DP, bộ phim vạch trần nạn bạo lực trong quân đội Hàn Quốc

Bộ phim nhiều tập “DP” đang phát trên Netflix đã vạch trần mặt tối của quân đội Hàn Quốc. Trong phim có cảnh một tân binh bị tát vào mặt mà không báo trước, trong khi một người khác bị đánh đập dã man bởi một quân nhân cấp cao hơn chỉ vì ông ta tự nhiên thấy… thích đánh một ai đó!

Một vấn đề thâm căn cố đế

Đó chỉ là một trong những cảnh “khó quên” của phần 1 loạt phim DP mà từ ngày ra mắt trên Netflix đã tạo dư luận và phô bày “mặt tối của chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc” của đất nước này. Phần 2 đang được thực hiện. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, một số người bênh vực quân đội đã chỉ trích bộ phim “phóng đại quá mức thực tế” đồng thời khẳng định cuộc sống quân ngũ ở Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi và trở nên dễ thở hơn nhiều trong những năm gần đây. Nhưng bộ phim không phải “khoa học giả tưởng”, nó kể lại những câu chuyện tồi tệ, những bi kịch còn đang diễn ra mà hậu quả là một số nạn nhân mất mạng sống và một số khác phải tự sát.

Vấn nạn bạo lực trong quân đội vẫn là tin nóng trên báo đài và trên mạng xã hội Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Mới nhất là đầu tuần này, 15 người đã bị buộc tội gây ra cái chết cho một nữ quân nhân Không quân sau khi cô tự sát vì bị xâm hại tình dục. Đối với những người từng bị ngược đãi trong thời gian nghĩa vụ, DP là phản ảnh đời thực hiện nay chứ không phải là chuyện quá khứ.

Nhà văn Kim Bo-tong, người sáng tạo loạt phim, trả lời chung những phản hồi của khán giả: “DP được tạo ra để chấm dứt ảo tưởng rằng mọi thứ đã tốt hơn. Bạo lực trong quân ngũ chưa hề được giải quyết rốt ráo như lời hứa!”. Đứng về mặt kỹ thuật, Chiến tranh Triều Tiên chỉ tạm ngưng chứ chưa được tuyên bố kết thúc chính thức, tức là Hàn Quốc và Triều Tiên (được) trang bị vũ khí hạt nhân vẫn trong tình trạng chiến tranh và nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, tất cả nam giới có đủ sức khoẻ và đủ chuẩn đều phải hoàn thành 18 tháng nghĩa vụ quân sự. Rất hiếm trường hợp ngoại lệ. Nhưng không phải ai cũng ủng hộ qui định này, thậm chí một số người xem thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự là “Lãng phí tuổi thanh niên.

Những vụ điển hình

Chủ đề chính của DP xoay quanh việc truy đuổi những kẻ đào ngũ và trốn nghĩa vụ quân sự để trừng phạt. Một đội chuyên trách được giao nhiệm vụ này trong quân đội. Nhà văn Kim, người chuyển thể bộ phim từ bộ truyện tranh trên mạng nổi tiếng cùng tên cũng dựa vào một số trải nghiệm quân nhân của chính ông.

Khi những kẻ đào ngũ có nhiều lý do khác nhau để chạy trốn khỏi trại lính thì một nguyên nhân nổi cộm vẫn là bạo lực lan tràn. “Khi tôi chứng kiến ​​một tân binh bị đâm vào cổ trong một cảnh diễn, tôi phải tạm dừng quay để lấy lại tinh thần. Đó chính là cảnh tôi từng chứng kiến khi phục vụ trong quân đội từ 2012-2014 – nam diễn viên kiêm người mẫu Kang Un, nói với truyền thông – Tôi đã bị các huynh trưởng khoá trước đánh rất nhiều lần, thậm chí có lúc bị đánh vào cổ 20 cái đến chảy nước mắt!”.

Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim lấy bối cảnh năm 2014, năm quân đội Hàn Quốc bị tai tiếng lớn với một số vụ bạo lực và xâm hại bị phát hiện gây chấn động cả nước, dẫn đến sự phản đối kịch liệt của công chúng. Vào Tháng Tư năm đó, tân binh Yoon Seung-joo, 23 tuổi, bị mất mạng vì bị đánh đập dã man. Vụ việc chỉ được phanh phui vài tháng sau bởi một tổ chức công dân. Trước khi chết, nạn nhân phải chịu nhiều hình phạt, từ bỏ đói đến không cho ngủ. Ở một thảm kịch khác vào cuối năm đó, trung sĩ họ Im bị bắt nạt thường xuyên đến nỗi đã lên cơn điên dùng súng giết chết năm đồng đội để trả thù! Không lâu sau đó là vụ hai tân binh bị chết vì ngạt thở với mũ trùm đầu và tay bị trói sau lưng.

Cảnh trong DP

Áp lực của công chúng

Làn sóng giận dữ của công chúng đã buộc tổng thống lúc đó, bà Park Geun-hye (nay đã ngồi tù) phải phản ứng. Bà kêu gọi hãy có các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực trong quân đội. Sau đó, Bộ Quốc phòng đã thực hiện một số thay đổi; ví dụ, thiết lập các kênh liên lạc tốt hơn giữa các tân binh và gia đình họ. Tân binh được phép truy cập internet thêm một số ngày trong tuần, thay vì chỉ ngày cuối tuần hoặc ngày lễ như trước. Theo các nhà phân tích, những thay đổi gần đây, đặc biệt là cho sử dụng điện thoại thông minh, đã giúp đời sống quân nhân được cải thiện đáng kể.

Tháng Bảy 2020, sau cuộc thử nghiệm dài một năm, binh sĩ đã chính thức được phép sử dụng điện thoại di động trong trại dù giới hạn trong thời gian qui định và cấm dùng ở những khu vực an ninh cao. Nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đủ giảm bớt cảm giác bị cô lập và của binh lính. Nhưng quan trọng hơn, điện thoại di động là công cụ phơi bày mọi hành vi tội ác ra thế giới bên ngoài. Cho Kyu-suk, điều phối viên tại Trung tâm Nhân quyền Quân đội, nhóm công dân ủng hộ quyền của binh sĩ, nhận định: “Nhờ điện thoại, tân binh cảm thấy an tâm hơn vì có thể gọi trợ giúp từ bên ngoài khi cần. Ngoài ra, điện thoại còn bổ sung kiến thức và thông tin thời sự. Họ có thể biết về quyền của mình và so sánh với các tân binh khác thông qua mạng xã hội”. Đầu năm nay, một bức ảnh chụp lén lan truyền về bữa ăn quá đạm bạc trong quân đội được đăng trên Facebook, với cơm, rau cải và một số đồ chua, đã làm dấy lên chỉ trích về cách đối xử tồi tệ với lính nghĩa vụ. Thay vì làm ngơ như trong quá khứ, quân đội hứa tăng tiền ăn hàng ngày cho lính nghĩa vụ lên 20%.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Nhờ nhiều biện pháp can thiệp thực chất, các trường hợp bạo lực được báo cáo đã giảm trong những năm gần đây. Số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho thấy chỉ còn 42 binh sĩ tự sát vào năm 2020 so với 62 của năm 2019 và giảm mạnh so với hàng trăm người mỗi năm trong thập niên 1980. “Nhưng như thế vẫn chưa đủ” – ông Cho nói và chỉ ra sự bất công mà các thành viên của cộng đồng LGBTQ phải gánh chịu, ví dụ quân đội xem tình dục đồng tính là phạm quân luật, dù nó được phép trong dân.

Tháng Ba 2021, người lính chuyển giới đầu tiên của Hàn Quốc buộc phải giải ngũ vì phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Anh ta tự tử sau đó! Ngày 7 Tháng Mười, một tòa án ra tuyên án quân đội phân biệt đối xử với tân binh Byun Hee-soo và quyết định sa thải người đồng tính trong quân đội hủy bỏ. Nói về tác động của bộ phim, đạo diễn DP Han Jun-hee nói: “DP đã đạt được mục tiêu của nó thay vì giải trí đơn thuần. Tôi biết quân đội đã có một số cải tiến, nhưng bộ phim giúp chúng ta đề phòng tình trạng bạo lực qui mô có thể quay trở lại và đừng quên nó!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: