Ngôi sao phim võ hiệp Vương Vũ (Jimmy Wang Yu) vừa qua đời ở tuổi 79, vào ngày 5 Tháng Tư. Báo chí tiếng Hoa ở mọi nơi từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hong Kong… đều loan tin này trong sự kính trọng. Hai ngôi sao của điện ảnh thập niên 1960 là Lý Tiểu Long và Vương Vũ được coi như là tổ nghề của phim võ thuật và võ hiệp.
Phim Võ Thuật Hong Kong – Một Thời Vàng Son |
Theo tờ ETtoday, sức khỏe của ngôi sao võ thuật suy yếu nghiêm trọng trước khi mất. Nhiều năm qua, ông mắc chứng mất trí nhớ, không thể đi lại, nói chuyện, phải đặt ống thông dạ dày để duy trì sự sống sau hai lần bị đột quỵ vào năm 2011 và 2016.
Vương Vũ được báo chí Hong Kong đánh giá là một trong số ít các ngôi sao của thời kỳ đầu điện ảnh, giàu có từ nghề nghiệp của mình, có uy tín trong làng điện ảnh Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc. Chỉ có hai nhân vật xứng đáng giữ chữ “Vương” trong nghề là Lý Tiểu Long và Vương Vũ. Báo chí cũng ca ngợi Vương Vũ là một nhân vật giữ cho sự nghiệp không có nhiều điều tiếng, như các ngôi sao trong giới diễn viên điện ảnh. Hơn 30 năm trong nghề, Vương Vũ đóng và đạo diễn hơn 60 bộ phim. Dân ghiền xi-nê của Sài Gòn cũ luôn nhớ những phim nổi tiếng của ông được trình chiếu ở các rạp lớn, cạnh tranh với các bộ phim cao bồi Mỹ lúc bấy giờ.
Cuối năm 2015, Vương Vũ bị xuất huyết não, dẫn đến tai biến phải nằm viện điều trị thời gian dài. Bảy năm qua, nam diễn viên rút lui hoàn toàn để điều trị. Bệnh ông kéo dài và tốn kém đến mức con gái của ông tiết lộ với tờ ETtoday là ông đã phải bán rất nhiều nhà và bất động sản ở Hong Kong, Đài Loan để trả tiền viện phí. Sau nhiều lần ra vào viện, ông phải đặt ống thông dạ dày để duy trì sự sống. Thần trí của tài tử cũng không còn minh mẫn, dần không nhận ra mọi người. Gia đình phải thuê hai hộ lý để hỗ trợ việc sinh hoạt hằng ngày của ông.
Đáng nhớ nhất với lịch sử điện ảnh Sài Gòn là khi ở vị trí ngôi sao lừng lẫy thập niên 1960-1970, Vương Vũ được một nhà sản xuất kem đánh răng Việt Nam mời sang đóng quảng cáo, phát ở các rạp trước khi chiếu phim. Phim được dựng công phu, quay bằng phim nhựa với chi phí cũng không ít, nhưng những người tham gia thực hiện cho biết vẫn không bằng cát-sê của Vương Vũ lúc đó. Người làm được chuyện “động trời” này là ông Vương Đạo Nghĩa – ông chủ của kem đánh răng Hynos sản xuất tại miền Nam. Ông Nghĩa là người Việt gốc Hoa, có thể nói là nhân vật mở đầu cho thời kỳ quảng cáo hiện đại và thực tế.
Nói qua về kem đánh răng Hynos. Thoạt đầu là thương hiệu của một người Mỹ dựng nên nhưng vì chuyện gia đình và cũng chưa thành công trên thị trường Việt nên vị này sang lại cho ông Vương Đạo Nghĩa, một người làm công được ông tin tưởng. Chỉ trong vòng 10 năm, ông Nghĩa đã đưa thương hiệu Hynos phát triển nhanh chóng, qua mặt các nhãn hàng quốc nội xuất hiện từ trước như Perlon, Leyna và thậm chí là các nhãn hàng ngoại nhập như Colgate (Mỹ), C’est it (Pháp).
Là người có tư duy nhạy bén, am hiểu lối kinh doanh Tây phương, làm ăn táo bạo, Vương Đạo Nghĩa luôn tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm mọi cách đưa hình ảnh sản phẩm đến tận khách hàng. Bản thân ông hiểu rất rõ sức mạnh của việc quảng cáo với cách marketing đập vào mắt người tiêu dùng, tạo ấn tượng để ghi nhớ vào tiềm thức của họ.
Trên các hình ảnh của Sài Gòn cũ, người ta vẫn còn nhớ ở các bến xe hay ngã tư lớn, hình một anh da đen cười với hàm răng trắng được trương ở những nơi đáng chú ý nhất. Quảng cáo trên báo, người ta sẽ nhớ nhanh loại kem đánh răng này với câu “Răng em, răng em trắng muốt như ngà – Nhờ kem, nhờ kem Hynos mà ra”. Quyết tâm dùng Vương Vũ để gây ấn tượng lớn, như một cú nhảy lớn vượt qua các đối thủ, ông Nghĩa chịu chi một số tiền lớn cho vụ quảng cáo này.
Kịch bản quảng cáo đầy tính lịch sử, ghi dấu về cách quảng bá thương hiệu ở miền Nam Việt Nam bằng diễn viên quốc tế Vương Vũ, được thực hiện như sau: Cảnh rượt đuổi gấp gáp. Bọn cướp rầm rập trên lưng ngựa đuổi theo xe bảo tiêu. Phi tiêu và kiếm được phóng ra. Cảnh người chết ngã xuống. Vương Vũ trong vai chính một mình chống chọi bọn cướp để bảo vệ thùng hàng. Nói chung là sôi động và dữ dội không khác gì trong Giang Hồ Kỳ Hiệp hay Độc Tí Đao do chính Vương Vũ vào vai. Cuối cùng khi kẻ địch chết hết và bên bảo tiêu cũng không còn ai, Vương Vũ quá tò mò đến chặt xích, mở hòm ra coi cái gì trong đó mà khiến lòng tham bọn cướp không màng cái chết để cướp cho bằng được. Hóa ra đó chính là kem Hynos…!
Khán giả thời trước năm 1975 đi coi phim có thói quen hò hét và vỗ tay rần rần trước những đoạn chính nghĩa chiến thắng, người hùng xuất hiện… Đến đoạn cuối quảng cáo Hynos cũng vỗ tay và huýt sáo không ngớt. Hơn hẳn các diễn viên võ hiệp thời đó, Vương Vũ là cái tên được nhắc nhiều hơn ở Sài Gòn một phần là sự thành công trong điện ảnh của ông, và một phần là từ cú quảng cáo có một không hai đó… Cũng nhờ tài làm ăn nhanh nhạy, mà trong 10 năm, ông Vương đưa Hynos từ một hãng sản xuất nhỏ lẻ ở Sài Gòn thành một công ty lớn, và dần dần xuất hiện ở thị trường Đông Nam Á và Hong Kong, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore…
____________
Ngôi sao phim võ thuật Đài Loan – Vương Vũ (Jimmy Wang; tên thật là Vương Chính Quyền – Jimmy Cheng-chuan Wang) sinh năm 1943 tại Thượng Hải. Ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh tại Hong Kong trước khi di cư đến Đài Loan vào thập niên 1970. Tên tuổi Vương Vũ nổi lên với phim Độc Tí Đao Vương (One-armed Swordsman) năm 1967. Ông được đề cử hai lần hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất của giải Kim Mã (“Đài Bắc Kim Mã Ảnh Triển”) cho vai diễn trong Thủ Túc Tình Thâm (Boxer, Lover, Lawyer) năm 1977 và Thất Hồn (Soul) năm 2013; và được đề cử nam diễn viên phụ trong Vũ Hiệp (Wu Xia) năm 2011.
Năm 2019, tại LHP Kim Mã, Vương Vũ được trao giải Thành tựu suốt đời. Tượng Kim Mã được đạo diễn Lý An (Ang Lee) trao cho Vương Gia Lộ (Carol Wong), nhận thay cho cha mình khi Vương Vũ nằm trong bệnh viện. Tại lễ trao giải, đạo diễn Lý An nói Vương Vũ đã tạo ra chuẩn mực mới cho các ngôi sao võ thuật và tiên phong trong việc khai phá một thể loại điện ảnh tạo cảm hứng và ảnh hưởng cho nhiều thế hệ sau trong đó có ngôi sao Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Phim Long Hổ Đấu (The Chinese Boxer) 1970 do Vương Vũ đạo diễn và thủ vai chính, cùng những phim khác trong sự nghiệp Vương Vũ, đã đưa đến ảnh hưởng lâu dài “ngoài sức tưởng tượng” và khiến “nhiều người khắp thế giới ngưỡng mộ” – đạo diễn Lý An nói.
_________