Cậu Mười Thiên là con cháu nhà họ Đỗ. Cái họ cả xứ đều biết bởi gia phả lâu đời và sự giàu sang một thời vang tiếng. Có thể vị nể cái bề dày gia đình họ Đỗ mà mọi người khi gặp Thiên đều gọi bằng cậu Mười, hoặc cậu Mười Thiên. “Thiên” ở đây theo nghĩa của dân quê là “một ngàn”, còn mười thiên có nghĩa gấp mười lần như thế. Cứ nghe tên đã đánh giá được người, và Mười Thiên quả xứng danh là hậu nhân một gia đình truyền đời vinh hiển.
Sự giàu sang dòng họ Đỗ là không phải bàn cãi, vì trong họ tộc bao giờ cũng có người tài cao học rộng, với những mối quan hệ có nằm mơ người làng cũng không dám với…
Thế nhưng không phải vì vậy cậu Mười hống hách với người cùng làng. Ngược lại cậu rất dễ thương khi hay giúp đỡ những gia đình mẹ quả, con cô, trong điều kiện người thì già, trẻ lại non nên chưa phấn phát làm ăn được…
Cậu Mười đi học tại Sài Gòn, sau khi tốt nghiệp cử nhân thì về quê lấy vợ. Điều này khiến nhiều người kinh ngạc muốn ngã ra khi biết chuyện. Đúng ra với phong cách học thức sẵn có, cậu Mười nên lấy một cô gái ở thành đô và sống luôn tại đó. Ai đời người có học lại chọn gái quê làm vợ cơ chứ!…
Đất đai muôn mẫu, nhà rộng thênh thang cậu Mười cũng mặc, khi chọn một cô vợ trong xóm lá tối trời ít ai biết đến. Chính điều này đã xảy ra một trận tranh cãi với người trong họ tộc, trung tâm sự kiện là chuyện: “cậu Mười sao lại cưới vợ gái nông”. Gia đình và bà con muốn cậu Mười thay đổi quyết định khi chọn ý trung nhân, nhưng bản thân Mười Thiên lại khăng khăng một mực:
– Người làng quê tâm tính thủy chung, chịu khó, không se sua son phấn, lại biết thương chồng. Như thế không phải là ước mơ của các đàn ông sao?
Và cậu Mười tuyên bố một cách dứt khoát: “Cưới vợ là việc chung thân đại sự của một người. Chỉ duy nhất người đó mới quyết định sự lựa chọn cho mình. Nếu sau này có ra sao là chuyện cá nhân người trong cuộc, chứ đâu ai đưa đầu chịu thay…”
Đến đây cả họ đành chịu thua cái lý của cậu Mười. Thua bằng nhiều cách chứ không riêng cái tài lý sự mà Mười Thiên mang ra tranh cãi. Bởi nếu ai có muốn ngăn thì cậu Mười vẫn dư sức tổ chức lễ cưới bằng số tiền riêng mình sẵn có. Số tiền ấy không lớn… nhưng đủ khả năng tổ chức ba lần như vậy…
Trong cuộc tranh luận, gay gắt nhất là người anh họ của cậu Mười với tên gọi Đỗ Bá Nhân. Ông ta tuổi lớn, lịch lãm sự đời, nên phản đối đến cùng. Lúc mọi người đã xuôi tay, riêng ông ta phủi áo bỏ đi với một câu phán mang tính như đe dọa: “Chú cãi lời người trên thì đừng trách tôi… Sau này sự việc có xấu đi cũng do chú tạo nghiệp…”
Người trong làng khi biết chuyện, khuyên cậu Mười đừng phạm vào ông Nhân. Ở cái xứ này ai ai cũng biết ông Nhân rất đáng sợ. Nghe đồn Đỗ Bá Nhân hay qua lại mới mấy tay thương buôn liên quốc ở nước Lào, Thái Lan, Cao Miên… cho nên biết rất nhiều về tà thuật. Không biết chuyện này đúng hay sai, mà có rất nhiều lời ra tiếng vào về ông Nhân ấy.
Trong dòng tộc họ Đỗ, chi nhánh ông Nhân rất xa với cậu Mười nên mọi sinh hoạt của ông anh kỳ quái rất ít người biết đến. Họa hoằn chỉ duy nhất một người bác họ đã lớn tuổi, mới hiểu sự việc đầu cua tai nheo ra sao…
Đỗ Bá Nhân sống một mình sau khi người vợ quá cố khá lâu. Và đoản tình duyên hiếm hoi đó cũng gây khá nhiều lời bàn tán với cái chết không minh bạch của bà vợ. Nghe đâu trước khi về làm dâu họ Đỗ, người con gái xinh xắn nổi tiếng một vùng đã có ý trung nhân. Nhưng không hiểu vì sao ngày sắp thành thân thì chàng trai bỗng ngã ra chết. Người ta cứ tưởng sau cái chết của anh chồng hụt thì cô gái sẽ ưng Bá Nhân, nhưng ngược lại nàng còn tỏ ra cương quyết hơn khi muốn sống độc thân cho đến chết.
Rồi một việc xảy ra làm đảo lộn mọi toan tính của cô gái…
Cái gia đình bốn người phút chốc nổi phong ba: Cha và anh của nàng bỗng lăn ra chết, không hiểu được nguyên nhân. Người mẹ già phút chốc đứng bên bờ vực, với cô con gái neo đơn không biết chọn đường nào để đi…
Tình làng nghĩa xóm, ai cũng buồn thay cho gia đình bất hạnh ấy! Nhưng thái độ Bá Nhân lại khác… khi tỏ ra vui mừng trước nỗi khổ cô gái đang mang.
Rồi… bỗng nhiên có tin Bá Nhân sắp lấy vợ. Cô vợ chính là người con gái đang thủ tang cùng lúc ba vong hồn bạc mệnh.
Vợ chồng Bá Nhân sống với nhau được bốn hay năm năm thì bà Nhân sinh bệnh, thuốc thang mấy cũng không qua được. Trước lúc chết, vợ Bá Nhân tỏ vẻ mừng vui ra mặt, điều này khác với bình thường nên nhiều người lấy đó làm thắc mắc, nhưng chẳng dám gạn hỏi. Chỉ một điều những người chứng kiến truyền miệng với nhau là: “Lúc lâm chung bà Nhân cứ kêu chệch tên ông Nhân là “Bất Nhân”…!”
Và chữ “Bất Nhân” ấy trở thành tên phía sau lưng của Bá Nhân kể từ đó, đối với những kẻ chẳng ưa mấy con người lúc nào cũng trầm mặc kì quái.
Từ ngày vợ chết Bá Nhân không tục huyền, chỉ trơ trọi một thân chu du đây đó. Nghe nói nhiều mai mối muốn đứng ra môi giới cho Nhân một cô vợ, nhưng không thành. Không thành bởi tại Bá Nhân, chứ biết bao cô gái muốn rơi vào nhà họ Đỗ để tận hưởng vinh hoa phú quý.
Sống một mình, Bá Nhân như cái bóng đi ra đi vào căn nhà rộng thênh thênh. Nhà không, chủ quạnh, nên thân phận người chủ càng tỏ ra kỳ bí với hành tung khó ai đoán định. Những người già dặn, gần ngôi nhà Bá Nhân, thường kháo chuyện với nhau về cách đi của ông Nhân. Bởi bước chân ấy giống như mèo đi săn đêm, không phát ra bất cứ tiếng động nào. Nhiều người còn nói một cách chắc chắn, có lần ông ta đến sau lưng mình, chỉ cách mỗi bước chân mà vẫn không hay biết.
Chuyện về Bá Nhân đến tai cậu Mười, càng khiến tình cảm hai anh em chung họ ngày một xa hơn. Cậu Mười không thích tính cách của Bá Nhân, lẫn những câu nói thầm thì phía sau lưng ông anh kỳ quái. Nhưng nói là như vậy, chứ chung họ tộc không lẽ thịt bỏ ra, da bỏ vào. Cùng lắm, nhà ai nấy ở, giường ai nấy nằm, tránh nhau điều phiền phức.
Hôm cậu Mười lấy vợ, cả họ mới ngã ngửa. Hóa ra cậu ấm họ Đỗ quả thật tinh đời! Cô dâu về nhà mới, xinh đẹp chẳng nhường ai, mặc dù có đôi chút chất phác gái quê.
Cả họ lúc này nhìn nhau hài lòng ra mặt…
Cậu Mười dẫn vợ đi ra mắt người trong họ tộc. Đây là nghi thức bắt buộc trong lễ hôn không thể thiếu. Khi đến trước mặt Bá Nhân bỗng nhiên mợ Mười rùng mình như cảm lạnh. Thái độ khác lạ của vợ khiến cậu Mười quan tâm.
– Em mệt hay bị cảm lạnh?
Cô dâu tỏ vẻ ngại ngùng đưa mắt nhìn chồng:
– Không sao! Em chỉ bị choáng chút thôi…
Đó là giây phút đầu tiên mợ Mười tiếp xúc với người anh họ bên chồng, và trở thành bao phiền phức đối với hai vợ chồng mãi đến tận sau này…
Ngày đầu tiên bên nhà chồng của mợ Mười cũng khá ấn tượng. Bao nhiêu khách viếng thăm đều được người con gái miệt quê tiếp đón ân cần, niềm nở. Sức khỏe cô gái khá tốt nên đối với việc trà nước hoặc cơm rượu chẳng nề hà. Mợ Mười rất xốc vác nên không biết mệt là gì, chỉ có điều… cái ông anh Bá Nhân gặp mặt trong ngày cưới, thường xuyên thăm hỏi hai vợ chồng nhất, khiến mợ Mười sợ…
Không hiểu sao, ánh mắt ông ta cứ hút vào gương mặt mợ Mười, đến nỗi rót trà tràn ra ngoài mà vẫn không hay biết…
Lúc nhà vãn khách, mợ Mười mới hỏi chồng:
– Anh Bá Nhân lúc này rảnh việc nên hay sang thăm hỏi hai vợ chồng mình nhỉ?
Cậu Mười hơi chau hai hàng lông mày ra vẻ khó chịu, nhưng không muốn vợ trông thấy.
– Ông ta làm anh khó hiểu đấy! Bỗng nhiên thành người tốt bao giờ không biết…
Câu nói của chồng khiến mợ Mười ngạc nhiên, nhưng không dám hỏi. Mợ nghĩ, có thể hai anh em đang hờn giận chi đó nên chồng mới nói thế… Chứ riêng mợ thì… không dám lỡ miệng…
Vào làm dâu nhà giàu cái gì cũng sợ. Những vật dụng linh tinh so ra lúc nào cũng đắt tiền đối với kẻ nghèo. Vì vậy mợ Mười chưa bao giờ buông thả hành động trong căn nhà thật lắm thứ. Cũng may, cậu Mười mồ côi sớm, chỉ mấy người chị đã gả chồng xa, mấy đứa em nhỏ đi học thì lâu lâu mới về. Như vậy, tuy gọi “mợ Mười”, nhưng thật ra là bà chủ một gia đình với mấy người giúp việc…
Hơn một tháng sống với vai trò mợ Mười, cô gái vùng quê làm quen rất nhanh những sinh hoạt kẻ trưởng giả. Mợ Mười chưa bao giờ làm chồng thất vọng hay ra vẻ với những người phụ việc bằng vai trò chủ cả của mình. Chính điều này làm cho người ăn kẻ ở rất nể vì một cô gái cùng tầng lớp, nhưng lại gặp may khi lọt vào nhà họ Đỗ.
Ba tháng sau cậu Mười có tin vui. Mợ Mười đã có mang. Và ai cũng tin rằng đó là dòng quý tử…
Cậu Mười tất bật với việc mua sắm khi được tin vui nên cả ngày vẫn chưa thấy về…
Chiều đó mợ Mười ra bàn thờ tổ tiên thắp nhang như thường lệ. Bỗng nhiên lúc đang đứng, người đàn bà có cảm giác ai đó đứng rất gần mình… gần lắm như thể sắp chạm vào… Giật phắt cả người, nàng quay lại chực la lên thì… thấy Bá Nhân…
Người đàn ông đứng phía sau vừa rút nhanh tay lại… lùi ra một bước…
Mợ Mười nói mà mặt tái đi:
– Anh đến khi nào sao không lên tiếng…
Người đàn bà khôn ngoan vội lớn tiếng gọi:
– Mấy đứa ở sau nhà, mang nước lên cho bác Hai uống… nhanh lên!
Khi con Bé bưng nước đến, mợ Mười nói như ra lệnh:
– Con đứng đó! Khi cần, mợ có việc nhờ…
Sắc mặt Bá Nhân tái xanh khi nhìn vào mợ Mười. Ông ta nói nhưng đôi mắt gian giảo ngó quanh quất:
– Chú Mười không ở nhà sao thím? Tôi đến tìm chú ấy có chút việc nhưng xem ra… xem ra…
– Anh ngồi chơi. Anh ấy chắc sắp về rồi đấy.
Bá Nhân hơi lúng túng rồi khước từ ra về.
Lão vừa quay lưng, mợ Mười đưa tay lên ngực thở phào nhẹ nhõm:
– Người gì thật lạ! Vào nhà mà không lên tiếng. Bước chân cứ như ma vậy…
Việc chạm mặt Bá Nhân trong tình huống đáng sợ, mợ Mười không kể với chồng nhưng lại nói với cha ruột mình.
Ông già Tư sống bằng nghề sửa trật và trị bệnh dân gian đã lâu. Nhà có mỗi cô con gái nên ông rất cưng chiều và xem như của báu. Ấy thế mà con gái vẫn xa. Bởi đã lớn thì phải theo chồng…
Ngày còn thanh niên kham khổ, ông Tư lăn lóc tận Nam Vang để rồi học được chút ít tài mọn, mang về xứ trị bệnh giúp đời. Khi gả con gái vào nhà họ Đỗ, ông già mãi băn khoăn trong lòng. Họ Đỗ thì không có gì phải phàn nàn, nhưng… trong họ Đỗ có một người ông Tư biết tiếng. Ông biết người này khi còn rất trẻ, lúc trần lưng kiếm cơm tại Nam Vang. Người đó chính là… Đỗ Bá Nhân.
Khi nghe con gái kể lại sự việc, mặt ông già tái đi trong ánh sáng sắp tắt buổi trời chiều. Không nói không rằng, ông vào nhà lấy ra một vật cho con gái.
– Con đem cái này về. Con đeo một cái. Cái còn lại là cho chồng con…
Mợ Mười định hỏi thì ông già khoát tay:
– Chồng con là người có học. Nói nhiều đôi khi nó không tin lại cười mình. Ông Nhân ấy rất… Con phải cẩn thận giữ mình…
Về đến nhà, mợ Mười mở vật đó ra mới biết là dây “Bùa” dân gian thường đeo cho trẻ nhỏ. Cô con gái bật cười khi nhớ đến sắc mặt người cha. Có thể do quá thương con ông già sinh ra nghĩ nhiều, bắt đeo mấy thứ kỳ quái. Thời buổi này cho chồng chắc anh ấy cười, chê mê tín…
Nghĩ vậy, nhưng mợ Mười vẫn đeo vào cổ sợi dây với cái túi nhỏ xíu hình tam giác rất dễ thương…
Tối hôm đó cậu Mười thấy vật lạ trên cổ vợ liền phì cười:
– Em đeo vật chi đẹp thế! Có phải dành cho đứa bé không?
Câu hỏi của chồng khiến mợ Mười mừng rỡ. Nàng nói cho chồng đừng để ý:
– Đúng là cho đứa nhỏ! Anh cũng phải đeo một cái cho bớt khí mãnh, tránh đứa trẻ giật mình.
Thế là để chìu vợ, cậu Mười cũng đeo sợi dây vào cổ…
Sau này khi nhớ lại chuyện cũ, mợ Mười vẫn còn cười mãi tính cả lo của cha. Nhưng có một việc người con gái không sao giải thích được. Từ ngày đeo sợi dây ấy, không thấy Bá Nhân lảng vảng tới nhà. Có hôm tinh ý quan sát, thấy Bá Nhân cứ nhìn chằm chằm vào ngực khi nàng mặc chiếc áo bầu rộng cổ.
Dù sao cũng hay, tránh được ông anh chồng như kẻ trộm đã thấy vui rồi. Nhưng xem ra lão ta ngày một tức tối điều gì đó có trời mới hiểu…
Năm sau, nàng dâu họ Đỗ sinh con. Đó là đứa trai bụ bẫm rất dễ thương.
Cả họ hay tin đều đến chúc mừng, nhưng không thấy Bá Nhân.
Mợ Mười nghĩ bụng: “Như thế lại hay! Đứa nhỏ vì vậy không phải giật mình…”
Nhưng đến lúc đứa trẻ hai, rồi ba tuổi, mợ Mười lại thấy lo. Ông Bá Nhân bây giờ cứ bám theo đứa nhỏ suốt, với bao nhiêu thứ đồ chơi…
Đến sinh nhật thứ tư của bé Thanh Tâm, Đỗ Bá Nhân đến dự tiệc và tặng cho cháu một chiếc mặt nạ đen với cái miệng cười hoác. Ai nấy nhìn chiếc mặt nạ đều cười vì nét khôi hài của nó. Riêng mợ Mười lại chau mày không hài lòng khi nhìn đứa con chơi đùa với chiếc mặt nạ.
Chiếc mặt nạ màu đen với hai hố mắt to tròn, cái mũi nhân sư, miệng lại nở nụ cười đầy nét huyền bí. Không hiểu sao mợ Mười thấy khó chịu khi con mình mang chiếc mặt nạ ấy. Nhìn nó thật bất tường, thật giả tạo bởi nụ cười rất khó giải thích. Khi Thanh Tâm đeo chiếc mặt nạ, mợ Mười không hiểu con mình đang nghĩ gì, vui buồn ra sao. Bởi nó bị che phủ bằng nụ cười như mật ngọt, quyến rũ lòng người.
Nàng đem những điều bức bối nói với chồng.
– Em không thích chiếc mặt nạ ấy tý nào. Con người khi đeo mặt nạ thật khó coi. Nó không còn những nét chân thật quý báu ông trời ban tặng. Khi khoác chiếc mặt nạ lên, chỉ duy nhất là sự giả dối hòng lừa gạt nhau thôi.
Cậu Mười nhìn vợ, cười hóm hỉnh:
– Con nít mà em! Đứa nào không thích điều mới lạ.
Mợ Mười định nói nữa, nhưng nghe thế lại thôi… Dù sao nàng vẫn thấy lo lo…
Mấy ngày sau, không biết phải do chơi đùa nhiều mà bé Thanh Tâm bỗng bị sốt cao. Cậu Mười cùng vợ đưa con vào bệnh viện. Bác sĩ khuyên cho cháu ở lại để tiện việc theo dõi…
Bé Tâm nằm viện khá lâu nhưng không khỏi. Nó được hạ sốt, nhưng bác sĩ chẩn đoán cho rằng cháu bị ảnh hưởng thần kinh và mang di chứng suốt đời.
Mợ Mười khóc ngất trên tay chồng. Đứa con yêu quý của họ bỗng nhiên lâm bệnh kỳ lạ, thật khó lòng chấp nhận được.
Ngày đưa con ra viện, mợ Mười khóc mãi. Bé Thanh Tâm bây giờ mặt mày ngơ ngẩn, ánh mắt lạc thần. Nó nhìn vợ chồng cậu Mười với vẻ xa lạ, không nhận ra đó là người thân của mình.
Sự kiện bé Tâm đột nhiên lâm bệnh lạ khiến trong họ rất nhiều lời bàn tán. Người nói thế này, kẻ nói thế kia, không ai giống ai. Nhưng một điều mọi người đều thống nhất với nhau là: “Thanh Tâm bị nhập tà”. Nếu không, sao đứa nhỏ đang chơi đùa bỗng nhiên ngã ra bệnh lạ…
Thấy tình cảnh vợ chồng cậu Mười ai ai cũng thương cảm, nhưng không biết san sẻ bằng cách nào…
Từ ngày lâm bệnh, bé Tâm ít nói, nếu có cũng là những lời nói thiếu ý tứ và vô nghĩa. Nó thường đi loanh quanh trong khu vườn với chiếc mặt nạ, ca hát vu vơ đến tối mới chịu vào nhà.
Rồi một ngày không ai thấy Thanh Tâm đâu. Mọi người chia nhau ra tìm náo động cả làng. Đến gần sáng người ta phát hiện ra bé Tâm nằm chết dưới ao nước sau vườn, với chiếc mặt nạ cầm chắc nơi tay.
Tội nghiệp cho mợ Mười cứ xỉu lên xỉu xuống bên cạnh xác con. Cậu Mười Thiên thương vợ lắm, nhưng biết phải làm gì khi bản thân cũng bị nỗi khổ vắt kiệt.
Người ta đem bé Tâm đi chôn trong tiếng nấc tức tưởi của dòng họ. Chiếc mặt nạ là niềm vui thích hằng ngày của nó được cất giữ như một kỷ vật.
Sau đám tang mấy ngày bỗng nhiên hai vợ chồng cậu Mười cãi nhau. Mợ Mười cứ một mực cho rằng cái chết của con là do chiếc mặt nạ gây nên… Còn cậu Mười vì thương con nên không muốn hủy chiếc mặt nạ ấy. Thế là cãi nhau… ngày một lớn tiếng. Cuối cùng cậu Mười bỏ đi trong sự tức giận.
– “Đàn bà thật mê tín, cái vật vô tri ấy làm gì có quyền năng tước đi sinh mạng con người…”
Đó là nhận định sáng suốt sau cùng của cậu Mười mà người trong nhà nghe thấy!
Đến tối cậu Mười về trong cơn say bí tỉ, miệng cứ oang oang chửi rủa:
– Ma quỷ gì trong chốn nhân gian? Em cứ tin những chuyện huyễn hoặc thì bao giờ mới tiến bộ theo kịp mọi người. Người ta đã lên tới sao hỏa mà vẫn có người tin ma, tin quỉ mới lạ. Đâu, đâu! Chiếc mặt nạ đâu? Để anh xem nó có gì em lại sợ. Đây rồi! Món đồ chơi xinh đẹp của con trai tôi… Kìa… Kìa… nó đang cười em kia…
Rồi cậu Mười đeo chiếc mặt nạ lên trước sự hốt hoảng của vợ…
Mợ Mười không kịp ngăn chồng, chỉ kịp hét lên:
– Trời ơi! Anh làm gì thế?
Cậu Mười cười cợt, nhảy múa quanh vợ với cơn say tận trời. Sau khi đã mệt, cậu ngã xuống giường rồi chìm vào giấc ngủ say…
Sáng hôm sau người họ Đỗ lại một phen kinh hoảng. Cậu Mười Thiên trở nên khật khưởng, ngây ngô như bị ai hớp hồn. Người cậu phờ phạc, sắc mặt tái xanh, ánh mắt lạc thần như một kẻ điên. Nhìn cậu, không ai tin đó chính là cậu ấm họ Đỗ ngày nào…
Mợ Mười nhìn chồng kinh hoàng. Nỗi lo sợ trở thành hiện thực, không còn là sự ám ảnh trong giấc ngủ nữa… Và nàng ngất xỉu trên tay của… Bá Nhân…
Người ta đưa cậu Mười vào bệnh viện. Nhưng mới thấy các bác sĩ mặc đồ trắng, Mười Thiên lại hét lên:
– Ối, ối! Quỷ, quỷ! Quỷ hút máu người. Chạy đi, chạy mau! Quỷ hút máu người. Nhìn tay chúng kìa! Tay chúng đang cầm cái vật hút máu… Sợ lắm! Sợ lắm… Ác quỷ đó… về thôi…
Rồi mặc cho người ta cố nắm giữ, Mười Thiên giãy giụa, quơ quào, phẫn uất và sợ hãi… kiên quyết không vào viện…
– Quỷ, quỷ… bọn chúng là quỷ đội lốt người. Mọi người phải cẩn thận… coi chừng bị hút máu đó… Ồ! Chúng đeo mặt nạ… Chúng cũng đeo mặt nạ tụi bây ơi…!
Lời Mười Thiên cứ vang dội khi mọi người cố kéo cậu ta nằm trên giường bệnh… Từ ngày đó, cậu Mười không trở về nhà được nữa. Bác sĩ nói cậu bị thương tổn thần kinh, rất khó cơ may hồi phục…
***
Từ ngày con chết, chồng lại mất trí, mợ Mười trở thành ít nói. Có khi hai ba ngày những người giúp việc mới nghe nàng mở lời. Người ăn kẻ ở thương mợ nhưng không biết khuyên giải ra sao, chỉ biết chăm sóc bà chủ nhỏ với sự tận tâm như ruột thịt…
Những ngày này Bá Nhân thường hay lui tới. Lão ra vào cửa nhà cậu Mười như chính nhà mình, mặc kệ những tiếng thì thào sau sau lưng cho rằng lão si tình nàng dâu họ Đỗ…
Mợ Mười biết chuyện cũng giả lơ. Trong thâm tâm cho rằng, lão chính là nguyên nhân gây ra bất hạnh… Nhưng lúc này đuổi xô ích lợi gì, bởi mợ nghĩ… biết đâu lão sẽ hé ra điều gì đó, có thể cứu mạng chồng…
Rồi một hôm có người nhắc nàng về người bác họ, sống bên kia cánh đồng. Bác Đỗ Mục Trí khi về già chỉ thích sống riêng biệt, hiếm khi ra khỏi cửa. Nghe nói bác biết rất nhiều việc trong họ tộc không ai sánh bằng. Mợ Mười nghĩ bụng, quay đi ngoảnh lại trong căn nhà cũng không giải quyết được gì! Hay thử sang thăm bác Ba, biết đâu lại được việc…
Không ngờ mới ra tới cửa nàng đã đụng mặt Bá Nhân…
– Mợ đi đâu? Để tôi đưa đi cho…
Mợ Mười nhìn lão cố cười xởi lởi:
– Cảm ơn anh họ. Em về nhà thăm ba, nên không dám phiền anh. Để khi khác vậy…
Không để ý đến nét mặt khó chịu của Bá Nhân, nàng bước nhanh với sự kiên quyết hiếm thấy…
Vượt qua cánh đồng, sau đó mấy con sông, cuối cùng mợ Mười cũng đến nhà bác Trí. Ông già bước ra tiếp khách với đôi mày nhướng cao. Bác ngạc nhiên nhìn người cháu dâu.
– Có việc gì mà cháu lặn lội đến đây! Người nhà vẫn khỏe hết chứ cháu?
Mợ Mười theo chân ông bác vào nhà, miệng liến thoắng kể tất cả mọi chuyện cho ông già nghe.
Đỗ Mục Trí càng nghe càng nhíu mày ra vẻ khó chịu. Cuối cùng khi mợ Mười nói đến chiếc mặt nạ thì ông giật mình.
– Chiếc mặt nạ nào vậy? Từ đâu mà có?
– Của anh Bá Nhân đem cho thằng bé nhà cháu nhân ngày sinh nhật đó bác.
Ông Trí vừa nghe đã thảng thốt:
– Chiếc mặt nạ Thiết Huyền! Chắc chắn là nó rồi.
Mợ Mười mừng rỡ nhìn ông già chờ đợi. Nàng biết, nếu có người hiểu về chiếc mặt nạ thì cơ may cứu Mười Thiên càng lớn.
– Bác hiểu gì về chiếc mặt nạ hãy kể cho cháu nghe đi. Biết đâu cháu có thể nghĩ cách cứu chồng mình…
Đỗ Mục Trí nhìn nàng dâu thở dài:
– Thật ra những điều bác biết về nó không nhiều. Tất cả do nghe lại từ người lớn, qua nhiều đời… Không biết đúng hay sai…
Ông già nghĩ ngợi một lúc rồi nói tiếp:
– Người ta nói đó là chiếc mặt nạ Thiết Huyền, bởi nó có sắc đen và cứng chắc lạ thường. Còn chữ “huyền” nghĩa là chứa đựng những điều khó ai hiểu được…
Có người nói nó ở Ai Cập, rồi theo chân thương nhân đến Trung Hoa, sau đó lưu lạc vào nhà họ Đỗ. Cũng có ý kiến nói xuất xứ của nó ở nước Anh, nơi lễ hội hóa trang diễn ra hằng năm… Rồi ý kiến cho rằng nguồn gốc nó ở Đức quốc, nơi duy nhất diễn ra lễ hội dành cho các phù thủy…
Chung qui rất nhiều ý kiến về chiếc mặt nạ, nhưng không ai chứng minh được chính kiến mình là đúng. Chỉ một điều mọi người không thể chối cãi là chiếc mặt nạ đó thuộc về Đỗ gia… đã trải qua rất nhiều đời…
Người ta không thể nói đích xác chiếc mặt nạ có từ đâu, nhưng việc nó chứa đựng một… lời nguyền thì rõ ràng đủ cơ sở…
Nghe đến đây mợ Mười liền giật mình hỏi nhanh:
– Chiếc mặt nạ đó chứa đựng lời nguyền ư? Vậy nhất định lời nguyền ấy rất bất tường, rất đen đủi, cho nên… chồng và con cháu mới ra sự thể ấy!
Ông Trí nhìn nàng ra vẻ cảm thông, xen lẫn nỗi buồn.
– Người ta nói bất cứ ai đeo chiếc mặt nạ vào không sớm thì muộn sẽ… chết. Và việc này đã được minh chứng qua nhiều thế hệ khiến ai nấy rất sợ! Cuối cùng cụ cố của bác đã quyết định đem theo chiếc mặt nạ ấy lúc nhắm mắt qua đời…
Mợ Mười thắc mắc:
– Nhưng như vậy làm sao nó lại rơi vào tay Bá Nhân được hở bác?
– Việc này quả thật bác không sao biết được. Chỉ biết rằng, lúc lấy hài cốt cụ cố đem đi cải táng thì không thấy chiếc mặt nạ. Trong cuộc khai quật ấy rất nhiều người trong họ tộc tham dự, có lẽ ai đó nhân lúc nhiễu sự đã lấy đi… Mãi đến sau này bác mới biết người đó chính là Đỗ Bá Nhân…
– Làm sao bác khẳng định Bá Nhân là người lấy cái mặt nạ đó? Trong khi có rất nhiều người…
Đỗ Mục Trí thở dài một lúc mới nói tiếp:
– Lúc đầu bác không biết đích xác đó là Đỗ Bá Nhân. Sau này xảy ra việc liên quan đến Bá Nhân lấy vợ nên mới phơi bày…
Mợ Mười bắt đầu thấy hiếu kỳ:
– Việc anh Bá Nhân lấy vợ, liên quan gì đến chiếc mặt nạ Thiết Huyền cơ chứ?
Bác Trí uống một ngụm trà rồi mơ màng nhớ lại:
– Trước khi về làm vợ Bá Nhân, cô gái ấy đã có đính ước với một chàng trai. Nhưng đến ngày sắp cưới anh thanh niên bỗng nhiên lăn ra chết. Lúc đầu bác không chú ý lắm, bởi con người vốn sanh khắc tử kỳ. Sau đó lại xảy ra việc tương tự, bác đối chiếu các sự kiện mới hiểu mọi sự là do Bá Nhân gây nên…
Không buồn để ý đến vẻ mặt đầy nghi vấn cô cháu dâu. Ông già tiếp lời:
– Sau cái chết của chồng sắp cưới và anh trai, cô gái vẫn khăng khăng không chịu ưng Bá Nhân. Nhưng đến cái chết người cha thì cô gái bằng lòng. Điều kỳ lạ là những cái chết ấy rất mờ ám… Ai nấy đang khỏe mạnh sao bỗng lăn ra chết bất đắc kỳ tử, thật khó hiểu vô cùng. Người tinh ý chứng kiến sự việc cho rằng, những người thân của cô gái lúc chết đều nắm trong tay chiếc mặt nạ Thiết Huyền…
Mợ Mười nghe đến đây phát nổi da gà. Giọng nàng run run:
– Vậy họ đều chết do chiếc mặt nạ ấy!? Nhưng việc này cũng không thể đổ hết cho Bá Nhân được…
– Đúng là chỉ bấy nhiêu đó không thể nói do Bá Nhân làm. Nhưng… khi cô gái bước vào làm dâu họ Đỗ bác mới hiểu. Đỗ Bá Nhân đã gây áp lực với cô gái trẻ, nếu không ưng hắn thì cả nhà sẽ chết thảm. Và để chứng minh lời nói của mình, hắn lần lượt giết người. Chỉ duy nhất người mẹ cô gái là sống sót sau đó… Bởi lúc ấy cô gái đã phải ưng Bá Nhân.
Trên đời không ai hiểu chồng bằng vợ. Cho nên lúc chết, cô gái ấy mới gọi chệch tên Bá Nhân thành “Bất Nhân” là vậy…
Ông già nói đến đây liền nhìn lên mặt mợ Mười chăm chăm…
– Nhìn cháu rất giống người vợ của Bá Nhân. Như vậy… Như vậy… nói không chừng hắn lại chứng nào tật ấy. Muốn hành ác, hại người…
Mợ Mười nhìn người bác chồng với vẻ phản ứng:
– Nhưng bác hiểu ông ta như vậy, sao không công khai tội ấy cho mọi người rõ…
Ông Trí cười khà khi nghe cô cháu dâu nói.
– Công khai ư! Bác sẽ nói như thế nào trước mặt mọi người? Ai sẽ tin lời bác khi nói về chiếc mặt nạ Thiết Huyền. Còn nữa, nếu như không kết tội được Đỗ Bá Nhân, bác lại trở thành tội đồ của dòng họ khi hài tội con cháu mà thiếu đi bằng chứng…
Mợ Mười ngẫm lời nói bác chồng cũng đúng. Chỉ người trong cuộc như nàng mới tin vào lời nguyền trên chiếc mặt nạ. Và khi nghe bác Đỗ Mục Trí nói, niềm tin của nàng càng được củng cố thêm…
– Nhưng… nếu lời nguyền trên chiếc mặt nạ là thật, thì làm sao để phá bỏ nó hở bác?
Ông Trí lắc đầu im lặng…
– Bác chưa biết về điều này. Và cũng chưa bao giờ nghe được từ miệng các người đi trước. Cho nên… Cho nên…
Ông già im lặng nhìn những dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt xinh xắn của cô cháu dâu…
Mợ Mười đã khóc khi nghe câu nói ấy. Nàng khóc trong nỗi tuyệt vọng khi thấy cơ hội cứu sống chồng vuột xa hơn… Như vậy chuyến đi này trở nên công cốc khi điều cốt lõi nàng cần lại không có được…
Tiếng nói ông Trí lại vang lên trong thất vọng:
– Họa hoằn chỉ những người hiểu về tà thuật, may ra…
Nghe đến đây mắt mợ Mười chợt lóe lên tia hy vọng mong manh. “Tà thuật ư! Biết đâu có người hiểu cách phá giải lời nguyền thì sao?”
Mợ Mười kiếu từ người bác họ ra về. Trong đầu nàng chỉ còn duy nhất một hy vọng là cha mình sẽ có cách phá được lời nguyền trên cái mặt nạ.
Lần trở về này, mợ Mười đi nhanh hơn lúc xuất phát, bởi lẽ giờ đây nàng đang ấp ủ hy vọng cứu được chồng. Nàng biết cha mình từng học pháp thuật, chỉ có điều ông ít khi sử dụng qua. Ông thường nói, pháp thuật nếu sử dụng đúng cách để cứu người là một việc tốt. Còn nếu như mang ra hại người thì không còn gọi là pháp thuật nữa. Lúc này phải gọi “tà thuật” mới đúng nghĩa…
Mợ Mười đi tất tả, chưa tới cửa đã gọi cha vang vang.
Ông Tư thấy con gái về chưa kịp mừng đã chựng lại. Ông biết nó đang buồn phiền về chuyện mất đứa con, nay lại thêm việc chồng phát rồ thì còn chỗ nào để vui cơ chứ! Chuyện nhà nó đang rối như cuộn chỉ, giờ tỏ ra vui mừng lại gây thêm phiền muộn thôi.
Nghĩ vậy ông già đành chôn sâu niềm vui khi gặp con, ôn tồn hỏi:
– Con về nhà có việc gì thế? Chồng con mấy hôm nay ra sao rồi?
Mợ Mười không trả lời câu hỏi của cha. Nàng nhìn thẳng vào mặt ông với niềm hy vọng lớn lao.
– Ba có biết gì về chiếc mặt nạ Thiết Huyền không?
Ông Tư vừa nghe đã giật mình:
– Sao con biết chiếc mặt nạ ấy! Đó là thứ bất tường những người như cha cũng không muốn nhắc đến. Ngày xưa, lúc cha sống bên Nam Vang có nghe sư thầy nói đến, nhưng cũng rất mù mờ… Nghe đâu về sau chiếc mặt nạ Thiết Huyền rơi vào tay họ Đỗ, rồi từ đó mất biệt không thấy ai nhắc đến…
Mợ Mười khóc ngất:
– Nó đâu mất! Chiếc mặt nạ ấy đã hại chết con trai con, nay lại di hại sang chồng… Nó là vật quái quỷ đang ở tại nhà con kia.
Ông già Tư giật mình kinh hãi:
– Con nói chiếc mặt nạ tai quái đó đang ở nhà con ư? Trời ơi! Thế là tại cha rồi… Ngày ấy khi đưa cho con hai đạo bùa lại quên mất đứa cháu. Ờ, mà lúc đó nó chưa ra đời kia mà… Ôi, ta biết rồi! Nếu không nhờ đạo bùa ấy, có khi chồng con đã vong mạng. Chiếc mặt nạ đó mỗi khi mang vào là không còn cách gì cứu vãn được…
Bây giờ đến phiên mợ Mười kinh hãi:
– Ba nói sao! Không cách gì phá được lời nguyền đó ư?
Ông già thở dài ngao ngán:
– Đúng là không cách nào. Với những gì ba biết… chỉ có thể làm giảm uy lực của nó thôi.
– Con không tin là như vậy! Ba thường nói, trên đời hễ có cái sinh ra thì phải có cách khắc chế. Không lẽ… Không lẽ con phải… bó tay ư!
Nước mắt bắt đầu chảy xuống gương mặt già nua. Ông Tư quá đau lòng khi thấy con gái như vậy. Nhưng biết làm sao hơn!
Mợ Mười thấy cha bật khóc thì vội lau nước mắt. Nàng biết cha đã nói vậy là không còn hy vọng gì nữa. Nhưng… làm sao nàng cam lòng khi thấy Mười Thiên ngày ngày đi ra đi vào, ngơ ngơ ngẩn ngẩn trong bệnh viện cho được. Không có cách… Không cứu được người… Nó chỉ biết hại người, không ai phá giải được… Chỉ hại mà không có cách cứu…
Ánh mắt người thiếu phụ chợt rực lên một tia lửa hung tợn. Chiếc mặt nạ chỉ giỏi tài hại người thì cần chi phải mệt công phá giải. Hắn muốn hại người thì có bao giờ lo sợ cho mình không…?
Mợ Mười im lặng ngồi nghĩ ngợi. Nàng nghĩ nhiều lắm! Nếu không có cha già ngồi đó, nàng sẽ nghĩ đến bạc tóc để tìm một phương cách cho riêng mình… Cái tên đúng là Bất Nhân khi chọn gia đình nàng xuống tay. Mà hắn hại ai cơ chứ? Không phải người họ Đỗ cả hay sao!…
***
Đỗ Bá Nhân ngồi nhìn người đàn bà trước mặt với vẻ hài lòng. Lâu lắm rồi lão mới cảm giác hạnh phúc khi có người đàn bà bên cạnh. Vợ lão qua đời với tính khí ương ngạnh muốn chống lại cách sống vốn bất cần nhân tính, nơi con người vốn lấy mục đích làm trọng, không cần quan tâm đến nhận định.
Lão ngẫm mà thấy nực cười. Thành công vốn không quá khó như người ta nghĩ, chỉ cần đổ chút ít tâm tư nó đã ở trong tay. Không phải lão đã dùng cách này để có được cô vợ xinh đẹp đó sao? Chỉ tại bà ấy không biết hưởng phúc mới chết trong phiền muộn. Ai đời, cứ sống trong quá khứ mà muốn được vui vẻ thì chỉ nằm mơ.
Trong lòng lão đang tâm đắc về chiếc mặt nạ Thiết Huyền. Dù sao nó cũng là vật rất đắc lực khi giúp lão đạt được bao tâm nguyện. Lão nhớ rất rõ về những cái chết mình gây ra. Ai cũng cho mình là tài giỏi, học rộng, nên không tin vào những thứ quá viển vông… Rồi họ lại chết về chiếc mặt nạ mình tự đeo lên. Họ tự đeo lên chứ không phải lão bức ép đâu nhé! Lỗi là do họ không tin. Lỗi là do những người ấy cứ một mực khăng khăng lời nguyền chỉ nhằm dọa kẻ nhút nhát thôi. Còn đối với trẻ nhỏ lại dễ dàng hơn! Đứa trẻ nào không thích trò chơi kỳ lạ. Đứa nào chẳng hiếu kỳ khi thấy chiếc mặt nạ Thiết Huyền.
Bây giờ lão ngồi đấy, cực kỳ đắc ý khi nhìn vóc hình yểu điệu của người thiếu phụ một con. Lão thấy rất vui, và như trẻ lại khi đứng gần người đàn bà đẹp, với những đường nét rất giống người vợ quá cố của mình.
Mà mợ Mười đẹp thật! Quá đẹp với những hành động tự tin chỉ người có chồng mới được. Những đường nét tuyệt đẹp của các cô gái chỉ lộ ra khi đã có chồng, và càng hấp dẫn hơn khi đã một con… Cho nên người ta nói “gái một con trông mòn con mắt”…
Mấy hôm nay mợ Mười tỏ ra rất dễ thương, rất dễ gần, mà phần nào lão đã đoán được. Một người con gái đẹp không thể cam tâm sống với người chồng dở điên, dở tỉnh. Vì như vậy có phải đã tự hại chết đời mình không?
Như thế có nghĩa không sớm thì muộn lão sẽ được nàng, được như đã từng có, khi bức ép một cô gái ưng mình một cách “tự nguyện”…
Đỗ Bá Nhân nhích lại gần cạnh mợ Mười. Lão lấy làm đắc chí vì hôm nay nàng không tìm cách lẩn trốn như mọi khi. Trong cách nhìn của lão, người đàn bà đang nhớ những hành động âu yếm với chồng, nhớ những lúc… Lão chợt cười vì ý nghĩ dâm đãng của chính mình…
Lão đứng rất gần, gần lắm như thể chỉ đưa tay là chạm vào mợ Mười. Và… lão đã thử đưa bàn tay vòng qua cái eo thon thả khi nàng quay đi. Bàn tay chạm vào vật căng tròn, nóng ấm, khiến lão run cả người với cảm giác diệu kỳ lâu rồi mới có…
Mợ Mười không phản ứng khi Đỗ Bá Nhân đưa bàn tay lên ngực nàng. Sắc mặt nàng thoáng ửng đỏ với ánh mắt khiêu khích càng khiến lão già đê mê hơn. Lão nghĩ mình đã đến đích, đã đạt được điều mong muốn sau những mưu tính nham hiểm…
Lão còn đang đắc ý thì hai cánh tay mợ Mười đã choàng lên cổ lão. Nàng không nói, chỉ nhìn lão mỉm cười hoàn toàn đồng tình. Đỗ Bá Nhân ngây người khi tay nàng vuốt ve lên mặt, lên cổ, và lên ngực lão… Nàng không nói gì… Và lão hiểu điều ấy khi sự việc quá mới mẻ với cả hai.
Thả người vào tận cùng khoái cảm, lão thấy phiêu bồng như áng phù vân vào một chiều tuyệt mỹ… Rồi lão cảm giác nàng đã xoay người ra phía sau. Lão biết được cảm giác ấy khi đôi ngực căng tròn đụng vào lưng… Hai tay nàng sờ lên mặt lão, lên mắt, lên mũi… tìm mãi những chi tiết khác nữa…
Mắt Đỗ Bá Nhân đột nhiên tối sầm lại. Nàng đã dùng tay bịt lấy mắt lão… Không! Không phải dùng tay mà dùng vật gì đó… Lão run cả người với những thứ mình đang tưởng ra… Đột nhiên lão tỉnh hẳn… Cái gì đang che lấy ánh sáng trước mắt thế kia!… Lão chợt hét lên kinh hoàng, rồi dùng tay giật phắt vật đó xuống. Trời ơi! Trong tay lão là chiếc mặt nạ Thiết Huyền. Cái vật đã từng theo chân lão hại chết rất nhiều người… Nhưng… lão đâu có đeo nó? Ối trời! Ả dâm phụ quỷ quyệt đã lừa lão… Ả đã đeo cho lão cái mặt nạ chết tiệt… không hề tha ai.
Đỗ Bá Nhân nổi cơn thịnh nộ, muốn bóp chết người đàn bà trước mặt. Nhưng bàn tay cứ quơ quào trong không khí như kẻ mù. Lão hét lớn… Tiếng hét không còn là của con người. Đó là tiếng tru ác thú hóa rồ. Tiếng khóc của kẻ biết mình sắp điên nhưng không ngăn được… Rồi lão chạy, chạy rất nhanh, mất biến trước mắt mợ Mười và những người giúp việc trung thành…
***
Cái quan tài hạ xuống huyệt, là lúc mợ Mười xuất hiện. Nàng ném vật gì đó như hình quả cầu xuống nơi yên nghỉ kẻ xấu số. Không ai biết vật đó là gì! Chỉ duy nhất người ném nó mới hiểu.
Mợ Mười khóc nức nở. Tiếng khóc không phải buồn tủi do sự mất mát. Đấy là tiếng khóc thỏa mãn khi đã thực hiện một việc nung nấu sâu sắc trong lòng…
Mấy ngày sau cả làng hay tin cậu Mười Thiên khỏi bệnh. Cậu đã hết điên và trở về với gia đình, với người vợ trẻ luôn ngày đêm trông đợi.
Một hôm cậu Mười hỏi vợ về cái chết của Bá Nhân. Mợ Mười chỉ cười không nói gì. Rồi cậu hỏi về chiếc mặt nạ. Nàng lặng yên lúc lâu, rồi nói:
– Em đã đem nó tới lò rèn, đốt chảy thành khối, ném vào huyệt mộ của kẻ gian ác…
Từ đó cậu Mười không hỏi nữa. Nhưng cậu mãi mãi tỏ ra sợ hãi khi thấy mấy đứa trẻ vui với những cái mặt nạ. Không hiểu sao cậu cứ hốt hoảng khi đối diện với những thứ ấy. Và mỗi lần như vậy người ta lại nói cậu điên…
– Quỷ! Quỷ… Quỷ đeo mặt người. Lũ nó là những kẻ hung ác đeo mặt nạ nhân từ để hại người… Cẩn thận với những nụ cười… Cẩn thận với những lời ton hót ngọt ngào… Tất cả chỉ là lừa dối, bởi nó được ngụy trang qua chiếc mặt nạ… Chạy! Chạy thôi!…
Cuối cùng mợ Mười đã hiểu ra cách phá bỏ lời nguyền trên chiếc mặt nạ Thiết Huyền. Nó chỉ hại từng người một, và nếu ai vượt qua sẽ sống sót, mặc dù đôi lúc kinh hoảng khi nhớ lại chuyện xưa. Nàng nghĩ: “Có sao đâu? Đối diện với những kẻ đeo mặt nạ, chắc ai cũng sợ như chính chồng nàng!”
Saigon – 07.09.2011