Chiếc hồ lô của chị tôi

Minh họa: Unsplash

Gia đình tôi có đến 12 anh chị em (không tính một anh mất từ nhỏ). Mạ tôi sinh nở dễ dàng mặc dù có hai đứa con sinh ngược (chân ra trước): chị Mai Trang và em Lâm. Và trong gia đình tôi chỉ có hai người này định cư ở xứ người.

Năm 1993, chị Mai Trang qua Mỹ theo diện HO. Anh Quỳnh, chồng chị, là sĩ quan đi học tập đến tám năm. Hơn mười năm chị không về Việt Nam vì phải lo gầy dựng cuộc sống mới, chị chỉ gởi tiền về báo hiếu ba mạ và lì xì các em dịp Tết. Thời gian trôi qua đủ để anh chị có đời sống vững vàng ở xứ người, thấy ba mạ đã già, chị tôi quyết định về thăm nhà. Từ đó, khi ba năm, lúc một năm chị lại có mặt ở Đà Lạt.

Minh họa: Unsplash

Chị tôi giờ không còn mảnh mai như hồi còn con gái; chị tròn người, khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt to ấm áp và khuôn miệng hay cười. Lần nào đón chị từ sân bay, nhìn chị đẩy chiếc xe chất đầy vali hàng hóa ra khỏi phòng cách ly mới thấy cái tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam: luôn tần tảo, chắt chiu dành dụm cho gia đình.

Tối hôm sau ngày chị về, anh em chúng tôi có mặt ở nhà ba mạ để thăm chị và cũng được tận hưởng niềm vui được chia quà. Dẫu ở lứa tuổi nào, những đứa em tóc đã hoa râm đến những đứa cháu còn rất trẻ… đều náo nức chờ nhận quà. Cảm giác như ngày nào chờ chị tôi đeo chiếc túi đầy ắp đồ Mỹ viện trợ trở về nhà, từ trường Sư phạm Qui Nhơn, thời trước 1975.

Căn phòng khách trở nên chật chội. Mạ tôi ngồi trên ghế sopha, ba tôi đi lững thững từ phòng này qua phòng khác. Ông không muốn sót đứa con đứa cháu nào. Em Chi lấy sẵn 14 bao nilon lớn: một cái dành cho ba mạ, mười túi dành cho các anh chị em (trừ em Lâm đang ở Mỹ), còn lại ba phần của các cháu đã lập gia đình.

Dẫu chị về Việt Nam cả chục lần nhưng quà hàng luôn vậy, đầu tiên là kẹo chocolate đủ loại, kẹo chewing gum đủ mùi, rồi nho khô, táo khô, bánh ngọt… Chị bảo: “Chị đi chợ thấy cái gì cũng muốn mua về cho mấy đứa ăn thử cho biết!”.

Bánh trái chia trước rồi đến đồ dùng như dầu gió xanh là không thể thiếu, mỗi đứa hai ống kem đánh răng thơm mùi bạc hà cộng với bàn chải đánh răng. Chị mua cả cây lăn dính để làm sạch quần áo cho mấy cô em gái; Salonpass chia đều, phần ba mạ nhiều hơn. Mấy hộp thuốc bổ phụ nữ phát cho mấy anh con trai đem về để vợ uống. Mấy chị em gái thì được hộp dao cạo râu mang về cho chồng. Mấy hộp kẹo dẻo vitamin thì dành cho con nít. Ống dầu nóng cho anh Việt xoa lưng…

Cái thú mở quà cực kỳ thú vị khiến chúng tôi như trở về thuở ấu thơ tò mò lục giỏ mẹ khi đi chợ về. Chị tôi luôn tạo những sự bất ngờ từ chiếc hồ lô chị mang về đó: có miếng chà nồi soong mà chị khen loại này xài rất tốt, có cục đá mài gót chân cho mềm da nhắc chị nhớ thời nào tắm rửa cho em phải chà chân xuống nền xi măng nham nhở. Cứ vậy, mỗi món quà đưa ra đều có kèm lý giải: hộp khăn giấy ướp mùi thơm cho mấy đứa nhỏ xài cho đỡ đau mũi, bông ngoáy tai cho người lớn, trẻ con, hộp băng cứu thương, cuộn băng keo, sợi chỉ nha khoa đến cây tăm xỉa răng bằng nhựa… Chiếc hồ lô của chị dường như bất tận, có đủ thứ. Nó giống cửa tiệm chạp phô của bà xẩm ở cạnh máy nước công cộng ngày nào. Mấy thùng hàng được chia thành những túi nhỏ, chị còn phân bua “Tại nhà mình đông anh em quá nên mỗi phần chỉ có từng đó!”.

Minh họa: Unsplash

Chúng tôi nhận quà với cảm giác trở lại tuổi thơ ấu. Nhà đông anh em, mọi thứ đều được chia đều từ vật chất đến tình thương. Chiếc hồ lô của chị tôi không cạn ở đây. Sau hôm đó, mỗi khi có em cháu ghé thăm, chị lại to nhỏ: “Lọ lotion này để cho Thư”, “Bác mua có hai cái bóp thôi, cho Linh, Dung nè”, “Chị Bá mặc áo này vừa, chị lấy nghe”…

Người nhận có cảm giác mình là nhân vật đặc biệt được chị ưu ái, dù ai cũng biết đứa cùng lứa với mình sẽ có quà tương tự bởi chị tôi không phân biệt em dâu hay em gái, em trai hay em rể, cháu gọi dì hay cô. Chiếc hồ lô của chị cũng không chỉ dành cho người trong nhà. Chị lui cui gói chai kem dưỡng da, gói kẹo để “sang thăm anh Đức”, biếu chai dầu xanh cho Bà Tư Chè, bà Bụi ghé chơi; nghe em bán phở gần nhà làu bàu “Dao cùn xắt miếng thịt không đứt”, chị mua đồ mài dao đem về cho nó.

Rồi tới ngày chị trở về Mỹ, chúng tôi lại chia nhau đứa mua chuối sấy, đứa mua cà phê… Chiếc hồ lô lại mang về Mỹ nào ớt bột, tiêu sọ, cà ri nị, bánh mứt, dành cho gia đình và cho cả bạn bè, hàng xóm của chị. Người ta thường nói: quà tặng không quan trọng bằng cách cho. Chị tôi đúng là vậy đó, chị lúc nào cũng khiến chúng tôi trở thành những đứa em nhỏ bé trước tấm chân tình rộng mở.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: