Chuyện Vãn: Nhớ, Quên & iPhone

(Hình: tác giả cung cấp)

Từ khi sinh ra và biết nhận thức thì nhớ/quên gắn liền với cuộc sống hằng ngày cho đến khi lìa trần.

Phân Tâm Học (Psychoanalysis) đã giải thích về nhớ/quên theo trình tự thời gian từ tuổi thơ đến tuổi già nhưng thực tế nó không hoàn toàn như vậy mà tùy theo hoàn cảnh, môi trường sống, giáo dục, xã hội… biến động tâm lý ảnh hưởng đến từng cá nhân với não bộ.

Triết gia William James (1842-1910) là người đầu tiên đề cập lãnh vực Tâm Lý Học nhưng triết gia Sigmund Freud (1856-1939), được coi là ông tổ Phân Tâm Học với nhiều công trình nghiên cứu đến Psychoanalysis và ấn hành vài tác phẩm tiêu biểu như Introduction to Psychoanalysis, Psychopathology of Everyday Life… Cùng với con gái Anna Freud: (1895-1982) thành lập khoa Phân Tâm Học Cho Tâm Lý Trẻ Em (Psychoanalytic Child Psychology), quyển sách dày khoảng ba trăm trang. Quyển sách ấn hành năm 1932, rất hữu ích cho các bậc phụ huynh và nhà trường hướng dẫn trẻ em.

Vấn đề triết lý của những ông lý thuyết gia quá nhức đầu vì “lý thuyết” không phải là khuôn mẫu, bao giờ cũng có nhiều cuộc tranh cãi.

Trở lại với nhớ/quên với quan niệm của các câu nói, đôi khi thấy nó tương phản nhau:

“Trí nhớ dai có thể là điều tốt, nhưng khả năng quên mới là dấu hiệu của sự lớn lao.” (Elbert Hubbard).

“Chúng ta thường quên nhiều hơn nhớ.” (Thomas Fuller).

“Thật ra quên không phải là cái đau khổ nhất, người đau khổ là người có trí nhớ.” (Jacques Rousseau).

“Chức năng của trí nhớ không chỉ là để bảo tồn, mà còn để ném đi. Nếu bạn ghi nhớ mọi thứ trong cả cuộc đời, bạn sẽ bệnh tật.” (Umberto Eco).

“Trí nhớ chỉ biết nhìn lại phía sau là trí nhớ tồi.” (Lewis Carroll).

“Tôi nhớ, và khi tôi cố nhớ, tôi quên.” (A. A. Milne).

“Nếu bạn không muốn bị lãng quên ngay sau khi chết, hoặc viết thứ gì đó đáng đọc hoặc làm gì đó đáng được viết.” (Benjamin Franklin).

“Có thể quên nghĩa là tỉnh táo.” (Jack London).

“Thà quên đi và mỉm cười còn hơn ghi nhớ và buồn bã.”  (Christina Rossetti).

“Thật hạnh phúc lắm thay cho những ai biết cảm nhận của sự lãng quên!” (Brigitte Labbé)

(Trong bộ sách Thưởng Thức Triết Học gồm 12 cuốn của các tác giả Brigitte Labbé,  Michel Puech,  Dupont-Beurier, quyển I là Nhớ & Quên)

Trong thi ca và âm nhạc Việt Nam với nhiều bài thơ (cả ca dao, thành ngữ) và ca khúc về nhớ/quên.

***

Nói đến trí nhớ, khái niệm IQ (Intelligent Quotient) phát hiện vào cuối thế kỷ XIX. Chỉ số IQ còn được gọi là chỉ số thông minh của con người. Tuy nhiên tùy theo sự phát triển trí tuệ của mỗi người, có khi tuổi trẻ kém trí nhớ nhưng sau nầy rất thông minh. Có nhiều nhà bác học khi nhỏ đần độn hay bị tự kỷ (Autism) nhưng sau nầy trở thành thiên tài như Albert Einstein, Issac Newton, Michelangelo, Charles Darwin (thuyết tiến hóa), Mozart, Ludwig van Beethoven, George Orwell, Mary Temple Grandin…

Thời còn đi học, nhiều quyển sách của các cụ Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng… hướng dẫn cách luyện trí nhớ, tinh thần, tự học, óc sáng suốt, thuật tư tưởng… để tìm hiểu và học hỏi. Thời đi học bởi ỷ vào trí nhớ nên thuộc loại làm biếng, khi đến lúc thi cử mới bù đầu vào đèn sách.

Với nhớ, khi viết về điều gì đó, ngoài internet, tôi còn nhớ có trong quyển sách nào ở trong “tủ sách garage”… tuy trí nhớ bị mai một nhưng không đến nỗi tệ.

Người ta thường nói tuổi già thường nhớ về ký ức thời xa xưa, và tôi cũng nhớ hai căn nhà, ngôi vườn thời tuổi thơ với những trò chơi cùng lứa tuổi. Vì vậy các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba nhờ chú, cậu, ông nội, ông ngoại út viết cái nôi thời xa xưa.

Google thịnh hành vào cuối thập niên 1990, tiện dụng cho việc tìm kiếm… Trước đó trong lúc “trà dư tửu hậu” tôi cũng được gọi quyển sách bỏ túi để tán gẫu.

Phản nghĩa với nhớ là quên, quên thì xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hiện tại. Đồng nghĩa với nhớ là không quên nhưng có vẻ trân trọng hơn như “không quên công lao dạy dỗ tận tâm của thầy…”

Trong ca khúc Gởi Người Giới Tuyến của nhạc sĩ Nhật Lệ: “Tôi không quên anh, đem nhiệt tình vì yêu đất nước. Tôi không quên anh, khi xuân về không mơ dừng bước. Tôi không quên anh, lạnh chiều đông gió mưa bay. Bạn cùng cây súng đôi vai, nhủ lòng quên nỗi đắng cay.”

Ông sáng tác ca khúc nầy lúc ở Huế, Đà Nẵng nên rất thịnh hành trên hai đài phát thanh ở đó.

Quên có phải là bệnh vì ngày nay cho là triệu chứng của bệnh lãng trí, Alzheimer? Có nhiều nghiên cứu, phân tích và đề tài liên quan đến trường hợp nầy; nào là bệnh tình, ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe, đời sống… tuy nhiên với tôi và vài thân hữu, không như vậy.

Ở tuổi tám mươi vẫn còn viết lách, làm báo nhưng tôi thuộc loại “con vạc ăn đêm,” ban ngày trí nhớ kém nhưng ban đêm, khi ngồi trước computer viết lách, trí nhớ đến rất tốt, cũng chả hiểu vì sao, hay là thói quen.

Ngay các bậc tiền bối như Honoré de Balzac (1799-1850), William Faulkner (1897-1962), Joseph Heller (1923-1999), George Sand (1804-1876)… cũng có thói quen viết về ban đêm.

Đúng như câu nói của Thomas Fuller “Chúng ta thường quên nhiều hơn nhớ.” Bộ óc con người cũng như cái hard drive của computer, không thể chứa hết nên loại dần những gì trong đầu. Và, thời gian tự nó đã làm công việc nầy.

Trở lại với bản thân, ban đêm, nhiều lần lái xe về, đậu trước garage, quên khóa xe, quên kéo cửa kiếng lên và cả khi vào nhà cũng quên hạ cửa garage xuống. May mà ở khu tạm an toàn (private) nên không bị đạo chích. Nhiều lần khi lái xe đi cũng quên đóng cửa garage. Vài lần nấu thức ăn trong bếp, ra garage ngồi làm việc đến khi alarm báo ỉnh tỏi mới hay.

Những chuyện vặt vãnh ở trong nhà thường xảy ra như cơm bữa! Con cái biết vậy nên gắn camera, access control… ngoài cửa, sau nhà, trong nhà… trước khi ngủ, check vào iPhone cho chắc ăn. Nhờ vậy, nhiều lần hú vía vì quên. Muốn mua những gì lặt vặt, ghi vào giấy, chụp vào iPhone. Ngay cả khóa số ở nhà và con cái cũng ghi và chụp hình, 3 cái password trong email cũng vậy. Nói chung đều dựa dẫm vào cái iPhone cả.

Không biết trước đây, quý vị trưởng lão mang bệnh quên nầy sẽ ứng xử như thế nào? Còn tôi “mắt thấy không bằng tai nghe” nên vừa ra khỏi nhà vừa nói như “nhãn hiệu cầu chứng.”

Trong vài năm gần đây Apple AirTag, thiết bị định vị nhỏ gọn với đường kính và dày là 32x6mm giá khoảng 80 đô-la, có tác dụng khoảng 10m. Coi như “ông thần hộ mệnh” cho bệnh quên đồ vật khi để chỗ nầy, tìm chỗ khác! Thật ra với quý ông cũng chẳng cần thiết AirTag nầy nhưng với quý bà rất hựu dụng. Trang sức, vàng bạc, tiền bạc… thường chia ra cất giữ nhiều chỗ thật kín đáo nên lâu ngày cũng quên, nhỡ bị mệnh hệ gì, người thân tìm kiếm.

Nghĩ lại cảm phục các cụ ngày xưa trong đời sống và công trình biên khảo… với trí nhớ tốt từ những chuyện vặt vãnh trong nhà đến sáng tác.

Đề cập đến nhớ/quên trong tình yêu lứa đôi, ông/bà… là cả kho tàng trong thơ, văn, âm nhạc từ thời xa xưa, Đông/Tây với muôn vàn tác phẩm trong cuộc sống. Những mối tình lãng mạn, say đắm, nghiệt ngã, ngăn cách với hạnh phúc và đau khổ!

Trong thi ca, mấy ông/bà làm thơ dễ dàng sáng tác nỗi nhớ người tình với nỗi niềm “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ”, nhà thơ Đinh Hùng khi lập gia đình vẫn “Nhớ người năm ngoái, năm xưa mãi” và khi nhớ quá “Ta muốn vào thăm chốn mộ sâu”, khiếp thật. Cụ Nhượng Tống là dịch giả nhưng làm thơ tình với tâm trạng: “Thương nhau, tiếng thở dài. Nhớ nhau, hàng lệ rỏ. Miễn lòng ta biết ta. Yêu nhau thế là đủ.” Nào là “Hôm nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm; Anh nhớ em, em hỡi! anh nhớ em.” (Tương Tư, Chiều – Xuân Diệu).

Trong bốn bài thơ của TTKh với nỗi đau trong cuộc tình để rồi “Tôi biết làm sao được hỡi trời! Giận anh không nỡ, nhớ không thôi.” (Bài Thơ Cuối Cùng), ông cũng là đệ nhất si tình người đi trên mây với bao giai nhân “Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt. Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em.” Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Lam Phương, Đỗ Lệ… cũng nhờ tình si với nhiều bóng hồng nên sáng tác nhiều tình khúc tuyệt vời.

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp Thiên Long Bát Bộ, A Tử (em ruột A Châu) yêu Kiều Phong nhưng Du Thản Chi mê mệt A Tử, chàng cam tâm dâng cả cuộc đời để phục vụ thú vui ác độc của nàng mà coi là thiên thần và cho đó là lý tưởng, ước vọng mục tiêu, hoài bão của cuộc đời mình. A Tử dùng trăm trò quái đản đối với y, nhiều phen sống dở chết dở. A Tử cho người đem khuôn sắt nung chảy lên đầu Du Thản Chi, trở thành người mặt sắt, chưa hết, móc đôi mắt để dâng hiến cho nàng khi bị mù!

Tuy là nhân vật hư cấu nhưng thời đó, tác phẩm của Kim Dung rất ăn khách nên rất phổ thông (Thời SVSQ, có vị sĩ quan cán bộ đại đội, sáng tối cũng đeo cái kiếng đen to tổ bố, ông tên Thản nên ví von là Du Thản Chi, thật ra với nickname mà thôi, không dính dáng gì với “dại gái” sau nầy ai nói cho ông biết nên ông hành tụi tôi tơi bời hoa lá cho bỏ ghét).

Đầu năm 2022, tôi viết bài Bệnh Tưởng, Hài Kịch & Cuộc Sống, hài kịch Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire) của nhà văn Pháp Molière (1662-1673) tác phẩm cuối cùng của ông trước khi mất, được Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) dịch và trình diễn tại Hà Nội năm 1920, mở đường “nghệ thuật kịch nói” ở Việt Nam.

Qua bài viết nầy, thân hữu gợi ý với tôi những mẩu chuyện có thật và bản thân tôi biết vài nhân vật với “bệnh tưởng” hay “Người Đi Trên Mây” (tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng). Khi nào quởn sẽ đề cập trong chuyện vãn, dĩ nhiên thay đổi tên tuổi cho tế nhị.

Trong ca khúc Sầu Lẻ Bóng của nhạc sĩ Anh Bằng: “Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm… Những ai bạc bẽo mình vẫn không… đành lòng quên” như danh ngôn “cố quên lại nhớ thêm.”

Người xưa thường nói “xa mặt cách lòng” (out of sight, out of mind) trong tình nhân khi lòng người thay đổi! Văn, thơ, nhạc đề cập cũng khá nhiều về tình đời bạc bẽo!

“Em yêu rồi, anh đã vội quên ngay… Ngẫm cho kỹ anh là người bạc bẽo” (Xuân Diệu). “Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt. Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên… Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em?” (Thơ Cũ Của Nàng của Trần Dạ Từ, Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc Người Đi Qua Đời Tôi).

Trong ca khúc Hoài Cảm của nhạc sĩ Cung Tiến “Lòng cuồng điên vì nhớ, ôi đâu người, đâu ân tình cũ?” sáng tác năm 1953 mới 15 tuổi mà nhớ khủng khiếp như vậy. Hay tâm trạng của kẻ tình si: “Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi? Bao giờ tôi hết được yêu vì… Người đi, một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.” (Hàn Mặc Tử).

Chỉ đơn cử vài câu thơ, lời ca khúc coi như “thêm mắm thêm muối” cho có lệ trong đề tài tuy là chuyện vãn, không lồng thêm tình yêu thì không thú vị.

Lâu năm xa xứ, bỗng dưng có hôm người tình cũ thời chinh chiến, vào facebook nhắn qua Messenger, không biết trả lời thế nào nên ca bài “cải lương” qua nhạc phẩm Đành Quên Sao của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ với các câu trong điệp khúc: “Quên sao đành, và quên sao đành quên sao đành bao ân tình cũ, sao đành quên người xưa mãi mong chờ. Quên sao đành, và quên sao đành bao kỷ niệm ngày xưa còn đó, dẫu rằng thời gian lướt qua hững hờ.”

Trong văn học nghệ thuật, tôi thường viết về tác giả & tác phẩm, nếu viết thuần túy về giá trị sáng tác thì khô khan nên lồng vào đó dăm ba mối tình là nguồn cảm hứng mới thú vị. Năm 2015, gom số bài viết ấn hành quyển Văn Nhân & Tình Sử. Ngoài ra tôi cũng viết về các tác phẩm danh tiếng ngoại quốc với những mối tình đẹp, nên thơ, lãng mạn và ngang trái, nhất là các nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. 

Nhà thơ Thái Tú Hạp, người bạn đồng hương Hội An, và những người bạn thân thường uống cà phê với nhau “xúi” tôi viết “tình sử bản thân.” Tuy dại nhiều khôn ít nhưng đâu có ngu “lạy ông tui ở bụi nầy” và cả chuyện nhớ/quên! Và, chia sẻ với mấy người bạn già xa xứ “Em đi qua đời anh không nhớ gì sao em?”

(Little Saigon, September 2024)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: