Hollywood đánh cược doanh thu vào… nỗi sợ

Cảnh trong “M3GAN”

Một loạt phim kinh dị đã và sắp được trình chiếu khi các hãng phim tìm cách lôi kéo khán giả quay lại rạp…

Các nhà sản xuất và giám đốc hãng phim cho biết sự bùng nổ phim kinh dị mới lại đến, khi họ gấp rút ký hợp đồng với các biên kịch và đạo diễn hạng A ở thể loại này để chuẩn bị tung ra những bộ phim kinh dị khủng khiếp hơn vào các rạp chiếu phim. Các hãng phim lớn, từ Paramount Pictures, New Line Cinema của Warner Bros Pictures đến Universal Pictures đều lao vào cuộc đua tăng cường kho phim ma quái của họ. Phim kinh dị (thường được thực hiện với kinh phí thấp hơn nhiều so với phim sử thi siêu anh hùng, phim khoa học viễn tưởng) đã có từ lâu, nay bùng nổ trở lại.

Một trong những bộ phim kinh dị giúp khởi phát một chu kỳ phim kinh dị là bộ phim “The Conjuring” phát hành năm 2013 đạt doanh thu $320 triệu tiền vé trên toàn thế giới. Ba phim khác khởi phát các chu kỳ sau đó là “Get Out”, bộ phim siêu nhiên về phân biệt chủng tộc kiếm được $256 triệu tại các phòng vé toàn cầu vào năm 2017, bộ phim búp bê ma quỷ “Annabelle: Creation” kiếm được $307 triệu và phim kinh dị về chú hề rùng rợn “It” đạt doanh thu $705 triệu tiền vé trên toàn thế giới.

Năm nay, thể loại kinh dị hồi sinh mạnh mẽ bằng chu kỳ mới với “M3GAN”, kể về một con búp bê dùng trí tuệ nhân tạo (AI) giết người hoạt hình, do Blumhouse Productions (công ty tiên phong làm phim kinh dị kinh phí thấp) sản xuất và do Universal Pictures phát hành. Bộ phim mang về $175 triệu trên toàn thế giới kể từ khi phát hành vào ngày 6 Tháng Một.

Trong khi đó, “Scream VI” do Spyglass và Paramount sản xuất ra mắt vào Tháng Ba đạt doanh thu nội địa cao nhất trong tuần đầu công chiếu: $44.5 triệu. Đây cũng là lần đầu tiên Jason Blum (người sáng lập và giám đốc điều hành của hãng phim Blumhouse); và James Wan (đạo diễn “M3GAN” và “The Conjuring”) cùng làm việc với Universal.

Các hãng phim có kế hoạch duy trì đà phát triển với 29 phim kinh dị nữa dự kiến phát hành trước cuối năm 2023 (theo công ty theo dõi kỹ nghệ điện ảnh Comscore) dù nhiều phim chỉ phát hành hạn chế hoặc vừa phải tại tối đa hơn một trăm rạp. “Cứ vài năm một lần, một bộ phim kinh dị rẻ tiền lại xuất hiện và đột nhiên mọi người nhảy xem vào các hãng phim ‘ăn theo’ nó!” – Blum nói. Ví dụ “Smile” (2022), bộ phim kinh dị tâm lý ma quái đầu tiên của nhà văn kiêm đạo diễn Parker Finn kể về một bác sĩ có bệnh nhân liên tục tự tử sau khi trở thành nạn nhân của một lời nguyền khiến khuôn mặt họ biến thành nụ cười ghê rợn.

Paramount Pictures thoạt đầu dự định phát hành trực tuyến phim này, nhưng quyết định đưa nó ra rạp vào phút cuối, và bất ngờ kiếm được $217 triệu trên kinh phí sản xuất khiêm tốn $17 triệu và trở thành một trong những phim có lợi nhuận cao nhất của hãng. Paramount đã ký hợp đồng với Finn, 36 tuổi để làm phần tiếp theo.

Sau thành công của “Smile”, Paramount quyết định tăng gấp đôi lượng phim kinh dị mới và trao cho Walter Hamada, Giám đốc công ty sản xuất phim 18hz từng phụ trách thương hiệu siêu anh hùng DC Films tại Warner Bros hợp đồng độc quyền làm phim kinh dị cho hãng. Hamada cho biết mục tiêu của ông là làm từ hai đến bốn bộ phim kinh dị mỗi năm, với kinh phí từ $15 triệu đến $25 triệu mỗi phim. Cần biết, trong thập niên qua, Paramount chỉ phát hành một đến hai phim kinh dị mỗi năm.

Nhiều đạo diễn phim kinh dị đang ở bước đầu của sự nghiệp, và thể loại phim dễ tính này thường không dựa vào các diễn viên hạng A. Với kỹ nghệ điện ảnh rơi vào suy thoái kéo dài nhiều năm và do đại dịch buộc đóng cửa các rạp chiếu phim, nhiều hãng phim muốn làm những bộ phim lôi kéo được nhiều khán giả hơn đến rạp. Kinh dị là một trong số ít thể loại mà những cựu trào trong ngành đánh giá là có thể tận dụng hệ thống âm thanh trên màn ảnh rộng.

Khán giả thích xem phim cùng nhiều bạn bè để cùng nhau la hét vang rạp, bỏng ngô bay tứ tung và… các cặp ôm chặt để “bảo vệ” nhau. Các nhà biên kịch và đạo diễn phim kinh dị tìm mọi cách đẩy mức kinh dị lên cao trào để khán giả… nhảy dựng lên! Một số cảnh gây sợ quen thuộc đã trở thành “kinh điển” không thể thiếu của thể loại phim này.

Cảnh trong “Annabelle: Creation”

Ví dụ tủ quần áo và các không gian kín đáng sợ trong các bộ phim “Carrie” (1976), “Saw” (2004) và “The Ring” (2022); rồi đường hầm tối tăm trong “Barbarian” (2022). Gương soi mặt và mối đe dọa thế lực ma quỷ vô hình phía sau nó cũng được tận dụng trong “Terrifier 2”, “The Poltergeist”, “Candyman”, “The Oculus”. Một yếu tố gây sợ kinh điển khác là vật thể vô tri giác tự di chuyển, chẳng hạn một cánh cửa tự đóng sầm lại, nội thất bay được tận dụng trong M3GAN. Búp bê là vũ khí khác của thể loại phim kinh dị cùng với những kẻ giết người đeo mặt nạ và những chú hề như trong “Halloweeen”, “It”, “Terrifier”.

Ý tưởng một linh hồn hoặc lời nguyền độc ác có thể kiểm soát con người đã có từ hàng trăm năm trước trong văn học cũng được các bộ phim kinh dị như “The Exorcist” (1973) và những bộ phim mới hơn như loạt phim “Conjuring” và “Smile” (2022) khai thác kỹ.

Donna Langley, Chủ tịch Universal Pictures, nhận định: “Phim kinh dị tiếp tục là một phần quan trọng trong chiến lược cơ cấu lại hãng phim chúng tôi”. Theo Comscore, các bộ phim kinh dị đã tạo ra $676 triệu doanh thu tiền vé nội địa vào năm ngoái (tương đương 9% tổng doanh thu ở Bắc Mỹ) và $586 triệu (tương đương 12.8%) vào năm 2021. Một thập niên trước, phim kinh dị chỉ chiếm 5.8% tổng doanh thu nội địa và trước khi hồi sinh chỉ còn dưới 4%.

Khán giả ngày nay đòi hỏi những bộ phim kinh dị có cốt truyện sáng tạo và nhân vật được phát triển phong phú thay vì bắt chước những bộ phim kinh dị của thập niên 1980 như “Blood Diner”, “The Slumber Party Massacre” hoặc những bản nhai lại vô tận của những câu chuyện kinh điển như “Dracula” cứ vài năm lại tái hiện. Một trong những bộ phim được giới phê bình yêu thích năm 2022 là “Barbarian”, được thực hiện với kinh phí thấp, do nhà văn Zach Cregger viết kịch bản kiêm đạo diễn và được 20th Century Studios của Walt Disney Co phát hành.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: