Đàn chim con trong vườn và những ân hận với cha mẹ

Bông hồng trắng buồn đau, ân hận dành cho tôi
(Hình: Lưu An)

Một trong những điều mà tôi học được từ xã hội, con người Thuỵ Sĩ đó là bảo vệ thiên nhiên và yêu thú vật. Đúng như vậy với tinh thần học hỏi vì cảm nhận được những điều hợp lý, tôi đã chấp nhận và hoà nhập vào xã hội, con người Thuỵ sĩ khá dễ dàng. Hoàn toàn không có gì rắc rối, phiền phức trong giao tiếp với con người, xã hội địa phương chung quanh nơi gia đình tôi cư ngụ. Tuy nhiên tôi cũng không phủ nhận được nhờ may mắn cũng như lối sống đơn giản, không ganh tỵ, không tranh dành, không có nhiều nhu cầu trong cuộc sống của chính tôi, đã giúp tôi có được kết quả đó.

Ngay khi sang Thuỵ Sĩ định cư tôi sống với gia đình một người bạn Thuỵ Sĩ, một kiến trúc sư khoảng một năm trời. Căn nhà của họ rất đẹp, có vườn tược đầy hoa, cây trái, chim muông … Sống với họ, tôi đã học hỏi  được rất nhiều về nền văn hoá rất nhân bản, yêu thiên nhiên và văn minh của Thuỵ Sĩ, một xã hội thuộc hàng đáng cảm phục của nhân gian. Tôi đã hoà nhập vào lối sống và cả suy tư của họ về thiên nhiên, về xã hội khá hoàn thiện. Rồi khi có gia đình, tôi lại được một ông giáo sư giúp đỡ có được căn nhà xếp hàng (Reihenhaus) của chính phủ, với khu vườn nho nhỏ ở bìa thành phố Zuerich. Căn nhà nhỏ nhưng rất đẹp, hàng năm vào mùa xuân và mùa hạ thì muôn hoa khoe sắc và chim bướm tung bay. Nơi đây, chung quanh gần như toàn là dân Thuỵ Sĩ, dù khác nhau về văn hoá nhưng chúng tôi hoàn toàn không có một sự rắc rối nào trong giao tiếp, sinh nhai cũng như thân thiện với thiên nhiên và hàng xóm .

Sống ở đó khoảng hơn 10 năm, dè xẻn tôi mua được căn nhà ở triền của dãy núi ngoài bìa phía bên kia thành phố… Ngoài công việc chuyên môn kiếm sống cho gia đình, kèm theo những học hỏi rất thiết thực có được từ căn nhà cũ đó.  Khi đến căn nhà mới, tôi trồng rau, hoa trái, làm vườn… Ngoài việc tốt cho sức khỏe, nó còn giúp tôi hoà nhập với chim muông, thú vật từ khu rừng gần nhà, chúng đến vườn của tôi hàng ngày… Lối sống gần với thiên nhiên, thú vật đã là một sở thích không thể thiếu được trong cuộc sống của tôi cho đến ngày nay, một ông lão lụ khụ xấp xỉ tuổi 80.

(Hình: Lưu An)

Hoa trong khu vườn của tôi thì đủ loại, nào là hoa hồng, cosmos, cúc, tulip… mỗi mùa một loại khoe sắc suốt 3 mùa xuân, hạ và thu. Còn trái cây, rau cỏ gần như đủ cho gia đình ăn quanh năm và làm quà tặng bạn bè, thân quen… Đó cũng nhờ kiến thức chuyên môn về biến chế, tồn trữ thực phẩm của tôi . Với những loại trái cây như :  Apricose; Zwetschen (Pflaume ); Táo; Mirabella  ..v..v.. tôi đã dùng máy sấy khô giới hạn trước khi tồn trữ trong tủ đông lạnh, dùng cho việc tiếp khách như một món ăn khai vị (Aperatif) hay cho vợ tôi làm bánh đãi khách. Với rau, củ, hạt… tôi biết những loại nào cần nhúng nước sôi để huỷ diệt diếu tố trước khi đem vào đông lạnh để ăn dần quanh năm. Còn khoai tây, bí ngô Nhật Bản (kabucha) và vài loại củ khác, tôi cũng biết dựa vào độ ẩm và độ lạnh hợp lý của căn hầm trú ẩn để tồn trữ được lâu. Nhờ vậy chúng tôi có rau cỏ, cây trái… gần như quanh năm.

Về thực vật rau hoa, trái cây thì như thế. Với thú vật, nhờ bản tính yêu thiên nhiên, yêu động vật, khu vườn cũng khá thoáng khoát nhưng cũng có những lùm cây. Hàng ngày chúng tôi tiếp đón khá nhiều giống loài thú, phần lớn từ khu rừng gần nhà hay các vùng cây rậm rạp chung quanh đến viếng thăm. Chúng yên tâm đến vườn của chúng tôi quanh năm, kể cả mùa động lạnh lẽo, không bị tôi làm hại hay xua đuổi mà còn được cung cấp thức ăn, môi trường sống tốt cho chúng nữa. Tôi xin kể ra vài ba loại thú thiên nhiên rất thường thấy trong vườn của nhà tôi.

Đầu tiên phải kể đến những con chồn, con cáo (Fuchs) hàng đêm, từ khu rừng phía sau nhà, chúng đi lang thang từ nhà này sang nhà khác trong khu vực để kiếm ăn. Những ai nuôi thỏ, gà mà không có chuồng trại chắc chắn đều khó thoát với chúng. Nếu nhà nào không có tủ đông lạnh cỡ lớn, nghĩ rằng mùa đông lạnh buốt mà đem thịt, cá, xúc xích, đồ ăn ..v..v.. để bên ngoài nhà, không che chắn kỹ lưỡng, ngay cả những đôi giày bằng da trâu bò… coi như khó thoát với cơn đói thức ăn của chúng, nhất là vào mùa đông. Với loại thú này, món ăn thích nhất của chúng là những con sên, một loại côn trùng rất khó ưa cho thú vui trồng tỉa. Mỗi buổi sáng hay chiều tối, tôi lang thang trong vườn dùng tí muối để diệt loại côn trùng đáng ghét này rồi để đó làm mồi ăn cho cáo hay nhím vào ban đêm.

Ngoài những con thú không mấy thân thiện kể trên, khu vườn nhà tôi còn có những thú vật hoang dã nhỏ bé, dễ thương  khác như Sóc (Eichchen); Nhím (Igel); Gấu mắt to (Waschbaer, loại gấu tai vểnh, nhỏ bé khoảng 1-1,5kg ); Gần đây không biết sao ( có thể do biến đổi khí hậu làm cho Thuỵ Sĩ ấm lên rất nhiều so với thời gian trên 40 năm về trước khi tôi mới đến Thuỵ Sĩ ?) chúng tôi còn thấy xuất hiện một loại bò sát giống như con tắc kè của VN. Loại này thường tìm những tổ kiến để ăn trứng. Chúng rất dễ thương, hình như chúng biết tôi hoàn toàn không làm hại chúng nên chúng nghểnh cao đầu nhìn tôi không có vẻ gì sợ hãi dù tôi đến khá gần!

Tất cả những loại thú này tôi biết khá tốt về tập quán sống và thức ăn của chúng, nhờ vậy đời sống của chúng tại khu vườn của chúng tôi có một không khí hài hoà rất vui thú! Rất nhiều lần tôi đã lấy cái lồng bằng lưới sắt chụp và giữ chúng lại ( nhím, sóc… ) để cho những đứa bé học trò của vợ tôi cũng như lũ trẻ con hàng xóm đến xem… Một bài học rất tốt cho trẻ con, giúp chúng biết yêu thú vật, yêu thiên nhiên, hoa cảnh ..v..v..  Dĩ nhiên những con thú rất đáng yêu đó sau khi nhốt cho lũ trẻ xem hay ẵm bế, nâng niu… rồi lại được chúng tôi thả trở lại thiên nhiên.

Khu nhà tôi ở gần rừng, sát chân núi Zuerich Berg, khu có nhiều cây xanh nhất của thành phố cho nên ngoài những thú vật kể trên còn rất nhiều loài chim. Loài to lớn như , những con quạ đen xì to như con gà tre của Việt Nam , lướt gió tung bay như bóng ma ; Những con chim cú, mỏ quắp, đôi mắt dữ dằn, lông màu xám tro, đó là những loại chim dữ tợn, chúng được coi là ác điểu của những loài chim nhỏ bé hiền lành dễ thương khác. Khi những con ác điểu này ở nơi đâu, nơi đó không có một con chim nhỏ nào dám lớ xớ kiếm ăn hay đến gần chúng. Nếu lỡ làm tổ đẻ trứng, chưa kịp nở hay đã nở ra chim con thì chẳng có chuyện an lành, sống sót với những con ác đều ăn thịt sống đó.

Có một lần tôi mua những cục thức ăn hỗn hợp như trái banh tennis, được đựng trong một cái túi bằng lưới ny-lông, Tôi vừa treo trên cành cây dành cho những con chim nhỏ bám vào, mổ thức ăn qua lỗ lưới. Tôi chưa kịp quay vào nhà, chuẩn bị chờ xem lũ chim hiền hoà, nhỏ bé đến ăn, bất thình lình một con quạ đen, như máy bay phản lực bay đến ngoạn luôn lấy cả cục thức ăn, cả sợi dây treo và bay mất. Từ đó tôi đã phải dùng những cành cành hồng khô đầy gai treo chung quanh cục thực phẩm để cho những ác điểu này không thể ăn cướp mồi của những con chim bé nhỏ, dễ thương được.

Tôi thường ngồi trong nhà, qua khung cửa sổ, thích thú nhìn những con chim bé nhỏ, chúng xà vào những căn nhà nho nhỏ bằng gỗ được tôi treo trên những cành cây. Nơi đó luôn luôn có thức ăn cho chúng quanh năm. Thức ăn có thể do tôi mua hỗn hợp từ các siêu thị, hay tôi tự pha trộn tấm gạo với một vài loại hạt mà tôi thu hoạch từ vườn của mình hay mua lúc giá rẻ như hạt hoa hướng dương, hạt bí nhật… Ngoài ra trong những lần về VN tôi không quên bê sang vài ba ký đậu xanh, đậu đỏ… tạo ra một hỗn hợp thực phẩm mà chúng rất thích.

Ngoài vài căn nhà nhỏ đựng thức ăn cho những con chim bé nhỏ,  tôi cũng mua hay tự đóng những căn nhà nhỏ xinh xắn, được treo vào những cành cây khá gần với nhà thức ăn của chúng. Cửa ra vào của căn nhà nhỏ đó là một lỗ tròn, đủ kích cỡ cho những con chim chui vào làm tổ, đẻ trứng, ấp con. Hàng năm tôi lau chùi, rửa sạch những căn nhà chim này 2 lần. Lần thứ nhất vào khoảng tháng 10 khi những con chim con sinh ra đã mọc lông, chúng bay qua bay lại những khoảng cách ngắn trên những lùm cây gần “căn nhà chim” mà chúng được sinh ra. Đó là những con “chim ra ràng” đang thời kỳ tập bay, chuẩn bị hoà nhập với thiên nhiên. Sau khi những con chim con rời bỏ căn nhà, chúng để lại trong đó một cái tổ bằng cỏ rất dơ bẩn, đầy phân, lông… của chúng. Chính vì vậy, “căn nhà “  phải được rửa sạch, phơi khô rồi treo lên cành trở lại.  Căn nhà lại sẵn sàng cho một cặp chim cha mẹ đến đẻ trứng ấp con vào mùa xuân tiếp theo.

Theo quan sát của tôi thì hình như cặp chim bố mẹ sau thời gian ngắn, khoảng vài ba tuần lễ, chúng cùng với lũ chim con ra ràng chỉ sống loanh quanh căn nhà, cho đến khoảng tháng 11. Khi mùa đông mang cái lạnh lẽo đến, lúc đó những con chim con đã vững mạnh đôi cánh, chúng sẽ rời xa chim bố mẹ. Chúng bay đi đâu đó, tìm được một con chim khác, cùng giống loài, chúng lại tạo ra một cặp đôi chim vợ chồng như chim bố mẹ, rồi chúng tìm một nơi làm tổ, đẻ trứng, ấp ra chim con để duy trì giống nòi. Còn cặp chim bố mẹ thì loanh quanh tại khu vườn nhà tôi và hình như vào mùa xuân nắng ấm của năm tới (tôi không chắc lắm) chính chúng lại vào căn nhà của tôi đã làm và tẩy rửa sạch sẽ cho chúng,  để tiếp tục sinh ra những con chim con, thế hệ khác kế tiếp.

Vào khoảng tháng 3 hay tháng 4 của năm sau, dù căn nhà đã được chùi rửa sạch sẽ vào tháng 10, nhưng tôi vẫn phải lấy căn nhà xuống rửa sạch, làm khô ráo thêm một lần nữa, rồi treo trở lại lên cây. Lý do căn nhà nhỏ này luôn luôn được treo tại vị trí cũ, để cho cặp chim bố mẹ nhìn thấy và quen thuộc, an toàn để chúng lại đến cư ngụ làm tổ đẻ trứng, ấp con vào mùa xuân ấm áp. Một điều rất quan trọng là phải treo căn nhà ở tầm khá cao, xa những cành cây để chuột không dễ dàng trèo lên ăn trứng hay chim con. Ngoài ra cũng cần phải dùng thuốc diệt kiến dạng mỡ bôi vào thân cây để tránh chim con mới nở không bị kiến đốt chết. Ở những nơi có mèo hoang, cáo (Fuchs)… chung quanh, phía dưới “căn nhà “ nên cột thêm những cành hoa hồng khô nhiều gai để ngăn cản những ác thú như mèo, cáo… không thể trèo lên ăn trứng hay chim con được.

Thông thường vào mùa hè, khoảng tháng 7 đến tháng 9 hàng năm khi tôi cắt cỏ hay làm vườn ở dưới gốc cây đã nghe thấy những tiếng chiếp chiếp, đó là âm thanh của những con chim con vừa ra đời đòi ăn. Thời điểm đó, tôi rất thường ngồi trong nhà, xuyên qua khung cửa sổ,với chiếc viễn vọng kính cả giờ đồng hồ theo dõi sinh hoạt, cuộc sống của những con chim bố mẹ. Khoảng tháng 5 hay tháng 6, chúng bay ra , bay vào căn nhà khi đã cảm thấy an toàn chúng mới thực sự “thuê” căn nhà của tôi. Tiếp theo, hai con chim vợ chồng thay nhau liên tục tha về những cọng cỏ khô để làm tổ trong căn nhà. Rồi chim mái đẻ trứng ( thông thường 3 hay 4 trứng), tiếp theo là cả chim mẹ và chim bố thay nhau lấy hơi nóng của cơ thể để ấp trứng, khoảng thời gian đẻ trứng, ấp trứng, đến khi nở ra chim con cần khoảng hơn 1-2 tháng.

Khi những con chim con đã được nở ra, lúc đó sự bận rộn của cặp chim bố mẹ đến mức không thể tưởng nổi. Một hoạt cảnh rất thích thú và rất cảm động! Cả hai chim bố mẹ cứ bay về, bay đi như con thoi trên máy dệt. Liên tục từ sáng tính mơ đến tối khuya. Mỏ của chúng ngậm thức ăn bay về tổ cung ứng cho lũ chim con lúc nào cũng há mỏ chiếp chiếp đòi ăn! Thời gian đầu khi chim con vừa nở, còn bé nên chim bố mẹ tha mồi về phải chui hẳn vào trong căn nhà để mớm cho lũ chim con. Nhưng chỉ khoảng 1, 2 tuần lễ chim bố mẹ chỉ mới xuất hiện ở lỗ cửa, lũ chim con đã tranh nhau dồn ra lỗ cửa, há rộng mỏ đòi ăn. Chim bố mẹ chỉ đậu bên ngoài thò mỏ vào mớm cho lũ chim con mà thôi.

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy cặp chim bố mẹ trong thời gian kiếm mồi nuôi chim con, sẽ thấy một một sự kiện rất cảm động. Hình dạng của đôi chim cha mẹ ốm còm, xơ xác thấy rõ bởi vì chúng đã dành tất cả thức ăn kiếm được cho đàn chim con.

Rồi đến một ngày trời đẹp, không mưa, nắng ấm vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Những con chim con đã lớn khôn, lần lượt theo nhau chui ra khỏi cái lỗ của căn nhà. Con nào mạnh nhất, lông nhiều nhất sẽ chui ra trước, rồi những con yếu hơn tiếp tục ra sau.  Chúng chuyền nhảy trên những cành cây gần căn nhà của chúng như tập bay. Có lẽ, lúc đó cặp chim bố mẹ đậu ở chỗ nào đó trong lùm cây để quan sát lũ chim con ra ràng đang tập bay chuyền. Nhưng chỉ cần khoảng vài ba tiếng đồng hồ hay nửa buổi sau đó, lũ chim con đã khá thuần nhuyễn. Chúng  chuyền nhảy trên các cành cây ở gần hay xà xuống “ căn nhà” khác chứa thức ăn mà tôi luôn treo gần “căn nhà nơi chúng sinh ra.” Chúng tự chọn lấy những hạt nhỏ vừa miệng để để ăn. Cứ thế chỉ sau vài ba ngày là chúng cứng mạnh, đủ lông đủ cánh, khôn ngoan biết tránh xa, trốn chạy những nỗi nguy hiểm để thực sự hoà nhập vào thiên nhiên.

Như phần trên tôi đã viết, khi những con chim con trưởng thành hoà nhập với thiên nhiên, cũng là lúc cái lạnh của đầu mùa đông đến. Đàn chim con rời xa hai con chim bố mẹ. Chúng sẽ bay đến một nơi nào đó, trong không gian bao la. Chúng sẽ tìm được một con chim khác cùng giống loài của chúng để, tạo ra một cặp đôi sống với nhau, giống i hệt như cặp chim bố mẹ của chúng. Rồi chúng tìm một nơi nào đó trong không gian làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng và cũng nhịn đói nuôi những con chim con, thế hệ tiếp sau của chúng. Tất cả sẽ diễn biến như một dòng chảy rất đẹp của tạo hoá, thiên nhiên.

Đã nhiều năm qua, nhất là thời gian khi tôi bước vào hưu nghỉ. Tôi vẫn ngồi trong nhà, với cái kính viễn vọng xuyên qua khung cửa sổ thích thú theo dõi cuộc sống của những con chim nhỏ bé trong vườn. Có lẽ không một lần nào khi nhìn thấy cảnh cặp chim bố, chim mẹ bận rộn tha cỏ khô về làm tổ, rồi ấp trứng kiếm mồi nuôi đàn chim con. Thân xác chúng xơ xác vì phải nhịn ăn nuôi đàn chim con. Rồi đến khi những con chim con ra ràng, đủ lông, đủ cánh, chúng sẽ bay đi, rời xa cặp chim bố mẹ của chúng không một lời từ biệt, không ngoái nhìn lại cặp chim bố mẹ đã nhịn ăn nuôi dưỡng chúng. Có lẽ, khi xa rời chim bố mẹ, chúng cũng chẳng bao giờ nhận thấy bố mẹ của chúng đã xơ xác vì hàng ngày từ sáng sớm tinh mơ đến đêm tối mịt mù bay đi, bay về, tha những miếng mồi đem về nuôi dưỡng chúng lớn khôn.

(Hình: Lưu An)

Nhìn hình ảnh đẹp đẽ của những con chim nho nhỏ đó, đã cho tôi những phút giây đờ đẫn, suy tư! Tôi cũng vậy, được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo túng, khó khăn, ngay từ khi chập chững biết đi, còn non nớt, ngây thơ. Tôi đã bao nhiêu lần chứng kiến tình thương yêu và hy sinh của bố mẹ, đã nhìn thấy bố mẹ tôi phải nhịn những miếng ăn cho tôi dù bụng đang đói. Nhưng khi đủ lớn khôn, cũng như những con chim bé nhỏ đó, tôi cũng đã vô tư, không một tí chút ngại ngần mà cất cánh bay xa tìm đến một nơi an vui, sung sướng cho riêng mình. Tôi đã quá vô tâm mà quên đi những cực nhọc của bố mẹ tôi ngày xa xưa, lúc tôi còn là đứa trẻ chỉ biết ăn và sống nhờ sự hy sinh của bố mẹ..

Rồi một lần nào đó, hoàn cảnh đẩy đưa, tôi có điều kiện tìm về chốn cũ thì trời ơi! Mẹ tôi đã im lặng, cô đơn ra người thiên cổ từ nhiều năm trước!  Lúc đó tôi chợt ngoái đầu, suy nghĩ mà  nhìn lại quá khứ vô tình của mình! Tôi mới thẫn thờ hoài nhớ lại sự hy sinh của mẹ đã dành cho tôi vào lúc gia đình còn đói khổ, thiếu thốn xa xưa. Nhưng muộn quá rồi! Buồn đau mà nhớ lại còn có nghĩa gì nữa đâu !? Tất cả đã đi vào quá khứ! Mẹ tôi đã mất, đã ra đi khi tôi còn đang ngụp lặn ở lúc khởi đầu của chốn định cư, chưa có điều kiện về thăm viếng lúc mẹ tôi ốm bệnh. Không được quỳ lạy vong linh của mẹ lúc mẹ vĩnh biệt nhân gian. Ân hận ư? buồn bã ư?…Tất cả đã muộn màng, vô ích! Mẹ ơi, tha lỗi cho con, thằng con trai cả mà mẹ từng tự hào và ước vọng ngày xưa đây! Con đang khóc vì lỗi lầm, khiếm khuyết của con  đây!

Với bố tôi, dù ông có được tí chút đền bù nhưng tôi lại phạm phải một sai lầm, đáng trách khác. Một sai lầm khó thứ tha! Khi tôi trở về với bố, tôi không còn là một đứa con của nghèo túng, của dốt nát xa xưa nữa . Ngày về, tôi hiển hiện là một người văn minh tân tiến, có trình độ học thức, từ một quốc gia thịnh vượng, sang giàu hàng đầu trên thế giới! Để rồi tôi nhìn Bố tôi với rất nhiều khiếm khuyết của một ông lão lẩm cẩm, nhà quê, ít học. Bao lần vì vui chơi với bạn bè khuya khoắt ban đêm , tôi đã làm cho bố phải thức khuya chờ đợi  mở cửa cho tôi… Đã thế tôi còn nghênh ngang, vênh váo chỉ dạy, phê phán bố tôi vì những lỗi lầm không hợp thời của một người thấp kém, không văn minh!

Những sai lầm, ngông ngáo vì tưởng mình văn minh, sang trọng đó, đã làm tôi mờ mắt, không nhìn thấy bố tôi chỉ im lặng đưa mắt nhìn tôi với vẻ thẫn thờ suy tư! Rồi đến khi vì bệnh hoạn, già lão bố tôi ra đi, trở về với đất đá thiên nhiên, tôi mới nhận thấy những lỗi lầm kệch cỡm khó tha thứ của mình thì đã quá muộn rồi ! Ân hận đã dày xéo tôi, có lẽ không bao giờ tôi quên cho đến ngày vĩnh biệt nhân gian! Trời ơi! Thật buồn!Tha thứ cho con, thằng con trai trưởng vô tâm, nhiều lầm lỗi này bố nhé!

Lúc bố tôi vĩnh viễn ra đi, bỏ lại tất cả những buồn vui nhân thế! Tôi, thằng con trai đầu lòng mới hiểu được rằng chính những cái nhà quê, ít học nghèo hèn đó. Chính những cái cổ xưa không tân tiến đó… Đã nuôi sống tôi lên người trong những năm tháng xa xưa khốn khổ của đời tôi. Cũng chính những giọt mồ hôi nhọc nhằn lao lực, đã thấm ướt chiếc áo vải thô đơn giản của bố chỉ vì mong kiếm được những tô cơm, miếng cá… nuôi cho tôi thành người. Chính nhờ những cái đơn sơ, nghèo túng đó tôi đã có được những cái sang trọng, lịch sự của thế giới văn minh như ngày nay.

Bố ơi! Thật buồn và ân hận làm sao! Khi con biết được, nhìn được những giá trị thực và đẹp đẽ của những cái nhà quê, ít học, đáng tôn vinh của bố,  thì bố ơi, người bố nhà quê, ít học nhưng vĩ đại của con ơi! Bố đã yên nghỉ vĩnh viễn với thời gian để lại cho con sự ân hận hết đời !

Viết đến đây, trí nhớ kéo tôi nhớ về bài hát  “Đôi chân trần“ của nhạc sĩ Yphon Ksor dân tộc Ê Đê tỉnh Đắc Lắc, trong đó ông mô tả đôi chân trần của người bố đã đi suốt cả đời trong rừng hoang tìm thức ăn nuôi sống những đứa con của ông! Lại một dạng thức của tình CHA trong nghèo khó, thiếu thốn về vật chất nhưng lại chan chứa tình thương con vĩ đại. Bản nhạc được trình bày bởi thí sinh Bảo Hà trong cuộc thi chung kết âm nhạc tại Việt Nam đã làm nhiều khác giả cảm động rơi nước mắt.

Rồi cũng với cái kính viễn vọng nhìn cặp chim bố mẹ xơ xác, ốm còm vì phải dành thức ăn cho những con chim con. Hình ảnh đó lại kéo trí nhớ tôi về những tháng năm khi 3 đứa con của tôi còn bé nhỏ ngây thơ. Tôi cũng giống như cặp chim bố mẹ ở trên. Tôi đã mang kiến thức chuyên môn của mình trong ngành khoa học dinh dưỡng để chăm sóc cho 3 đứa con của tôi ngay từ khi chúng còn trong bụng mẹ. Chúng được sinh ra trong điều kiện tuyệt hảo về mọi mặt của xã hội giàu có văn minh Thuỵ Sĩ, được sự chăm sóc khoa học của tôi. Tôi lập hoạ đồ ghi nhận sức nặng, chiều cao của chúng từng tuần lễ rồi từng tháng, từng năm theo tuổi đời của chúng lúc trẻ thơ. Những bữa ăn, nước uống của chúng cũng được tôi tình toán, cân đo rất chuẩn xác theo khoa học dinh dưỡng , đúng với nghề chuyên môn của tôi.

Trong công việc làm, những khi phải đi công tác xa, bất cứ khi nào có dịp, tôi đều tìm cách đưa các con và vợ tôi đi theo, để cho các con tôi được mở rộng tầm mắt, giao tiếp với xã hội, nhân gian. Tôi cùng đi với chúng, giúp chúng hoà nhập vào những hội đoàn quốc tế trong những cuộc cắm trại, du lịch gần như khắp Âu châu và rất nhiều nơi trên thế giới… Tôi mong chúng có dịp được học hỏi, hoà nhập với xã hội, con người và cả với thiên nhiên, lịch sử của thế gian. Nhờ đó mà lũ con tôi đã biết gần như tất cả các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá của Âu châu và rất nhiều nơi trên thế giới.  Đúng như vậy lũ con của tôi đã được tôi dè xẻn tiền bạc, thời gian và cả sức lực cung ứng cho chúng. Làm như vậy, tôi  mong giải tỏa được phần nào cảm giác ân hận vì những lỗi lầm khiếm khuyết mà tôi đã có với bố mẹ tôi.

Tóm lại tôi cũng như con chim bố mẹ đã mang tất cả sở hữu của mình ra cung ứng cho lũ con mà không bao giờ mong mỏi được chúng hoàn trả lại . Tôi chỉ có một ước mơ là những đứa con của tôi được may mắn,, được sống trong thanh bình, đầy đủ và không bị khốn khổ, đói nghèo, chiến tranh như tuổi ấu thơ của tôi xa xưa. Còn khi chúng lớn khôn, nếu có một lần nào, chúng nhìn lại để hoàn trả cho tôi cái gì đó, dù bé nhỏ, đơn sơ, rẻ tiền… với tôi đó là tất cả là niềm vui, hãnh diện rồi. Tôi chưa và không bao giờ có ý hướng coi sự trả lại của các con tôi là điều phải có! 

Với suy nghĩ như vậy tôi đã bao lần rất vui khi lũ con tôi đến thăm, mang cho tôi vài ba chiếc bánh nho nhỏ để tôi uống trà vào buổi sáng hay một chai rượu chúc mừng ngày sinh nhật của tôi… Với tôi, thế là quá đủ ! Thế là niềm vui, mong ước của tôi trọn vẹn… Tôi cũng chỉ  ước ao được như thế mà thôi ! Đúng là niềm hạnh phúc to lớn, tôi rất tự hào về những đứa con của mình ! Lý do rất dễ hiểu bởi vì tôi luôn luôn nghĩ mình cũng như con chim bố mẹ trong vườn. Những con chim bố mẹ , chúng nó đã phải ốm còm vì phải nhịn ăn, tha từng miếng mồi về cho đàn chim con của chúng. Để rồi một ngày nào đó, một ngày trời đẹp, nắng ấm, không mưa,  những con chim con tung cánh bay xa, không ngoái nhìn lại đằng sau. Những con chim con đó, chúng không bao giờ biết rằng, rất có thể ở một lùm cây nào đó, cặp chim cha mẹ của chúng đang dõi mắt nhìn chúng bay xa vào bầu trời xanh, nắng ấm mùa xuân.

Đúng như vậy, quay nhìn lại cá nhân của chính mình, so sánh với hai con chim bố mẹ, và cả với bố mẹ tôi nữa. Tôi vẫn cảm thấy mình hạnh phúc, tự hào hơn rất nhiều vì tôi vẫn nhận được những món quà dù rất nhỏ bé của các con tôi cho tặng . Với tôi thế là hạnh phúc lắm rồi! Tôi mãi mãi yêu thương các con tôi và cầu mong chúng an bình, hạnh phúc.

(Switzerland)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: