Không còn chỗ cho thương lượng
Hơn 11,000 thành viên Hiệp hội các kịch tác gia Hoa Kỳ (Writers Guild of America-WGA) đã chính thức đình công để yêu sách với các hãng sản xuất sau khi các cuộc đàm phán hợp đồng lao động mới bị sụp đổ.
Đây là cuộc đình công đầu tiên sau hơn 15 năm khiến hoạt động sản xuất một số chương trình nổi tiếng nhất phải tạm ngưng. Hiệp hội Các nhà sản xuất Phim điện ảnh và Truyền hình (Association of Motion Picture and Television Producers-AMPTP, hiệp hội thương mại hoạt động thay mặt cho các công ty sản xuất của Hollywood) lên tiếng ngày 2 Tháng Năm: “Chúng tôi đã đề nghị tăng lương hậu hĩnh cho các biên kịch nhưng họ chưa đồng ý”.
Về phía mình, trước khi bắt đầu đàm phán hợp đồng, WGA đã chỉ trích đề xuất tăng lương của các hãng phim là “hoàn toàn không đủ khi các nhà biên kịch đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mưu sinh. Sự sống còn của nghề biên kịch bị đe dọa trong cuộc đàm phán này!”. Cuối cùng, cuộc đình công đã được bật đèn xanh và kéo dài bao lâu thì không ai trả lời được.
WGA và AMPTP đã dành nhiều tháng để cố gắng đàm phán lại hợp đồng năm 2020 sẽ hết hạn vào nửa đêm thứ Hai, 1 Tháng Năm. Vấn đề tranh luận chủ yếu giữa hai bên là WGA muốn có mức thù lao biên kịch cao hơn cho các chương trình và phim truyền hình phát trực tuyến, với lập luận: “Mức lương trung bình cho một nhà biên kịch đã giảm 23% trong những năm gần đây sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Thực tế, từ 2021, các thành viên của chúng tôi ở Bờ Tây đã được trả ít hơn so với năm 2020 và họ cũng có ít cơ hội làm việc hơn”.
Các nhà biên kịch phàn nàn là cuộc sống của họ bị ảnh hưởng khi các mùa phim truyền hình truyền thống gồm 20 tập trở lên phải nhường chỗ cho các mùa phim ngắn hơn (thường từ 8 đến 12 tập) trên các dịch vụ như Netflix, Hulu, Amazon. Họ cũng không hài lòng về việc các hãng phim sử dụng thủ thuật “mini-room” (phòng biên kịch nhỏ), nơi các nhà văn nhận lương thấp hơn được thuê phát triển những cốt chuyện và triển khai thành kịch bản trước khi được hãng phim ký hợp đồng dựng phim.
Về phần mình, các hãng phim phản bác: “Bây giờ không phải là lúc để đại tu cấu trúc trả lương do nền kinh tế đang trì trệ và những khó khăn về quảng cáo”. Năm ngoái, Warner Bros Discovery đã sa thải một số lớn nhân viên và phải tạm gác lại nhiều tựa phim để tiết kiệm chi phí. Disney cũng chuẩn bị sa thải 7,000 nhân viên.
Điều gì sẽ thay đổi trên màn ảnh nhỏ?
Sự thay đổi ngay lập tức sẽ là các chương trình đêm khuya. Nhiều chương trình sẽ phải ngừng hoạt động do đình công và không biết khi nào mới phát sóng lại. Trong số các chương trình bị ảnh hưởng có: “The Tonight Show” của NBC, “The Late Show With Stephen Colbert” của CBS, “Jimmy Kimmel Live!” của ABC, “Late Night With Seth Meyers” của NBC và “The Daily Show” của Comedy Central.
Các chương trình hàng tuần bị ảnh hưởng gồm “Saturday Night Live” của NBC (dự tính kết thúc tập cuối tuần này với cựu diễn viên Pete Davidson làm người dẫn chương trình); các chương trình “Last Week Tonight With John Oliver” và “Real Time With Bill Maher” của HBO cũng sẽ ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, cuộc đình công không ảnh hưởng ngay lập tức đến các dịch vụ streamer trên mạng internet. Tháng trước, Ted Sarandos, đồng giám đốc điều hành của Netflix tuyên bố: “Chúng tôi có một danh sách dài và đủ mạnh để duy trì hoạt động một thời gian dài!”. Gần đây, David Zaslav, giám đốc điều hành của Warner Bros Discovery cho biết HBO Max sẽ phát hành nội dung mới khi dịch vụ được đổi tên thành Max vào ngày 23 Tháng Năm. “Chúng tôi đã sẵn sàng bắn phát súng giới thiệu các sản phẩm và nền tảng của chúng tôi ra khắp thế giới”.
Cuộc đình công kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các chương trình mới dự kiến ra mắt vào cuối năm nay. Tháng Mười Một 2007, các thành viên WGA đã đình công trong bối cảnh cuộc đàm phán về mức lương mới của họ bị đổ vỡ. Theo ghi nhận của UCLA và Viện Milken, cuộc đình công lúc đó kéo dài 100 ngày, sang tận năm 2008, gây thiệt hại cho nền kinh tế Los Angeles khoảng $2,1 tỷ. Cuộc đình công cũng làm đứt gẫy quy trình sản xuất và khiến các kênh truyền hình phải tranh giành để lấp đầy thời gian trống.
Các chương trình như “30 Rock”, “The Big Bang Theory” và “Friday Night Lights” có thời lượng ngắn phải ngưng. “24,” “Entourage” và “Rescue Me” hoãn chiếu. Khoảng một chục chương trình phát trên mạng bị hủy bỏ vì đình công. Nhưng đình công cũng giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của các chương trình thực tế như “Big Brother”, “The Amazing Race” và “Celebrity Apprentice” thay cho các chương trình có kịch bản. Chương trình AMC “Breaking Bad” ở mùa đầu tiên bị rút ngắn từ chín tập xuống còn bảy cũng vì đình công. Người dẫn chương trình Vince Gilligan phải… cho chết sớm một trong những nhân vật chính của chương trình trước Tập 9!
Các chương trình dài kỳ thường có cách ứng phó khác nhau trong thời gian đình công. Hai chương trình “The Daily Show” và “The Colbert Report” leo cao trên bảng xếp hạng khi được phát sóng trở lại mà không cần biên kịch. Conan O’Brien lấp đầy thời lượng phát sóng bằng một số sáng tạo không theo kịch bản. “The Office” phải ngừng sản xuất sau khi nam diễn viên Steve Carell giả ốm để không đến phim trường.
Không rõ cuộc đình công lần này có phá kỷ lục “cuộc đình công dài nhất của các nhà biên kịch” kéo dài đến 153 ngày vào năm 1988, vượt qua cuộc đình công 146 ngày của năm 1960 và cuộc đình công 100 ngày của năm 2007. Địa điểm đình công năm nay là bên ngoài trụ sở 10 hãng phim lớn ở Los Angeles và tại sự kiện NewFront của Peacock ở New York vào chiều thứ Ba, ngày 2 Tháng Năm và trước trụ sở chính của Netflix ở Manhattan ngày hôm sau.
Trước khi cuộc đình công có hiệu lực, WGA cảnh báo các nhà biên kịch sẵn sàng cầm cự cho đến khi Hollywood đáp ứng yêu cầu thù lao của họ. Danielle Sanchez-Witzel, nhà văn kiêm nhà sản xuất chương trình hài “The Carmichael Show”, thành viên của ủy ban đàm phán WGA, nêu rõ trong một thông điệp video phát đi ngày 11 Tháng Tư:
“Đây không phải là chu kỳ đàm phán thông thường. Tất cả giới biên kịch đều biết các công ty sản xuất đã lấy đi quá nhiều thứ từ chính những người giúp họ trở nên giàu có. Nhưng những gì họ không thể lấy đi của chúng tôi là sự đoàn kết và cam kết để tự cứu mình và nghề nghiệp mình yêu thích. Hy vọng hoà giải qua các cuộc thương lượng công bằng đã không còn và bây giờ chúng tôi phải chuyển qua đấu tranh. Vì lợi ích của hiện tại và tương lai, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác!”
Những người nổi tiếng nói gì về cuộc đình công?
Dù cuộc đình công mới khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng những người nổi tiếng tại Met Gala tối 1 Tháng Năm đã rất lo lắng khi bước trên thảm đỏ. Nữ diễn viên Quinta Brunson của bộ phim “Abbott Elementary” nhận xét: “Tôi cứ nghĩ cuộc đình công sẽ không xảy ra và một thỏa thuận đã được ký kết”. Diễn viên Brian Tyree Henry nói với tờ Variety: “Mọi người đình công đều có lý do!”. Đạo diễn kiêm diễn viên Olivia Wilde thừa nhận cuộc đình công sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong và ngoài ngành nhưng bà xem đây là “điều phải làm để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Nữ diễn viên Amanda Seyfried tuyên bố: “Hình thức phát trực tuyến đã thay đổi nhiều thứ có lợi cho các hãng sản xuất. Vì vậy, mỗi người nên được đền bù xứng đáng cho đóng góp của mình”. Người dẫn chương trình “Tonight Show” Jimmy Fallon tin rằng chương trình của ông sẽ “u ám” vì cuộc đình công. “Nhưng, với tư cách là một nhà biên kịch, tôi ủng hộ mục tiêu cuối cùng của việc này – ông nói – Tôi sẽ không có buổi biểu diễn nào nếu không có các biên kịch”.
Một số nhà biên kịch Hollywood khi tiết lộ trên mạng xã hội các dự án tương lai của họ cũng đứng về phía đình công. “Tôi ước đình công không xảy ra nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ” – nhà biên kịch Neil Gaiman của bộ phim “Sandman” tweet khi nói về việc kết thúc mùa thứ hai của chương trình hài mới “Good Omens”.
Ashley Lyle, người đồng sáng tạo “Yellowjackets” cho biết phòng biên kịch của chương trình ăn khách này đã dành một ngày để chuẩn bị cho phần ba trước khi cuộc đình công bắt đầu. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc lập-Vermont) cho biết ông ủng hộ cuộc đình công và tất cả các nhà biên kịch đang tìm kiếm “một hợp đồng lao động công bằng”. Tương tự, Dân biểu Adam B. Schiff (Dân chủ-California) viết trên Twitter: “Cuộc đình công rất quan trọng vì nó đảm bảo sinh kế cho những người góp phần biến lĩnh vực giải trí thành một cường quốc sáng tạo”.