Buổi sáng, trong khu chợ ồn ào, bận rộn người buôn, kẻ bán, người ta thấy có một cô gái vừa đi vừa lẩm bẩm nói cười rồi chợt dừng lại bên hàng bánh. Những chiếc bánh bò xinh xinh đủ màu bày trên mâm có lót miếng lá chuối xanh mướt, cạnh bên là bánh da lợn thật hấp dẫn, thơm nức mùi lá dứa, béo bùi với nước dừa và đậu xanh. Cô gái thèm thuồng nhìn mâm bánh rồi nói:
– Em đói… cho xin miếng đi!
Bà Tư bán bánh bò ngon nổi tiếng trong chợ, ngẩng đầu nhìn lên, thấy một cô gái đứng trước hàng xòe tay xin bà miếng bánh. Cô nhỏ nhắn, trắng trẻo dễ thương nhưng đôi mắt ngây dại dường như vô hồn. Cô mặc một bộ đồ soa màu hồng nhạt, có ren cổ và viền áo thêu bằng tay rất đẹp. Qua cách ăn mặc thì không ai nghĩ cô là một “đứa ăn mày”. Bà Tư chưa kịp nói gì, cô lại xin:
– Cho em xin miếng đi!
Bà Tư thấy tội nghiệp, đưa cho cô cái bánh bò nhỏ. Cô cầm vội cái bánh ù té chạy ra cửa chợ, dừng lại ăn bánh rồi cất tiếng hát…
Tim nào có bình yên
Ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên
Khi tình đã vội quên…
(Ru ta ngậm ngùi, Trịnh Công Sơn)
Cô ngừng hát, cười rú lên, tiếng cười điên dại, lạnh lùng khiến người nghe phải rùng mình… Rồi cô xòe tay như hai cánh bướm bay lượn, chạy vòng vòng quanh chợ. Chạy một lúc rồi chán, chợt đưa hai tay ôm vòng lấy cổ mình rồi tự đong đưa như được ai âu yếm ôm ấp, cô ngậm ngùi hát giọng nhè nhẹ, nhừa nhựa như vừa dỗi hờn, vừa nhớ nhung…
Người yêu ơi cách xa phương trời
Giọt sầu chơi vơi…!
(Tiễn em lần cuối, nhạc ngoại quốc, lời Việt)
Rồi cô chợt ôm mặt khóc nức nở.
Cô vừa xuất hiện ở khu chợ này, không ai biết cô từ đâu đến, con cái nhà ai mà sao lại bị điên dại, phải sống lang thang đầu đường xó chợ. Cô khờ khạo, lúc cười, lúc khóc, lúc nghêu ngao ca hát, cô thích hát nhạc của Trịnh Công Sơn và nhạc ngoại quốc.
Ngày qua ngày, cô xin ăn trong chợ, người ta thường cho cô đồ ăn thừa ở những quán hàng. Đôi lúc cô không xin mà lấy cắp rồi bị đánh bầm tay, bầm mặt… Có lần cô “chôm” cả miếng thịt sống cho vào miệng, người bán thịt vội vã lấy lại và lau miệng, lau tay cho cô. Người ta biết cô điên, có người thương hại, có người lại nỡ đánh đập, xua đuổi cô.
Buổi tối, khi các sạp hàng trong chợ cửa đóng, then cài, cô gái thường đi quanh tìm chỗ ngủ. Cô nằm co ro ở những sạp hàng khuất ánh đèn đêm để khỏi bị chói mắt. Nhưng hôm nay, vào lúc chạng vạng, chợ đã đóng cửa nên vắng tanh, có một người đàn ông trung niên, gầy ốm, đen đủi đến cho cô gái điên ăn uống và chuyện trò với cô.
Rồi cứ thế, vài ngày lại thấy hắn xuất hiện, đem cho cô miếng bánh, miếng xôi; người ta nghĩ hắn là bạn bè, thân quen của cô hay một người tử tế có lòng nhân từ. Nhưng không may, hắn bị phát giác khi hai người bảo vệ chợ đi tuần bắt gặp hắn đang cưỡng hiếp cô gái bị bịnh tâm thần. Hắn bị lôi về đồn công an tra hỏi, đánh cho một trận rồi tống vào tù. Trong lúc hoảng loạn, cô gái tuy điên dại nhưng còn biết sợ hãi nên đã bỏ chạy.
Từ đó, người trong chợ không còn thấy cô gái ấy ca hát, múa may nữa. Cô đi đâu? Những người bảo vệ chợ có giúp đỡ cô? Gia đình có ai đi tìm kiếm mà mang cô về nhà?
Ít lâu sau, có người thấy cô gái thích ca hát ấy sống nương náu dưới mái đình trong nghĩa địa. Cô được cho ăn uống, tắm rửa và “canh chừng”. Ở đó, thường có một đám đàn ông con trai tụ tập, uống rượu, rồi hãm hiếp cô. Khi thú tính, dục vọng nổi lên, bọn người ấy vốn không còn nhân tính. Bọn chúng có thể đã trộm cắp ở đâu một chiếc áo đầm mặc cho cô gái, có ai chải tóc và thắt bím, trông cô xinh như một công chúa sống giữa bầy “quỷ sứ”, thật là tội nghiệp! Dân nghèo sống quanh vùng nghĩa địa, sợ hãi bọn du thử du thực, đầu trộm đuôi cướp có băng đảng lớn nên không ai dám lên tiếng binh vực cho cô gái đáng thương.
Tin “bắt bò lạc” đồn thổi trong giới giang hồ, dân chúng thì bất nhẫn, bực tức xầm xì mãi rồi cũng đến tai nhà nước. Công an bố ráp, bắt bọn trộm cắp, một số bị đưa vào nhà tù, vài đứa còn nhỏ tuổi và cô gái điên bị đưa về trại “Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới” ở Bình Triệu. Trại cải tạo này, nhốt và cưỡng bức lao động để giáo huấn những thành phần cặn bã của xã hội: Những kẻ phạm pháp, nghiện ngập, vô gia cư, vô nghề nghiệp, chuyên đi phá làng, phá xóm.
Ông trưởng trại cho cô gái bị bịnh tâm thần ấy ngồi nắm than suốt ba năm dài vì cô không biết làm gì khác. Tội cho cô phải lao động “khổ sai” vì không ai biết tên tuổi hay gia đình của cô ở đâu mà đưa cô về nhà. Gia đình cũng không biết cô bị nhốt ở trại này mà đến thăm nuôi.
Lúc mới bị bắt vào trại, cô gái thường hay gào khóc điên dại, giãy giụa đòi ra khỏi “tù” nhưng sau cùng đành chịu thua vì bị bỏ đói mà không còn hơi sức để khóc hay quậy nữa. Có ai đó thương hại cho cô một chiếc nón lá để che những cơn nắng cháy da, cô trở nên đen đủi, gầy gò và móng tay luôn đóng cáu một lớp than đen bẩn.
Cô chăm chỉ nắm than, làm đều đặn như một cái máy, nhưng dường như ký ức vẫn còn đọng lại đâu đây một chút gì để nhớ, để thương, để vấn vương… Cô thích hát. Ngoài những bài Trịnh Công Sơn, có bài hát mà cô say mê hát đi hát lại mãi không chán, có lẽ nó đã in sâu vào tâm khảm một kỷ niệm khó quên. Đó là bài bài dân ca Mỹ đong đầy nỗi buồn khi xa cách người yêu:
If you missed the train I’m on, you will know that I am gone
You can hear the whistle blow a hundred miles…
(Five hundred miles – Tạm dịch “Người tình trăm dặm”)
Sân ga nếu lỡ chuyến tàu, em yêu, anh đã đi rồi biết chăng!
Đường tình trăm dặm chia xa, chỉ nghe vẳng tiếng còi tàu tiễn đưa…
Một buổi chia tay buồn bã nhưng vẫn còn để lại chút âm thanh lãng mạn trong tình yêu lứa đôi. Khi yêu, thường có những cuộc tình dang dở với những lúc chia tay. Có phải tình yêu vốn khó tìm, nhưng dễ mất? Vừa nắm than vừa hát. Cô gái điên dại nhưng dường như vẫn còn nhớ, còn in trong tim hình bóng người tình giờ đã xa trăm dặm. Bâng khuâng, ngậm ngùi, chỉ còn nghe đâu đây tiếng còi tàu tiễn biệt… Ai bảo người điên quên được chữ tình?!
Bà Tâm mới đến trại để thay thế ông trại trưởng già, bà cai quản cái đám thanh niên, thiếu nữ gọi là “tệ đoan” của xã hội. Họ bị bắt nhốt vào trại để học tập cải tạo và lao động. Bà Tâm có lòng nhân từ, để ý thương hại cô gái điên, không tên không tuổi. Bà thường ngồi hỏi han, chuyện trò và rất ngạc nhiên tại sao cô lại có thể hát tiếng Anh một cách rõ ràng chuẩn giọng như vậy? Cô hát cả bài Love story và Somewhere My Love rất hay. Cô gái này chắc chắn không phải gốc gác là con nhà dốt nát hay nghèo khổ, bà Tâm muốn giúp cô ráp lại cái trí nhớ đã bị vỡ vụn…
– Này em tên họ là gì? nhà ở đâu thế?
Cô gái ngớ ngẩn trả lời khi nhớ khi không:
– A… a… Mây… Mây… nhà ở chợ bán bánh nhiều lắm…!
– Ồ, vậy hả? Chợ tên gì? Có gần nhà thờ hay chùa không?
– A… chợ đông bán nhiều bánh vầy nè… có hồ bơi nữa… người ta đi tắm mát ghê, vui ghê! Hahaha….!
Rồi cô phá lên cười một cách điên dại, khiến người nghe phải giật mình thảng thốt. Nhưng bà Tâm vẫn bình tĩnh, dịu dàng hỏi tiếp…
– Rồi có gì nữa? Hồ bơi tên gì? Có đi bơi với ai không?
– Không, không… Mây sợ nước,… nước… anh Trường dắt đi chơi hồ Con Rùa có nhiều nước… uống nước dừa, ăn kem nữa, ngon lắm lắm!…
Hỏi được những điều mà Mây còn nhớ, bà Tâm đến khu hồ Con Rùa dò la tin tức gia đình của Mây nhưng cũng không có manh mối gì; rồi bà tìm đến những nơi dân cư có hồ bơi. Một ngày đẹp trời, bà Tâm đến khu chợ có hồ bơi Cộng Hòa và hỏi thăm. Trời không phụ kẻ có lòng, bà Tâm đến một cửa tiệm và hỏi thăm về cô Mây thì đúng là nhà cha mẹ của cô gái bị tâm thần. Vì điên loạn nên Mây không còn biết mình là ai, quê quán ở đâu. Sau ba năm biệt tích, gia đình cũng không biết Mây lưu lạc nơi đâu, sống chết ra sao?
Cha mẹ, anh em đã chia nhau đi kiếm khắp nơi mong tìm lại Mây, cô con gái xinh đẹp đã từng là sinh viên đại học, rất giỏi về Anh ngữ. Mây yêu thương một anh kỹ sư xây dựng và cùng hẹn thề sống bên nhau đến cuối cuộc đời. Nhưng đến cuối cuộc tình, anh đã bỏ bê Mây để cưới con gái của một gia đình cán bộ giàu có, quyền thế. Mây bị thất tình, “yêu là chết ở trong lòng… Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu”, buồn khổ dai dẳng rồi mắc bịnh trầm cảm, sau đó điên loạn, lúc khóc lúc cười, khi tỉnh khi mê, nhớ quên lẫn lộn. Với đôi mắt lạc thần, hay cười ngớ ngẩn, Mây sống vô tư, dại khờ, ngu ngơ như một đứa trẻ thơ! Thế mới biết yêu là một niềm hạnh phúc vô biên nhưng đôi khi cũng là một nỗi đau khổ tột cùng khi cuộc tình tan vỡ.
Bà Tâm đã ghi một cái tên thật đẹp: Nguyễn Thu Mây trong hồ sơ để cho Mây về đoàn tụ với gia đình. Mây thoát khỏi cảnh ngồi nắm than trong trại cải tạo lao động. Về nhà được chăm sóc, ăn uống no đủ, mặc quần áo sạch sẽ. Mây là một cô gái xinh đẹp nếu không bị điên loạn.
Một số bạn học cùng lớp, đang sống ở nước ngoài cũng thương người bạn cũ gặp nhiều bất hạnh, họ gởi tiền và thuốc men để phụ giúp gia đình lo lắng chăm sóc cho Mây. Gia đình đã tìm mọi cách để chữa trị bịnh rối loạn tâm thần của Mây nhưng cũng không có hiệu quả.
Cha mẹ, anh em cũng không ai nỡ lòng xiềng xích, cột tay chân lại vì Mây vẫn vùng vẫy cố thoát ra làm tay chân rướm máu, sưng đỏ, đau đớn. Mây khóc lóc dai dẳng, luôn buồn khổ, thương nhớ gọi tên người yêu. Đêm đêm khi cả nhà đã ngủ say, Mây thường lẻn trốn đi lang thang tìm người tình, sống bụi đời, vất vưởng với sự thương hại bố thí của bá tánh. Anh em đi tìm kiếm thì Mây cứ lẩn trốn không chịu về nhà.
Đời chia muôn nhánh khổ, nhưng người điên có còn biết khổ đau? Những người thân thương có xót xa, buồn khổ, lo lắng nhưng cũng đành phó mặc cho cái gọi là “số mệnh”.
Vào một đêm khuya, Mây lần bước về nhà, nằm co ro dưới mái hiên. Nhà vẫn là một nơi thân thương mà người ta thường nhớ và trở về để được nương náu, được ủi an khi thấy bơ vơ, nhất là vào những lúc cùng quẫn, những giây phút cô đơn cuối cùng của cuộc đời. Như khi yêu, người ta bất chấp những mối quan hệ khác vì chỉ biết “yêu” thôi. Qua cơn mê đắm của tình yêu, dù đã hết lòng vun bồi, xây đắp nhưng nhận lại chỉ là đau thương phũ phàng. Thôi, đành buồn tủi mang trái tim rách nát với tâm hồn vỡ vụn trở về nhà để được xót thương vỗ về, an ủi.
Mây bị lao phổi, kiệt sức vì suy dinh dưỡng và thường xuyên bị xâm hại tình dục. Đưa đến bịnh viện thì hai ngày sau, Mây về với cát bụi phù du. Có lẽ ở chốn xa xôi bình yên đó, Mây quên được chữ tình!