Với kho phim khổng lồ của mình, hãng Netflix đang chiến thắng trong cuộc chiến phát trực tuyến trên toàn thế giới, theo báo cáo của Parrot Analytics. Nhưng tại Việt Nam, theo báo cáo ba tháng đầu năm 2021 của hãng này, Netflix vẫn còn phải theo đuổi một cuộc chiến lâu dài để đuổi kịp YouTube và các nền tảng và dịch vụ phát trực tuyến địa phương.
Nhưng những nỗ lực bản địa hóa gần đây của gã khổng lồ phát trực tuyến và sự yêu thích ngày càng tăng của người xem thế hệ trẻ ở Việt Nam, cho thấy rằng con đường thống trị thị trường phát trực tuyến ở Việt Nam vẫn là sáng sủa, nhưng dài hơi để chiếm lĩnh.
Với Netflix, có một ưu điểm là khán giả Việt Nam không chỉ có thể thưởng thức các chương trình trong nước mà còn có thể thưởng thức các chương trình truyền hình, bộ phim và phim truyền hình yêu thích của các nền công nghiệp giải trí nước ngoài như Hàn Quốc và Mỹ.
Nhưng bất chấp là ông lớn thành công toàn cầu, Netflix thậm chí không thể lọt vào Top 3 nền tảng mà người Việt nghĩ đến khi muốn xem phim. Trong khi người tiêu dùng thế hệ mới dường như dễ tiếp nhận Netflix nhất, với 11% người tham gia khảo sát cho biết họ thường xem phim trên Netflix, còn ở các thế hệ khác, chỉ phổ biến với khoảng 4-7%.
Trên thực tế, người Việt Nam có xu hướng tìm kiếm các bộ phim yêu thích trên Google nhiều hơn so với Netflix. Điều này có thể là do tại thị trường Việt Nam, có một số lựa chọn thay thế miễn phí, mặc dù bất hợp pháp, có thể nhanh chóng xuất hiện trên Google. Lợi thế của việc có nguồn phim bất hợp pháp khiến nhiều trang xem phim ở Việt Nam vẫn có người xem nhiều hơn Netflix.
Nỗi khổ của hãng thuê phim trực tuyến này, là họ là “kẻ có tóc” với chính quyền, nên luôn bị hạch sách về nguồn phim, nội dung phim, nộp thuế… và có lệnh từ công an văn hóa, khi yêu cầu không được để nguồn phụ đề Việt ngữ ở những phim hoặc tài liệu quốc tế, có những nội dung bất lợi cho nhà cầm quyền.
Cuối năm ngoái, để làm áp lực với Netflix, công an và Bộ thông tin và truyền thông của Việt Nam đã nói rằng Netflix nằm trong danh sách các công ty nước ngoài thu lợi ở Việt Nam nhưng trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với quốc gia cộng sản. Bộ trưởng Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng nói Netflix và Apple TV không nộp thuế, nói rằng các nền tảng nước ngoài kiếm được ước tính $44 triệu mỗi năm doanh thu từ lượng người đăng ký tăng vọt trên khắp Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trước Quốc hội Việt Nam vào cuối năm ngoái rằng: “Một số nền tảng xuyên biên giới đã không nộp thuế và hoạt động theo luật, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Nhưng một nhân viên của Netflix giấu tên nói với AFP rằng đó là cách vu vạ và làm áp lực với công ty, vì họ đã tuân thủ các luật liên quan của Việt Nam và đang đàm phán với các nhà chức trách về vấn đề này. Vấn đề là chính các sân sau của Bộ Thông tin và các quan chức truyền thông như FPT, VNPT, Viettel… cũng phát triển các dịch vụ trực tuyến như vậy, và luôn được yểm trợ bằng cách hăm dọa hoặc làm khó Netflix hay Apple TV.
Nhân viên này cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc thực hiện một cơ chế giúp các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix có thể thu và nộp thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên ngày nay một cơ chế minh bạch và có luật như vậy hiện không tồn tại đúng nghĩa”.
Ông Bộ trưởng Hùng tố cáo rằng một số chương trình của Netflix có nội dung “bạo lực, sử dụng ma túy và nội dung khiêu dâm” – vi phạm luật kiểm duyệt quản lý ngành công nghiệp điện ảnh được quản lý chặt chẽ của Việt Nam. Ông cũng đặc biệt chọn một bộ phim tài liệu về Chiến tranh Việt Nam để công kích vì nội dung “phản ánh sai lịch sử” – tức là không mô tả cuộc chiến theo kiểu tuyên truyền của nhà nước.
Cá biệt vào năm 2017, Netflix đã phải loại bỏ phim Full Metal Jacket kinh điển của Stanley Kubrick khỏi danh mục của mình, sau khi có yêu cầu gay gắt từ công an.
Việt Nam đang hy vọng xây dựng danh tiếng như một trung tâm công nghệ tài chính ở Đông Nam Á, nhưng bị cản trở bởi các luật hà khắc về truyền thông và không gian kỹ thuật số.
Và như thói quen của các quốc gia độc tài, một khi có chủ trương, thì bao giờ các hệ thống tuyên truyền cũng đẩy mạnh các nội dung được chỉ thị. Báo chí và truyền hình Việt Nam thay phiên nhau tố cáo “Netflix có rất nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cụ thể là xuyên tạc lịch sử như loạt phim Chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, chẳng hạn phim Madam Secretary có “nội dung bạo lực, sử dụng ma túy và nội dung khiêu dâm”. Truyền thông Việt Nam lập lại y như lời ông Hùng.
Nhưng người xem thế hệ mới ở Việt Nam thì lại có cách riêng của họ. Trên các diễn đàn, nhiều nguồn chia sẻ và hướng dẫn cách sử dụng VPN để thay đổi vị trí địa lý, nhằm xem được các kho phim tự do, không kiểm duyệt và đầy đủ hơn ở các vùng như Úc, Canada hay Mỹ… vẫn là cách mà khiến công an lẫn chính quyền Việt Nam đau đầu, chưa có cách nào để ngăn chặn.