Chuyện ba người 

Hình minh hoạ: Pexels

Ô! Đây không phải là Chuyện Ba Người của nhạc sĩ Quốc Dũng. Chuyện ba người của nhạc sĩ có những khúc mắc khó gỡ, có những tình huống khó xử. Hai người vui biết bao nhiêu/ Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn.

Không! Chuyện ba người của vườn Uyên không khó gỡ, chẳng khó xử, mà chỉ khó quên. Ba người ấy rất tâm đầu ý hợp. Họ cùng có trái tim lãng mạn ngất trời. Họ cùng miệt mài những trang tiểu thuyết một thời để yêu và một thời để… ngồi quán cà phê. Nhắc đến bộ ba, bên Âu, người ta liên tưởng ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ. Bên Á, người ta nghĩ đến ba ông Phúc Lộc Thọ. Trong tiểu thuyết vườn Uyên, bộ ba tam lang đã viết những trang truyện ngan ngát mộng mơ.

Sự xuất hiện của bộ ba tưởng như tình cờ, nhưng lại có sự xếp đặt theo thứ tự hợp lý. Nhất Lang say mê Nhất Nương. Nhị Lang tương tư Nhị Nương. Tam Lang để ý Tam Nương. Nhẽ ra, họ là bộ bốn. Bốn người bạn đi chung với nhau. Người thứ tư, Tứ Lang, đành đóng vai người ngoại cuộc, dẫu Café Uyên có bốn cô nương. Bởi, Tứ Nương đang là học trò tiểu học. Điệu bộ ngồi vắt vẻo trên cây ổi với mấy đứa nhóc khác, Tứ Nương không những là con nít, mà còn mang vẻ con trai. Sau này, tình cờ thấy lại “đứa bé con giai” ngày xưa, giờ trở thành giai nhân kiều diễm, Tứ Lang tiếc hùi hụi. Ôi, phải chi hồi ấy mình kiên nhẫn một tí, nhẩn nha chờ, có công mài sắt, sẽ có ngày nên… dao chứ. Nhưng nghĩ kỹ, Tứ Lang ngài ngại. Nhỡ thành chuyện bốn người, đám bạn rắn mắt sẽ dán cho bộ bốn cái nhãn anh em nhà Daltons trong truyện tranh Lucky Luke. Thế thì không gian bàng bạc thơ văn của các chàng ắt đầy tiếng súng đì đoành của anh cao bồi và tiếng xích sắt lèng xèng của tứ quái.

Theo thang bậc tuổi tác, người lớn tuổi nhất trong tam lang là Nhất Lang. Nhất Lang văn hay, chữ tốt từ thuở còn xài bút mực ở tiểu học. Một người bạn học chung với Nhất Lang năm lớp Nhất, kể rằng, Nhất Lang viết những bài tập làm văn hay thần sầu. Thầy giáo khen xuýt xoa, những bài luận của Nhất Lang, văn phong bay bổng, ý tưởng già dặn. Mỗi lần chấm bài xong, thầy giáo đọc bài Nhất Lang cho cả lớp nghe, như khuôn mẫu để học trò noi theo. Thầy giáo đã nhắn nhủ, học trò nhất nhất vâng lời. Học trò lắng nghe lời vàng, ý ngọc. Nhưng chữ nghĩa vào tai này, khi tiếng trống giờ ra chơi thùng thùng, chữ nghĩa ào ào ra tai kia, giống như bầy học trò nhào ra khỏi lớp, chạy ngay đến hàng cà-rem sát cổng trường. Thầy giáo là hướng đạo sinh trẻ, rất thương yêu, gần gũi với bầy học trò. Sau giờ học, thầy giáo thường ở lại trường, dắt đám học trò ra sân sau của trường, hướng dẫn cách cắm trại. Đám học trò trẻ con lau chau, thích thú trong sinh hoạt ngoài trời với thầy giáo. Nhất Lang chẳng hề quan tâm đến không khí nhộn nhịp của lớp. Nhất Lang đứng thơ thẩn đâu đó, ngoài hàng hiên, cạnh bờ tường, ngắm trời đất bâng quơ. 

Hình minh hoạ

Những năm lên trung học, Nhất Lang vùng vẫy bơi lội thỏa thuê trong giờ kim văn, cổ văn. Nhất Lang như con cá mắc cạn trong giờ toán, lý, hóa… Lên trung học đệ nhị cấp, tất nhiên, Nhất Lang theo ban C, để vui vầy với văn chương, thi phú. Nhất Lang có nhiều bạn bè, đa số dân ban C. Cũng có một số bạn bên ban A, B. Các bạn này, giữa những bài vở dài lê thê, khô khan của vạn vật, toán, lý hóa, cũng có đôi phút cùng Nhất Lang sôi nổi bàn về những cuốn sách Khung Cửa Hẹp, Ngàn Cánh Hạc. Nhất Lang rất thân với hai người bạn cùng ban C nhưng nhỏ hơn vài tuổi.

Nhất Lang vẫn cùng chúng bạn ngồi quán cà phê đây kia. Ngày nọ, Nhất Lang lạc bước đến vườn Uyên. Giữa nơi chốn của núi Ấn, sông Trà, thấp thoáng bóng dáng núi Ngự, sông Hương. Nhất Nương, với mái tóc mượt mà, ánh mắt kiêu kỳ, đã làm Nhất Lang hồn xiêu, phách lạc. Nhất Lang bỗng nghe tim mình chao nghiêng: Em có phải từ nghìn xưa hoài vọng,/ Giấc khuynh thành. Ôi! Quốc sắc thiên hương. 

Từ đó, vườn Uyên là tiểu vương quốc thơ mộng nhất trong mắt Nhất Lang. Ngắm trăng vàng, chàng làm thơ. Nghe gió thổi, chàng làm thơ. Nhất Lang mong gặp Nhất Nương, để gởi gắm đôi lời: Có phải em ngồi hong tóc xuân, /Mà anh sông, suối chảy quanh hồn./ Hình như em ghé vào trong mộng, Mà có nghe lời anh gọi không?

Nhất Lang không cưỡng lại được sức hút của vườn Uyên. Những khi, vì lý do bất khả kháng, không thể đến vườn, Nhất Lang quay quắt: Hỡi em! Một giấc tình sầu/ Nhớ không dao cắt mà sao xé lòng

Với những dự định dời non, lấp biển trong trí, Nhất Lang khoác lên mình chiếc áo ngông nghênh, ngang ngạnh. Nhưng trong tim Nhất Lang, là những lời êm dịu: Tôi có tôi từ khi yêu em/ Là coi như đã nhận thiên đường/ Cho nên đi suốt mùa thương nhớ/ Những ngã ba mà đợi vóc hương 

Nhất Nương vào đại học Sài Gòn, chỉ về thăm gia đình ở thị xã vào mùa hè, hoặc tết lễ. Nhất Lang đến vườn Uyên. Thiếu bóng Nhất Nương, vườn Uyên vừa buồn, vừa vắng: Quán sầu nghiêng nắng tây hiên,/ Em ơi! Men khói nào quên bây giờ?!

Mỗi năm, các trường trung học trong tỉnh có cuộc thi bích báo. Mùa xuân năm xưa ấy, thầy Nguyễn Văn Đồng, tức nhà thơ Hà Nguyên Thạch, giáo sư Việt Văn của trường Nữ Trung Học tổ chức cuộc thi báo tường. Thời đó, thầy Đồng làm bạn với nhà thơ Luân Hoán và một vài nhà văn, nhà thơ, nhà báo ở trọ nơi dãy nhà Trùng Khánh trên đường Phan Bội Châu. Một số nam sinh ban C, trường Trần Quốc Tuấn hay lân la làm quen với các cây đa, cây đề ở đây. Cuộc thi bích báo năm ấy rất xôm tụ. Toàn trường nô nức tham gia. 

Chả biết ai mách nhỏ, các nữ sinh lớp của Nhị Nương đánh tiếng nhờ các nam sinh ban C trường Trần Quốc Tuấn giúp đỡ. Khi những tiểu thơ áo trắng chúm chím cười, thủ thỉ đôi lời, dẫu các nàng bảo hái sao trên trời, các chàng vẫn sẵn sàng. Huống hồ, các nàng chỉ nhờ phụ làm bích báo. Đích thị là nghề của chàng. Bởi vậy, các chàng vui lắm, mở cờ trong bụng. Các cao thủ cầm, kỳ, thi, họa của mấy lớp ban C tụ tập ở nhà Tam Lang, miệt mài với cọ, với bút. Góc này, vài chàng đang đăm chiêu tìm ý văn, nét thơ. Góc kia, vài chàng nắn nót kẻ nhạc, vẽ hình. Các chàng lười ăn, biếng ngủ, toàn tâm, toàn trí chăm chút đứa con tinh thần cho các nàng. 

Ngày các nàng đem tờ bích báo đi nộp, các nàng hồi hộp một, các chàng lo âu đến mười. Lỡ, báo không được giải gì, tiếng dữ đồn xa, người ta biết đó là báo của nam sinh ban C, xấu hổ để đâu cho hết. Đau khổ hơn, e các nàng sẽ dứt đường tơ, không thương xót. Lạ thật, các chàng chẳng có tật, mà sao lại có lắm tài. Tờ bích báo được giải nhất toàn trường. Giữ lời hứa, Nhị Nương thay mặt lớp, mời các chàng nghệ sĩ gầy rạc, mắt trởm lơ vì thiếu ngủ trong những ngày cật lực làm báo, đến quán của nhà đãi chầu cà phê. Thế là, cùng một lúc có hai tia sét chớp sáng giữa vườn Uyên, dẫu đêm xuân ấy, trăng sáng hiền hòa. 

Khi nghe đám bạn rủ nhau làm báo cho trường bạn, Nhị Lang đồng ý, vì thích làm báo, chứ không quan tâm ai nhờ. Thật may mắn, làm báo xong, Nhị Lang mới thấm thía nỗi niềm phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng. Chứ gặp trước, tờ báo có nguy cơ bị đánh rớt, vì Nhị Lang chẳng viết gì, ngoài những ngôn từ ca tụng nàng. Nhị Lang mê viết văn và bàn bạc về triết học. Vào giờ triết, Nhị Lang thường tranh luận, một mất, một còn, với giáo sư triết. Có lúc giáo sư phải dời cuộc thảo luận tay đôi sang giờ chơi, để đủ thì giờ dạy cho kịp chương trình. Ấy thế, mà đối với Nhị Nương, chàng khoan nhượng tuyệt đối. Nhị Lang không làm thơ. Nhưng Nhị Lang yên tâm, thi sĩ Nguyên Sa đã nói hộ lòng chàng: Tôi không biết rằng lạ hay quen/ Chỉ biết em mang theo nghê thường.

Hình minh hoạ

Có lần, sau cơn bão nhỏ rớt xuống thị xã đêm trước, Nhị Lang đi ngang Café Uyên, thấy Nhị Nương đứng trong vườn. Nhị Lang ân cần:

-Cơn bão có gây thiệt hại gì không?

Nhị Nương chỉ mấy nhánh hoa giấy bị gãy: 

– Nhờ anh mang đi được không?

– Nhà tôi không có vườn.

 -Vậy trong phòng học, chắc có chỗ cho nhánh hoa giấy chứ?

– Không! Không có! Chỗ nào cũng đầy ắp hình bóng của cô nương rồi. 

Nhị Nương bối rối, mắc cỡ quày quả vào nhà. Nhị Lang nói với theo: 

-Cho nên cặp mắt mờ hư ảo/ Cả bốn chân trời chỉ có em

Mà thật vậy, giữa bầy tiên áo trắng của trường Nữ Trung Học tung tăng trước cổng trường, Nhị Lang chỉ thấy mỗi dáng khuê quế của Nhị Nương. Giữa tiếng nói cười vui nhộn của các thiếu nữ, Nhị Lang chỉ nghe mỗi giọng cười trong vắt của Nhị Nương. Nhị Lang vốn ăn nói đã giống triết gia. Giờ mang bệnh tương tư, ngôn từ của Nhị Lang lại càng bí ẩn, cao siêu. Nhị Lang chẳng màng ai hiểu mình hay không. Chỉ cần Nhị Nương nhoẻn miệng cười, là tim của Nhị Lang lại đập những nhịp… biết yêu em rồi tôi biết tương tư.

Trên trường, Tam Lang đà ra dáng văn nhân, thi sĩ, là một trong những khuôn mặt văn chương nổi bật, bạn bè mến mộ. Tam Lang đã nhiều lần lang thang trên đường Phan Bội Châu, đi sau những tà áo trắng, viết dăm câu thơ học trò. Có lúc, bạn bè thấy Tam Lang sánh bước với nữ sinh trường Nữ Trung Học. Thế mà, sau lần được khoản đãi cà phê ở vườn Uyên, gặp con bé tuổi mười ba, Tam Lang bỗng khám phá ra sở thích mới của mình. Tam Lang thích trồng cây… si. 

Trong khi Nhất Lang, Nhị Lang xôn xao lời văn, tiếng thơ để mê hoặc Nhất Nương, Nhị Nương, Tam Lang chỉ lặng lẽ nhìn Tam Nương. Nhất Nương có lúc tặng một nụ cười kiêu sa, khi Nhất Lang bắt chuyện. Nhị Nương có lúc gởi một nét cười đài các, khi Nhị Lang hỏi han. Tam Nương chỉ cười hăng hắc, khi nói chuyện với anh chị em trong nhà. Nhưng lúc giáp mặt với các chàng nghệ sĩ trẻ, Tam Nương mặt mày nghiêm trang, y hệt bà cụ non. Tam Nương nhìn ai cũng như nhau, không hề dành sự đặc biệt nào cho Tam Lang. Bạn bè xuýt xoa, khen không hết lời những câu thơ óng ả của Tam Lang. Vài đứa bạn đã “mượn” Tam Lang dăm ba bài thơ để đi “tán đào” và đã “công thành danh toại”. Vậy mà, Tam Nương chẳng hề có biểu hiện tình cảm nào, khi đọc những vần thơ của Tam Lang gởi gắm. Tam Lang tâm sự với người bạn thân: Đọc kinh ngàn vạn quyển/ Không hiểu nổi một người/ Ta bắt đầu nghi hoặc/ Hay thánh hiền nói chơi

Bạn an ủi:

– Thôi, để tâm chi cho mệt. Con oắt tì bây giờ hỉ mũi còn chưa sạch. Làm sao hiểu nổi thơ với văn. Chờ vài ba năm nữa, nó nhổ giò…

Người bạn, đồng bệnh tương lân, chia sẻ nỗi sầu cùng Tam Lang. Bởi, người bạn có tâm sự riêng, khắc khoải dữ lắm: Đành rằng vậy tâm hồn em khép cửa/ Mà sao anh cứ gõ dập bàn tay/ Mà sao anh cứ mơ chuyện trăng bay/ Khi đời sống không bao giờ nguyệt thực…

Nhất Lang lắm lúc ái ngại vì sự im lặng đầy cam chịu của Tam Lang, đâm ra bực bội khuôn mặt khó đăm đăm của Tam Nương. Sự thầm lặng của Tam Lang dần dà tích tụ thành thơ. Những câu thơ thật tra trắng của thanh niên chưa đến tuổi đôi mươi. Trên nhánh cây tiền kiếp/ Chim nhỏ máu luân hồi/ Có bao giờ em biết/ Ta buồn không hé môi

Nói cho ngay, Tam Nương vẫn đang tuổi đọc báo Tuổi Hoa. Mà chỉ hoa xanh, hoa đỏ, chứ Tam Nương nào đã có giấy phép đọc Tuổi Hoa tím. Những vần thơ tuyệt mỹ của Tam Lang e không làm con bé cảm động như truyện Chiếc Xe Thổ Mộ của Bích Thủy. Những ý thơ phiêu diêu, e không hấp dẫn con bé bằng truyện Bí Mật Dầu Lửa của Nguyễn Hiến Lê.

Hình minh hoạ: Apaha Spi/Unsplash

Chuyện ba người lửng lửng, lơ lơ được vài năm. Tam Lang đã viết biết bao bài thơ đẹp, biết bao đoạn văn hay. Tưởng tượng, chuyện ba người trở thành chuyện sáu người của vườn Uyên. Đấy sẽ là chuyện cổ tích có hậu, với happy ending. Nhưng cơn lốc khốc liệt 1975 đã đẩy xua những hồn thơ, hồn mộng của thị xã nhỏ bé tứ tán. Tam Lang, tam nương trôi dạt về những phương trời xa lạ và mất hẳn tin tức của nhau.

Gần nửa thế kỷ trôi qua. Nhất Lang thôi không còn sánh bước với bộ ba thuở nào. Nhị Lang đâu đó trên trái đất tròn vo này. Nhưng biền biệt, không nghe một lời, không thấy một chữ của nhau. Tam Lang đã giã từ cõi tạm vài năm trước. 

Tình cờ, nghe nhắc đến vườn Uyên, Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau, những kỷ niệm thơ dại, của những tâm hồn vừa thơ, vừa dại thuở nào, ùa về, vây kín hồn Nhất Lang. Nhất Lang chiêu một ngụm trà:  Từ đó nghìn trăng biêng biếc mộng,/ Ta qua sương khói hợp tan này./ Hỡi ơi! Vạt áo em ngày nọ,/ Giờ vẫn còn nguyên vẹn đắm say. 

Nhất Lang hỏi thầm: “Nhị Lang ơi, Tam Lang hỡi! Hai bạn có nhớ đến ngày xưa như thế này không hở?”

 

Tái bút

Ngày xưa, họ là những chàng, những nàng có thật trong cuộc sống. Ngày nay, cứ xem nhân vật và sự kiện là tiểu thuyết. Sự trùng hợp, bởi thế, chỉ là tình cờ dễ thương. 

Nhân đây, người viết xin cám ơn nhiều bạn bè đã góp lời, góp ý, để người viết có thể thêu dệt những ngẫu nhiên đáng yêu này. Đặc biệt, xin cám ơn thi sĩ Bùi Tuấn Kiệt và thi sĩ Nguyễn Minh Phúc cho phép người kể chuyện trích dẫn nhiều câu thơ. Nhất là đã nhắc nhớ nhiều kỷ niệm với cố thi sĩ Trầm Thụy Du. Xin cám ơn thi sĩ Luân Hoán, thi sĩ Hà Nguyên Thạch đã vui vẻ cho phép người kể chuyện được giữ tên thật trong truyện.

Những câu nhạc in nghiêng trích trong bài hát: 

Chuyện Ba Người của nhạc sĩ Quốc Dũng

Biết Đến Thuở Nào của nhạc sĩ Tùng Giang & Trường Kỳ

Bao Giờ Biết Tương Tư của nhạc sĩ Phạm Duy & Ngọc Chánh

Những câu thơ in nghiêng trích trong bài thơ: 

Tương Tư của thi sĩ Nguyên Sa

Riêng Trời Nguyệt Tận của thi sĩ Trầm Thụy Du

Tạ Ơn Em của thi sĩ Nguyễn Minh Phúc

Hẹn, Hỏi, Đêm, Dương Cầm, Mộng, Người, Ngồi Quán của thi sĩ Bùi Tuấn Kiệt

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: