Steve Johnson/Unsplash

Nhóm họa sĩ tập hợp từ tứ xứ, đang vật lộn với cái nắng gay gắt trong khi truyền thông báo động tia cực tím vượt quá mức quy định. Mặc kệ sự khắc nghiệt thử thách sức chịu đựng của con người, bốn tay họa sĩ cộng với tôi là năm, vẫn miệt mài với công việc bất chấp hiểm nguy dưới cái nắng như cháy lửa…
Tôi không là họa sĩ, nhưng trời vốn ban nhiều kỹ năng khác nên hội nhập khá nhanh với cái nghề đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo này.

Vòng rào Nhà Thiếu Nhi như dài hơn trong cơn nắng đang khủng hoảng. Nhìn ra xa không một bóng cây gây nhức cả mắt. Một anh bạn xa xứ, rời Huế từ năm mười ba tuổi, vớ lấy một mảnh carton lớn, cắt thành hình chữ nhật, khoét một vòng tròn vừa đủ trồng vào cái nón bây giờ đã trở nên nhỏ bé dưới cái nắng chang chang. Vành nón đã mở rộng, mắt dịu hơn để những đường cắt nét trở nên mềm mại và tinh tế.

Cái nóng như vắt kiệt sức cả nhóm, gây sứt mẻ nhân lực vào nửa buổi sáng. Những kẻ còn trụ được hầu như xấp xỉ độ tuổi năm đến sáu mươi, với khoảng thời gian tay trắng lập nghiệp đủ tạo sự chịu đựng cùng môi trường khắc nghiệt. Bên cạnh bản lĩnh, còn một điều gắn kết nhóm người nhỏ bé so với công trình khủng mà thời gian cho phép hoàn thành quá ngắn, đó chính là tình anh em. Trong hoàn cảnh như thế này tinh thần quyết định tất cả! Thế là tâm sự tuôn ra giúp con người đi đến sự đồng cảm. Nói tục, chửi thề, những mẫu chuyện cười, tất tần tật đều đem ra không chút khách sáo, chỉ nhằm mục đích duy trì tiến độ và giữ vững tinh thần. Nét vỡ tế nhị trong cuộc sống gia đình dần lộ ra trong những câu nói đùa khiến kẻ tinh ý xốn cả lòng. Rồi nhiều câu hùa theo khiến bọn đàn ông có vẻ cùng chung số phận nhưng không biết trách ai!… Khói thuốc, nước uống cần thiết hơn những món ngon và mọi cái chẳng là gì so với căn phòng được lắp máy điều hòa chờ giờ nghỉ. Công việc không nặng nề, chỉ hoàn cảnh thực hiện quá hà khắc.

Taelynn Christopher/Unsplash

Lúc thế này, thật sự bi đát nếu có cuộc điện thoại nào đó từ phía người thân yêu, thông báo tin chẳng lành hay gây nên ức chế bực bội. Sự chịu đựng gắn với thời gian. Độ kiên nhẫn từ xã hội và gia đình đã tạo ra những mảnh thép không biết oằn dưới cái nắng muốn vỡ tung đầu.

Họa sĩ kiêm nhà thơ Trần Hữu Tài là người đứng ra nhận hợp đồng với cái giá có vẻ như vừa đủ trang trải tiền công. Tôi lại coi người họa sĩ tài danh này như người anh em không chung huyết thống. Nhiều lần tham dự công trình, tôi chưa bao giờ để ý đến chuyện tiền nong, duy nhất ý nghĩa trong đầu là tiếp cận không gian, thay đổi ngoại cảnh. Lần này, tôi biết Hữu Tài muốn mua cho con trai cái laptop hơn mười lăm triệu đồng. Thế là anh ta hùng hục lao vào công việc với hy vọng rút ngắn thời gian. Có những loại đàn ông quý lời hứa hơn sinh mệnh. Tôi rất thông cảm cho nhà thơ cầm cọ này, với ước vọng anh ta sẽ hoàn thành lời hứa cùng con trai. Trong thâm tâm tôi nghĩ: Chỉ cần chút ít tiền sinh hoạt phí, vẫn lao vào biển nắng như thiêu đốt, giúp người đàn ông được cảm mến, bảo vệ lời nói với người thân.

Câu chuyện về cái laptop phút chốc đến tai mọi người. Những bàn luận âm thầm dần dần lộ ra trong cảnh thiếu sinh hoạt phí. Tôi hiểu sự im lặng của Hữu Tài khi sát bên công trình là người anh thành đạt trong kinh tế.

Sang – một họa sĩ người địa phương chuyên bảng hiệu, giúp đi nét cho kịp tiến độ, mới gặp nhau lần đầu đã đánh tiếng giúp tiền.

Có gì cay cay trong mắt, khiến tôi nghĩ đến khoảng đời lưu lạc lên đất Sài Thành cùng chiếc xe đạp và vài bộ đồ. Tiền như máu, khi túng quẫn chẳng biết hỏi đến ai!… Những nỗ lực chắt bóp, cộng với việc kinh trải qua túng thiếu, khiến những thằng đàn ông sớm hiểu nhau mà không cần lời giải thích. Thế là nhóm nhỏ trở nên cao hơn một gia đình cùng chia sẻ khó khăn trong không khí cháy lửa..

Không biết đây là công trình thứ mấy tôi tham gia cùng Trần Hữu Tài, nhưng xem ra lần này hoàn cảnh thời tiết và tình thế gây nhiều khó khăn. Câu chuyện về cái laptop theo tôi vào giấc ngủ… Có lẽ tuổi thơ tôi chưa hề được món quà nào quý như vậy thay cho những quyển vở trắng tinh đầy mơ ước. Bút, giấy vốn hạn hẹp trong thời buổi ngăn sông cấm chợ, có khoảng cách không tưởng với thời đại kỹ thuật số lên ngôi. 

Khi ước mơ trở thành hiện thực tạo ra phép màu cho hạnh phúc. Và biết đâu cậu con trai chàng họa sĩ luôn luôn vào giấc ngủ với cái laptop trong đầu! Vậy khi điều kiện đến, bất cứ người cha có trách nhiệm nào cũng không từ bỏ ý định thực hiện sự mầu nhiệm đó. Có vẻ tôi đang tham gia một công việc đầy ý nghĩa hơn là tiền bạc cho bản thân. Và sự trải nghiệm này vốn không dành cho những thành phần tiền dư của để… sá gì một cái laptop nhỏ nhoi.

Những bước chân nặng nề nện lên nền xi măng trong quán cơm trưa, tạo ra âm thanh đầy mỏi mệt. Cái nóng vắt kiệt sức những con người từng quen dãi dầu. Tình huống này xem ra nước lại đáng giá hơn một bát cơm. Mấy xô trà đá chẳng mấy chốc cạn sạch, cơm thì cứ thừa mứa…

Miệng đắng ngắt khiến thực phẩm trôi qua cổ không còn hương vị gì. Những câu chuyện gượng gạo cố tạo tiếng cười cho không khí bớt ngột ngạt cũng chẳng tới đâu. Cười vào lúc này có vẻ không thích hợp hơn là trả sự im lặng vào thư giãn.

Câu chuyện từ người họa sĩ già ở thời khó khăn, khiến tôi rơi vào khoảng không bâng quơ.

Anh nhận vẽ tại Biên Hòa, tiền đã hết, xăng chỉ đủ lượt đi. Nếu như không nhận được công trình thì lượt về… xăng hết. Dọc đường gió bụi, anh lượm được một trăm ngàn coi như kho báu. Đến nơi, chủ… vắng nhà! Thời may trời run rủi đã có số tiền nhặt được. May mắn mỉm cười. Còn số phận quay đi sẽ ra sao!?

Hành trình cơm gạo thật cay đắng! Đâu phải công trình nào cũng êm xuôi, dễ dàng nhét tiền vào túi. Trường hợp chủ hợp đồng khó, bắt sửa tới sửa lui, đồng tiền trở nên nát vụn. Có khi thiếu kiềm chế, phủi tay ra về cho đầu óc thanh thản.

Mona Eendra/Unsplash

Tôi nhớ chuyện cái laptop như cái phao tắm cho con trai mình. Thật ra cái phao ấy để cho thằng bé tựa lưng khỏi ngã ở lứa tuổi tập ngồi. Tôi làm việc tám tiếng trong xí nghiệp, tối ôm xe chạy đêm đến hai giờ sáng. Hôm đó tôi nhận khắc con chữ để đóng mã hàng. Thông thường muốn sử dụng hai chữ B phải mua hai bộ chữ hai mươi chín chữ cái, giá thành tất đội lên cao. Tôi nhận làm với giá ba ngàn đồng một con chữ. Thế là hai giờ sáng tôi miệt mài với dao khắc trên vật liệu cao su. Nhìn số chữ sắp hoàn thành khi đồng hồ đã báo sáng… Tôi không bỏ cuộc để được cái phao tắm dành cho con trai…

Những câu chuyện rời rạc, nhưng lại gắn kết nhau về tình thương và trách nhiệm, đẩy số phận đến gần sự thông cảm mà có tiền không mua được. Tôi nhớ một câu nói đâu đó, lâu rồi: Đối với người có trách nhiệm nhưng không thành đạt, sống như đọa đày.

Vì cái laptop chàng họa sĩ thiêu mình trong nắng. Vì Trần Hữu Tài cả đám anh em quên thân phụng sự cho trách nhiệm người cha. Còn tôi! Có phải nhờ cái phao tắm cho con, cũng sẵn sàng hy sinh công phí cho một nghĩa cử cao đẹp mà bản thân chưa hề bỏ cuộc?

Chiều xứ lạ, nắng gay gắt như hận thù loài người. Trong không khí khắc nghiệt đó lại đẩy nhóm người nhỏ nhoi xích lại gần nhau. Phải chăng con đường tầm cơm của người họa sĩ vốn đã nhuộm đỏ từ lúc hoang sơ, khi loài người biết yêu và biết đến từ “gia đình” dẫu có phôi pha trong mưa chiều hay hạ vàng đổ lửa.

Mặc nắng khô. Lưỡi đắng. Những làn da cháy sạm vẫn lầm lũi hoàn thành công việc của người họa sĩ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: