Cung Trầm Tưởng đi về “Bên ni, bên nớ”

Chân dung Cung Trầm Tưởng (tranh Trần Thế Vĩnh)

Rất nhiều người nhớ đến ông vì nỗi buồn xa cách của mối tình lãng mạn ở “Mùa Thu Paris.” Cũng có nhiều người chỉ muốn một lần trong đời đến Paris để ngắm ga Lyon đèn vàng bởi đã trót phiêu diêu với nỗi buồn “Chưa bao giờ buồn thế.” Nhắm mắt và hình dung, một chàng trai khoác áo măng-tô đứng lặng nhìn dáng cô người yêu “mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ” khuất dần trong màn sương. Ánh đèn vàng của ga Lyon (*) mềm rũ trên mặt đất. Lãng mạn đến thế là cùng. Thi vị hoá tình yêu đến thế là cùng. Đó là Cung Trầm Tưởng.

Tôi thì có khác một chút. Nhắc đến Cung Trầm Tưởng thì tôi nhớ đến “tiếng xe về, lăn về viễn phố”, nghe thoảng “tiếng chân gõ guốc xa xa”, ôm ấp “hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng”…

Trong nhiều năm, những buổi sáng tờ mờ sương giữa mùa Đông, tôi đeo vào hai tai nghe của chiếc máy cassette Walkman màu đen, đứng chờ chuyến tàu đầu tiên từ Springfield đến Melbourne Central. Cảnh vật mờ ảo hai bên đường tàu chạy nhịp cùng tiếng hát thời còn trẻ của Khánh Ly xoáy vào tim những lời tỉ tê của “Bên ni bên nớ”. Cái thời mà 20 phút cho một cuộc gọi viễn liên về quê là tiền lương của 3, 4 ngày đi làm thêm sau giờ học. Nghe hai câu: “Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng/Em có nghe bi ai tình ai ấp úng” của “Bên ni bên nớ”cứ tưởng tượng như tác giả đang viết giúp cho mình. Đường về quê xa quá xa, thầm nói: “hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ”.

Từ trái qua: Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy, Ngy Cao Uyên. (Hình phamduy.com)

“Bên ni bên nớ” có tựa gốc là “Tương Phản”. Khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, ông đặt tên ca khúc là “Bên ni, bên nớ”. Đây không phải là bài thơ về tình trai gái. Bài thơ dựa vào bối cảnh thật ngày ông còn là một cậu thanh niên 18 tuổi. Cuối khu phố ông ở lúc đó là một nghĩa địa. Mỗi đêm ông nghe “tiếng chân gõ guốc người xa vắng người”, nhưng không phải của hồn ma bóng quế, mà đó là bước chân của những người lao động.

Cung Trầm Tưởng thời trẻ (Ảnh: SĐ6KQ Blog)

Cung Trầm Tưởng liên cảm đến chiến tranh đã chia đất nước thành hai thế giới “Bên tê thành phố tráng lệ /Giai nhân nằm khoe lõa thể /Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô”, đến chết chóc, chia lìa “hoang liêu về chết tha ma” và sự tái sinh “Bấm đốt ngón tay chờ đợi /Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời.”

Trong một lần trả lời câu hỏi của một tờ báo hải ngoại, Cung Trầm Tưởng gọi cảm giác đó là “linh cảm của một thi sĩ”. Ông nói: “Cái sợ mông lung đó nó ở trong tiềm thức của mình. Lắm lúc người ta làm thơ bắt đầu bằng tiềm thức, nó in vào trong tâm mình lúc nào không biết, vì thế mới có linh cảm về đất nước Việt Nam trong khoảng thời gian mấy chục năm nay sau này. Nó có một kích thước lịch sử ẩn náu trong tiềm thức của người thi sĩ và bật lên một cách vô tình thôi.”

Trong thời chia ly loạn lạc, không biết ngày mai ấy, tình yêu giữa người và người, giữa người và đất, được thi vị hoá và hoà thành một. Toàn bài thơ “Tương phản” và sau đó trở thành ca khúc “Bên ni bên nớ” là tiếng lòng tha thiết của người nghệ sĩ, (ông) linh cảm cho vận mệnh bi thương, tương phản của một đất nước chia lìa, đầy những tâm hồn cô đơn mong tìm về ấm cúng. Nhưng dù vậy, Cung Trầm Tưởng vẫn kết thúc linh cảm bi ai của mình bằng một bức tranh hy vọng. Cho dù sương rơi bên ngoài tấm liếp phên cũ kỹ, khép hờ kia, thì bên trong vẫn “kín gió ấm ơi là tình.”

__________

Bên Ni Bên Nớ

Thơ: Cung Trầm Tưởng

Nhạc: Phạm Duy

Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố

Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá

Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa

Người xa vắng người, người xa vắng người…

Em có nghe rồn rã bước ai vất vả bóng ai chập chờn?

Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng

Em có nghe bi ai tình ai ấp úng

Thương ai lạc loài, ăn mày xán lạn ngày mai

Đêm ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ

Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười.

Bên tê thành phố tráng lệ

Giai nhân nằm khoe lõa thể

Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô.

Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bước ai giang hồ?

Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ

Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ?

Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong

Hai tâm linh giam kín lại

Bấm đốt ngón tay chờ đợi

Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời

Em ơi ngoài kia liếp ngỏ

Sương rơi ngoài song khép hở

Bên trong kín gió ấm ơi là tình.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng vừa qua đời ngày 9 Tháng Mười, tại tiểu bang Minnesota. Ông sinh năm 1932 tại Hà Nội, vào Sài Gòn năm lên 17 tuổi. Ông du học tại Pháp và Hoa Kỳ, tốt nghiệp bằng kỹ sư. Ông từng là Trung tá Không quân Quân lực VNCH.

________

ĐỌC THÊM:

Cung Trầm Tưởng: 1932 – 2022

Cung Trầm Tưởng, nhà thơ của Việt Nam Cộng Hòa

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: