Bìm bịp kêu chiều, cô Tư lại ra bến nước như thường khi. Con nước tháng Chín ngầu đỏ phù sa, bập bềnh những đám lục bình khoe hoa tím ngắt. Trên khúc sông quanh co khúc khuỷu, màu lục bình tím lịm cả hai bờ. Màu hoa tim tím, điểm trắng tô vàng trên cánh và nhị, trông đẹp và buồn trên bến sông già cỗi với hai con nước ngược xuôi…
Hai ngày nữa là con Cúc lấy chồng. Cô ra đây giặt đồ cho con bé lần cuối trước lúc nó đi xa. Không phải con nhỏ lười nhác, hay làm nũng mẹ, mà chính cô Tư muốn làm thay một lần như hành động âu yếm cuối cùng dành cho đứa con yêu. Tội nghiệp con nhỏ, sanh ra đã không cha, ngày theo chồng lại thui thủi chỉ mỗi mẹ đưa tiễn…
Nghĩ đến đây cô Tư lại âm thầm rơi lệ. Nhớ ngày nào cưu mang con nhỏ quả là đắng cay. Tình chi cay nghiệt, sớm thì trắc trở, muộn lại đeo mang. Đến thời con Cúc cũng chẳng êm đẹp gì… Tình đầu, thương ai lại không thương, thương nhằm con trai của thằng cha Út ở bên sông… Mà nghĩ chi cũng lạ, ngày cô mang bầu cả họ đều thi nhau quở trách cái tính nhẹ dạ cả tin mới ra nông nỗi. Lúc ấy cô cắn răng chịu đựng, nhất định không nói ra ai là cha đứa bé… Không chồng mà chửa, gái ngoan ư? Có họa điên mới tin điều ấy! Lấy chuyện cô mà ngẫm đã biết! Hai mươi năm buồn tủi với bao điều sỉ nhục. Cày cọc nuôi con với sự lạnh nhạt của người thân… Tất cả là sự cấm đoán của người trên mới ra sự thể. Nếu không, cha con đã có thể nhận nhau. Ấy vậy mà tới con Cúc, cô lại cản ngăn. Trời đất! Xứ này hết người hay sao nó thương thằng Tuấn con chú Út. Ngồi sui với ai cũng được, nhưng với ông ấy thì không xong. “Người gì lỏng khỏng, da tái bủng beo, ánh mắt như mất hồn thế kia, sui gia nỗi gì?”
Nỗi buồn xa xưa bỗng nhiên gặm nhấm trái tim người đàn bà trung tuổi khi nhớ đến gã đàn ông mình đã trót lỡ lầm. Cạn tình ngoài mặt nhưng tâm tư lại xót xa. Ngôn từ có chua cay cách nào đi nữa, mấy ai hiểu được sự việc… Ngày xưa, không vì lời hứa hôn với nhà khác, có lẽ hai người đã thành vợ thành chồng như bao kẻ, đâu ra cảnh gái lành bỗng nhiên thân mang dạ chửa…
Trên bến sông này ai ai cũng quen mặt. Cứ chiều chiều cô Tư ra sông giặt giũ cũng là lúc chú Út bên kia ra tắm. Hai người tuy khác bến nhưng lại chung một dòng. Và con nước nào cũng quen bóng dáng hai người như tiếng bìm bịp gọi con nước lớn. Trời sui đất khiến chi con Cúc lại đi thương thằng Tuấn bên sông. Hai đứa chúng nó cứ thập thò ngoài bến, thấy mặt nhau lại ríu rít chuyện trò. Trai gái có tình ý giấu giếm được ai, chỉ khoảng đôi tuần là hai nhà đều biết. Lúc đầu cô Tư la mắng con Cúc đến đỗi cả xóm đến khuyên ngăn. Sau đến chú Út rầy la thằng Tuấn, bên đây sông cũng nghe thấy tiếng. Rồi như thấy khó bề ngăn cản hai đứa trẻ, hai người lớn bắt đầu trở mặt to tiếng với nhau. Mới đầu chỉ là lời trách cứ không dạy dỗ con cho phải phép, rồi tăng dần lên bằng những lời rủa sả chẳng tiếc lời. Ngôn từ nặng nhẹ đã hết, hai người bắt đầu lăng mạ và tổn thương nhau bằng lời lẽ thô tục đến độ hai đứa nhỏ chỉ còn biết khóc. Khi nước mắt của chúng bắt đầu cạn kiệt lại nhường chỗ cho sự giận dữ bởi lòng tự trọng. Và… cuối cùng tụi nhỏ cũng giận nhau theo cách của người lớn…
Rồi chiều chiều trên bến sông lại chứng kiến cảnh nực cười. Lúc tình cờ chạm mặt Tuấn thì Cúc ngoe nguẩy bỏ đi. Rồi đôi lúc thằng Tuấn lại hầm hầm tránh mặt con Cúc. Từ những tình cảm chớm nở, giờ nhường lại cho sự thờ ơ, ghẻ lạnh, cuối cùng cũng tắt ngóm như ngọn đèn dầu khô cạn… Và chuyện này lại xảy ra giữa hai bờ, với hoa lục bình tím lịm cả dòng sông…
Duyên nợ ngàn năm mới nên chồng vợ… Câu ngạn ngữ vùng quê trở nên đúng đắn khi người hai bên chứng kiến sự thay đổi của hai đứa nhỏ. Tụi nó hết duyên rồi nên mới thế, chứ như nặng nợ với nhau, sá chi những lời qua tiếng lại…
Có hôm chú Út ra sông tắm, phát hiện ra thằng Tuấn thập thò sau hàng chuối, với đôi mắt hiêng hiếng ngó qua sông. Đôi mắt già lập tức quắc lên giận dữ. Thế là thằng con trai lập tức lảng đi mất…
Bên đây sông chuyện đâu có khác, hễ con Cúc lảng vảng ra bờ sông cô Tư lại cấm tiệt, với những câu rủa sả thật nặng nề…
Bây giờ dù có muốn, nhưng với sức ép hai bên, hai đứa nhỏ cũng không còn cơ hội hàn gắn tình cảm ban đầu. Nếu như trong suy nghĩ chúng còn chút quyến luyến thì với những người già dặn vẫn còn nhiều cách để cấm đoán, cản ngăn…
Hoa tím lục bình nở rộ vào mùa hè thu. Còn tình yêu thì mùa nào để nở?
Tình yêu nào có mùa… nên chú Út và cô Tư theo sát hai đứa nhỏ từng bước một. Họ nhất quyết phá hoại cho kỳ được tình cảm hai đứa trẻ nhằm thỏa mãn tự ái bản thân…
***
Cúc lấy chồng là chuyện hỷ sự, cô Tư dĩ nhiên là vui rồi! Nhưng bên kia sông chú Út cũng hỉ hả nhìn vào đôi mắt khắc khoải của đứa con trai mà mừng lây… Nỗi vui mừng ích kỷ, nhỏ mọn dưới nhiều cách nhìn, chú vui vẻ nhận lấy như một phần thưởng, khi đã bỏ công sức và nhiều nhiều… thứ nữa… để đạt được!
Ngày xưa, lúc cưới vợ, chú Út nào có thương gì. Chỉ tại hai họ kết ước tự lúc nào không biết, đến lúc trưởng thành đám cưới đã chờ sẵn. Cô dâu, chú rể ngỡ ngàng trong ngày cưới, còn bên ngoài lại có người âm thầm khóc thương. Chú Út biết vậy, nhưng không dám cưỡng lại gia đình và cứ thế cuốn vào cuộc sống vợ chồng với người con gái mình không yêu… Tình cũ ray rứt, duyên mới bén dần, và thằng Tuấn ra đời như sợi dây ràng buộc tình cảm vợ chồng không sao chối bỏ được. Chính lúc này chú Út đã phạm một sai lầm không sao tha thứ được… Và chuyện ấy đã kéo dài hơn hai mươi năm với bao buồn nhớ, đau thương…
Sai lầm trong quá khứ là bài học đắng cay chú Út không sao quên được. Đời cha dại thì con phải tránh. Để sai lầm cũ không phải lập lại, lúc thằng Tuấn mười sáu tuổi chú đã đính ước với một nhà gái chung làng. Vậy thằng Tuấn lại có số phận giống như chú ngày xưa, nhưng khác đi một chút là trắng trong, thơ dại. Dĩ nhiên xét thân thế nhà gái tốt quá đi rồi. Trai hiền, gái ngoan… hai đằng đều vui vẻ… Rồi mọi sự bỗng nhiên thay đổi đến dị kỳ. Cái điều chú nơm nớp lo sợ lại xảy ra khi con Cúc xinh xắn hớp hồn cậu trai cưng. Nỗi sợ hãi trong quá khứ, thất bại trong hiện tại, khiến chú phẫn nộ và giận dữ với thằng con, cứ thế trút ra mãi… Dù sao cũng phải ngăn chúng, ngăn đến cùng với thái độ quyết liệt không ngần ngại… Cô Tư bên kia nặng lời thì chú cần chi phải ngần ngại… Thế là hai bên thi nhau dung tục với những lời bình thường chú chưa bao giờ nghĩ đến. Chửi rủa nhau là thế nhưng bụng dạ lại xót xa. Ngày ngày chung một dòng nước, cớ chi cư xử cách ấy. Chỉ tại hai đứa trẻ phá vỡ toan tính của người lớn mới ra cớ sự…
Cái tin con Cúc lấy chồng quả là hỷ sự. Nếu được… phép, chú đem quà mừng không hết nữa là… Như vậy mọi chuyện lại theo đúng quỹ đạo đã định sẵn. Thằng Tuấn lấy vợ, con Cúc gả chồng. Duyên nào phận nấy, còn gì vui bằng. Nếu chúng nó có buồn cũng chỉ trong chốc lát, rồi sau này đâu lại vào đó như chú… ngày nay…
Ngày trước, những lúc gặp con Cúc ra sông giặt giũ, chú Út cũng tấm tắc khen thầm. Con nhỏ càng lớn, đẹp ra trông thấy, nếu ai là cha mẹ cũng cảm thấy tự hào. Là cấm đoán tụi trẻ chú phải làm thế, chứ ghét bỏ chi nó. Bây giờ mọi việc lại khác, tuy chú không ghét, nhưng nó lại thù hằn ra mặt. Điều này chú cũng sớm tha thứ, bởi có ai ưa kẻ vừa phá bĩnh, vừa chửi bới mẹ mình…
Bây giờ nhìn ánh mắt thằng Tuấn chú lại xót xa. Cái nhìn khắc khoải, chờ mong, như tiếng gọi buồn của giống Đỗ Quyên một đời thương nhớ. Nhìn ánh mắt nó như in bóng hình kẻ khác, với nỗi buồn vời vợi, xa xăm, của con chim lẻ loi cô độc lạc bóng bạn tình. Chú thấy mình ác với tụi nhỏ, nhưng tự thân lại bảo thủ chính kiến. Có ai vun trồng hy vọng rồi dễ dàng buông xuôi… Đó chính là số phận những kẻ đi trước cũng như sự nghiệt ngã dành cho thế hệ tiếp sau…
Rồi đây thằng Tuấn cũng phải lấy vợ. Chú đã gửi nó lên thành thị, sống với người chú ruột học lấy một cái nghề. Nói như vậy chứ thật ra là giữ nó cách xa con Cúc. Đã cắt thì phải cho dứt, chứ đừng dung dưỡng, nhùng nhằng nhũng nhẵng lại sinh ra chuyện nọ chuyện kia. Mà cô Tư bên sông cũng hay! Không biết bà ta xoay xở cách nào mà con Cúc cũng được mối gả chồng. Điều này làm chú bớt thức khuya, bởi chuyện hai đứa nhỏ cứ như cái gai trong tim, châm chọc vào giấc ngủ lúc tiếng gà báo canh…
Chửi rủa nhau thế kia, con cái ai cũng tự ái giận hờn. Tụi nhỏ thù ghét và tránh mặt nhau thì trước sau hai người lớn cũng thỏa nguyện. Tuy nhiên, những lúc thằng Tuấn về thăm nhà, chú len lén nhìn xem thái độ nó vẫn thấy lo lo. Thằng nhỏ tuy không nhìn mặt con Cúc, nhưng khi bìm bịp kêu chiều lại ra sông, trông vào đám lục bình lững lờ trôi như kẻ mất hồn. Màu tím lục bình mộc mạc, giản đơn, đầy vẻ u hoài, lại khiến người ta nhớ mãi. Hoa thương thì nhớ, thử hỏi người thương có lẽ nào lại quên… Chuyện đã như vậy, chú cấm luôn nó ra bến sông nhìn con nước lớn…
Hàng xóm hiểu chuyện trách hai người lớn ác khi tìm cách rẽ chia hai đứa nhỏ. Nhưng nếu không như vậy… lại tổn thương những điều khác lớn hơn…
Hằng ngày, chú Út vẫn ra sông tắm, trông qua giang ngạn, nơi ấy cô Tư đang giặt giũ như thường khi. Động thái hai người tuy không thay đổi nhưng trong dạ lại có sóng cồn, bởi những việc cố ý gây ra nhằm bảo vệ cho mình. Dù sao, cả hai bây giờ đã có thể thở phào với cái tin con Cúc lấy chồng. Lấy chồng là đường về đã dứt, thằng Tuấn có thể yên lòng nay mai đi cưới vợ. Tình cảm đổ vỡ có thể thay vào hạnh phúc mới, rồi năm tháng sẽ tìm quên… Chú muốn như vậy lắm… và cứ mải nghĩ…
***
Cô Tư vừa xả thau đồ cho con, vừa ngó sang bên sông bằng ánh mắt hậm hực, dỗi hờn. Con Cúc lấy chồng là cô ra tay trước, chứ không phải trông chờ “lời hứa hôn trời đánh” của thằng cha Út ấy đâu. Con nhỏ đẹp người lại tốt nết, thiếu chi mai mối, chỉ đôi ba tháng cô đã sắp xếp được ngay. Nghĩ đến chuyện ngồi sui với ông ấy đã thấy lạnh cả mình, chuyện chi cũng có thể, chuyện ấy nhất định là không. Có chết, cô cũng nói vậy, cho dù con Cúc đáng thương lắm…
Từ ngày xảy ra chuyện, con nhỏ mắt cứ đỏ hoe. Cô Tư biết vậy, vẫn dửng dưng với nét mặt lạ lùng… Qua khung cửa sổ, con Cúc cứ trông xuống bờ sông, nơi tím màu hoa dại lặng lờ, người như hóa đá. Cô Tư bỗng nhiên nổi giận đóng ngay đôi cách cửa… “Đồ khỉ gió đó, nhớ đến làm gì…!”
Rồi không hiểu sao, cô quay đi với đôi mắt chợt đỏ, nhìn ra bờ sông với bạt ngàn sắc tím đương trôi…
Trai trẻ đang chung vai dựng trại cho ngày vu quy. Nhìn sự nhộn nhịp bỗng nhiên cô Tư ghét cay ghét đắng. Ngày vui của người, ngày buồn của ta… Và biết đâu, xa bên kia lại có người lặng yên để khóc…
Cúc lấy chồng là chuyện hỷ sự. Chuyện vui như vậy nhưng trong sâu thẳm cô Tư lại buồn vời vợi. Buồn vì nỗi chia xa…
***
Nhìn người đàn bà đang lúi húi bên sông, chú Út chợt thấy thỏa mãn. Thỏa mãn nhiều thứ lắm, nhưng nói sao bây giờ… Con Cúc lấy chồng trong khách dự dĩ nhiên không có chú, nhưng trong thâm tâm chú muốn làm kẻ được mời. Đơn giản, vì đó là ngày vui của hàng xóm bên sông, cũng là ngày vui cho những toan tính mong cầu. Rồi đây sẽ có nhiều oán hận cho một lão già trái tính trái nết, ích kỷ, chỉ lo cho bản thân mà chia loan rẽ phụng. Nhưng… ai biết đâu đó là hỷ sự…
Thằng Tuấn tất nhiên sẽ buồn và buồn nhiều lắm. Nhưng nỗi đau nào chẳng qua khi còn có thể…
Chú Út nhìn những bông lục bình đang tím thẫm trước buổi hoàng hôn, ngước mắt nhìn trời như lời tạ tội. Biết đâu, ngày nào đó chú có thể kể cho đứa con trai một câu chuyện. Câu chuyện được bắt đầu rằng: “Một buổi chiều trên con sông lặng lờ màu hoa tím, chú đã từng dùng mắt tiễn đưa đứa con gái “mồ côi cha” xuất giá theo chồng. Ngày ấy có nhiều người buồn lắm, nhưng vẫn là hỷ sự… Bởi chú và người đàn bà bên sông đã ngầm thỏa thuận, phá vỡ mối tình son trẻ cho một toan tính cá nhân đầy trắc ẩn. Vì đôi trái gái đó không biết rằng: Chúng chính là… chính là…”
Những giọt nước mắt đã có thể rơi và đã rơi trên đôi tay chùng thấp, trượt xuống dòng sông già cỗi, tím màu hoa dại. Một loài hoa sắc tím, tự ngàn đời vẫn thế, êm đềm chảy xuôi…