Squid Game và góc nhìn của người Hàn về chiến tranh Việt Nam

Một cảnh trong phim Squid Game 2. (Hình: Netflix)

Vào cuối năm 2024, bom tấn truyền hình Nam Hàn “Trò Chơi Con Mực” (Squid Game) phần 2 ra mắt trên Netflix, gây ra tranh cãi trong cộng đồng mạng Việt Nam.

Tương tự như trường hợp gameshow “Squid Game: The Challenge” trước đó cũng có nhiều tranh cãi, khi người chiến thắng là Mai Whelan, một thuyền nhân gốc Việt, một chi tiết được xem là nhạy cảm với chính quyền Việt Nam. “Squid Game” phần 2 cũng vấp phải phản ứng tiêu cực từ khán giả Việt. Cụ thể, lời thoại của nhân vật mang số áo 388 “Bố tôi từng tham chiến ở Việt Nam” bị chỉ trích là xuyên tạc lịch sử và bôi nhọ hình ảnh người lính Việt Nam. Những phản ứng này cho thấy sự nhạy cảm của dư luận Việt Nam đối với những vấn đề liên quan đến quá khứ và các mối quan hệ chính trị trong khu vực, đặc biệt khi có sự ca ngợi hoặc ngưỡng mộ vai trò của quân đội Nam Hàn trong chiến tranh Việt Nam.

Trước đó, điện ảnh Nam Hàn cũng từng có những bối cảnh và lời thoại gây tranh cãi liên quan đến lính Hàn ở Việt Nam. Năm 2022, bộ phim “Ba Chị Em” (Little Women) bị Cục Điện Ảnh Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ trên Netflix sau khi nhận về nhiều chỉ trích từ khán giả Việt trong nước. Trong phim có một số mẩu đối thoại, như “Một người lính Hàn có thể giết 20 lính Việt Cộng,” hay “Lính Hàn là anh hùng chiến tranh Việt Nam,” cùng những nhận định sai lệch về cuộc chiến mà Nam Hàn tham gia với tư cách là đồng minh của quân đội Mỹ.

Người Hàn thực sự có quan điểm như thế nào về cuộc chiến tại Việt Nam, mà lại có những lời thoại “nhạy cảm” với chính quyền Việt Nam như vậy?

Bối cảnh lịch sử về cuộc tham chiến của Nam Hàn ở Việt Nam

Nam Hàn là một trong những quốc gia đồng minh đầu tiên của Hoa Kỳ bày tỏ ý định hỗ trợ trong cuộc xung đột giữa chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa. Đề nghị đầu tiên được Tổng Thống Syngman Rhee của Nam Hàn đưa ra cho cả Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam Việt Nam vào giữa thập niên 1950, song cả hai bên đều từ chối.

Chính quyền Tổng Thống Kennedy do dự can thiệp quân sự trực tiếp vào miền Nam Việt Nam, trong khi chính quyền Ngô Đình Diệm lại phản đối sự hiện diện của quân đội nước ngoài, lo ngại về tính chính danh trước dư luận. Đến năm 1964, sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát bởi các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam một năm trước đó, và chính quyền Johnson bắt đầu có kế hoạch triển khai quân đội tại Việt Nam, Tổng Thống Park Chung-hee thành công trong việc thuyết phục cả Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam cho phép quân đội Nam Hàn tham chiến.

Trong suốt cuộc chiến, Nam Hàn được xem là một trong những lực lượng đồng minh tích cực nhất của Hoa Kỳ tại chiến trường miền Nam Việt Nam, vượt trội hơn cả Thái Lan và Australia. Với gần một thập niên hoạt động từ năm 1964 đến 1973, tổng số quân nhân Nam Hàn tham gia chiến đấu là hơn 300,000 lượt. Mặc dù nhiều nguồn tin tại Việt Nam cho rằng có 300,000 quân Hàn cùng lúc hoạt động ở Việt Nam, con số thực tế vào đỉnh điểm chỉ khoảng 50,000 quân. Tổng số quân nhân Nam Hàn thiệt mạng trong chiến tranh là hơn 3,000 người, và số bị thương gấp đôi con số này.

Vào thập niên 1970 và 1980 nhiều nhà phân tích như Noam Chomsky và Edward Herman trong tác phẩm “The Washington Connection and Third World Fascism” cho rằng Nam Hàn bị ép buộc tham gia cuộc chiến, khẳng định Nam Hàn là một đối tác yếu trong liên minh với Hoa Kỳ và không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo yêu cầu của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vào thập niên 1990, các tài liệu ngoại giao mật giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn tiết lộ sự thật, rằng chính Nam Hàn liên tục đưa ra đề nghị tham chiến. Ví dụ, một báo cáo của Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk gửi Tổng Thống Johnson vào Tháng Sáu 1964 cho thấy chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Nam Hàn nhiều lần đề xuất sử dụng các đơn vị chiến đấu của Nam Hàn tại Việt Nam. Mặc dù Hoa Kỳ yêu cầu đại sứ tại Nam Hàn không khuyến khích điều này và đề xuất người Hàn đóng góp vào lực lượng cố vấn đặc biệt, Tổng Thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Park Chung-hee và chính phủ của ông vẫn kiên trì thuyết phục cả Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho phép quân đội mình tham chiến. Sự tham gia vào cuộc chiến của Nam Hàn là “war of choice,” một quyết định có chủ đích và có tính toán.

Xét về tỷ lệ, quân đội Nam Hàn chiếm hơn 70% lực lượng đồng minh của Hoa Kỳ tại Việt Nam – sự tham gia tích cực đáng chú ý đối với một quốc gia còn gặp nhiều khó khăn về chính trị và kinh tế vào thời điểm đó.

Lý do Nam Hàn tham chiến ở miền Nam Việt Nam

Trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đại Hàn (tên khi Nam Hàn và Bắc Hàn chưa chia đôi) xảy ra vào những năm 1950, việc tham chiến ở miền Nam Việt Nam được xem là một cơ hội để củng cố mối liên kết giữa hai quốc gia, đồng thời giúp Nam Hàn trở thành một đồng minh thường trực và đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nam Hàn, vì vào thời điểm đó, Hoa Kỳ có khả năng rút quân khỏi Nam Hàn, trong khi Hiệp Ước Phòng Thủ Chung năm 1953 (Mutual Defense Treaty between South Korea and the United States) lại thiếu những điều khoản ràng buộc Hoa Kỳ phải can thiệp quân sự nếu Nam Hàn bị Bắc Hàn tấn công với sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Ngoài ra, một động lực khác thúc đẩy Nam Hàn tham chiến tại Việt Nam là mong muốn khai thác các lợi ích kinh tế từ cuộc chiến, đồng thời tạo động lực cho các chính sách phát triển kinh tế của Tổng Thống Park Chung-hee.

Lợi ích kinh tế cho Hàn Quốc từ chiến tranh Việt Nam

Năm 1964, Nam Hàn đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí còn ở tình thế bất lợi hơn cả miền Nam Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người tại quốc gia này chỉ $93. Với một lực lượng quân sự lên đến 600,000 người, Nam Hàn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Hoa Kỳ để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh đó, người Hàn quan sát sự trỗi dậy của kinh tế Nhật Bản sau khi hỗ trợ Hoa Kỳ trong chiến tranh với Bắc Hàn, và họ nhận thấy tiềm năng tương tự.

Dù không thể khẳng định một cách chắc chắn về mối liên hệ trực tiếp giữa chiến tranh Việt Nam và sự phát triển kinh tế của Nam Hàn, với nguyên tắc kinh tế học “tương quan không phải là nhân quả” (correlation is not causation) thường được viện dẫn, một thực tế không thể phủ nhận: chính phủ Nam Hàn đã thu được những lợi ích kinh tế đáng kể từ cuộc chiến này. Những nguồn lực này được cho là được sử dụng một cách hiệu quả cho các dự án và chương trình phát triển kinh tế.

Theo ước tính của một số chuyên gia kinh tế, chiến tranh Việt Nam đã đóng góp khoảng 8% GDP cho Nam Hàn trong giai đoạn 1966-1969, một con số đáng kể. Trên thực tế, GDP của Nam Hàn tăng gấp bốn lần từ năm 1963 đến năm 1973, thời điểm quân đội Nam Hàn rút khỏi Việt Nam.

Chương trình phát triển kinh tế của Tổng Thống Park Chung-hee, với trọng tâm là công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu, đã đóng vai trò quan trọng. Các biện pháp như vay ưu đãi từ chính phủ, kiểm soát giá, giảm thuế, và bảo hộ thị trường nội địa đã giúp Nam Hàn đạt được những bước tiến vượt bậc trong quá trình tích lũy tư bản.

Một ví dụ điển hình là sự phát triển của Hanjin Group. Từ một công ty vận tải địa phương, Hanjin đã trở thành tập đoàn vận tải và xây dựng hàng đầu Nam Hàn, đồng thời sở hữu hãng hàng không Korean Air. Sự phát triển vượt bậc này có một phần đóng góp từ các hợp đồng xây dựng dân sự mà Hanjin đã trúng thầu trong các hoạt động của Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Dưới góc nhìn của người dân Nam Hàn 

Trong khi miền Bắc Việt Nam xem cuộc tham chiến của Nam Hàn là hành động xâm lược, thì một bộ phận lớn người dân nước này lại nhìn nhận đây là một sự “can thiệp quân sự theo lời mời” (Intervention by Invitation) từ chính quyền VNCH. Trong một khảo sát vào năm 2012 của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Asan (Asan Institute for Policy Studies), có đến 80% người dân Hàn biết rõ về vai trò quân sự của họ trong chiến tranh Việt Nam. Trong đó, có đến 57% tin rằng lựa chọn tham chiến của Tổng Thống Park Chung-hee là chính xác. Khi được hỏi sâu hơn về lý giải cho hành vi tham chiến, 54% tin rằng quân đội Nam Hàn được triển khai để thu về các lợi ích kinh tế, khoảng 27% cho rằng việc tham dự vào chiến tranh Việt Nam là để cảm ơn, trả ơn người Mỹ khi họ giải cứu Nam Hàn trong chiến tranh với Bắc Hàn trước đó.

Về hiệu quả, cũng có đến 58% người Hàn cho rằng chính phủ của họ đạt được mục tiêu đề ra khi tham gia chiến tranh Việt Nam, trong khi chỉ một phần nhỏ nghi ngờ. Ngoài ra, cũng có đến 2/3 số người được phỏng vấn tin rằng việc Nam Hàn tham chiến đã tăng cường sự thân thiết và gắn bó của mối quan hệ đồng minh giữa Hàn và Hoa Kỳ.

Với tính chính danh và việc góc độ chủ nghĩa dân tộc thuần tuý, cũng như những lợi ích mà Nam Hàn thu được từ cuộc chiến, phần lớn người dân nước này nhìn nhận việc tham chiến xuất phát từ lợi ích quốc gia và cho rằng quyết định đó là hoàn toàn đúng đắn.

Điều buồn cười là ở Việt Nam, các nhóm ủng hộ Nga xâm lược Ukraina, ủng hộ chủ nghĩa hiện thực và tư duy “mạnh được yếu thua” trong quan hệ quốc tế, là những nhóm nổi điên lên nhất vì lời thoại trong bộ phim “Làm sao bạn có thể diễn nhai người Ukraina?” và ủng hộ hiện thực và lợi ích quốc gia của Nga, trong khi phát cuồng lên, chửi bới người Nam Hàn là phi đạo đức, phi chính nghĩa khi người Hàn cho rằng một cuộc chiến mang lại lợi ích quốc gia của họ là tốt đẹp.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: