Ngồi đợi ở phòng mạch bác sĩ, tôi lấy cuốn tạp chí Mỹ gần đó đọc chơi cho qua thì giờ. Mở ra, ngay trang 2 và 3 ghép lại là cảnh một bãi biển đẹp tuyệt vời. Mà sao trông quen quá! Hình như mình có tới đây rồi và chụp ảnh, đưa vào computer ở nhà thì phải. Đọc mấy chữ nhỏ li ti ở một góc, thì ra là cái bãi biển Waikiki ở Honolulu, thủ đô của Hawaii, tiểu bang thứ 50 của Hoa ky. Đúng nó!
Mùa Hè cách đây khá lâu, tôi đã có dịp tới đo, Mỹ kêu bằng Capital City của tiểu bang Hawaii, tức là đảo Honolulu. Sau vài giờ đồng hồ, chờ đợi, làm thủ tục linh tinh, có tí ti rắc rối trong cái thời kỳ mà nơi mô người ta cũng sợ ba thằng khủng bố. Thế rồi mọi sự cũng xong và tôi cùng thân nhân trong gia đình lên máy bay. Chỗ ngồi ngon lành quá, ngay bên cửa sổ cho nên tôi cũng có được ít phút ngắm trời, ngắm đất.
Chiếc máy bay gầm gừ một chập như người ta lấy hơi, vận động thân thể cho giãn gân giãn cốt, sau một giấc ngủ có lúc loáng thoáng thấy hình, thấy bóng lão Osama Bin Laden đâu đó, nó giựt giựt dăm ba cái rồi từ từ ngóc đầu rời khỏi phi đạo và dần dần lên cao. Cảnh vật của thành phố phía dưới mờ dần, mờ dần và con chim sắt khổng lồ chở hàng trăm hành khách đã bay phía trên những đám mây trông giông giống như những cục bông gòn to tướng trôi nổi bồng bềnh trên bầu trời xanh biếc.
Nói đến Hawaii là người ta nghĩ ngay đến tiếng đàn hạ uy cầm du dương thánh thót, với những bờ biển rợp bóng dừa và những phong cảnh đẹp đẽ, dễ thương vô cùng. Còn đang lan man nghĩ ngợi thì từ dàn loa phóng thanh, một giọng nữ nhắc nhở hành khách cách đối phó, ứng xử với những tình huống không hay xảy ra, nghe ớn thấy mồ! Toàn lời nói gở không à!
Tôi chợt nghĩ, bây giờ mà có mấy thằng khủng bố giơ súng con nít chơi, bằng plastic hay mấy con dao dỏm ra dọa, bắt mọi người ngồi im để chúng hành động, lấy máy bay đâm vào mục tiêu nào đó, như vụ 911 ngày nao, chắc chắn máu lính ngày xưa của tôi sẽ nổi lên và “hô hét” cho những hành khách có máu liều nhào dô đấm vỡ mặt mấy thằng ác ôn côn đồ đó, dùng cánh tay kẹp cổ, giở võ Judo, chơi một đòn vai quật chúng nó xuống, lấy bắp chân chặn lên cổ để cho nhân viên phi hành trói gô chúng nó lại. Mình đông mà không liều thì cũng chết hết cả lũ với mấy thằng “lỏi con” vô lý quá! Đi lính, bom đạn tưng bừng, rồi làm quan tòa nhà binh cộng lại 23 năm, đi tù cải tạo hơn 12 năm không chết, sợ giống gì mà sợ!
Tôi chợt tỉnh cơn mơ màng lẩm cẩm khi một cô nhân viên đẩy cái xe đến bên cạnh và hỏi, tất nhiên bằng tiếng Mỹ: Ông dùng nước uống chi? Tôi vốn thuộc “đảng nước ngọt” cho nên phán ngay: “Apple juice, please!” Cô nàng đưa cho tôi ly nước táo rồi đẩy cái xe đi qua, sau khi tôi đã làm đúng thủ tục văn minh là nói “thanh-kìu-ve-ri-mớch!”
Chỉ có 5 giờ bay mà cứ ăn với uống liền tù tì. Giá cái hồi đi tù cải tạo, làm chết bỏ, đói nhăn răng, gặp cây cỏ chi cũng ăn thử coi có chết không, may mà chưa chết lần nào, vẫn sống nhăn, vớ được con gì cũng cho vào đống lửa nướng, ăn tuốt, con nhái bằng đầu ngón tay cái cũng chia đôi, cho thằng bạn thân sống chết có nhau, đúng một nửa. Chỉ có con… dao đi rừng và con bù-loong thì quả thực chưa dám ăn thử.
Máy bay đáp xuống phi trường Honolulu, lấy hành lý xong là cậu con rể đi như biến đến chỗ gần đó lấy một chiếc xe SUV láng coóng, đã thuê mướn “online” qua máy computer xách tay, rồi đậu sát chỗ chúng tôi đang đợi, chất vài cái va-li cỡ nhỏ lên. À ! Phái đoàn gồm hai vợ chồng già tụi tôi, anh con trai thứ ba trong đại gia đình, chuyên viên chụp ảnh digital kiêm nhân vật “bảo vệ” hai ông bà già, cặp vợ chồng cô con gái út và đứa cháu ngoại, bé gái còn nhỏ, rất ngoan và dễ thương.
Về khách sạn, làm thủ tục xong xuôi, xe chạy vòng vòng lên tầng thứ tư mới có chỗ đậu xe. Vậy mà may! Mấy cái thang máy ở liền đó. Về phòng chỉ mất vài phút. Chà! Phòng ốc đẹp và đầy đủ tiện nghi quá trời! Cứ như căn apartment de luxe với hai phòng ngủ, hai phòng tắm, phòng khách, TV, điện thoại tất nhiên rồi, nhà bếp cho gia đình nấu nướng kiểu Thái, Mễ, Lèo, Campuchia, Iran, Irac chi mà chẳng được.
Khách sạn ở gần bờ biển, trung tâm thành phố thủ đô Hawaii cho nên cứ làm màn đi bộ nếu đi quanh quanh gần đó dỡ tổn thọ hơn là đi lấy xe lòng vòng, tìm chỗ đậu xe dưới phố còn mất thì giờ hơn. Cháu nhỏ thì cho ngồi xe đẩy đi, dắt tay đi một quãng cũng được, hay bố nó hoặc anh con trai lớn của tôi cõng cháu trên lưng, cho cháu biểu diễn màn cưỡi ngựa thì cũng vui. Còn đi chơi xa xa một chút thì tất nhiên phải lấy xe, rồi lòng vòng mà chạy theo bản đồ chỉ dẫn, có sẵn tại phòng khách sạn.
Chương trình đi thăm hòn đảo này bắt đầu là cái khu phố Tầu. Tuy là đất Mỹ, nhưng nằm xa xôi ở tận Á Châu Thái Bình Dương cho nên khu phố này có vài nét là Mỹ nhưng nó lại giống y chang, hay tệ hơn cái khu phố kiểu đó ở Chợ Lớn ngày xưa. Chỉ có bà nhà tôi và cô gái út là dám “liều mạng” đi vào phía trong để mua trái cây đủ loại, đi đường, đem về khách sạn, tha hồ ăn chết bỏ. Còn cậu con trai, con rể dắt cháu nhỏ cùng tôi đi lang thang bên ngoài, bấm vài “pô” ảnh đặc biệt của khu phố Tầu trên đất Mỹ xa xôi tận Hawaii. Dân Hawaii sống và làm việc tà tà, thoải mái, không có vội như… chạy giặc ở nhiều thành phố lớn, kể cả thành phố San Diego hiền hòa của tôi.
Ai đời, sáng gần 10 giờ, tới tiệm phở ăn lót bụng một tô “xe lửa” tái chín, nạm gầu, gân sách… mà cửa vẫn thấy chữ “Closed” to tổ chảng. Đọc cái bảng bên cạnh mới biết: giờ mở cửa ngày thường từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối, Thứ Bảy thêm 1 giờ là 9 giờ tối. Buồn cười nhỉ! Làm ăn gì mà như làm chơi, ăn thiệt chớ không phải làm thiệt ăn chơi như các thành phố lớn khác cũng trên đất Mỹ.
Tụi tôi đi chơi lung tung nhiều chỗ nơi thành phố đảo Honolulu. Lắm chỗ thấy đẹp và hay hay. Tôi khoái chụp những cảnh hoàng hôn nơi bờ biển với những rặng dừa, sao trông “romantic” quá chừng, nhất là loáng thoáng có con tầu hay cánh buồm in lên nền trời đỏ rực lúc mặt trời chỉ còn lấp ló xa xa. Tôi nhớ đến những bài thơ loại “Crépuscule du soir” của Tây, “Twilight” của Ăng-lê vì hồi xưa, quả thực tôi mê đọc thơ Tây, tác giả hơi nhiều, nay già cả lẩm cẩm, cứ lộn tác phẩm của ông này với bà kia là thường. Tân nhạc Việt Nam mình cũng có vô số bài ca ngợi cái đẹp của cảnh hoàng hôn trên sông. Vả lại chính tôi cũng có viết vài ba bài thơ Anh Ngữ ít nhiều dính dáng đến “Sunset” và một bài thơ Anh Ngữ đoạt luôn 2 giải “Outstanding Poetry Prizes” cấp Quốc Gia Huê Kỳ và cấp quốc tế đó thôi. Trong đó tôi nói lên cái đẹp, cái thơ mộng lúc hoàng hôn buông xuống, khi khói lam chiều thong thả bay lên từ những nóc nhà tranh, có lũy tre xanh vây kín, và từng đám trâu bò theo nhau về chuồng trên con đê làng quanh co… Cảnh đẹp quê hương tôi ngày xa xưa đó!
Một buổi sáng, chúng tôi đi thăm cảnh đồi núi của Honolulu. Kể ra thì cũng đẹp vì là chỗ dành cho khách du lịch đi thăm viếng, không đẹp sao được! Tôi chợt nghĩ đến một vài cảnh rừng núi, có suối nước đẹp tuyệt vời của vùng núi Kỳ Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong mấy năm đầu đi tù cải tạo. Tuy là đang đi tù, đói nhăn răng, làm lao động, vinh quang đâu chẳng thấy, chỉ thấy mệt bở hơi tai, muốn hộc xì dầu chết luôn mà vẫn phải công nhận rằng những cảnh núi rừng với suối nước sao mà đẹp đến như thế! Suối nước quanh co, trên cao, xuống thấp, chỗ nông cạn, chỗ rộng mà sâu, nước trong xanh biếc với những con cá to như cá chép cỡ bự lượn lờ tận dưới đáy. Đẹp hơn cả phải là những tảng đá khổng lồ, mầu sắc khác nhau, có khi trên mặt phẳng lì, rộng bằng hai, ba cái chiếu hay mấy tấm nệm cỡ “king size.” Nếu những cảnh này mà ở trên đất Mỹ, thì đôla nó đổ ra, biến thành những khu du lịch, và du khách từ các nơi đổ đến coi chơi cho biết, hàng năm dễ đến cả mấy trăm ngàn người, bao nhiêu cách để hốt bạc. Khổ thế đấy! Cảnh đẹp như vậy mà nằm trong tay bọn VC, dép râu, nón cối, mã tấu, răng hô thì chỉ có đốn cây làm củi nấu bếp hay dựng mấy cái trại tù, làm dăm căn chòi mà ở. Uổng thiệt!
Một buổi chiều, cậu con rể lái chiếc SUV chở bọn chúng tôi đi khá xa một chút để dùng bữa ăn tối đặc biệt ở cái nhà hàng “Paradise” quay lưng ra sát bờ biển. Trong khi chờ đợi thiên hạ chuẩn bị bữa ăn tối cho khoảng 1,200 thực khách, chúng tôi đi dạo quanh quanh, ghé mấy gian hàng bán đồ kỷ niệm, xem xét mấy cái quán, cái chòi dựng theo kiểu đặc biệt của dân Hawaii. Tôi la cà ra bờ biển chụp vội mấy tấm ảnh với những tảng đá, đám người, vài chiếc thuyền buồm, biển nước mênh mông.
Rồi loa phóng thanh báo hiệu giờ ăn sắp tới, xin mời thực khách chuẩn bị vào bàn. Bữa ăn tối ngoài trời, sát bãi biển cho 1,200 người quả đúng cái tên “Thiên Đàng” (Paradise) chiếu sáng bằng ánh điện ngay trước ngôi nhà hàng, chẳng to lớn bao nhiêu, mái lá, cột kèo bằng cây vì tất cả bàn ăn, các dãy ghế đều đặt trên bãi cát ngoài trời, trước cửa hết rồi, đâu có ở trong nhà hàng mà cần to với lớn. Chúng tôi ngồi vào chỗ loại đặc biệt, ngay đầu dãy bàn, sát với sân khấu trình diễn ca vũ nhạc. Vũ và nhạc của dân Hawaii dễ thương, dễ mến làm sao! Chớ nếu chơi nhạc rock, nhạc rap thì hai vợ chồng già chúng tôi ăn với uống chi nổi.
Ngó chung quanh, thấy thiên hạ xếp hàng, đưa vé lấy chỗ ngồi, tự nhiên tôi cảm thấy mình coi bộ “hách xì xằng” hơn thiên hạ quá xá. Thiên hạ vô số người phải tự đi lấy đồ ăn, thức uống, còn bọn tôi thì lại có nhân viên phục vu mang đến tận nơi. Thì ra vợ chồng đứa con gái út sợ làm mệt ông bà già, hết muốn ăn với uống cho nên chúng nó đã lấy vé đặc biệt hồi nào. Thời đại này, dù mua vé kiểu chi, giữ phòng khách sạn, đi ăn tối như thế này, chúng nó cứ chơi màn “online” là xong hết, đi đâu cũng có cái laptop bỏ trong cặp da, xách theo đâu có khó. Người phục vụ là một phụ nữ trung niên, nước da ngăm đen hơn là mầu nâu của dân bản địa. Thấy bả sốt sắng, vui vẻ phục vụ, tôi lì xì cho bả tờ 10 đôla Mỹ cuộn tròn lại cho bả vui và lên tinh thần.
Những màn vũ trong tiếng đàn hạ uy cầm, kèm tiếng vỗ trống bập bùng, tiếng gõ lóc cóc của nhạc cụ địa phương thật là tuyệt diệu, làm cho bữa ăn tối khác hẳn so với bất cứ ở thành phố nào. Nam nữ vũ công đều có mầu da nâu, khỏe mạnh, vui tươi. Nữ vũ công thì tất nhiên cũng phải theo mốt “sexy” chút chút, nhưng không theo kiểu cách “mời ông xơi nước – 75% off ” quá cỡ như ở nhiều sân khấu ca nhạc ngày nay, làm cho vô số đàn bà, con gái có cơ hội được bọn tào lao, cà chớn chiếu cố, đè ra hiếp dâm, quăng xác nơi chân núi bìa rừng cũng bởi một phần vì cái nguyên cớ đó mà ra.
Nữ vũ công ở nhà hàng Paradise này che ngực bằng cặp vỏ trái dừa khô cạo nhẵn, trông tròn trĩnh nhưng không ai thấy là hai bịch silicon hay saline của mấy tay bác sĩ thẩm mỹ với giá hạng nhẹ cũng $2,999.
Đoàn vũ công tới điểm vui nhất là họ tràn xuống bãi cát, lượn sát đầu bàn chúng tôi ngồi ăn. Nhanh như chớp, hai cô kéo cánh tay cậu con rể của chúng tôi ngồi ngay ghế đầu, đưa lên sân khấu cùng vài anh chị khác cũng là thực khách, tất cả cùng lắc mông, múa may quay cuồng vui quá xá. Những tràng vỗ tay vang dội cả vùng biển đã bắt đầu về đêm.
Tiếng chúc mừng họp mặt của MC qua hệ thống âm thanh, tiếp theo là những câu hỏi: Quý vị nào là những cặp đã kết hôn được một năm xin đứng lên! Đám này hơi đông. Lời chúc mừng của MC kèm theo tiếng vỗ tay vang lên từng hồi. Quý vị nào đã kết hôn được năm năm, xin mời đứng lên! Số này ít hơn. Quý vị nào đã kết hôn được 10 năm? Cứ ít dần đi nữa. Quý vi nào được 15 năm? Không có bao nhiêu. Quý vị nào được 20 năm? Hình như có vài cặp. Quý vị nào được 25 năm? Đếm đâu có con số 3. Quý vị nào được 30 năm? Hình như không có. Quý vị nào được 35 năm? Ủa! Không thấy ai cả! Chắc là 35 năm thì không bệnh hoạn, một người nằm nursing home thì cũng lấy vợ, lấy chồng lần thứ mấy rồi, làm sao có đủ con số 35 năm. Quý vị nào được 40 năm? Hổng thấy ai. Quý vị nào được 45 năm? Chẳng có cái đầu nào nhô lên trong đám đông. Quý vị nào được 50 năm, tức là đã có nổi cái buổi “50th Wedding Anniversary.” Mấy đứa con “xúi” hai vợ chồng tôi đứng lên, tôi kéo bà nhà tôi đứng lên, vẫy tay chào thiên hạ chung quanh. Thế là người ta quay phim, kéo tới chụp ảnh loạn cào cào, có người tiến tới bắt tay chúc mừng. Thì ra, hai vợ chồng già chúng tôi đã “ký giao kèo sống chung hòa bình” được 50 năm có lẻ rồi, mà bữa nay vẫn còn đủ sức khỏe để có mặt cả hai tại chốn vui vẻ, xa xôi mà thơ mộng này. Thiên hạ xì xào đủ thứ tiếng nhưng tôi nghe được tiếng Việt – Anh – Pháp cùng chung một ý: thật là quý giá trong thời đại ngày nay!
Chuyện vui và thơ mộng ở Hawaii còn nhiều lắm, nhưng cái mục “giây phút thần tiên” nói ngay khi bắt đầu bài viết, chút nữa tôi quên mất tiêu.
Buổi sáng hôm đó, chúng tôi ra chơi và tắm ở bãi biển Waikiki lần thứ hai. Trời nắng ấm, bãi biển đẹp vô ngần, chạy dài cứ như tới tận chân trời xa tít, với những khách sạn nhiều tầng lố nhố đằng xa. Chỗ chúng tôi tắm là khu vực đầu bãi, gần ngay đường phố, có những rặng dừa nghiêng nghiêng. Tôi vẫn còn đang chọn cảnh để chụp ráng mấy “pô” đẹp quá chừng chừng, định bụng bấm xong là nhào xuống nước chơi đùa với đứa cháu ngoại đang “quậy” nước với bà nhà tôi ở gần đó. Bố mẹ cháu thì ra xa hơn một chút. Cất chiếc máy ảnh vào bao, nhét vào cái túi đeo vai vừa xong thì… ơ hay, tự nhiên cái bụng thấy lộn xộn, mỗi lúc một hăng thêm. Tôi vốn cẩn thận chuyện tuổi già, thuốc men cho nên đi chơi đâu xa là cứ y như có đem theo một cái pharmacy nho nhỏ, đủ loại thuốc: thuốc uống trong ngày, trong tuần, thuốc dự phòng loại thông thường, tùm lum, không thiếu thứ gì mà khi ở nhà, tại gia đình tôi đôi lúc phải sài, hộp nào, ngăn đó, kèm chai nước “drinking water” đầy đủ. Tôi thấy rõ ràng cái bụng “gây chuyện” rồi đây. Đâu có ăn uống giống gì ghê gớm đâu à! Lôi hộp thuốc trong cái xách tay, tôi làm một viên Lomotil nhỏ xíu, hai ngụm nước là bắt buộc cái bụng phải yên. Kinh nghiệm thường ngày cho tôi biết như thế. Tuy nhiên, trước khi cái bụng trở lại tình trạng “bình an vô sự” thì ít nhất nó phải tống khứ cái phần đã chờ sẵn để “get out” ra khỏi khu vực “tiền tuyến,” chớ đâu nó chịu nằm khơi khơi mãi ở đó được.
Tình hình coi bộ căng thẳng, nguy hiểm không khác chi bọn khủng bố sắp sửa kích bom tự sát bao nhiêu. Ủa ! Tôi lôi cặp ống nhòm (binoculars) nhỏ xíu, nhưng tối tân, chụp ảnh digital luôn cũng được, đưa lên mắt coi xem có cái nhà nào dọc bờ biển dùng làm “Restroom” không. Mỹ mà! Chỗ nào công cộng đông người lui tới vui chơi là bắt buộc phải có cái mục đó, không có không được. Tôi nhìn hoài mà không thấy chi cả, chỉ có bãi cát trắng phau chạy dài tới tận chân trời.
Quáng gà, tôi khoác thêm tấm khăn tắm bự, đi về phía mấy ông bà người Mỹ chắc là từ xa du lịch đến đảo này, tuổi cỡ xấp xỉ ngả bóng về chiều đang ngồi chơi quanh đó, để hỏi cho chắc ăn. Hai ông bà thông cảm, vui vẻ đứng lên chỉ cho tôi, cứ bước lên mấy bực kia, lên lề đường, đi về hướng cái park cây cối um tùm cách đó một quãng là thấy ngay cái chỗ tôi cần tìm kiếm. Cảm ơn xong là a-lê hấp, tôi trực chỉ đám cây cối đằng kia mà rảo bước, kẻo bom nổ chậm bị bọn khủng bố kích hỏa thì chết hết!
Đi qua chỗ thiên hạ đang tắm xối nước ngọt, sau khi lội biển, tôi bước gấp lên mấy cái bực tam cấp, lên lề đường phố, nhắm hướng đã được chỉ dẫn. Xe cộ và người kéo ra bờ biển đông nghẹt. Bước được một quãng ngắn, tôi đụng đầu ba cô gái trẻ cỡ 18, 19 đến 22, 23 chi đó đi tới, ngược chiều, bèn hỏi: Xin lỗi, các cô làm ơn chỉ giùm cho cái restroom gần nhất ở khu vực bãi biển này.” Cả ba cô coi bộ “kính lão đắc thọ” nên đều sốt sắng, vui vẻ chỉ vẽ tận tường hướng đi về cái park phía trước mặt của tôi, đằng sau mấy cây cổ thụ lớn và cành lá xanh um.
Sau lời cảm ơn, tôi lướt đi thật nhanh giống như Tôn Ngộ Không – Tề Thiên Đại Thánh, đi mà chân không chạm đất vậy. Cái nhà, mái mầu xám đã hiện ra ngay trước mặt. Tôi lướt tới, toan nhào dzô, nhưng thấy chữ “Women” mầu đen viết trên khung sơn mầu trắng rõ ràng. Đã tới nơi mà còn rắc rối! Dội ngược lại, vòng sang đầu bên kia. Chữ “Men” hiện ra rõ ràng, không sai đi đâu được nữa. Tôi chạy biến vào trong vì sợ “bom tự sát” của bọn khủng bố nó “bùm!” thì chết cả lũ.
May quá, ba ngăn có cửa, dành cho việc “đại sự quốc gia” thì hai ngăn đóng kín, tôi biến vào trong ngăn còn lại, đóng cửa, cài chốt nhanh như máy kẻo sợ nó tự động bỗng dưng đóng và khóa lại thì chết, không ai cứu kịp.
Khi tôi đang chuẩn bị “đáp máy bay” xuống “phi đạo toilet” thì hình như mắt tôi loáng thoáng thấy một ông già đầu tóc bạc phơ hiện ra ngay trước mặt như trong truyện cổ tích ngày xưa, ổng phán bằng tiếng Mỹ: “Ta cho nhà ngươi một điều ước, muốn cái gì, nói ngay, ta cho lập tức!” Tôi quýnh quáng, “Wait! Wait! Some seconds, please! Let me enjoy entirely this wonderful moment!” Giây phút thần tiên, tuyệt vời đã đến với tôi, phải hưởng cho hết “chỉ tiêu” mới được chớ!
Ôi, thật là thần tiên, tuyệt vời! Khi nó qua đi, mắt hết quáng gà thì tôi không thấy ông Tiên đầu tóc bạc phơ đâu nữa. Ổng biến mất tiêu rồi! Nhưng không ăn thua! Ta đã có một vài “giây phút thần tiên” vừa rồi, không có cái gì tuyệt vời hơn nữa, cho ổng biến đi luôn!
Cuộc đi chơi một tuần lễ ở Honolulu, Hawaii biết bao nhiêu là thơ mộng nhớ đời, nhưng hình như cho đến lúc viết những dòng này, tôi chưa hề nói cho ai biết là: Cái “giây phút thần tiên” đáng giá nhất của tôi suốt thời gian đó như thế nào.
(San Diego, California)