Sau vài tháng lang thang trên các trại tị nạn: Subic bay, các đảo Wake, Guam, Fort Chaffee và sau cùng ở Indian Town Gap. Cuối Tháng Chín năm 1975, tôi được một nhà thờ Tin Lành bảo trợ ra sống ở Mount Joy, một thị trấn nhỏ đầy tình người thuộc địa hạt Lancaster, tiểu bang Pennsylvania. Lancaster có nhiều nông trại của người Amish và những ruộng bắp, ruộng đậu ngút ngàn.
Là địa điểm thuận lợi, nằm giữa Washington D.C, Pittsburgh, Philadelphia và New York. Lancaster ngày đó có khoảng hơn trăm gia đình người Việt định cư. Cùng bơ vơ lưu lạc nơi xứ lạ quê người nên mọi người nhanh chóng trở thành thân thuộc, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Mọi gia đình bắt đầu ổn định, đi làm đi học hòa nhập vào đời sống mới. Cho đến một ngày, tờ báo địa phương Lancaster New Era đăng bản tin điều tra một số người Á châu đang sinh sống trong vùng đã đến những”dog shelter” xin chó đem về.
Thay vì mang về nuôi, họ mang về để… làm thịt. Món thịt cầy “quốc hồn quốc túy” theo chân tị nạn qua tới nước Mỹ – nơi theo thứ tự loài chó đứng hàng thứ ba, chỉ sau đàn bà, con nít và trước đàn ông – đã làm bẽ mặt, xấu hổ lây những đồng hương khác trong vùng. Và gần đây, trong mùa đại dịch, hình ảnh đôi vợ chồng chở bầy chó từ Sài Gòn về Cà Mau. Để rồi cả bầy chó bị tiêu diệt một cách dã man, làm tôi bâng khuâng nhớ về con chó khôn ngoan và trung thành của tôi, lúc tôi khoảng bẩy, tám tuổi…
Năm 1954 gia đình tôi di cư vào miền Nam. Sau một thời gian sống với muỗi mòng và đỉa ở Cà Mau, thầy tôi dắt díu cả nhà thiên di về Củ Chi. Tại đây ông làm nghề y tá. Cứ sáng đi chiều về chữa bệnh và chích thuốc cho người dân quanh vùng. Một buổi chiều ông về muộn trong tay ôm một gói nhỏ được bao bằng những tờ nhật trình. Ban đầu tôi cứ tưởng đó là bọc bánh gai, bánh ít hoặc trái cây những người dân nghèo vẫn dùng để tỏ lòng biết ơn thầy tôi. Lúc mở gói giấy, tôi đã giật mình khi thấy một mớ lông đen xì đang ngọ nguậy và đôi mắt đen nhánh tròn như hai viên bi đang nhìn xoáy vào mắt tôi. Con chó nhỏ tuổi chừng vài tuần vừa mở mắt với cánh mũi ươn ướt quá xấu xí làm cho tôi không có một chút cảm tình với nó.
Thì ra, trên đường về nhà, khi đi trên chiếc cầu tre bắc ngang một con lạch nhỏ, thầy tôi nhìn thấy bên dưới một con chó nhỏ mình mẩy sũng nước đang quờ quạng bò lên bờ. Hình như nó bị một ai đó ném xuống con lạch. Làng quê nghèo, nhiều gia đình đông con, cơm không đủ ăn, những động vật nhỏ như chó với mèo cũng là một gánh nặng. Nhìn con chó nhỏ xíu, mắt nhắm mắt mở run lẩy bẩy vì lạnh, thầy tôi thấy tội nghiệp nên bồng về nhà. Dù biết tôi không ưa con chó xấu xí nhưng ông vẫn bảo: “Thích hay không thích thì từ bây giờ trở đi, bổn phận của con là nuôi dưỡng con chó này”.
Tôi miễn cưỡng nhận nuôi con chó, đặt cho nó cái tên con Ki. Một lần khi tôi gọi thử tên Ki…ki. Nó hiểu ý vểnh tai, vẫy đuôi mắt sáng lên chạy chập chững về phía chân tôi. Vướng chân, bực mình tôi đá nó một cái thật mạnh rồi bước ra khoảnh vườn sau nhà chơi đá dế với lũ bạn đang chờ, bỏ mặc con chó nhỏ kêu lên một tiếng “uẳng” đau đớn, nhìn tôi với cặp mắt trách móc rồi cúp đuôi lùi về nhà.
Trong mấy tháng liền, tôi đi chơi bỏ mặc con Ki ở nhà một mình, không một lần ngó ngàng cho tới một đêm. Một đêm có cơn bão về, mưa to gió lớn, sấm sét đùng đùng làm bay nóc nhà, tróc các vách tường bùn trộn rơm. Các tầu lá chuối rách bươm tơi tả sau vườn, cây cổ thụ trước nhà bật gốc. Tôi nằm trên giường, dù đã trùm cái chăn kín người vẫn nghe tiếng gió hú từng cơn và thấy ánh chớp sáng lòe một góc trời. Tôi thật sự lo sợ cho tới khi có cảm giác âm ấm dưới chân.
Thì ra con chó nhỏ cũng hoảng sợ đã nhẩy lên giường nằm liếm chân tôi. Có nó nằm bên cạnh tôi cảm thấy yên tâm và hình như có tôi bên cạnh nó cũng bớt sợ. Nhìn cặp mắt sáng lóng lánh của nó nhìn tôi van lơn trong bóng đêm, tôi bỗng chạnh lòng đưa tay vuốt đầu nó. Con Ki nép sát vào chân tôi rên ư ử như một đứa trẻ với hơi thở ấm áp đều đặn. Người và chó mệt mỏi thiếp đi bên nhau cho đến sáng… Khi tôi tỉnh dậy, trời đã sáng bạch. Con Ki vẫn nằm bên cạnh nhìn tôi lăm lăm như thể đang canh cho tôi ngủ. Bỗng nhiên tôi cảm thấy hối hận và tình thương cho con chó nhỏ sớm mồ côi dấy lên trong tim.
Từ hôm đó trở đi cái nhìn của tôi về con Ki đổi khác. Tôi tự tay săn sóc và cho nó ăn uống. Đồ ăn cho những con chó nhà nghèo như con Ki cũng đơn giản thôi. Chỉ có cơm nguội chan với canh thừa hay chan với nước lã. Thế mà nhìn mắt nó sáng lên, đuôi ve vẩy lia lịa đầu gục vào tô cơm hấp tấp ăn như thể ngon lắm làm tôi càng thương con chó nhỏ. Ăn xong nó thường đến liếm chân tôi. Và khi tôi xoa đầu nó, cu cậu rên ư ử rồi nằm lăn lộn, đưa bộ vó lên trời ra chiều sung sướng lắm. Tôi và con chó bắt đầu quyến luyến nhau…
Con Ki lớn nhanh như thổi. Mới ngày nào còn là chú cún con loắt choắt theo chân tôi. Nay nó đã đứng cao hơn đầu gối của tôi. Ngực nở eo thon, hàm răng nhọn hoắt với đôi tai dựng đứng. Bộ lông đen xì nay đổi thành mầu vàng lửa. Chạy dọc theo sống lưng có những hình xoáy quăn tít và trên lưỡi có những đốm đen. Thầy tôi nói tôi rất may mắn vì theo những đặc điểm ngoại hình của con Ki, nó thuộc về giống chó Phú Quốc, một loại chó cực kỳ thông minh và trung thành của Việt Nam.
Củ Chi thuở đó có căn cứ Đồng Dù nổi tiếng và những thửa ruộng mênh mông trồng đậu phụng và củ nâu đẹp như tranh .Chiều chiều, tôi cùng đám nhóc tì lối xóm thường ra xem cuộc thực tập nhẩy dù. Lẽo đẽo theo chân tôi bây giờ luôn có con Ki bên cạnh. Chúng tôi mê mẩn ngắm những cánh dù nở trắng bầu trời như những thiên thần lơ lửng trên không cho đến chập choạng tối, khi những chiếc xe bò chở đầy đậu phộng sống lọc cọc xuất hiện trên con đường làng. Chúng tôi chạy theo xe để rút trộm từng bó đậu phộng.
Vừa chạy vừa nhai, cười nói vui vẻ với nhau cho tới khi một con rắn hổ mang đen tuyền rơi xuống từ phía sau xe, ngay dưới chân chúng tôi. Nó phùng mang, đầu ngóc cao với cái lưỡi đen nhánh thò ra thụt vào giận dữ. Cả lũ hốt hoảng khựng lại trong lúc con Ki lông dựng đứng, nhe răng trắng ởn phóng lên đối diện với con rắn. Nó chồm qua bên phải rồi bên trái của con rắn.
Lâu lâu như ánh chớp, nó lại cắn một phát vào đuôi con rắn rồi lùi lại thật nhanh để tránh cái mổ của con rắn. Trận kịch chiến chấm dứt lúc con rắn trườn mình xuống miếng ruộng ven đường biến mất. Con Ki nhìn theo sủa vang làm như anh hùng lắm. Lũ bạn vỗ tay hoan hô, chạy lại sờ mó, vuốt ve con Ki nhưng nó gầm gừ trong họng không cho đứa nào lại gần. Tôi vuốt đầu con Ki, lòng thật hãnh diện về nó trước ánh mắt cảm phục của đám bạn…
Những ngày đầu Hè, mới tảng sáng trời đã bắt đầu oi bức, không một cơn gió thoảng. Tôi và con Ki thường lang thang ra những bờ ao quanh làng tìm chút hơi mát và lượm trứng chim. Con Ki chỉ hít hà đánh hơi vài chỗ trong đám điên điển và lau lách um tùm ven bờ là tìm ra những tổ chim đầy trứng mầu xanh da trời, khi những con chim sáo nghe động, hoảng sợ bay vụt lên cao. Cái ao nước trong leo lẻo mọc đầy hoa bèo mầu tím nhạt với những con chuồn chuồn đầy màu sắc bay lên bay xuống trông đẹp mắt. Nhiều hôm quá nóng nực, tôi cởi áo nhẩy xuống ao tắm. Con Ki cũng nhẩy xuống theo cùng tôi đùa nghịch với nước. Nó bơi rất giỏi như con rái cá. Có lần từ dưới nước trồi lên, miệng nó ngậm một con cá chép to bằng bắp tay, đuôi vẫy lia lịa chờ tôi vuốt đầu…
Có những hôm trên đường về nhà, trăng đã nhô lên sau những ngọn cau. Ánh trăng vàng huyền ảo lung linh trên những bụi tre, in bóng tôi và con Ki đổ dài trên con đường làng. Tôi có cảm tưởng tôi là chú nhỏ Rémy và con Ki là con chó Capi trong Sans Famille của Hetor Malot đang lang thang dọc đường gió bụi. Dưới ánh trăng vạn vật hoàn toàn đổi khác. Sương lam giăng mờ trên những bụi cây. Không khí mát mẻ thoang thoảng hương mù u.
Tôi đưa chân đá cái lon sữa bò lăn lọc cọc giữa đường. Con Ki đuổi theo vài con đom đóm đang lập lòe trên những bụi hoa mắc cỡ ven đường. Tiếng đờn bầu hòa lẫn tiếng sáo diều vi vu. Tiếng côn trùng, ếch nhái bắt đầu hòa tấu khúc nhạc đồng quê. Tiếng ru con rung động lòng người văng vẳng trong không gian. Nhà cửa ven đường quyện khói lam chiều đã lên đèn. Tôi và con Ki cứ lững thững bên nhau… Về đến nhà nhìn vào bên trong.
Thầy mẹ và các anh em tôi đang quây quần ấm cúng bên mâm cơm bốc khói. Mặt mọi người sáng lên dưới ngọn đèn dầu. Hình ảnh một gia đình bên mâm cơm, mặt sáng lên dưới ánh đèn dầu, sau khung cửa sổ là những ước mơ đã ám ảnh tôi cho đến suốt cuộc đời… Ngày đó dù chỉ mới bẩy, tám tuổi đầu. Tôi đã ước ao được sống mãi nơi làng quê cùng gia đình và con Ki. Tôi cảm thấy, đời sống thôn dã trước khi ngọn lửa chiến tranh tràn về sao mà mộc mạc, êm đềm quá…
Một đêm đã khuya, cả nhà đang yên ngủ, bỗng có tiếng đập cửa dồn dập. Thầy tôi tỉnh giấc, cứ ngỡ có người bị bệnh nặng nên bước ra mở cửa. Có hai người mặc bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, lưng đeo mã tấu đẩy cửa ùa vào… Con Ki từ vườn sau, nghe tiếng người lạ sủa vang, nhe răng phóng lên một người làm hắn mất thăng bằng ngã lăn ra sàn nhà. Tên còn lại rút thanh mã tấu chém một nhát vào con Ki, nhưng vì hoảng hốt gã chém hụt xuống sàn nhà.
Con chó lãnh đủ cái chuôi của thanh mã tấu vào lưng, kêu oẳng lên đau đớn nhưng vẫn không nhả chân gã kia. Cho đến khi Thầy tôi quát lên, nó mới nhả chân gã ra và từ từ lủi vào gầm bàn. Thầy tôi được hai gã lạ mặt ra lệnh đem thuốc men và hộp cứu thương đi theo chúng. Má tôi lo sợ ra mặt, bà thức trắng đêm lâm râm cầu nguyện. Bên cạnh con Ki nằm im, mắt ngóng ra cửa. Mãi đến sáng hôm sau, thầy tôi mới trở về. Chúng tôi được biết đêm hôm trước, ông đi chữa bệnh cho một nhân vật quan trọng của phe bên kia đang lên cơn sốt vì bị một vết thương làm độc…
Thời gian thanh bình ở Củ Chi trôi nhanh. Một bầu không khí im lặng, ngột ngạt sợ hãi bắt đầu bao trùm xóm làng mỗi nửa đêm về sáng. Đang sống an bình giữa xóm làng đầy ắp tình người. Thầy tôi sau nhiều cân nhắc, đắn đo và vì tương lai của anh em chúng tôi, quyết định mang cả gia đình dời Củ Chi lên sống ở khu Kiến Thiết ,ngoại ô Sài Gòn. Lúc cả nhà vì vội vã mang đồ đạc lỉnh kỉnh lên xe đò, mọi người quên khuấy con Ki. Và lúc đó tôi cũng bận rộn từ giã lũ bạn, không để ý tại sao con chó vắng mặt. Cho đến khi dọn vào căn nhà ở khu Kiến Thiết, tôi mới bật người khi biết con chó đã bị bỏ quên. Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó, khi không tìm thấy con Ki. Tôi đã đau đớn, trái tim nao nao, khóc như mưa, như gió vì thương con chó. Tôi cầu nguyện cho phép lạ hiện ra, cho tôi gặp lại con chó thân yêu.
Và phép lạ đã xẩy ra. Tảng sáng hôm sau lúc tôi còn đang ngái ngủ, bỗng có tiếng cào cửa quen thuộc. Tôi ngạc nhiên, sửng sốt không tin vào mắt mình khi thấy con Ki bằng xương bằng thịt đang le lưỡi thở hổn hển quẫy đuôi trước mặt. Nó mừng rỡ chồm lên liếm mặt tôi. Tôi vòng tay ôm nó vào lòng. Con chó sung sướng rên rỉ nhè nhẹ như kể lể. Con đường từ Củ Chi lên tới khu Kiến Thiết dài khoảng 35 km. Đi bằng xe hơi mất khoảng một tiếng rưỡi.
Không biết bằng cách nào con Ki đã tìm ra căn nhà mới của tôi. Bằng khứu giác đặc biệt của loài chó có thể ngửi thấy mùi hương quen thuộc của người chúng yêu lưu lại trên đường? Hay giải thích một cách khoa học hơn, loài chó có thiên bẩm nhận được từ trường Trái Đất theo hướng Bắc-Nam để định hướng nơi chúng muốn đi tới. Cũng giống như loài rùa trong những chuyến hải hành xuyên đại dương. Những chuyến bay của loài chim di cư mỗi năm theo chiều Bắc-Nam và loài cá hồi đã vượt qua hàng vạn dặm sông biển khác lạ để về nơi chúng đã ra đời…
Khu Kiến Thiết đông đảo dân cư, lúc chiều tối có nhiều chuột cống ra kiếm ăn. Chúng rất dạn dĩ, ban đêm đang ngủ có nhiều người bị chúng mò vào mùng gậm chân. Có nhiều đêm đang ngủ say giấc, tôi giật mình tỉnh dậy khi có tiếng gầm gừ của con Ki đang xục sạo săn chuột trên mái tole. Sáng dậy thế nào cũng thấy vài con chuột cống bị con Ki cắn chết hồi đêm để bên gốc giàn hoa thiên lý nơi khoảng đất trống sau nhà. Con Ki đào hang bắt chuột hằng đêm nên chỉ trong một thời gian ngắn, tôi không còn nghe thấy tiếng chuột rúc vào lúc nửa đêm. Thầy tôi khen con Ki bắt chuột giữ nhà rất giỏi.
Khoảng đất trống sau nhà trước kia là một cái ao mọc đầy hoa bèo và rau muống hoang. Thầy tôi cho lấp đi và dựng trên đó một nhà kho nhỏ để chứa đồ lặt vặt. Một buổi chiều chạng vạng tối, tôi và con Ki đi chơi về. Vừa bước chân vào căn nhà kho, con Ki bỗng khựng lại, sủa vang và ngay lúc đó chính mắt tôi trông thấy một bóng trắng lướt vào góc nhà. Tôi có cảm giác bóng trắng -một thiếu nữ -nhưng lúc đó tôi không cảm thấy sợ còn chạy lại chỗ góc nhà rờ rẫm.
Lần thứ nhì, một buổi trưa tôi ngồi học bài, con Ki nằm dưới chân lim dim. Bỗng dưng nó nhổm dậy, lông dựng đứng. Tôi đưa mắt nhìn theo hướng nó nhìn. Và cũng như lần trước, tôi thấy một bóng trắng lướt vào góc nhà. Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến hai hiện tượng khó giải thích nhưng có thật trong đời. Sau này nghe những vị bô lão quanh vùng kể lại. Thời Pháp thuộc khu này là bãi đất hoang với đầm lầy, có nhiều cuộc ruồng bố, giết chóc giữa lính Pháp và những người yêu nước đã xẩy ra tại đây.
Hôm đó tôi đi học về, không thấy con Ki mừng rỡ chạy ra đón như hàng ngày. Bước vào trong nhà, tôi thấy Thầy tôi đang ngồi băng bó cho con Ki. Cái chân sau của nó bọc trong mảnh vải nhuộm đầy máu. Nó đưa cặp mắt buồn bã nhìn tôi rồi rên nhè nhẹ như một đứa con nít đang chờ bàn tay người mẹ săn sóc. Thì ra trưa nay, lúc cu cậu đang lang thang trong xóm, bị chiếc xe Vespa của một người say rượu cán ngang chân. Con chó của tôi nằm đó chưa chết. Lòng tôi buồn vời vợi.
Nhưng ngay lúc đó, một ông chú họ xa đã đến xin Thầy tôi con Ki để đem về làm thịt. Mới nghe đến đó, mắt tôi đã long lên sòng sọc nhìn ông chú họ xa oán hờn. Tôi nhìn ông ta và vô lễ nói:”Chú dã man quá, con chó còn sống nhăn mà đã đòi ăn thịt, chú về đi” và với Thầy tôi: “Thầy mà cho chú ấy làm thịt con chó của con. Con sẽ bỏ nhà ra đi ngay lập tức”.Thầy tôi không nói một lời, ông chỉ cười cười và từ chối khéo với ông chú họ xa.
Dòng đời trôi nhanh như một ánh chớp. Tôi và con Ki theo thời gian lớn lên bên nhau. Có những lúc tôi vui sướng, nó vẫy đuôi sủa vang như chúc mừng. Có những lúc tôi đau buồn nó ngồi bên đưa mắt nhìn và liếm chân tôi an ủi. Tôi và nó có một sự đồng cảm khó giải thích. Sự đồng cảm chỉ có thể có giữa những người đang… yêu nhau. Một buổi sáng cuối Tháng Tư năm đó, Má tôi tuy đau cắt ruột vẫn đẩy tôi ra khỏi cửa: “Con cứ ra đi”.
Bà không quên giúi vào tay tôi cái áo da mầu nâu nhạt của Thầy tôi. Tôi xúc động ôm lấy cái áo.S au màn lệ mỏng tôi nhìn rõ những giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má của Má tôi. Con Ki hôm đó ngồi im yên lặng một cách đáng sợ bên cạnh bà. Nó không chồm lên liếm mặt tôi như mọi khi mà chỉ đưa mắt chăm chăm nhìn. Đôi mắt đen nhánh của nó ươn ướt như có dòng lệ chảy. Linh cảm đã cho nó biết lần ra đi này của tôi sẽ không bao giờ có ngày trở về. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy con Ki…
Tôi nghe kể lại. Sau khi tôi ra đi, chiều nào Má tôi và con Ki cũng ngóng ra đầu ngõ trông chờ tôi về. Đôi khi có những hình dáng thật giống tôi đi thoáng qua làm con Ki chồm lên mừng rỡ. Rồi khi biết không phải là tôi, nó lại ủ rũ cúi đầu nằm xuống với đôi mắt ướt buồn trông rất tội nghiệp. Hằng đêm nó luôn trung thành nằm gục đầu giữa hai chân trước, bên cái giường của tôi và ngóng đợi. Tháng Năm 1975 khu nhà tôi ở, việc đốt sách báo được thể hiện qua “chiến dịch bài trừ Văn hóa đồi trụy” bởi những đứa con nít quàng khăn đỏ.
Hôm đó chúng hung hăng tràn vào nhà tôi. Chúng ném tất cả sách báo, tạp chí và tự điển trong cái tủ sách nhỏ giữa nhà ra đường, châm lửa đốt. Để tỏ lòng nhiệt huyết với cách mạng, một tên hàng xóm biết tôi đã thoát ra nước ngoài, mở bung cái tủ đựng quần áo của tôi để lục soát. Khi hắn ném cái túi vải đựng đầy sách của tôi xuống sàn nhà cũng là lúc con Ki, có thể đã ngửi thấy mùi của tôi từ những cuốn sách, nên sủa vang, chồm lên cắn mạnh vào cổ tay hắn. Tên này đau đớn rú lên. Má tôi lúc đó chỉ kêu lên mấy tiếng: “Con ơi, cháu ơi “. Nghe thấy, hắn khựng lại, lặng thinh không nói, ôm tay bước ra khỏi cửa.
Sau đó không lâu. Một đêm, con Ki đẩy cánh cửa sau nhà ra ngoài như thường lệ. Đêm đó, nó đi mất tích không về. Tôi không bao giờ nghĩ rằng con chó cực kỳ thông minh và trung thành của tôi đi lạc không về hay bị gã hàng xóm trả thù. Tôi tin chắc chắn, nó đã bị đánh thuốc và giết chết để làm thịt bởi một trong những tiệm bán thịt chó quanh vùng… Cách đây không lâu, trên mạng đăng bức ảnh một em bé gái, miệng méo xệch khóc òa bên cạnh một con chó đã được thui vàng nằm trên những con dao phay. Lòng tôi đã quặn đau thương cảm. Bé gái và con chó bị thui vàng cũng có thể là hình ảnh của chính tôi và con Ki mấy chục năm về trước… Bây giờ, nhiều đêm nơi xứ lạ quê người, tôi hãy còn nghe đâu đây văng vẳng tiếng sủa của con Ki…
Tuần vừa rồi, con chó nhỏ Max của người láng giềng tốt bụng qua đời vì già. Bà Kayla có nhờ tôi qua đào cái huyệt nhỏ sau nhà để chôn con chó. Tiểu bang Maryland nơi tôi ở, luật lệ cho phép chôn cất loài động vật như chó với mèo nơi vườn sau nhà. Daniel khoảng bẩy, tám tuổi là con một của bà Kayla. Nhìn nó đứng khóc một mình vì thương con chó nhỏ. Lòng tôi thật bùi ngùi khi nhớ lại hình ảnh cô bé Việt Nam đang méo mặt khóc. Hai hình ảnh, hai khía cạnh cuộc đời. Hai nghịch cảnh, hai nền văn hóa khác nhau. Cái nào nhân bản hơn cái nào?. Hỏi tức là đã trả lời… Khi tôi từ từ hạ cái hộp gỗ nhỏ xuống lòng huyệt lạnh, trong tiềm thức tôi chợt bật lên: “Ki ơi, con hãy yên nghỉ”…
Tôi đưa mắt nhìn lên bầu trời. Một đám mây trắng vừa bay qua đem theo những phiền muộn cuộc đời. Cái gánh nặng vẫn đè nặng trên vai tôi bao năm qua bỗng dưng như nặng hơn…