Một buổi chiều gần cuối năm sau khi dọn hàng ở chợ về mẹ đón tôi trên quầy bán sách của đứa em gái ở đầu đường trước miếu “Bốn Ông.” Mẹ hỏi tôi đã đặt tên cho đứa con gái chưa. Ngày mai đầy tháng mẹ muốn có tên để cúng vái cho đứa nhỏ. Tôi nói
– Tên khai sanh đã có rồi Má. Thôi khỏi đặt tên cúng. Chỉ gọi luôn một tên.
– Con đặt tên gì?
– Yến Khang.
Mẹ nghe xong hơi ngờ ngợ vì cứ nghĩ rằng tên đứa nhỏ cũng sẽ có hơi hướm giống mấy cô như Bạch Dung, Bạch Tràng hay Bạch gì gì đó cho giống tên lót mà ông nội đã đặt cho ba và mấy cô chú hồi trước. Mẹ không hỏi thêm nhưng cũng biết là hơi lạ.
Sáng hôm sau, mẹ bảo tôi viết ra giấy để mẹ nhớ và đọc cho suôn sẻ trong khi cúng. Các em nghe xong thì bảo tên Khang có vẻ hơi giống như tên dành cho con trai. Mẹ nói
– Tên gì cũng được miễn không trùng với bà con hai bên nội ngoại là được.
Khi mẹ lên nhang đèn lâm râm khấn vái cho đứa bé. Tôi im lặng đứng bên cạnh mà trong lòng tự biết là có trùng tên họ với một người mà tôi chỉ nghe nói đến một lần và chưa hề gặp gỡ hay biết mặt mà vẫn nhớ cho đến tận bây giờ.
Hồi ấy …
Vào một buổi trưa tháng mười, trời đang hanh nắng, gió Lào còn hắt mạnh qua hàng thông trên đồi. Từ bên kia đường, một chiếc trực thăng vội đáp xuống giữa công trường “con ngựa” có tượng vua Quang Trung phóng ngựa vung gươm hướng về phương Bắc. Trong gió bụi bay mờ mịt, một phái đoàn trung ương do Tổng thống dẫn đầu đã nhanh chóng băng ngang qua đường Phan Thanh Giản sát trước cổng cơ quan chính quyền tỉnh Kontum.
Trung tá Tỉnh trưởng ra tận cổng để đón phái đoàn và giới thiệu với Tổng thống từng viên chức đang đứng xếp hàng nghiêm chỉnh làm thành hàng rào danh dự chào đón Tổng thống và phái đoàn. Sau đó tất cả đều lên phòng họp trên lầu để nghe Tổng thống nói chuyện về hiện tình đất nước cũng như sẽ giải đáp những khó khăn thắc mắc của địa phương. Thành phần tham dự gồm các Nghị viên Hội Đồng Tỉnh, các trưởng Ty, Sở và sĩ quan Trưởng phòng thuộc Tiểu khu Kontum ngồi thành nhiều hàng ghế kê sát tường phía đối diện với bàn chủ tọa.
Trên chiếc bàn gỗ lớn đặt giữa phòng, chủ tọa buổi nói chuyện là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cùng với Thủ tướng Trần Thiện Khiêm ngồi một bên và Đại tướng Cao Văn Viên một bên. Vây quanh là các hàng ghế dành cho các Tổng bộ trưởng và sĩ quan cao cấp, trong đó nổi bật nhất là ông Hoàng Đức Nhã, trẻ trung thanh tú.
Trong suốt buổi hội họp ai cũng thỉnh thoảng quay qua, quay lại nói chuyện nho nhỏ với nhau, hoặc chăm chú nghe Tổng thống nói, chỉ riêng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm là ngồi nghiêm trang, đường bệ và bất động. Đặc biệt gương mặt ông lúc nào cũng nhìn thẳng không thay đổi trong suốt buổi thuyết trình và thảo luận. Tôi chú ý và lấy làm ngạc nhiên đến độ không biết là ông đang nghĩ gì và có theo dõi buổi họp hay không. Đó là lần đầu tiên tôi biết mặt ông.
Thế rồi chẳng bao lâu sau đó thì sự kiện ngày 30 Tháng Tư xảy ra.
Tôi ở lại Sài Gòn không di tản và đi tù. Tuy có khó khăn đói khổ trong một thời gian dài chịu đựng nhưng lại có niềm vui nho nhỏ là được nghe kể những câu chuyện cũ thời trước. Rất hấp dẫn và độc nhất không dễ gì có cơ hội để biết.
Trong tù buổi tối nào cũng vậy, sau khi tiếng khóa cửa buồng giam vừa im bặt thì trên sạp gỗ ở cuối tầng trên, gần nhà vệ sinh lại ồn ào lên những tiếng rì rầm của đám đông người tụ tập lại để nghe một ông lão tóc bờm sờm bạc phơ kể chuyện đời xưa. Nhớ đến đâu kể đến đó. Không đầu, không đuôi, không dính vào bất cứ một đề tài nào cả. Chỉ kể khơi khơi như là nói chuyện phiếm.
Bên ngoài trời tối đen như mực. Gió núi len về lạnh buốt. Ông lão đăng đàn đốt đèn dầu leo lét để mọi người đến hút thuốc lào, trà lá với nhau. Như thường lệ, chờ một đỗi sau một vài tuần trà nóng đun sôi bằng nhựa nylon đựng trong lò làm bằng lon sữa guigoz cắt đôi. Từ từ chậm rãi ông bắt đầu kể những chuyện thuộc hàng thâm cung bí sử mà chính ông là chứng nhân trong cuộc.
Chuyện kể rằng Thiếu úy Trần Thiện Khiêm vô bưng theo Việt Minh bị Tây bắt ở Chợ Gạo đem về Cần Thơ định xử tử hình để làm gương cho các sĩ quan do Pháp đào tạo. Nguyên nhân bỏ ngũ của đương sự không rõ, chỉ nghe đồn đại là do tình duyên trắc trở. Gia thế của người yêu không môn đăng hộ đối. Nguyên gốc bên nhà gái là chủ chợ Rạch Giá.
Nhưng sau đó may mắn được cứu thoát là nhờ người bà con lên Sài Gòn móc nối với một phụ nữ người Pháp có chồng là người Việt rất có thế lực trong dinh Thống đốc can thiệp nên được ân xá và trở về với hàng ngũ quân đội quốc gia. Để đánh dấu cho cuộc hôn nhân trùng phùng nầy họ bèn lấy tên hai người Yến và Khiêm ghép lại, đọc trại ra để đặt tên cho đứa con gái đầu lòng là Trần Thiện Yến Khang.
Gia đình thi ân sau nầy có người con trai là Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh bị tử nạn máy bay trực thăng ở Cần Thơ. Nhớ ơn cứu tử năm xưa. Lệnh từ Tổng tham mưu ở Sài Gòn gọi xuống bảo chờ Đại tướng Trần Thiện Khiêm bay xuống, chính tay khâm liệm.
Câu chuyện thứ hai, trong thời gian ông thất sủng đi làm đại sứ lưu vong tại Mỹ thì thân phụ qua đời tại Việt Nam nên không thể về để chịu tang. Đám tang cô quạnh ít người thăm viếng. Người quen, thuộc hạ cũng không có ai đi đưa vì sợ bị liên lụy.
Sau nầy, khi chánh phủ thành lập cơ quan Giám sát viện thì người ta thấy trong danh sách chuyển qua Quốc hội để biểu quyết thông qua có tên thầy giáo Trần văn K. ở Long An. Biết ra là do Thủ tướng đề cử. Ông là người duy nhất có mặt trong tấm hình chụp năm xưa, hôm đưa đám tang thân phụ của Thủ tướng.
Câu chuyện thứ ba, Bộ Nội Vụ trình lên Phủ Thủ tướng danh sách một số công chức ngạch A thâm niên được đề bạt vào chức vụ Tổng giám đốc. Thủ tướng chọn người xếp ở cuối danh sách là ông Lý Thái V. Sau nầy hỏi ra mới biết ông là sĩ quan truyền tin thuộc cấp dưới quyền của Trung tá Trần Thiện Khiêm hồi mấy mươi năm về trước.
Cứ như vậy suốt mấy ngàn đêm, không biết bao nhiêu câu chuyện được kể ra. Ban đầu chỉ ít người tham gia sau lâu dần có nhiều người kể hơn và số người nghe cũng đông lên có hôm ngồi chật cứng, hết cả tầng trên lẫn tầng dưới. Thật là thú vị.
Thời gian trôi đi có nhiều câu chuyện đi dần vào quên lãng nhưng giai thoại kể về Thủ tướng Trần Thiện Khiêm nghe được trong tù thì tôi nhớ mãi. Nhớ tới lại càng thấy việc ở đời còn có nhiều điều ân nghĩa thâm sâu đến như vậy.
Tuy là kỷ niệm của một thời nhưng đem lòng ngưỡng mộ cách đối nhân xử thế của người “muôn năm cũ” nên khi đặt tên cho con tôi cũng mong cho con sau nầy lớn lên học được điều nhân nghĩa ở đời khi biết được nguồn gốc tên của mình.
Đến khi con lên 5 tuổi, theo gia đình cùng ba mẹ sang Mỹ định cư vào học ở trường tiểu học tại địa phương Long Beach chung với các sắc dân. Đầy đủ cả Âu, Á, da trắng, da đen, da vàng nhưng đông nhất là người Mê–xi-cô gốc Spanish. Tên Yến Khang khó kêu nên chỉ còn gọi một âm chiếc là Khang nghe như tiếng thổ dân. Mãi cho đến khi được vào quốc tịch có quyền đổi tên. Bấy giờ hai cha con mới suy nghĩ tìm kiếm tên mới bằng tiếng Anh sao cho phù hợp. Cô giáo chỉ chỗ sưu tầm. Rất ngạc nhiên và rất đúng là đến bệnh viện, nơi có rất nhiều tên con trai, con gái họ lập thành từng danh sách theo mẫu tự ABC rất tiện lợi để tra cứu, lựa chọn. Tuy nhiều nhưng thật ra cũng không biết hết ý nghĩa và nguồn gốc nên cũng chỉ xem có tính cách tham khảo mà thôi.
Cuối cùng gia đình đồng ý chọn tên Jenny có âm đầu hơi hao hao giống chữ Yến và Khang trở thành tên chữ lót. Jenny K. Tran được sử dụng từ đó trên tất cả giấy tờ cá nhân cũng như mọi giao dịch xã hội. Lâu dần, tên Yến Khang không còn ai biết đến chỉ trừ người trong gia đình. Kể cả khi theo học lớp Việt ngữ ở Trung tâm Việt ngữ Long Beach cũng không có ai gọi tên cũ.
Mãi cho đến năm 2015 trên đường đi New York dự lễ tốt nghiệp của con ở trường Columbia, cả gia đình có ghé Philadelphia thăm người bạn học cũ QGHC là Phan Bạch Ngọc. Khi giới thiệu tên đứa con gái, bạn rất ngạc nhiên và tình cờ cho biết rằng hiện nay Bạch Ngọc là bạn thân của ái nữ cựu Thủ tướng. Bạn hỏi
– Có quan hệ quen biết gì không?
– Không có.
Thời gian ghé thăm gia đình bạn rất ngắn ngủi nên không tiện kể chuyện dài dòng và xin hẹn vào một dịp khác. Bạn cho biết là gia đình cô con gái cựu Thủ tướng hiện cư ngụ ở vùng Virginia rất gần đây và thỉnh thoảng cũng có gặp nhau. Nếu muốn, Bạch Ngọc sẽ gọi điện thoại cho biết để làm quen.
Tình thật cũng không muốn gặp gỡ để làm gì. Có chi đâu, chỉ là một chút chuyện xưa cũ thầm ngưỡng mộ với đôi điều còn nhớ. Vậy thôi.