy nước mắt của người mẹ nó hay lưu lại ánh mắt đau buồn. Dù chị là gì, thế nào, nhưng chị cũng là con người. Một con người đẻ ra con người.

Tôi đôn đáo đi tìm tiền, còn nôn nả hơn anh công an đi tróc nã tội phạm, để “chuộc” vợ con ra khỏi nhà bảo sanh. Ơn nghĩa cuộc đời bạn cho tôi, tôi không thể không nói bất cứ từ đâu đến. Cũng có lần nhận sự giúp đỡ của ai đó rồi mang họa vào thân, nhưng nào có quan trọng gì đâu.

Một buổi sáng tôi đang ngồi sửa xe, đang rầu rĩ thối ruột gan. Một anh ký giả trẻ tới bên tôi, anh chia mừng tôi mới có con, anh dúi vào tay tôi một nắm tiền:

– Anh Huỳnh Bá Thành nhờ tôi đưa giúp anh để lo cho cháu. Anh cứ nhận, không có điều kiện gì hết.

Tôi ngỡ ngàng, rồi tôi nhận, cảm ơn.

Người ký giả trẻ vội vã ra đi. Trong thiên hồi ký viết trên gác bút này tôi chưa ca tụng ai nhưng không thể không công nhận một con người Huỳnh Bá Thành. Tôi không khen cái tình con người của anh đối với riêng tôi mà anh từng đối xử với nhiều người khác dù không đứng chung về phía anh. Anh có một tấm lòng đáng quí. Đó là tình người. Tôi đã im lặng về chuyện này nhiều năm. Đến nay con bé Tép của tôi đã tám tuổi. Huỳnh Bá Thành đã chết ở tuổi 49 với bệnh nhồi máu cơ tim. Tôi không đi đưa đám anh, nhưng tôi nghe kể lại. Bà mẹ già của anh khóc lóc kêu lên rằng sao không để bà chết thay anh, vì nếu anh còn sống anh sẽ còn làm được nhiều việc tốt, tôi nghĩ không ai hiểu con người bằng mẹ. Nhân cách của anh tồn tại. Tôi không có nhiều kỷ niệm với Huỳnh Bá Thành. Tôi chỉ nói về anh những điều ngắn gọn nhất.

Tôi đã đủ tiền để “chuộc” vợ con tôi ra khỏi nhà bảo sanh Hùng Vương. Bệnh viện luôn luôn cảnh giác cao. Bảo vệ theo vợ chồng và đứa con sơ sinh của tôi bén gót đến tận quầy đóng tiền. Khi tôi đóng tiền xong, anh chị em bảo vệ mới thở phào nhẹ nhõm, họ hoàn tất công tác. Chúng tôi không ôm con chạy trốn hay ném con lại chạy thục mạng thoát thân như nhiều vụ đã xảy ra.

Tôi tự chở vợ con tôi trên chiếc xe đạp thồ, con đường Hương lộ 14 xóc điên người. Tôi cứ đi, đi mãi cũng tới nhà. Túp lều ao cá phường 23 Tân Bình nằm heo hút trong xóm vắng, ngổn ngang mồ mả cải táng. Người ta đã đập sập cái nhà mồ, nơi vợ chồng anh bạn mù hát rong cư ngụ. Chẳng biết họ đi về đâu rồi.

Đêm đêm tôi vác gậy đi tuần quanh ao trong tiếng ễnh ương kêu y uôm, tôi không còn nghe tiếng đàn Tây Ban Cầm dạo của anh mù và tiếng hát như mèo gào trong đêm của chị vợ dượt bài bản nữa. Tôi nghĩ ngày nào đó vợ chồng con cái tôi sẽ dời khỏi ao cá này. Lại tha phương cầu thực. Chốn này có một mái nhà nhưng không phải đất lành chim đậu.

Khi tôi viết trang hồi ký trên gác bút này thì trời đổ mưa. Sấm chớp ì ầm một góc trời.

Gia đình nhỏ bé của tôi phải dời ao cá trong cảnh thảm hại. Khi đó bé Tép mới có tám tháng tuổi, hai vợ chồng tôi và một con chó con, con Lu. Chó Lu cũng sống với chúng tôi được tám năm mới chết. Tôi chôn nó dưới vườn, ngay căn gác bút của tôi nhìn xuống. Có lúc tưởng chừng nó còn quanh quẩn dưới chân tôi. Bây giờ thay vào nó là một bầy mèo. Mới đầu chỉ có một con, bây giờ chúng sinh sôi nẩy nở thành một bầy. Chúng quanh quẩn chơi với ba đứa con của tôi và chơi với tôi. Có lúc nó nằm trên bàn viết xem tôi làm việc cả tiếng đồng hồ. Nó dụi cái mõm xinh xinh đáng yêu vào tay cầm bút của tôi, tôi buông bút vuốt ve nó và nói cũng lẩn thẩn với nó. Tôi thường có những lúc như thế. Thường là những lúc hứng khởi sau khi buồn chán.

Tôi phải viết về việc dời ao cá ra đi như thế nào nhỉ. Nói đúng ra tôi bị đuổi khỏi ao cá cấp kỳ, người ta không cho tôi trông coi ao cá nữa dù không công. Tôi bị kết tội là thiếu đạo đức, tên mang án phản động đang ngụy trang nghèo đói sống lẩn lút trong nhân dân. Tội nào đối với tôi cũng đúng cả. Tôi đã bị người ta thuê côn đồ đánh đập cả hai vợ chồng. Phải đưa đi cấp cứu và tôi đã bị xử thua, hay không được nhắc đến nữa. Như hôm tôi bị đưa ra phường xử về mặt đạo đức do bà vợ cũ tôi thưa kiện, vì tôi dám bỏ vợ vì bà ta chửi mẹ tôi là con đĩ già, mụ phù thủy, quân đội quần. Tôi không chấp nhận cho bà vợ tôi hiện đang chung sống móc cái bào thai mang trong bụng vứt bỏ. Ngược lại tôi còn bảo vệ cái bào thai ấy để nó ra đời. Bé Tép suy dinh dưỡng của tôi.

Tôi thua, cuối cùng thì thua ở những cái miệng có gang có thép, chiếc xe đạp thồ lại chở mẹ con nó ra đi. Chưa biết về đâu…

Hoàn cảnh này tôi làm vạ lây đến vợ con và con chó Lu. Tôi đang bị ném ra ngoài lề xã hội. Tất cả mọi người ngoảnh mặt với tôi. Nhưng tôi vẫn phải bỏ sức lao động ra kiếm sống. Roi vọt tới tấp vút xuống thân phận. Tôi tha hồ đỡ gạt rồi lì đòn, chịu nhận mình sai trái cho yên thân.

Tôi có một căn nhà ở ấp Đông Ba, Gia Định, mua từ thuở đầu đời, nhưng tôi không được về đó và không được phép về do nhiều “lý do tế nhị” tôi không hiểu nổi. Vợ con tôi sống chui rúc ở một căn gác hẹp. Ngày ngày tôi đi thồ gạo và buôn rượu lậu ở đất Gò Đen lên thành phố bán kiếm chút lương thực và kiếm rượu uống “nung chí anh hùng”.

Tôi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Rồi đây tôi không biết mình trở thành cái giống gì. Hiện nay tôi đang ngồi viết hồi ký ở trên gác bút trong căn nhà xưa của tôi trong ấp Đông Ba vùng Gia Định xưa kia.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: