Khi New York là nguồn cảm hứng làm phim

Leonardo DiCapro có màn thể hiện xuất sắc trong bộ phim “The Wolf of Wall Street.” (Minh họa: themoviedb.org)

Có rất nhiều từ ngữ, ngôn từ mỹ miều dành cho New York – nơi được mệnh danh là “Thành phố không bao giờ ngủ,” hay chính là một “Big Apple” của nước Mỹ và cũng là địa điểm là nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu nhà làm phim Hollywood.

Cùng điểm qua bốn bộ phim lấy bối cảnh New York với các câu chuyện xao xuyến lòng người. Và đâu đó khán giả có dịp được chiêm ngưỡng những góc ngách của một thành phố xa hoa, tráng lệ, những góc đường thơ mộng hay các địa danh nổi tiếng mà ai cũng muốn ghé thăm một lần trong đời.

The Wolf of Wall Street

Nếu như những bộ phim khác tái hiện một New York đầy thơ mộng, nhẹ nhàng hay năng động thì New York trong “The Wolf of Wall Street” lại là một hình ảnh hỗn loạn, khốc liệt, nhịp điệu cuồng loạn với đầy người và xe cộ tấp nập ngoài đường như một sở thú không có trật tự.

Bộ phim của đạo diễn lừng danh Martin Scorsese xoay quanh Jordan Belfort, một kẻ tội phạm lừa đảo và rửa tiền khét tiếng ở phố Wall, đội lốt doanh nhân thành đạt và thao túng thị trường chứng khoán Mỹ trong thập niên 80.

Đây là bộ phim thuộc thể loại dark comedy đầu tiên mà tài tử Leo DiCaprio thử sức và anh đã xuất sắc thể hiện một tay chơi thượng lưu với bản chất cặn bã. Jordan Belfort của Leo DiCaprio khiến khán giả “ghét cay ghét đắng,” khi coi tiền là tất cả, sẵn sàng lừa gạt những đồng tiền nhỏ nhoi của người lao động nghèo, phụ bạc với vợ mình để chạy theo các gái làng chơi, và ẩn chứa bên ngoài vẻ lịch lãm là một kẻ bệnh hoạn nghiện ma túy và tình dục.

Đằng sau một phố Wall tấp nập, nhộn nhịp và thậm chí còn được mệnh danh là vùng đất đổi đời là những con sói già thao túng tiền bạc, nắm quyền sát sinh. Và ở đó, sự sống và cái chết cũng rất mong manh chỉ vì liên quan đến chữ tiền.

(Hình: themoviedb.org)

Breakfast at Tiffany’s

Hình ảnh cố minh tinh Audrey Hepburn thả dáng trong chiếc đầm đen sát nách với mái tóc được búi cao, điểm xuyết thêm chiếc vương miện nhỏ nhắn và đôi găng tay đen thanh lịch, ngắm nhìn bộ trang sức được trưng bày qua kiếng cửa sổ tại cửa hàng Tiffany’s & Co trong bộ phim ‘Breakfast at Tiffany’s” trở thành biểu tượng trường tồn trong phim ảnh Hollywood và cả thời trang thế giới.

Ra mắt khán giả năm 1961, “Breakfast at Tiffany’s” của đạo diễn Blake Edwards dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Truman Capote vẽ nên câu chuyện tình của cô nàng Holly Golightly và anh chàng nhà văn nghèo Paul Varjak. Holly Golightly là kiểu nhân vật khó hiểu với nội tâm phức tạp, đôi khi người ta tưởng chừng đã hiểu rõ tâm tư của cô nhưng phút chốc sau đó lại hụt hẫng trước thái độ hững hờ của cô. Holly Golightly bí ẩn một cách lạ kỳ và làm say đắm không chỉ Paul Varjak si tình mà cả các khán giả đang dõi theo bộ phim.

Một New York hiện lên trong phim đầy mộng mơ như chính cái cách mà Holly Golightly mộng mơ và ao ước một cuộc sống thượng lưu mà mình hằng mong ước. Từng con đường, dãy phố rợp bóng cây, những cửa hàng sang trọng hiện lên với các bảng hiệu khiến ai cũng muốn một lần hóa thân thành Holly Golightly bách bộ trên đường để cảm nhận khí trời New York trong lành.

Những di sản mà bộ phim để lại cho đến tận ngày nay là vô cùng to lớn, trở thành một phần lịch sử không thể thiếu trong làng điện ảnh Hollywood. Năm 2012, bộ phim được Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ công nhận là tác phẩm kinh điển mang ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử của nước Mỹ.

Thế giới thượng lưu khiến khán giả “lóa mắt” trong “Gossip Girls.” (Hình: themoviedb.org)

Gossip Girl

Nếu muốn biết đời sống và tâm tư của giới trẻ thập niên 2000 như thế nào thì hãy coi “Gossip Girl,” bộ phim truyền hình tiếng tăm của đài CW, phát hành phần đầu tiên năm 2007.

Không chỉ tập hợp một dàn diễn viên xinh đẹp, ưa nhìn, diễn hay, bộ phim vẽ nên một thế giới thượng lưu đầy xa hoa của các “cậu ấm cô chiêu” quý tộc ở New York với các bữa tiệc xa hoa, tráng lệ tại các tòa nhà trọc trời New York; những bộ trang phục thời trang thời thượng với các phụ kiện túi xách lên đến hàng trăm, thậm chí hàng triệu đô la.

“Gossip Girl” được ví như là bộ phim truyền hình kiêm sàn diễn thời trang, có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sức mua sắm của giới trẻ, thậm chí rất nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới ao ước được cộng tác với phim, tài trợ quần áo và phụ kiện.

Các hãng thời trang lớn đều biết rằng, chỉ cần hai nhân vật trong phim, Serena Vander Woodsen, do nữ diễn viên Blake Lively đóng và Blair Wardoft, do nữ diễn viên Leighton Meester thủ vai, khoác lên người những bộ cánh của họ, lập tức các trang phục đều trở thành mốt và bán đắt như tôm tươi.

Không chỉ lĩnh vực thời trang hưởng lợi từ “Gossip Girl” không thôi mà ngành du lịch cũng được “thơm lây.” Trong suốt những năm “Gossip Girl” được trình chiếu, lượng du khách đến New York tăng đáng kể. Thậm chí, một số tour du lịch còn thiết kế cả tour cho du khách đến thăm những cảnh quay của đoàn làm phim, trong đó có cả nhà hàng, khách sạn, viện bảo tàng và hàng trăm quán bar khác nhau, bối cảnh đặc trưng trong “Gossip Girl.”

Mới đây, phiên bản mới “Gossip Girl” cũng vừa ra mắt khán giả bốn năm sau phần cuối cùng của phiên bản cũ kết thúc, tiếp tục câu chuyện của một bộ phận thanh thiếu niên nhiều tiền ở New York với cuộc sống thượng lưu đầy quyền lực và vô số scandal đấu đá.

Ben Stiller (trái) và Robin Williams (phải) sẽ khiến khán giả cười nghiêng ngả trong “Night At The Museum.” (Hình: themoviedb.org)

Night At The Museum

American Museum of History là một trong những bảo tàng nổi tiếng ở New York mà ai cũng nên thăm thú khi đặt chân đến thành phố có biệt danh “Big Apple.” Đây cũng bối cảnh chính trong bộ phim hài “Night At The Museum” của đạo diễn Shawn Levy, phát hành năm 2006, do hãng 20th Century Fox sản xuất và phát hành.

Bộ phim xoay quanh anh chàng bảo vệ Larry Daley, do danh hài Adam Stiller thủ vai, có một đêm trực đầy ám ảnh, sợ hãi tại viện bảo tàng ngay trong ngày đầu tiên nhận việc khi toàn bộ các hình nộm người, thú và đồ vật đồng loạt sống dậy và làm loạn. Mọi thứ như trở thành ác mộng cho Larry Daley nhưng cuối cùng lại thay đổi cuộc đời của anh theo hướng mới tốt hơn với nhiều bài học đắt giá cho anh.

“Night At The Museum” là con gà đẻ trứng vàng cho hãng 20th Century Fox khi thu về $574 triệu toàn cầu trong khi kinh phí thực hiện chỉ có $110 triệu, trở thành bộ phim thương hiệu của danh hài Adam Stiller.

Năm 2009, hãng phim phát hành phần hai mang tên “Night At The Museum: Battle of the Smithsonian,” với sự góp mặt của danh hài Wilson Olsen, kết hợp với Adam Stiller tạo nên cặp đôi tấu hài điện ảnh thú vị. Năm 2014, phần ba và cũng là phần cuối cùng “Night At The Museum: Secret of the Tomb” ra mắt khán giả, chính thức khép lại câu chuyện về bảo tàng sống dậy hằng đêm.

Một bộ phim nhẹ nhàng, dễ thương mà bạn không nên bỏ qua. (Hình: themoviedb.org)

13 Going To 30

Năm 2004, đạo diễn Gary Winick cho ra mắt bộ phim bộ phim tình cảm hài lãng mạn mang tên “13 Going To 30,” với sự góp mặt của các diễn viên trẻ lúc đó là Jennifer Garner và Mark Ruffalo, dựa trên kịch bản của hai nhà biên kịch Jossh Goldsmith và Cathy Yuspa.

Đây là bộ phim được xem là “gối đầu giường” của giới trẻ thời đó với cốt truyện nhẹ nhàng, dễ thương nhưng cũng đầy suy ngẫm, cộng với âm nhạc trong phim cực kỳ bắt tai, âm hưởng trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Đặc biệt phân cảnh Jenna và các đồng nghiệp trong công ty dự tiệc Halloween và cùng nhau nhún nhảy trong ca khúc “Thriller” của ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson khiến người xem không khỏi thích thú và gợi nhớ các nhịp điệu funk pop thập niên 80 xưa.

Bất kỳ cô bé, cậu bé nào ở tuổi thiếu niên cũng có ước mơ tưởng tượng mình trưởng thành thật nhanh để có thể tự do làm những điều mình thích, tận hưởng một cuộc sống không bị ràng buộc và thoải mái. Cô bé Jenna Rink có một ngày sinh nhật mừng tuổi 13 bẽ bàng, xấu hổ trước bạn bè khiến cô phải trốn chạy và ước rằng mình sẽ lớn lên không còn bị kẹt trong hoàn cảnh này nữa.

Thật bất ngờ là điều ước của Jenna thành hiện thực khi sau một đêm ngủ thức dậy, Jenna trở thành một quý cô tuổi 30 thành đạt, sinh sống ở căn hộ cao cấp ở thành phố New York đắt đỏ với sự nghiệp mà nhiều người ao ước. Ngỡ đâu đây là cuộc sống trong mơ của Jenna nhưng dần dần cô nhận ra rằng đằng sau vẻ hòa nhoáng, sang chảnh này chính là nỗi cô đơn sâu thẳm, là việc từ bỏ gia đình, chối bỏ những gì bình dị trước đây để chạy theo những thứ phù phiếm xa hoa.

Đằng sau câu chuyện của Jenna Rink với cuộc sống tưởng như hằng trong mơ là hình ảnh thành phố New York đầy sức sống, là vùng đất cho những người trẻ năng động theo đuổi đam mê và hoài bão của mình. Và đôi khi, để có thể trụ vững nơi phố đô thị phồn hoa, bạn phải chấp nhận hy sinh mất mát như cái cách mà nhân vật Jenna Rink đã trải qua.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: