Bạn đi rồi sáng nay trời trở lạnh, nắng sớm nhẹ chiếu xuyên qua hàng cây hai bên đường soi bóng ngã trên vỉa hè, mà hơn nửa tháng nay sáng nào hai anh em cũng đi bộ song hành tâm sự. Cuộc đời có duyên lành mới gặp được nhau, quí mến nhau và còn được tới lui thăm viếng nhau lúc tuổi đời bóng xế.
Hồi ấy hai đứa ở chung trong ký túc xá gần bốn năm trời, bạn ở Biên Hòa xuống Sài Gòn, tôi từ Mỹ Tho lên, hoàn cảnh giống nhau ở tỉnh lẻ lên đô thành đi học, xa nhà thiếu thốn trăm bề, thỉnh thoảng có những tối bạn nấu cháo khuya ăn thêm với ruốc chà bông mà tôi thường được ăn theo. Đến khi ra trường, bạn nhận nhiệm sở tỉnh Lâm Đồng còn tôi lên Kontum.
Nhớ đêm hôm trước khi từ giã ở ký túc xá, bạn bè rủ nhau ra ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản nhậu cháy túi. Sáng lên đường vui vẻ. Hà Duy Bàn chở ra trạm hàng không Phạm Ngũ Lão, bạn ráng vét hết túi còn được gần hai ngàn đồng đưa cho tôi để đi đường. Bạn còn phân bua rằng bạn còn thời giờ để về Biên Hòa trước khi đi Lâm Đồng nên không sao, “tình em xin gởi chút nầy làm tin!”
Ra trường bạn có tên mới và mỗi người một ngã ít khi gặp nhau. Số là trước khi ra trường có nghị định của chính phủ cho phép một số bạn được đổi tên nếu muốn và có đơn xin nêu rõ lý do. Bạn có hỏi ý kiến mình thế nào, tôi đề nghị đổi Ip A Sám thành Diệp Thanh Sang, bạn đồng ý và nói là rất hay. Trong lớp B có Nguyễn Đ. đổi thành Nguyễn Đình Hào, Trịnh Văn Bé Ba đổi thành Trịnh Văn Ba, ngoài ra còn có hai bạn khác nữa muốn đổi tên nghe cũng hay lắm, nhưng bị từ chối vì không có lý do chính đáng.
Lâu dần rồi cũng quên đi, bất chợt có hôm ở quận, Thiếu tá quận trưởng hỏi tôi “ông phó có biết ông Sang khóa 17 không?” Trong hai lớp A và B tôi hầu như nhớ hết nhưng không có ai tên là Sang cả nên tôi trả lời không biết, đến khi ông ấy bảo là ông Sang, phó quận Bảo Lộc, Lâm Đồng thì tôi mới chợt nhớ ra bèn nói chữa lại là có biết nhưng lâu quá rồi quên, may mà ông ấy không hỏi gì thêm. Sau nầy tôi mới biết người đẹp của bạn là cháu ruột kêu ông quận Lễ bằng cậu.
Thời gian trôi đi, đất trời dung ruổi, sau 30 Tháng Tư lại gặp nhau trong trại Long Thành, ở sát bên nhau, bạn nhà 1, tôi nhà 2. Bấy giờ, mỗi tối trong bóng đèn mờ của trại, hai anh em lại len lén qua nằm trên lán với nhau để tâm sự. Buồn lắm. Khi nhập trại được ít tháng thì người đẹp của bạn sinh con đầu lòng, về ở bên nhà chồng trên Biên Hòa. Trước khi gởi thơ về cho người đẹp Lâm Đồng đặt tên cho con, bạn có hỏi ý kiến mình, tôi nghĩ ngay đến niềm tin vững vàng như tùng, như bách bèn đề nghị Diệp Bá Tùng, bạn đồng ý và nói là hay lắm.
Mãi đến tết năm Thìn 1976 bạn được ra trại, tôi còn ở lại, hai anh em khóc hết nước mắt, “xưa sao phong gấm lụa là, giờ sao tan tác…” Bạn gởi lại bộ bà ba đen “xây dựng nông thôn”, một hũ muối tiêu, vật dụng linh tinh, rồi cũng lại vét túi còn mười bảy đồng tiền chế độ mới. Nhớ lại khi xưa bạn thường hay nói đùa “đưa tiền cho cậu như muối bỏ biển” mà thương bạn vô cùng.
Gần hai mươi năm sau, vật đổi sao dời, thế sự thăng trầm, hai đứa lại gặp nhau, đầu chưa bạc mà sự đời trăm sự ngổn ngang. May thay, sau khi ra trại được vài năm bạn và người đẹp Lâm Đồng vượt biển thành công sang định cư ở Houston, Texas, ngoài đứa con trai cả là Diệp Bá Tùng bạn có thêm hai cháu gái nữa. Mọi việc đều ổn định, gia đạo yên vui.
Tôi qua Mỹ sau bạn gần mười lăm năm, khi nghe được tin bạn mừng hết sức, điện thoại thư từ rủ nhau qua Houston làm ăn sinh sống. Nhưng đất Mỹ mênh mông, gia đình bên vợ tôi hết thảy đều định cư ở Long Beach nên đành ở lại đây.
Đại hội khóa 17 năm 1997 lần đầu tiên bạn dẫn hai đứa con gái qua Long Beach thăm bác Thu, người đẹp Lâm Đồng phải ở lại Houston trông coi cửa tiệm. Nhà chật, hai đứa nhỏ có phòng riêng còn bạn và tôi cùng với Nguyễn Ngọc Quang, Nguyễn Văn Sáu, Phạm Quang Hải (Canada) ngủ ngoài phòng khách. Qua lại thăm nhau được mấy chuyến, dời nhà mấy lần, tôi ra trường có việc làm ổn định. Từ đấy, lâu lâu nhớ nhau thường hay gởi tặng quà cho nhau mà mình nghĩ rằng bạn mình rất thích.
Cách đây gần hai năm, bạn sang cửa tiệm và bán cây xăng về hưu, dự định vòng quanh nước Mỹ thăm bạn bè. Tháng Chín năm nay, bạn cùng người đẹp Lâm Đồng du hành qua Cali thăm viếng dài ngày. Một công đôi ba việc, trước hết bạn đáp xuống phi trường San Francisco, cô con gái thứ hai ra đón đưa về nhà trọ. Ở chơi mấy ngày Vùng Vịnh SF với cô con gái, thăm trường Đại học Stanford nơi con gái theo học Ph.D. nghiên cứu về đề tài “skin cancer.” Cô con gái của bạn trước đây đã là bác sĩ thú y. Chia tay với con, bạn trực chỉ San Jose thăm bạn bè.
Tại nhà Nguyễn Ngọc Diệp, với sự điều hợp của Ngô Ngọc Trung, gần hai mươi người đã đến dự tiệc hội ngộ, trong đó đặc biệt có sự tham gia của Huỳnh Hữu Hảo mấy mươi năm ăn chay sống độc thân, mới ngã mặn, lập gia đình lần đầu tiên năm 62 tuổi với cô vợ trẻ nay được hai con, đứa nhỏ nhất mới được hơn sáu tháng tuổi. Vắng mặt Thái Hồng Bé, giờ đã xuất gia đầu Phật ở làng Di Đà trở thành Thầy Thích Tuệ Quang. Suốt tuần các bạn lần lượt đưa bạn và người đẹp Lâm Đồng đi thăm đủ người, đủ cảnh ở San Jose sau đó bạn theo xe đò Hoàng xuôi Nam về Little Saigon, đóng đô tại Long Beach.
Ra bến xe đò trong khu chợ ABC đón bạn, kỳ nầy trông bạn hồng hào phương phi đẹp lão hơn, còn người đẹp Lâm Đồng thì vấn khăn phu-la trông rất quí phái, vẫn tươi vui, nhanh nhẹn như ngày nào ở Bảo Lộc.
Chưa tới nơi, qua điện thư, Huỳnh Nhân Hậu đã sắp xếp dành trọn ngày chủ nhật để đưa vợ chồng bạn về nhà chơi và đi thăm vùng biển Dana Point ở gần nhà. Ngay tối hôm đó, đại gia đình tôi có tổ chức một bữa cơm thân mật để đãi vợ chồng bạn và một ít bạn bè. Chương trình gặp gỡ thăm viếng vui chơi đầy kín hết nửa tháng, bắt đầu từ Thứ Hai, một người bạn từ San Diego lên rước về nhà rồi sau đó đưa đi chơi khắp vùng biển hết ba ngày, tới những nơi muốn tới như Sea World, bãi biển Coronado, lên tàu Midway.
Thứ Sáu vợ chồng Lê Phước Ba, Triệu Thị Ngà mở tiệc tại nhà khoản đãi vợ chồng bạn và gần hai mươi người bạn thân tham dự. Chủ Nhật, một số anh chị em khóa 17 tổ chức một buổi họp mặt thân mật tại Nhà hàng Royal Capital Seafood. Mấy ngày còn lại vợ chồng bạn đi thăm thân nhân cư ngụ vùng Orange County.
Đến tối Thứ Ba, gia đình tôi mời các bạn khóa 17 đến nhà dùng bữa cơm thân mật, để sáng Thứ Năm vợ chồng bạn từ giã Cali trở về lại Houston. Tối hôm đó vui lắm, gồm có vợ chồng Nguyễn Văn Huy tới sớm nhất, Lê Phước Ba – Triệu Thị Ngà, Chế Minh Châu, vợ chồng Ngô Xuân Vũ, vợ chồng Phạm Phước Ngữ, vợ chồng Nguyễn Viết Đức. Huỳnh Nhân Hậu giờ chót bị bệnh nên không tới được. Tạ Chương Thạnh gọi điện thoại hỏi thăm hẹn vào dịp khác. Bạn bè kể đủ thứ chuyện xưa nay không thiếu mục nào.
Suốt gần nửa tháng, sáng nào cũng thức dậy sớm, tuổi già thường như thế, quây quần nhau bên bếp lửa phòng ăn của gia đình uống cà phê, lót dạ oatmeal, rồi cùng nhau đi bộ ngoài trời, sánh đôi cặp nam, cặp nữ trước sau nói toàn những chuyện từ hơn hai mươi năm trước. Có hôm trời ít sương mù, rủ nhau ra bãi biển Long Beach, khoảng độ hơn hai mươi phút lái xe rồi đi bộ dọc theo bờ biển. Nhìn sóng vỗ rì rầm, gió biển lất phất mùi muối mặn, bất giác tôi hỏi:
– Bạn nghĩ sao từ lúc vượt biển đến nay đã hơn ba mươi mấy năm rồi lại không có một lần nào trở về Việt Nam.
– Mình không muốn.
– Có gì lấn cấn không?
– Không.
– Cha mẹ, họ hàng còn lại bên đó có nhiều không?
– Mẹ và các em bên mình cũng như bên vợ đã bảo lãnh qua Mỹ đầy đủ cả. Mồ mả của ông già cũng như của ông bà nội cũng đã cải táng đem tro qua bên nầy hết rồi.
– Về thăm họ hàng quê hương?
– Xa lắm rồi bạn ơi! Mình từ Bắc di cư vào Nam năm 1954 với hai bàn tay trắng, có bao giờ gia đình mình nghĩ là sẽ trở về miền Bắc đâu. Đến năm 1979 khi vượt biển sống chết trong bước đường cùng, mình nghĩ cũng sẽ không bao giờ trở lại. May mà tới nơi rồi cũng xây dựng lại từ đầu và mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy.
– Còn chuyện nước non thì sao?
– Lão giả an chi. Còn chút lòng ngay thẳng thì giúp cho bọn trẻ khá lên, ủng hộ chút ít tiền cho người nghèo khó mà mình biết, đóng góp cho các hội đoàn mà mình thuộc về trước đây. Thế thôi.
Hôm đưa bạn ra phi trường Los Angeles để trở về Houston, trên đường đi bạn tâm sự sang năm hy vọng anh em ở San Jose đứng ra tổ chức Đại hội khóa 17, vợ chồng bạn sẽ qua lại Long Beach để rồi cùng nhau đi xe đò lên trên đó, còn không thì đợi tới dịp con tôi tốt nghiệp, anh em mình sẽ cùng hẹn nhau qua New York họp mặt với các bạn ở bên đó…
Đường lên LAX ngắn quá, chưa hết câu chuyện thì đã tới nơi, hành khách buổi sáng đông nghịt. Người đẹp Lâm Đồng quấn quýt bên bà xã không muốn rời, còn bạn và tôi lo khuân vali gởi hành lý không nói được lời nào, đến khi xong xuôi thì thiên hạ đã xếp hàng nối đuôi đẩy ngược lên phía trước, vợ chồng tôi đành phải đứng đợi ở đầu line bên kia trước khi lên thang máy để nắm tay nói lời tạm biệt.
Nhìn vói theo bóng bạn khuất dần trong dòng người hối hả, bất ngờ bạn quay lại cười lung linh qua mái đầu bạc trắng, không nhìn thấy gì được nữa, tôi cúi xuống lắng nghe tiếng vọng mơ hồ về những lúc chia tay nhau ngày xưa mà lòng vô cùng vui sướng.
Ngày ấy xa rồi, cách nay hơn bốn mươi năm, bạn bè cũng chia tay tiễn đưa nhau mà lòng đầy hăm hở. Giã từ Sài Gòn thân yêu, giã từ ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản, nơi Thầy Bông tử nạn với biết bao nhiêu là hy vọng và canh cánh bên lòng những cầu chúc lên đường thành công “hẹn gặp nhau trên bước đường công vụ.” Nhớ lắm.