“Tôi có một kho tàng sống qua mấy thời kỳ. Chỗ giáp ranh của thực hư, chính tà. Nửa tỉnh nửa điên…” – CUNG TÍCH BIỀN
Trong tiết Đông giá rét, mọi người đang chờ đón Giáng Sinh năm 2021, Quận Cam cũng hân hoan chào mừng một đứa con tinh thần mới ra đời. Ấp ủ và cưu mang tác phẩm tinh thần này suốt thời gian sống tại hải ngoại, nhà văn Cung Tích Biền cuối cùng đã giới thiệu đến các độc giả, tác phẩm Một thời nên vắng mặt của mình, vào một chiều cuối năm tại Coffee Factory.
Gần 60 bạn hữu thân quen của ông đến dự, ngồi chật kín quán cà phê, phả vào không gian thơ mộng một bầu không khí thân mật và ấm cúng. Đây là lần ra mắt sách thứ nhì sau lần ra mắt trước cách đây hai tháng. Lần trước ông giới thiệu năm cuốn sách và lần này là cuốn Tân Truyện được viết trong năm năm ông sống tại Hoa Kỳ.
Hiện diện trong buổi ra mắt sách có nhiều văn nghệ sĩ như: Trịnh Y Thư, Tô Đăng Khoa, Lê Lạc Giao, Thuận Huỳnh, Trương Đình Uyên, Nguyễn Đình Trí, Phùng Minh Tiến, Vũ Hoàng Thư, Nguyễn Thị Khánh Minh, Thanh Lương, Thu Vàng, Thân Trọng Mẫn, Đặng Thơ Thơ, Hồ Như, Nguyễn Đình Thuần, Đặng Phú Phong, Lê Giang Trần, Cao Bá Minh, Nina Hòa Bình, Phan Tấn Hải, Nguyễn Thanh Huy, Phạm Phú Minh, Thành Tôn, ông bà Mai Tất Đắc, Vương Trùng Dương, Lê Phước Bốn, Đinh Xuân Quân…
Trong phần giới thiệu tác giả, nhà văn Tô Đăng Khoa, với vai trò MC, đã mời nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh) lên phát biểu. Ông chia sẻ với mọi người về mối thâm giao ông có cùng tác giả:
“Thân phụ của Phạm Xuân Đài là thầy giáo của Cung Tích Biền từ thời cắp sách. Ông cụ kể rằng Cung Tích Biền đã lộ tài văn chương từ rất sớm. Do đó Cung Tích Biền và Phạm Xuân Đài trên phương diện tinh thần là hai anh em”. Ông nhớ lại thời đó nhà văn Cung Tích Biền đã nổi tiếng từ thập niên 1960. Lúc ấy báo chí nở rộ. Một trong số các nhà văn ăn khách viết truyện dài cho các báo là Cung Tích Biền. Mỗi buổi sáng, Cung Tích Biền vào quán cà phê ngồi viết phơi-ơ-tông (feuilleton) truyện dài cho 5-6 nhật báo. Ông cũng có vài nhận xét về cách viết của Cung Tích Biền đổi khác theo mỗi thời kỳ. Nhất là cuốn Tân Truyện này, giống như một cái gì để lâu bị dồn nén, giờ có dịp bột phát. “Văn phong nó dễ sợ lắm, khiến người đọc phải suy nghĩ khi đọc, vì nó quá súc tích mà lại cô đọng từng câu, từng chữ. Sự uẩn ức nung nấu trong lòng, tạo nên một văn phong Cung Tích Biền mới và khác” – nhà văn Phạm Xuân Đài kể.
Kế đó, Nhà báo Vương Trùng Dương cũng kể về những kỷ niệm xưa với Cung Tích Biền. Ngày đó ông là huynh trưởng, Cung Tích Biền là bạn của chị ông và tất cả cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Hai người là đồng hương cùng quê ở Quảng Nam.
Sau cùng, nhà văn Cung Tích Biền cảm ơn các bằng hữu bấy lâu thương mến và giúp đỡ ông rất nhiều. Ông cũng không quên cám ơn người vợ yêu thương, Hoàng Thị Kim, đã thúc đẩy và chăm lo tất cả mọi thứ cho ông. Nhờ bà mà các tác phẩm của ông mới có mặt cùng độc giả trong khi ông chỉ biết viết. Bà cũng là tác giả của bức tranh bìa in trên Tân Truyện Một thời nên vắng mặt. Ông cũng kể sơ về sự ngạc nhiên của ông với tục “Ra mắt sách” ở hải ngoại. Nó giống như người ta ăn thôi nôi của một đứa bé vậy.
Ở Việt Nam, ông không được ra sách, đành in chui, và không xin giấy phép nhà nước vì nếu in họ sẽ cắt bỏ hết mà còn bị bắt nữa. Viết ở Việt Nam cực kỳ khó, ông phải thành lập nhà xuất bản “Một Mình”, có nghĩa một mình, mình làm tất cả, và mỗi lần chỉ in được 40 cuốn. Ông nhấn mạnh, thực ra mục đích hôm nay ngoài ra mắt sách, ông mong bạn bè được họp mặt, trò chuyện vui vầy với nhau là chính. Quả vậy chiều hôm ấy buổi ra mắt sách kéo dài đến 8, 9 giờ tối; với phần trò chuyện, cùng đàn hát cho nhau nghe thật vui và sôi động.
Sau đây là phần trích dẫn của các nhà văn, nhà phê bình đã đọc và nhận xét khi đọc các tác phẩm của nhà văn Cung Tích Biền.
Nhà văn Huỳnh Ngọc Chiến tâm sự trên trang mạng của mình như sau:
Chính sự lao động thầm lặng và những suy tư sâu sắc của nhà văn Cung Tích Biền về lịch sử, về thời đại đã khiến tôi thêm ngạc nhiên và trân trọng. Các truyện ngắn của anh như gắn liền với cuộc sống nổi chìm cùng bao nỗi nhục vinh của cái xã hội mà anh đã sinh ra, lớn lên, rồi trôi nổi theo vận mệnh của lịch sử đầy biến động. Tôi vẫn thích lối văn kể chuyện kiệm lời, pha lẫn chút bình thản đến lạnh lùng, hài hước mà cay đắng, hờ hững mà quặn đau, trong các truyện ngắn của anh. Tôi muốn đọc các truyện ngắn của anh, từ tác phẩm đầu tay cho đến hôm nay, như một dấu ấn để tôi nhìn lại dòng chảy của một thời đại, mà trong đó tôi cũng đã sống, đã trăn trở. Đọc lại truyện ngắn của Cung Tích Biền, tôi thêm hiểu rằng truyện ngắn của anh không phải loại truyện chỉ đọc một lần. Nó mang tham vọng muốn chuyển tải những suy tư thầm lặng, những trăn trở của anh về lịch sử, về đất nước, về văn hóa qua những lớp vỏ ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa mang tính dụ ngôn.
Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nhận xét về Cung Tích Biền khi đọc ông:
Trong các sáng tác khi có thể và không nhiều, ngọn bút của ông mang nặng tính nhân bản và không pha hận thù, nếu có chăng là suy tư, hài hước tình đời, là nhắc nhở để tránh, để khỏi… Dùng ẩn dụ, ví von xa xôi, xa xưa và không gian khác, lạ lẫm thay vì hiện thực dễ dàng thấy sao nói vậy. Đề tài thời nhiễu loạn, “gió chướng”, do đó không hề thiếu, quan điểm và phê phán ông cũng không thiếu, nhưng biến thành con-chữ và đến được với người đọc là vấn nạn mà một nhà văn có bản lãnh như Cung Tích Biền không thể không đắn đo. Đó có lẽ là lý do khiến những sáng tác hiếm hoi của ông sau 1975 khi còn ở lại trong nước khá cô đọng, kiệm lời, không thừa chữ, không phải lý lẽ cho ra lẽ, nhưng từ khi ông định cư ở Hoa Kỳ, hết “kiểm duyệt”, hết phải “sống trong phòng đợi”, thì ngòi bút ông như ngựa mất cương, tha thiết hơn, dài hơi hơn và phê phán triệt để hơn.
Nhà phê bình văn học Trịnh Y Thư phân tích cặn kẽ văn phong Cung Tích Biền khi đọc cuốn “Xứ động vật”:
Đọc Xứ động vật của nhà văn Cung Tích Biền, người đọc không thể không bàng hoàng, kinh động vì những trang viết khốc liệt như được viết từ nỗi đau xé ruột và lòng phẫn nộ tràn ứ, đầy dâng người đọc không hề tìm thấy một dấu vết hạnh phúc nhân sinh hoặc một nụ cười vui tươi nào, mà chỉ bắt gặp toàn những đắng cay tủi nhục và đau đớn ê chề. Bằng giọng văn trần trụi cảm xúc, phối hợp với những biện pháp nghịch dị trong văn chương, nhà văn đã rạch toác những vết ung nhọt khiếp hãi của xã hội đương đại trên đất nước quê hương ông từ thời hậu chiến cho đến tận bây giờ sau gần nửa thế kỷ thống nhất.
Ông đã không ngần ngại gọi đấy là “Xứ động vật” hay một xứ sở Toàn-Chuồng. Trong mắt ông, cuộc sống lầm than, những sự việc phi lý, những cảnh huống oan khiên, những định mệnh oan nghiệt, những con người sống thừa, tất cả là kiếp sống con người hôm nay trên dải đất tang thương đó. Thật ra có phóng lớn, khuếch đại thế nào cũng chẳng diễn/miêu tả nỗi cái tình trạng của hoảng loạn, mạt thế, trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nó nằm trên, và ngoài sức tưởng tượng lẫn hư cấu, trước bàn viết của một nhà văn. Việt Nam hôm nay, một xã hội tan rã là chưa đúng nghĩa, phải là một dân tộc tự hủy diệt.
Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE. Ấn phí: US$20.00. Có thể vào trang: barnesandnoble.com, gõ “cung tich bien” để tìm những tác phẩm của tác giả.