Cuộc thanh trừng “cách mạng văn hóa” phiên bản Tập Cận Bình

Diễn viên Triệu Vi là một trong những gương mặt mới nhất rơi vào tầm ngắm của đảng cộng sản Trung Quốc (ảnh: Triệu Vi tại Festival điện ảnh quốc tế Thượng Hải lần thứ 22, ngày 22 Tháng Sáu 2019 – Visual China Group/Getty Images)

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phát động chiến dịch phát hiện và triệt hạ những người nổi tiếng “hư hỏng” lẫn các câu lạc bộ người hâm mộ (fanclub) để chấn chỉnh lại các hoạt động bát nháo “tôn sùng thần tượng” trên không gian mạng. Cuộc đàn áp diễn ra với tốc độ nhanh và mang tính “càn quét” và được báo chí Trung Quốc miêu tả là “xóa sổ không thương tiếc” một số “ung nhọt lớn nhất và nguy hiểm nhất” trong thế giới giải trí.

Dẹp loạn “tôn sùng thần tượng”

Trong tuần qua, ngành công nghiệp giải trí của Trung Quốc đã trở thành trận địa mới nhất bị Đảng Cộng sản cầm quyền “soi chiếu”, sau khi họ đã đàn áp tương đối “thành công” những kẻ bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội, xu hướng tự do tư tưởng trong dân và một số doanh nghiệp tư nhân “đi chệch hướng”.

Trong vụ mới nhất, Triệu Vi (Zhao Wei), một trong những nữ diễn viên nổi bật nhất Trung Quốc, bỗng thấy mình tự nhiên “không còn tồn tại” trên mạng internet sau một đêm! Trang cá nhân của cô trên Weibo (phiên bản Twitter của Trung Quốc) bị khóa. Các bộ phim và chương trình truyền hình có cô đóng vai chính từ nhiều thập thập niên nay cũng bị loại khỏi truyền hình và các dịch vụ phát hành trực tuyến. Thậm chí cái tên Triệu Vi còn bị xóa khỏi danh sách diễn viên tham gia phim!

Các kênh truyền thông và dịch vụ video cũng có sự trừng phạt tương tự với Trịnh Sảng (Zheng Shuang), một nữ diễn viên nổi tiếng khác sau khi cô bị  phạt $46 triệu vì… “trốn thuế” vào Thứ Sáu tuần trước. Đầu năm nay Trịnh Sảng bị vướng vào xì căng đan mang thai hộ sau khi cô bị người tình cũ tố bỏ rơi hai đứa con chung ở Mỹ. Biện pháp “xóa sạch” dấu vết được đẩy mạnh khi trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều số “người nổi tiếng có tác phong xấu”. Triệu Vi và Trịnh Sảng có tên trong danh sách cùng ngôi sao nhạc pop người Canada gốc Hoa Ngô Diệc Phàm (Kris Wu, bị cảnh sát bắt với cáo buộc hiếp dâm).

Đối với những người hâm mộ trên không gian mạng thì sự biến mất của các ngôi sao “có vấn đề” đã để lại những lỗ đen không biết bao giờ mới được lấp lại. Có vẻ chính quyền đang quyết liệt tấn công vào cái gọi là “văn hóa sùng bái người nổi tiếng”, vốn đã trở thành trào lưu phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc.

Thứ Sáu tuần trước, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố 10 biện pháp “dọn dẹp” những thứ mà họ gọi là “hỗn loạn”, trọng tâm là các “câu lạc bộ hâm mộ người nổi tiếng” mọc lên như nấm sau mưa, trong đó có cả việc cấm xếp hạng người nổi tiếng dựa trên mức độ nổi tiếng, tăng cường quản lý các cơ quan đại diện người nổi tiếng và các tài khoản “câu lạc bộ người hâm mộ” trên mạng xã hội. Trước đó một ngày, nền tảng video nổi tiếng iQiyi đã hủy tất cả chương trình biểu diễn của các “thần tượng và tài năng”, với lý do “tuyên truyền lối sống không lành mạnh”.

Chỉ mới cách đây không lâu, nữ diễn viên Trịnh Sảng còn là ngôi sao đình đám trong thị trường giải trí Trung Quốc (ảnh: Trịnh Sảng trong một chương trình gala tổ chức ngày 30 Tháng Mười 2020 tại Nam Kinh, Giang Tô – Costfoto/Barcroft Media/Getty Images)

“Thịnh vượng chung cho mọi người dân”

Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số bình luận cho rằng cuộc đàn áp người nổi tiếng làm gợi nhớ cuộc Cách mạng Văn hóa và thập niên hỗn loạn chính trị và xã hội sau đó (1966-1976), khi nghệ thuật và văn hóa bị hạn chế để nhường chỗ cho quảng bá tuyên truyền ý thức hệ. Hậu quả là lĩnh vực giải trí bị đưa vào khuôn khổ và chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đi song song là việc  khuyến khích công chúng hãy xem các bộ phim và chương trình trong nước, xa dần phim Hollywood và các tác phẩm nước ngoài khác. Nhưng khi cuộc Cách mạng văn hóa chỉ còn là quá khứ; văn hóa phương Tây, chủ yếu là âm nhạc và điện ảnh, xâm nhập trở lại. Sự hào nhoáng của các giàn sao cả trong nước lẫn nước ngoài và sự điên cuồng của thế giới người hâm mộ đạt dần đến đỉnh điểm cuối cùng khiến Đảng Cộng sản “thức tỉnh”.

Phát hiện rằng xu hướng “thần tượng hóa” của giới trẻ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho tương lai, đảng Cộng sản Trung Quốc luôn tìm được lý do thích hợp cho các chiến dịch thanh trừng. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm bởi đại dịch Covid-19, “đảng trưởng” Tập Cận Bình lấy cớ “thịnh vượng chung cho mọi người dân” để cam kết phân phối lại sự giàu có từ thành phần thượng lưu. Đích nhắm trước tiên là những người nổi tiếng có thu nhập cao và các doanh nhân.

Gánh nặng dư luận bắt đầu đổ lên đầu những ngôi sao giải trí, kèm với tiếng la hét “khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng tại Trung Quốc!”. Trịnh Sảng được cho là nhận hơn $24 triệu cho một bộ phim tình cảm quay trong 75 ngày, tức bình quân $300,000/ngày. Để so sánh chênh lệch, năm ngoái Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết hơn 600 triệu người dân chỉ kiếm được $140/tháng. Từ góc độ ý thức hệ, đảng muốn những người nổi tiếng làm gương để thúc đẩy các giá trị gồm cả lòng yêu nước và tình yêu đối với chính phủ.

Đừng tranh vị trí số một của đảng!

Nhiều ngôi sao hưởng ứng lời kêu gọi của đảng bằng các phong trào chống lại các thương hiệu phương Tây và phản bác cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Các diễn viên nổi tiếng đổ xô tham gia các bộ phim và chương trình truyền hình “yêu nước”, đồng thời nhiều ngôi sao bị ép đóng góp hàng triệu Mỹ kim cứu trợ. Đảng coi lối sống xa hoa của một số người nổi tiếng là “dấu hiệu suy đồi đạo đức” và lên án nhiều “nam thần” có lối sống và các ứng xử quá “hư đốn”. Việc các fan choảng nhau chí chóe trên mạng để bảo vệ người mình hâm mộ cũng làm cho đảng lo lắng.

Dĩ nhiên việc nhiều diễn viên nổi tiếng sống trác táng trong khi người hâm mộ cũng điên cuồng bệnh hoạn, cũng là điều gây hỗn loạn trong xã hội. Lạm dụng không gian mạng, lừa đảo và tung tin đồn thất thiệt đã trở thành “bình thường” tại Trung Quốc. Sau khi Ngô Diệc Phàm bị giam giữ, một số người hâm mộ đã công khai phát động “chiến dịch giải cứu”, để  giải thoát anh ta khỏi tay cảnh sát. Rõ ràng, một số người trẻ sẵn sàng thách thức quyền lực của nhà nước chỉ vì đối tượng họ tôn thờ. Thứ Bảy tuần trước cơ quan giám sát chống tham nhũng của đảng đã xem hành vi này là “về hùa với các các giá trị sai trái”, đồng thời nhấn mạnh: “Nếu không được hướng dẫn và thay đổi, nó sẽ hủy hoại dữ dội tương lai của giới trẻ và đạo đức xã hội”. CAC kêu gọi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng bảo vệ an ninh chính trị và an ninh tư tưởng trên không gian mạng.

Bất luận thế nào, đối với một quốc gia độc tài mà “Đảng lãnh đạo và nhân dân làm chủ” như Trung Quốc, không cá nhân nào được phép nổi tiếng ngang bằng hoặc hơn đảng cai trị, không tổ chức ngoài đảng nào được phép có sức ảnh hưởng ngang bằng hoặc hơn đảng cai trị, và không thần tượng nào được phép nổi tiếng ngang bằng hoặc hơn lãnh tụ.

Đọc thêm:

Triệu Vy biến mất!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: