Tháng Tư 1975 là cột mốc thay đổi rất nhiều thứ của người miền Nam Việt Nam. Đối với giới âm nhạc, đó cũng là một giai đoạn đầy biến động nhưng ít được ghi lại. Những biến động đó bao gồm ly tán, tuyệt vọng, cái chết và sự nhọc nhằn của kiếp người từ một chế độ này, bước sang một chế độ khác.
Rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của miền Nam đã tìm đường di tản, vượt biên… với hy vọng rằng rồi mình sẽ lại được sống với nghiệp dĩ của mình ở đâu đó. Thật buồn, không phải ai ra đi cũng đã toại nguyện. Nhưng với nhiều người ở lại, cuộc đời đầy những bất ngờ sau đó, có thể còn buồn bã hơn nhiều.
Một trong những nhạc sĩ ở lại trong nước sau 1975 là nhạc sĩ Hoài Linh. Ông là tác giả của vô số những bài bolero có lời lẽ đẹp và sâu sắc như Sầu tím thiệp hồng, Căn nhà màu tím, Xin tròn tuổi loạn… Vốn là Trung uý ở Nha Cảnh sát quốc gia, nhạc sĩ Hoài Linh cũng mang nhiều nỗi lo về chuyện chế độ mới sẽ thanh trừng mình. Ngay trong những ngày di tản, ông đã dự định cùng gia đình đưa nhau xuống tàu, thế nhưng quá tiếc nuối căn nhà kỷ niệm ở đường Trương Minh Giảng, nơi ông dành dụm qua nhiều năm mới có được, nên rồi ở lại.
Ngày thường, nhạc sĩ Hoài Linh sống rất khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người, ít phô trương. Chính vì vậy mà trong hẻm nhà, nên ai cũng thương mến. Khi những nhóm công an đầu tiên vào Sài Gòn đi điều tra nhân thân của ông Hoài Linh, hàng xóm luôn nói đỡ cho ông, không ai khai chuyện ông là Trung uý Cảnh sát. Chính vì vậy mà ông Hoài Linh tránh được chuyện đi tù (hay nói theo kiểu Nhà nước Việt Nam là đi học tập cải tạo).
Nhưng đời cái may có cái rủi, khi những người bạn của mình sau khi tù cải tạo được ra đi với chương trình H.O, thì nhạc sĩ Hoài Linh có lúc cũng thấy tiếc – không phải cho mình, mà là cho con cái của mình.
Vốn là một nhạc sĩ thành danh, được trọng vọng, cũng như đang sung sức làm việc, bất ngờ bị đảo lộn mọi thứ, nhạc sĩ Hoài Linh mang một tâm trạng bất đắc chí cho đến tận lúc qua đời. Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoài Linh dành trọn tâm huyết của mình cho việc viết Thánh nhạc, phục vụ cho nhà thờ. Gia đình cho biết ông cũng từ bỏ ý định vượt biên khi thấy số người tuyệt mạng trên biển quá nhiều. Đó là giai đoạn khó khăn, khi việc gom bắt đi tù cải tạo đã qua, nhưng công an phát hiện đã bỏ sót thành phần “cộm cán” của chế độ nên ông cũng cảm thấy bất an, tù túng, nên đôi lần nghĩ đến chuyện vượt biên.
Gia đình của ông kể, một lần đón các em nhỏ đến nhà tập hát Thánh ca cho nhà thờ, nhạc sĩ Hoài Linh bị công an khu vực đến yêu cầu chấm dứt “tụ tập đông người”, ông buồn bực vô cùng nhưng cũng phải đành làm theo. Từ đó, ông hiểu mọi hoạt động của mình đều rơi là tầm ngắm theo dõi nên trở nên trầm uất. Đầu năm 1995, ông trở bệnh nặng. Thật là ngẫu nhiên nhưng cũng đầy ý nghĩa, ngày 30 Tháng Tư 1995, nhạc sĩ Hoài Linh lìa đời, để lại một sự thương tiếc cho nhiều người miền Nam. Dĩ nhiên, báo chí của chế độ mới không hề đưa một dòng tin nào.
Do không đi học tập, nên nhạc sĩ Hoài Linh bị nhiều người đồn đãi rằng có thể ông là Việt cộng nằm vùng, thế nhưng khi còn sống, nhạc sĩ Hoài Linh không bao giờ buồn đính chính. Một trường hợp khác tương tự là nhạc sĩ Anh Việt Thu. Dù nhạc sĩ Anh Việt Thu mất năm 1975, nhưng ông vẫn bị mang tiếng là Việt cộng nằm vùng do có một người em đi tập kết theo cộng sản ở miền Bắc, cũng như có bạn là nhà thơ Thiên Hà, là Việt cộng. Nhưng giờ thì điều đó có thể lý giải được: Sau năm 1975, rất nhiều bài hát của nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng đã không được phép lưu hành. Thậm chí báo chí nhà nước cũng không có lần nào nhắc đến tên ông.
Tâm trạng trầm uất và chỉ cầu mong sống để làm việc, lo cho gia đình là khuynh hướng chung của rất nhiều nhạc sĩ miền Nam đã sống trong chế độ VNCH. Nhạc sĩ Thanh Sơn, Mặc Thế Nhân, Hoàng Trang… tìm cách quy ẩn. Còn những nhạc sĩ như Lê Hựu Hà, Y Vân… thì được tuyển dụng làm cho các đoàn ca nhạc mới. Dầu có miễn cưỡng nhưng đó lại là sinh lộ cuối cùng nên các ông đành nương theo mà sống.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Y Vân cũng rất buồn bã sau ngày 30 Tháng Tư, nhất là khi một người bạn thân đi vượt biển mất tích, về sau được tin là chết trên biển. Ông tâm sự với vợ con rằng giờ chỉ còn biết làm để gia đình không lâm vào cảnh đói khổ mà thôi. Và có lẽ cũng do làm việc lao lực ngày đêm, năm 1992, nhạc sĩ Y Vân qua đời. Suốt thời gian sau năm 1975, nhạc sĩ Y Vân sống bằng nghề chỉ huy ban nhạc và hòa âm cho các chương trình biểu diễn để kiếm sống.
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng không khác gì. Những năm ông đi trình diễn trên sân khấu, rất nhiều khán giả gửi giấy lên yêu cầu các bài hát thời ban nhạc Phượng Hoàng của ông. Thế nhưng Lê Hựu Hà đành từ chối khéo, sau đó quay vào trong với ánh mắt buồn thăm thẳm: Nhiều bài hát của ông cho đến năm 2003, tức năm ông qua đời, vẫn chưa được những người Cộng sản cho phép lưu hành trở lại.
Những lúc không đi diễn, cậu ấm của nhóm Phượng Hoàng xưa tập tành buôn bán, rồi mở một cửa hàng cho thuê băng video phim lậu ở trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), Quận 3. Khách đến thuê băng, khi chưa biết đó là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, đều lấy làm thú vị với một người cho mướn băng đĩa, mà lại rất uyên bác và lịch sự.
Nhiều nhạc sĩ không thích nghi được đời sống của chế độ mới nên cũng qua đời trong nghèo khổ như nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Trúc Phương, Thanh Bình, Châu Kỳ… Nhiều năm bị bạc đãi ở các phòng văn hoá kiểm duyệt theo chính sách thanh lọc văn hoá của chế độ cũ, hầu hết những nhạc sĩ của miền Nam Việt Nam còn bị báo chí Nhà nước ghẻ lạnh vì tuân theo các chính sách tuyên truyền của ban Tuyên giáo.
Khá nhiều nhạc sĩ trước 30 Tháng Tư là sĩ quan phòng tâm lý chiến, là quân nhân VNCH, nên chuyện đi tù cải tạo và bị đày ải là điều dễ hiểu. Những ngày tháng trong trại tù cải tạo Hà Tây, nhạc sĩ V.T.A cũng là một nạn nhân vì đói, vì bị hành hạ nên đã khuất phục, trở thành tai mắt của cán bộ quản giáo và bị anh em trong trại tức giận.
Mãi sau do quá ăn năn, ông đã xin được rửa tội đi tu theo đạo Công giáo ngay trong trại tù. Đó là lý do mà nhiều năm sau khi xuất cảnh sang Mỹ, nhạc sĩ V.T.A mới quay lại với âm nhạc. Có người nói rằng ông dùng bài hát nói về cuộc đời như đá vàng trải qua và thấu hiểu, như một lời tâm tình đầy đau đớn cho cuộc sống mà ông đã có.
Nói về kết thúc trong trại tù, không thể không kể đến nhạc sĩ Minh Kỳ. Vốn là Đại uý Cảnh sát, nhạc sĩ Minh Kỳ cũng bị dồn vào trại cải tạo ở Biên Hoà. Theo lời những người ở cùng trại kể lại, bốn tháng sau ngày 30 Tháng Tư, khi đang ngồi ăn trong trại, cả nhóm sĩ quan của ông bị ai đó ném lựu đạn vào giữa, khiến thương vong mười mấy người. Nhạc sĩ Minh Kỳ hấp hối, đẫm máu, chỉ có lời với anh em trong trại là nhắn giùm với gia đình rằng ông đã chết, rồi sau đó xuôi tay. Không rõ mộ của ông sau này có cải táng hay không, vì khi chôn cất sơ sài, cán bộ quản giáo chỉ để bảng ghi tên người chết là Vĩnh Mỹ, tức tên thật của ông, chứ không hề biết đó là một nhạc sĩ tài hoa hàng đầu của dòng bolero nước Việt.
30 Tháng Tư 1975 là một cột mốc của nhiều điều mà có lẽ nhiều thập niên nữa người Việt mới biết tường tận sự thật. Và có lẽ cũng nhiều năm nữa, những trang sử nhạc còn phải ghi chú thêm những điều chưa kể hết, mà vốn nỗi muộn phiền gần nửa thế kỷ vẫn phủ tối cả quê hương.
_____
Nhắc lại ba vị đại tá VNCH là những nhạc sĩ tên tuổi
“Mai” trong ca khúc của nhạc sĩ Quốc Dũng thật sự là mỹ nhân nào?
Nhạc vàng, nước non ngàn dặm ra đi
Hát sai lời – khi nhạc vàng trước 1975 bị tước “quyền” nguyên bản