Dòng Dương Tử uẩn khúc

Truyện ngắn
Minh họa: sibeesh-venu-unsplash

Xe taxi chở chúng tôi dừng lại ở phi trường Trudeau, thành phố Montréal, nơi đậu của hãng hàng không Air Canada. Những sợi nắng nhẹ xuyên qua mái hiên bằng kiếng của đầu mùa Thu lung linh nhảy múa rọi trên vai áo rằn ri xanh màu lính của tôi. Mùa Thu không nơi nào đẹp hơn xứ lạnh tình nồng Montréal, nơi đây thu hút biết bao dân du lịch chỉ để ngắm nhìn những chiếc lá đổi màu!

Phi trường người tấp nập, huyên náo, kẻ ôm con, người nói lời chia tay với người thân…

Đây là lần đầu tiên tôi xa gia đình, xa người mẹ duy nhất ở Montréal để bay đến Vũ-Hán, trung tâm của Hồ-Bắc, Trung-Quốc, làm nghiên cứu sinh trong chương trình trao đổi kiến thức về vi sinh học và miễn dịch học để góp phần vào việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh trong tương lai.

Viện Virus học Vũ-Hán là một viện thí nghiệm đầu tiên, có tổ chức nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, quan hệ chặt chẽ với phòng thí nghiệm quốc gia Galveston tại Đại học Texas.

Tôi ra trường về ngành nghiên cứu vi sinh học ở Canada. Bộ Army đề cử ba người, ở ba thành phố khác nhau, trong số ấy có tôi, sang Vũ-Hán để trải nghiệm về những nghiên cứu thiết thực về vi sinh học để giúp tiến xa hơn trong ngành học và đóng góp sự hiểu biết của mình cho đất nước mà tôi đang mặc trên người bộ quân phục rằn ri với lời hứa hy sinh quyền lợi riêng tư, phục vụ cho lý tưởng của xứ cờ phong.

Người mẹ nào khi xa con cũng tưởng như sẽ không bao giờ gặp lại nữa, mẹ tôi cũng không ngoại lệ, tôi chưa từng xa bà đi một mình đến nơi đâu ngoài Montréal cả trong suốt thời gian từ lớp mẫu giáo đến đại học năm thứ hai.

Nhớ lại từ lúc vào năm thứ ba đại học tôi đã lén mẹ tự động làm đơn tình nguyện xin vào lính Canada; nguyên do là tôi tình cờ xem được một đoạn video của những người bạn tập quân sự trong trại thật oai phong, một cơ thể cường tráng với những đường nét bắp thịt nổi cuồn cuộn thật đẹp dù những giọt mồ hôi chảy nhễ nhại dưới ánh nắng chiếu rọi của buổi trưa oi bức… Hình ảnh của lòng can đảm, kiên nhẫn những lúc tập trận trườn bò bắn súng, cách sống tập thể san sẻ và trách nhiệm… làm tôi không sao ngăn nổi sự ao ước được khoác lên người chiếc áo lính rằn ri màu xanh rêu ấy. Ý nghĩ đó nung nấu từ khi tôi mới bước chân vào đại học, nhưng tôi chưa dám thực hiện vì chưa đủ điều kiện.

Mãi khi lên đến năm thứ ba đại học, tôi mới cảm thấy mình đã đầy đủ chí khí để hành động.

Thế là tôi đã lén mẹ làm đơn xin vào lính!

Ngày tôi được gọi lên làm xét nghiệm sức khỏe, vì được sinh ra tại Canada, không thiếu sữa, nên tầm vóc kích thước tôi khá cao như người bản xứ, mặc dù bố mẹ tôi chỉ tầm thước. Tôi cũng may mắn thoát qua phần thi vấn đáp một cách nhẹ nhàng, trôi chảy. Chỉ còn chờ đơn chấp nhận của họ mà thôi.

Tôi nhớ khi nhận được đơn chính thức chấp thuận vào quân đội, mẹ tôi đã sững sờ, ngạc nhiên cầm tờ đơn trên tay khi tôi mới vừa đi học về:

– Philippe… Tại sao con lại giấu mẹ…?

– Con giấu mẹ điều gì ạ!

– Còn nói không giấu mẹ sao, con đã tự động đăng ký vào lính mà không bàn với mẹ! Con biết là nếu bố còn sống cũng chắc chắn không chấp thuận chuyện này đâu! Mình đã bao nhiêu cực khổ vượt biên để sang xứ tự do, tại sao con lại vào lính đánh trận làm gì… Con không biết là nguy hiểm đến tính mạng hay sao chứ?… Mẹ lại chỉ có mỗi mình con… Con…

– Mẹ! Mẹ à! Hãy nghe con nói, con sanh ở đây, lớn lên nơi này, con phải làm nghĩa vụ của con đối với đất nước này chứ! Đi quân sự là điều mà con ao ước từ lâu rồi…

– Tại sao con không bàn với mẹ trước?!

– Con biết nếu có bàn với mẹ, mẹ… sẽ không bằng lòng đâu!

– Biết mẹ không thích, tại sao con lại cứng đầu cứng cổ như thế chứ!… Có biết bố đã bị đi học tập cải tạo mấy năm trời, suýt mất mạng bao nhiêu lần khi ra trận hồi còn ở Việt-Nam giữa hai phía đồng minh Mỹ và Cộng Sản không? Cũng chỉ vì quân đội!… Sang đây bố mất sớm cũng vì những vết thương ấy sinh độc, bố không có những ngày hạnh phúc vui sướng bên mẹ con mình vì những cơn đau hành hạ khi con mới chỉ 3-4 tuổi… Mẹ không muốn con đi vào vết xe ấy nữa khi mình có thể tránh được… Con hãy từ chối họ đi…

– Mẹ! Mẹ hãy suy nghĩ lại đi, hồi xưa bố mẹ ở quê hương chiến tranh là khác, còn ở bên này thật hòa bình, con muốn đi quân sự vì họ rất có nề nếp sống, có trật tự, tập cho mình thành con người cứng rắn, biết chia sẻ trong tình đồng đội, nhân loại…

– Thôi đừng nói nữa! Hãy trả lại tờ đơn cho họ đi, mẹ không bằng lòng, mẹ sẽ không ký vào đâu!… Mẹ đã mất đi bố con khi con còn rất nhỏ, bây giờ mẹ không muốn mất cả con nữa đâu, con hiểu chứ?…

– Mẹ … có thể nào suy nghĩ lại được không? Con sẽ học thành nhà nghiên cứu vi sinh học chứ không phải là đi làm lính đánh trận đâu, mẹ đừng lo con bị đổi sang Iran hay Iraq đánh nhau…

– … Cũng không được! Tại sao con phải cứ vào quân đội? Học bình thường như thằng Julien, thằng Henri, bạn con không được sao?… Mẹ chỉ mong có một đứa con rất bình thường khỏe mạnh… Mẹ không muốn có đứa con anh hùng, nổi tiếng… để rồi mất mạng ở một xứ sở nào đó mà mẹ không thấy được mặt mũi nó…

– Mẹ ạ, mỗi người đều có số!… Con xin lỗi mẹ!… Đó là ước mơ của con, là hoài bão của con, con không thể bỏ được đâu!

– Đồ bất hiếu!… Mày không xem tình cốt nhục của mẹ mày đã nuôi mày ăn học 22 năm nay, cực nhọc vất vả nắng mưa dậy sớm về khuya vẫn không màng, vậy mà… mày thí mạng cho những tên ở đâu đâu…

– Con xin lỗi… Mẹ… hiểu cho con…

– Thôi tao không nói nữa, mày muốn làm gì thì làm đi!

Mẹ bỏ vào phòng thất vọng và tức giận, vứt tờ đơn xuống đất, chưa có chữ ký đồng ý của mẹ!

Tôi nhặt đơn lên đặt trên bàn, trong lòng thật xao xuyến bùi ngùi thương mẹ, những lời mẹ nói thật đúng! Tôi trở thành đứa con bất hiếu từ bao giờ vậy? Trở thành đứa cứng đầu cứng cổ từ hồi nào? Tôi biết rằng mẹ sẽ chả ngủ được yên tối nay đâu!

Tôi chưa bao giờ xa mẹ, cũng chưa bao giờ tự ý làm điều mình muốn làm, không hiểu tại sao hôm nay tôi lại bất chấp lời nói của mẹ mà nhất định đăng ký vào quân đội Canada! Điều gì đã thôi thúc tôi đến thế?!

Phải chăng đó là tiếng gọi của trái tim, của hoài bão riêng mình, niềm đam mê sống tập thể, đam mê cuộc đời cát bụi gió mưa. Hình ảnh oai phong lẫm liệt, với những bước chân sải dài của những đơn vị hùng mạnh tập trận như hun đúc trong lòng tôi, tạo thêm sức mạnh và niềm tin chất chứa trong tim.

Hai mẹ con tôi chưa bao giờ to tiếng trong suốt mấy chục năm qua. Tôi là con trai và là người đàn ông duy nhất của gia đình từ ngày bố mất, nếu tôi có mệnh hệ gì thì chắc mẹ phải đau khổ lắm, mẹ đã lớn tuổi rồi, có chịu đựng được những mất mát to lớn ấy không.

Càng nghĩ tôi càng giận mình, định bụng sáng mai sẽ xin lỗi mẹ, sẽ nghe lời mẹ để thành đứa con ngoan, có hiếu thảo, bên cạnh chăm sóc mẹ những ngày tháng cuối đời, quên đi những ước mơ, hoài bão của mình…

Tôi luyến tiếc nhìn tờ đơn nằm chênh vênh trên bàn, hoài bão tương lai của tôi đã đặt cả vào đấy!… Chả lẽ đam mê của tôi lớn hơn cuộc sống của mẹ?

Hy sinh ước mơ của mình để làm niềm vui cho mẹ thật đáng lắm chứ!

Có một thứ gì đó nghèn nghẹn ở cổ, một điều gì đó thật khó nuốt…

Nhưng thôi, hãy quên đi vì chữ hiếu!

Ngước mặt nhìn lên bàn thờ bố, bố nhìn tôi thật hiền hòa, ánh mắt của những ngày xưa cũ bao dung và chịu đựng không rên la vì những vết thương mưng mủ lên cơn sốt… Bố can đảm, kiên nhẫn sống vì gia đình, tại sao tôi lại không làm được như thế chứ?!

Như tìm thấy giải pháp thích đáng, thấy tâm nhẹ nhàng hơn, tôi quyết định sẽ không làm trái ý mẹ nữa.

Tôi nhớ hồi còn rất nhỏ, bố đã ráng cắn răng đau đớn vì những chỗ lở loét ăn sâu vào người, những vết thương đã từng chữa trị ở Việt-Nam nay lại bị mưng mủ, tôi nghe mẹ kể vì “bọ độc” (vi trùng) đã ăn sâu tận trong xương trong tủy, mẹ không cho tôi lại gần vì sợ tôi sẽ bật khóc khi thấy bố có những vết thương ghê sợ… Lúc ấy tôi đã ngây thơ hỏi mẹ:

– Sao mẹ không bắt hết mấy con bọ trong ấy ra để nó khỏi cắn bố?

– Khi nào con lớn lên con sẽ hiểu con bọ độc đó không thể nào bắt được bằng tay… mà chỉ có thể tiêu diệt bằng thuốc mà thôi!

– Vậy con nhất định sẽ học về mấy con bọ độc xem nó ác như thế nào mà cắn bố đau đến thế… Con cũng sẽ học chế thuốc chống lại mấy con bọ đó!

Lên giường tôi cũng không sao chợp mắt được, bao kỳ vọng của tôi từ ngày bước chân vào đại học, tôi ước ao được phục vụ quân đội ở nơi tôi sinh ra và lớn lên để trả công ơn, góp phần bảo vệ cho đất nước thì cuộc sống này mới có ý nghĩa! Nếu chỉ học xong, đi làm, lấy vợ, trả hiếu cho bố mẹ… cuộc đời này thật quá thiếu thốn, ích kỷ và nhỏ nhoi!

Tất cả hoài bão, ước mơ, đam mê… cũng chôn vùi vì chữ hiếu sao? Tôi cảm thấy ưng ức thế nào đó…

Lom khom ngồi lên trên giường, với lấy tấm hình bố và tôi đã chụp với nhau duy nhất khi người còn khỏe, bế tôi trên đôi tay chắc nịch khi đặt chân tới miền đất lạnh này, tôi xoa ngón tay lên bộ quần áo VNCH bố khoác trên người, thì thầm:

– Bố! Hãy giúp con thực hiện ước mơ của con có được không?… Con vẫn có thể vào quân đội, rồi về thăm mẹ mà… Con hứa sẽ làm được điều này!

Tôi thì thầm nói chuyện với Bố đến ngủ vùi không hay…

***

Buổi sáng hôm sau đi học sớm, đi ngang qua phòng mẹ để chào, đã thấy phòng trống rỗng, mẹ đã rời nhà đi làm từ hồi nào.

Trên đường tới trường, tôi miên man nghĩ về bài nghiên cứu với những vi trùng bé xíu, kết hợp gen trở thành thật nguy hiểm, lây lan từ người sang người, độc hại đến nỗi có thể giết chết cả một dân tộc, một thế giới ngấm ngầm và… thầm lặng!… Nếu không có thuốc chủng ngừa!

Đây mới chỉ là nghiên cứu ban đầu, nhưng chúng tôi đã thấy nó thật đáng sợ đến chừng nào nếu virus này thoát ra bên ngoài viện nghiên cứu. Vì mới chỉ là nghiên cứu sinh năm thứ ba, chương trình sẽ được học sâu hơn và cặn kẽ hơn nếu trưởng khoa thấy sinh viên nào có khả năng về sức chịu đựng, sức kháng thể tốt sẽ được tiếp tục học lên cao và được trao đổi sang những viện nghiên cứu sinh kỳ cựu ở nước ngoài. Cuối cùng, trường đã cử ba sinh viên, tôi là một trong ba sinh viên được chọn sang Vũ-Hán, để tiếp tục làm việc nghiên cứu về loại siêu vi trùng Covid.

***

Tôi say mê theo dõi, tìm hiểu sự chuyển biến của các gen đến quên mất cả thời gian. Khi ngẩng đầu lên thì trời đã tối, tôi vội vàng rời phòng lab về nhà. Bước vào nhà đã 11:00 giờ đêm, mẹ đã vào phòng nghỉ ngơi, chỉ viết giấy để lại trên bàn “Con hãy ăn cơm, mẹ đã sửa soạn phần cơm cho con đem đi học ngày mai trong tủ lạnh rồi!”

Tôi cảm động, đến gần cửa phòng mẹ, nghe ngóng, tiếng ngáy êm nhẹ của mẹ đều đều. Mẹ đã ngủ rồi, chắc cả ngày đi làm mệt, tối mẹ phải ngủ sớm để sửa soạn cho sáng mai cũng lại phải dậy sớm!

Ngồi vào bàn ăn, chưa kịp cầm đũa thì tờ đơn xin vào lính ở ngay trước mặt, cạnh bát cơm, chữ ký của mẹ hiện rõ ngay chỗ “consent.”

Mẹ đã chấp nhận cho tôi vào lính rồi sao? Mẹ đã suy nghĩ, đã chịu thua vì những lời giải thích “cứng rắn” của tôi tối hôm qua rồi sao? Mẹ chắc phải khó khăn lắm mới ký tên vào đây! Phải hy sinh một phần nào đó vì tôi! Thương mẹ quá!

Tôi sung sướng lẫn cảm động, ôm chặt tờ giấy vào ngực, nước mắt bỗng tuôn trào, tôi muốn tông cửa phòng mẹ để ôm lấy mẹ, để gục đầu vào lòng mẹ, cám ơn người đã sống vì tôi, vì lý tưởng, hoài bão của tôi! Mẹ đã chịu thiệt thòi, chịu nhịn vì con đường tương lai của tôi muốn đạt đến!

Tôi đốt nén nhang nửa đêm để lên bàn thờ bố, đây cũng là công ơn bố đã run rủi cho mẹ thuận ý chấp nhận lời cầu xin của tôi. Chưa bao giờ tôi ăn cơm ngon đến thế, chưa bao giờ thấy cuộc đời tươi sáng và đẹp đến ngần nào!

Đêm hôm đó tôi ngủ thật ngon, với nụ cười hạnh phúc.

Tôi vẫn tiếp tục học đại học bình thường, chỉ đi tập quân sự vào những tuần nghỉ hè.  Chúng tôi được triệu tập ở Québec, lần đầu tiên khoác trên người bộ quần áo rằn ri màu xanh rêu, tôi cảm thấy thật hãnh diện là một công dân Canada, mang xứ mệnh bảo vệ hòa bình của đất nước; một cảm xúc mãnh liệt từ đáy lòng, tôi biết ơn đất nước đang cưu mang tôi và gia đình, biết ơn bố mẹ đã sanh ra tôi. Tôi thực sự đã chảy nước mắt khi cả đoàn quân chúng tôi làm lễ quốc kỳ và cùng trang trọng hứa trước lá cờ phong, tổ quốc quê hương tôi đang mang trên đôi vai, sẽ phục vụ tốt và hy sinh vì lợi ích của quốc gia trên hết!

Mỗi buổi sáng khi mặt trời mới hừng sáng từ góc chân trời, khoảng 4 giờ, tiếng chuông reng lên đánh thức mọi người cùng dậy, làm vệ sinh trong vòng 10 phút, làm giường thật ngay ngắn, gọn gàng và thẳng tắp mà tôi chưa từng làm việc này khi ở nhà, xong là phải tập trung ở ngoài sân, cạnh cánh rừng; sau khi tập thể dục, chúng tôi phải khiêng trên lưng những ngày đầu 5 ký, tăng lên 10 ký ở những ngày sau và cuối cùng là 25 ký trên lưng để chạy hết vòng đai rừng, khoảng 20 km.

Những ngày kế tiếp chúng tôi tập leo dây, trườn bò… Lúc nào cũng theo ê kíp của mình ba người một, nếu người đó té, người sau phải tiếp sức ngay, nếu người đồng đội của mình bị thương, ê kíp phải làm bằng mọi giá tiếp nhau cõng người ấy trên vai về đến đích.

Buổi tối chúng tôi được học vá may; tôi chưa bao giờ xỏ chỉ vào cây kim để vá quần áo, họ dạy chúng tôi cách luồn kim, thêu tên mình trên áo lót, quần trong, tập lên gấu quần, vá áo, ủi đồ, rửa bát…

Mỗi lần làm những công việc này tôi lại nghĩ đến mẹ, bà đã làm hết những thứ ấy từ mấy chục năm nay cho tôi không một lời phàn nàn, nhiều lúc thấy bà hít hà mút đầu ngón tay vì bị kim đâm chảy máu, tôi cũng chẳng lên tiếng, vì nghĩ đó là chuyện bình thường và hàng ngày của mẹ! Bây giờ tôi mới thấy được công lao và ơn nghĩa của người!

Sau những lần tập huấn quân trường, tôi trở về trường đại học như một con người khác, trưởng thành chững chạc, nhìn sự việc khách quan, trầm ngâm nhiều hơn nữa về nhân văn, giá trị cuộc sống.

***

Hai năm sau, tôi ra trường về ngành nghiên cứu vi sinh học, tức là tròn năm năm đại học.  Tôi phải vào làm việc cho quân đội ở Québec, thỉnh thoảng mới được về thăm nhà một lần. Mẹ cũng rất hãnh diện vì tôi, bà ngây người ngắm khi thấy tôi mặc bộ quân phục trang trọng trên người, tôi hôn lên trán mẹ khi trở về đơn vị, mẹ dặn:

– Con đi cẩn thận nhé, mẹ đã gói xong tất cả những thùng đồ ăn cho con khi cần thiết…

– Mẹ ơi, con đã có tất cả ở dưới Québec rồi, mẹ làm chi cho mất công vậy!

– Mẹ sợ con ăn đồ tây ngán thì ăn sang đồ Việt-Nam…

– Con ở gần marché IGA lắm, con sẽ chạy qua mua con gà người ta quay sẵn về ăn với salad là xong, mất công phải soupe gà, cá kho, thịt kho… Con lại ở trong trại làm việc cả ngày, đến tối mới về, làm sao có thì giờ làm đồ ăn. Thôi mẹ giữ lại cho mẹ dùng đi nhe!

– Hồi đó mẹ cứ tưởng người ta sẽ gởi con đi đánh trận ở Iran hay Iraq thì khổ thân cho con…

– Con đã nói với mẹ rồi, họ chọn con vào là để con làm về nghiên cứu vi trùng cho quân đội, làm việc cho quốc gia Canada mà, đâu phải đi đánh nhau đâu mẹ, nhưng con cũng phải học cách bắn súng để lỡ có chuyện gì con cũng biết trốn, biết leo trèo, dùng súng, biết tự vệ…

– Mẹ hiểu rồi! mẹ cũng phải đọc rất nhiều trên net mới hiểu, và chấp thuận cho con đi lính…

– Mẹ có giận con không?

– Không đâu, trái lại thấy rất vui vì con đã chọn đúng con đường của con muốn! Mẹ muốn con thực hiện được ước mơ tuổi trẻ của con… Mẹ ngăn cản mới là điều sai!

– Con thật yêu mẹ quá! Mẹ hiểu con thật nhiều! Con rất muốn được ở mãi bên mẹ để lo cho mẹ, để cùng mẹ ăn cơm tối, đi dạo với mẹ cuối tuần… Nhưng…

– Con khỏe mạnh, làm việc tốt, đó là đã trả hiếu cho mẹ rồi đó! Con hãy yên lòng, có gì phone về cho mẹ nhé… Thôi đi đi kẻo trễ!

– Vâng, con đi mẹ nhé!… mẹ! Cẩn thận nhe mẹ!

Bóng mẹ từ từ nhỏ dần trong chiếc kiếng chiếu hậu của tôi. Chiếc xe chạy vút đi, trong lòng tôi không ngưng xao xuyến nhớ về mẹ, một bóng dáng nhỏ, mảnh mai, sống nội tâm, làm hết mình vì gia đình, còn bản thân chấp nhận thiệt thòi, mẹ là thế đó!

Bây giờ chỉ có một mình, mỗi lần đau yếu thì sao đây?!

***

Hai năm ở trong quân đội tại Québec, tôi đã giúp cho phòng nghiên cứu tìm ra thuốc chống nhiều dị ứng từ cấp nhẹ đến cấp nặng, cấp chỉ huy giúp tôi học cao hơn nữa bằng cách gởi tôi đi đến viện nghiên cứu có tầm quan trọng quốc tế để có điều kiện học hỏi và kinh nghiệm hơn, một đại học bên Texas, có cơ sở tại thành phố Vũ-Hán.

Vào đầu mùa Thu, Tháng Chín 2019, khi những hàng cây lá phong bắt đầu đỏ thẫm như màu huyết dụ, trời se lạnh chuẩn bị cho những mùa tuyết sắp đến của Tháng Mười Một, lá trên cành đã thưa thớt chỉ còn trơ ra những cành cây khẳng khiu như thân phận cô độc của những kẻ xa nhà, mẹ con tôi đã phải bùi ngùi chia tay nhau ở phi trường Trudeau.

Trong ánh mắt mẹ sự lo lắng hiện rõ, nhưng mẹ vẫn cứ khỏa lấp bằng nụ cười tươi cho tôi yên lòng:

– Con cứ làm việc, nghiên cứu cho tốt nhé, đừng lo gì ở nhà…

– Mẹ! nhớ khóa cửa kỹ nhe. Nhớ tắt bếp khi mẹ ra khỏi nhà… Nhớ cẩn thận khi lái xe…

– Con nhớ ăn uống đầy đủ, đừng bỏ bữa, đừng ham làm việc quá mà quên ăn… bên đó chả có ai thường xuyên nhắc nhở con…

– Vâng… con sẽ nhớ mà, mẹ đừng lo!

– Nhớ gởi hình về cho mẹ xem con mạnh không, gởi bằng email cho mẹ nhé!

– Mẹ nhớ viết cho con biết mẹ có khỏe không… mỗi ngày mẹ nhé!… Thôi con vào đây!

– Con… cẩn thận…!

– Dạ vâng, mẹ cũng vậy ạ!

***

Tôi không còn thấy mẹ nữa, tôi đã đi vào bên trong để làm thủ tục giấy tờ cùng với hai người bạn cùng đoàn, chẳng ai nói với ai lời nào, vì trong chúng tôi còn đang quyến luyến bịn rịn hình ảnh của người thân.

Tôi tự an ủi, chỉ sáu tháng làm nghiên cứu thôi mà, sẽ trôi qua nhanh lắm, rồi sẽ về nghỉ phép một tháng bên mẹ!

Vũ-Hán là một thành phố lớn nhất của tỉnh Hồ-Bắc với những kỳ quan thiên nhiên, một trong những thành phố có nền công nghệ quan trọng thuộc về trung phần của Trung-Quốc, nằm trải dài trên bờ Dương-Tử, với những vườn thực vật, rừng mận, hoa anh đào và đầm sen tuyệt mỹ.

Nơi đây có nhiều học viện giáo dục, đại học, bao gồm cả Đại Học Vũ-Hán, Đại Học Khoa Học và Công Nghệ Hoa Trung, xếp hạng thứ ba trên toàn quốc năm 2017. Phòng thí nghiệm virus mà chúng tôi sẽ phải làm việc đã được khởi công xây dựng từ 2003, đầy đủ an toàn quốc tế và thường xuyên đưa kết quả thực nghiệm cho phòng thí nghiệm quốc gia tại Đại Học Texas và ngược lại.

Những ngày đầu mới đến chúng tôi được xếp ở chung một tầng thứ tám trong một building 12 tầng, mỗi người một căn phòng nhỏ, nhưng đầy đủ tiện nghi, đi bộ chừng 10 phút là đến viện nghiên cứu, rất tiện. Bên dưới building có một chợ nhỏ, bán đủ thứ đồ ăn, đồ ăn cho những người độc thân mua về chỉ việc bóc giấy gói ra là ăn được ngay, không phải mất thì giờ sửa soạn nhiều.

Tôi lợi dụng những ngày đầu rảnh rang, đi dạo dọc theo dòng Dương-Tử, quay một video nhỏ gởi về cho mẹ xem, cảnh thật đẹp với những di tích lịch sử từ thời Cộng Hòa còn sót lại. Mẹ rất vui khi nhận được tin tôi đã đến nơi bình an và đang thong dong thăm thắng cảnh.

Đi bộ về lại phòng ở, trời chạng vạng tối, nhưng phố xá còn tấp nập đông người, tôi định sẽ mua một tô mì thật ngon đúng nghĩa của xứ Tàu về phòng thưởng thức. Tôi dừng lại một quán ăn bán mì, tôi dùng tiếng Anh nói với họ cho tôi một bát mì thập cẩm, thế nhưng chả ai hiểu tôi muốn nói gì, họ nghe xong bỏ đi cứ như tôi nói chuyện với bức tường vậy! Bực quá, tôi thấy một người trẻ ngồi ở bàn ăn, tôi vừa chỉ tô mì, vừa nói tiếng Anh, vừa làm dấu, họ lại cúi đầu xuống húp nước soupe sùm sụp bỏ mặc những lời tôi đang nói, như không nghe!

Bụng đói, tiếng Anh không ai biết ở Trung-Quốc, thật thất vọng, định tìm một thứ gì đó ăn đại cho xong, thì thấy Zhany xuất hiện, cô là người Mỹ gốc Hoa, đến từ Đại học Texas, cùng đoàn nghiên cứu sinh với tôi. Cô tiến đến mỉm cười, nói bằng tiếng Mỹ với tôi:

– Anh đang tìm mua đồ ăn hả?

– May quá gặp cô ở đây! Có thể giúp tôi nói với họ là tôi muốn mua một tô mì thuần túy của người Hoa không?… Tôi nói mãi mà họ vẫn không hiểu!

– Hahaha ở đây tiếng Trung-Quốc là bậc nhất mà, họ không nói tiếng gì ngoài tiếng mẹ đẻ cả! Anh phải học tiếng Hoa rồi!

– Chắc từ từ tôi sẽ phải theo cô làm đệ tử thôi!

– Hum… muốn làm đệ tử tôi… không phải dễ nhe…

– Vâng! Tôi biết, trước hết cho cái bụng tôi bớt kêu cái đã, rồi tất cả tính sau…

– À há! Tôi quên mất cái bao tử của anh!

Zhany quay vào tiệm mì, giải thích chỉ vài câu, năm phút sau tôi có một tô mì thật đầy thịt, há cảo, rau cải, đủ thứ hết trông thật hấp dẫn. Còn nàng ngồi bên cạnh tôi với một ly chè sâm bổ lượng không kém phần thu hút.

Nàng vừa nhìn tôi ăn, vừa kể:

– Tôi sanh ra và lớn lên ở LA, bên Mỹ, gia đình tôi dọn qua Texas khi tôi lên sáu tuổi, khi bố tôi đổi sang làm ở viện nghiên cứu ở đó, bố tôi là người đam mê công việc, có thể nhốt mình ở chỗ làm 24/24 quên ăn, quên luôn cả gia đình… về đến nhà còn kể những công việc cho mẹ con tôi nghe nữa, nên tất cả công việc của bố hình như đã… mọc rễ trong đầu từ khi tôi còn nhỏ. Lớn lên tôi tự nhiên học về ngành này mà không thấy khó khăn gì cả… Rất lạ! Còn anh thì thế nào?

– Nhìn cô tôi cứ tưởng cô là người Hoa 100%, chắc ở nhà nói tiếng Hoa nên cô thông thạo như vậy?

– Đúng rồi, bố thì ít khi nói chuyện với tôi, nhưng mẹ thì chỉ dùng tiếng Hoa để nói với tôi thôi, tôi lớn lên ở trường nói tiếng Mỹ, về nhà là tiếng Quan-Thoại.

– Cũng may là cô rành về Quan-Thoại chứ không thì bụng tôi sẽ kêu cả đêm nay rồi, cám ơn cô nhiều lắm! Cô ở đâu?

– Tôi được xếp ở tầng tám, building này đây!

– Phòng mấy?

– Phòng 26, còn anh?

– Vậy tôi và cô có duyên rồi, tôi phòng 28, nhận tôi làm đệ tử, dạy cho tôi vài tiếng Quan-Thoại về mấy món ăn nhe, tôi sẽ hậu tạ…

– Các bạn của nhóm tôi thì lại ở cách xa tôi, họ phòng 52, 54… Kỳ lạ thật… không biết anh có quen ai trong không đó?

– Hahaha tôi có cung nô bộc tốt nên gặp toàn người tốt giúp đỡ khi gặp cảnh khó khăn!

– Anh… chắc cũng có khoa ăn nói đấy!

Cả hai chúng tôi cùng cười vang như bắt đầu cho một tình bạn thật vô tư dễ mến của những sinh viên xa quê hương.

***

Mỗi ngày chúng tôi cùng nhau đi đến viện, làm đến thật khuya mới về, có khi vì dậy sớm quá nên tôi quên cả gói cơm đã sửa soạn ở nhà, Zhany đã nhường một nửa phần ăn của nàng cho tôi.

Có một hôm trời sụp tối, tôi làm việc quên cả đói, nghe tiếng đập vào ô cửa kính, ngẩng đầu lên thấy Zhany nhoẻn cười làm dấu hiệu để tôi mở cửa cho nàng:

– Sao tối rồi mà anh lại chưa muốn về?

Tôi vươn vai cho bớt mỏi:

– Không ngờ là thời gian trôi thật nhanh…

– Vậy chắc buổi trưa anh đã quên ăn rồi… chẳng mấy chốc sẽ thành bộ xương biết đi!

Tôi cười trừ:

– Không biết bây giờ còn quán nào mở cửa nữa không nhỉ, bụng đã kêu ro ro rồi đây… À mà cô đã ăn cơm chưa?

– Dĩ nhiên là tôi đã ăn qua loa rồi mới có sức làm việc đến 10:00 giờ đêm, chứ không thì đã xỉu rồi!

Hai chúng tôi rảo bước ra khỏi viện, nàng nắm lấy cổ tay tôi:

– Đi nhanh lên một chút đi, tôi biết có quán này mở cửa trễ lắm, nhưng sắp đến giờ đóng cửa của họ rồi, chạy nhanh lên!

Nói rồi nàng tung chân chạy thật nhanh, dáng người mảnh nhỏ nên nàng chạy nhanh như con nai, tôi vừa đói, vừa mệt vì leo dốc nên nàng bỏ mặc tôi theo sau một khúc xa. Vừa leo lên được đến đầu con dốc, đã gặp nàng đang đi xuống với chiếc gamelle cầm trong tay:

– Của anh đây, suýt nữa là họ đã đóng tiệm rồi, đã 10:00 giờ rồi!

– Cám ơn cô thật nhiều… tôi đừ quá nên chạy cũng không lại cô!

– Không có gì đâu, đừng ngại…

Hai chúng tôi cùng nhau xuống dốc dài, nàng sợ té nên tôi đưa cánh tay ra cho nàng nắm lấy:

– Vịn vào tôi cho khỏi trượt nhe, dốc này hơi dài.

Nàng ngước mắt lên nhìn tôi, đôi mắt có ánh trăng long lanh trong ấy:

– Thật cám ơn anh …

– Cám ơn gì chứ! Tôi mới là người cám ơn cô đây, không có cô thì chắc tối nay không thể nào yên giấc rồi, bụng đánh trống… Mà sao cô biết đến quán ăn này mà mua vậy?

– Ai như anh đó, chỉ biết làm việc! Tôi đi ăn mỗi buổi trưa với các bạn trong chỗ làm, họ chỉ tôi chỗ này, vừa ngon vừa rẻ, nhưng…

– Nhưng sao?

– Chỉ nói tiếng Quan-Thoại! Anh không thể nào ở đây mà không có thông dịch viên!

– Bởi vậy mới biết là đi bên cạnh cô thật may mắn.

Tôi và Zhany cùng phá lên cười…

Cả con đường vắng ngắt, trời tối, những cây đào cuối mùa xuân còn lại nở rộ hai bên hồ, phát ra mùi thơm nhè nhẹ, làn nước sóng sánh qua lại khi những cơn gió thổi đến, thật lãng mạn và lý tưởng cho những cặp tình nhân.

Bất giác, nàng quay sang hỏi tôi:

– Anh đã có người yêu chưa?

– Tôi… tôi hả?… Chưa!… Còn cô?

– Hình như… tôi đã có…

– Vậy à!… Người yêu của cô đang ở bên Mỹ chứ?

– Anh ấy sắp sang đây có công chuyện rồi sẽ trở về Mỹ ngay…

– Tại sao cô lại nói “hình như?”

– Lúc thì người ấy rất thân thiết, gần gũi với tôi, lúc thì… thật xa lạ như chẳng biết tôi là ai cả!… Tôi không hiểu đó có phải là tình yêu không! Tôi chỉ hoài nghi thôi!… Còn anh, người đẹp trai, cao lớn như vậy sao lại chưa có người yêu?

Tôi bất giác mỉm cười:

– Bộ đẹp trai là có người yêu sao? Tôi nghĩ tôi chưa gặp được đúng đối tượng! Cứ như vậy chả phải tự do và vui hơn sao?

– Anh nói cũng có lý, nhưng… sẽ vui hơn nếu có ai đó cùng đi, cùng về, để cho mình suy nghĩ, tin tưởng thích hơn chứ!

Chúng tôi xuống tới dưới dốc, Zhany bỏ tay tôi ra, thọc hai tay vào túi, đi sát vào tôi vì trời hơi lạnh. Mái tóc nàng xõa dài ngang lưng, tôi ngửi thấy mùi hoa Lavender thoảng nhẹ. Trong tim tôi bỗng dưng dâng lên một tình cảm thật khó tả, ngọt ngào và ấm áp…

Đến nhà, chúng tôi cùng bấm thang máy lên lầu tám, trước cửa phòng tôi, nàng dừng lại:

– Ngày mai … tôi sẽ dành sẵn một phần cơm cho anh, nhớ đừng đem nữa nhe!

– Sợ mất công cô quá…

– Không ăn mới là mất công tôi làm đó! Anh đem dessert nhe!

***

Những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi sáu sinh viên, ba người đến từ Mỹ, Texas và ba người chúng tôi đến từ Canada, rủ nhau ra ngoại ô thành phố Bắc-Kinh, để ngắm công viên Fragant Hills nơi mà tôi thường thấy trong sách, những rừng cây phong lữ khổng lồ có màu đỏ thẫm của mùa thu giống một bức tranh thật hoàn mỹ!

Chúng tôi được tận mắt ngắm công viên thu hút khách thật đông đảo với những hàng cây hồng và hoa khói đan chéo với nhau trên những con đường tạo nên vẻ đẹp lãng mạn tình tứ đặc biệt của mùa Thu.

Các bạn tôi, người đi cáp treo để thấy vẻ đẹp lộng lẫy của công viên rộng lớn, người đi ngắm hồ nước Bắc Tân-Cương không xa nơi ấy, chỉ còn lại mình tôi với Zhany đi dạo thăm tất cả góc khuất đầy vẻ duyên dáng của công viên.

Tôi thấy mình may mắn được ngắm vẻ đẹp tươi mát của cuối mùa Hạ, rồi bây giờ là Thu đầy quyến rũ, không những chỉ mùa màng trong khiết mà cả cảnh vật thật tuyệt mỹ.

Đi một lúc, tôi và Zhany vào một quán kem gần đấy, mùi vị kem cũng rất lạ so với Bắc Mỹ. Bỗng dưng, nàng đưa thìa kem vào môi tôi:

– Anh nếm thử xem, kem dừa vừa lạ vừa rất ngon!

Tôi nhìn nàng một thoáng do dự, vì chỉ có người yêu, mới mời khách bằng chính cái muỗng mình đang dùng… hay có thể nàng xem tôi như một người bạn thân…

Thấy tôi ngần ngừ, nàng tiếp:

– Nào… há miệng ra nào!

– Bỏ vào ly tôi được không?…

– Bộ sợ nhiễm vi khuẩn hay sao?

– Ồ không! Không đâu, tôi…

Khuôn mặt nàng sát lại gần tôi, tôi nghe trái tim mình đập liên hồi, máu dâng lên muốn nghẹt thở, đôi mắt tôi từ từ khép lại khi môi nàng chạm đến đôi môi tôi.

Bên cạnh suối vẫn róc rách chảy, buổi chiều về đêm rực rỡ một màu huyết dụ.

Đó là nụ hôn đầu đời của tôi với Zhany, thật hạnh phúc, ngọt ngào, mang cho tôi thêm rất nhiều niềm tin hứa hẹn cho cuộc sống mới!

Nàng thì thầm bên tai tôi:

– Em… Anh không hiểu tình cảm của em sao?

– …

– Em …yêu anh!

Tôi nhìn nàng với cặp mắt dọ hỏi:

– Em… đã nói là có người yêu rồi mà!

– Em chưa chắc đó là tình yêu thật sự!… Nhưng… em sẽ ngưng hẳn từ đây!

– Vì… anh sao?

– Không phải! Vì em cảm thấy mình hợp với anh hơn, anh mới chính là người trong suy nghĩ của em… Còn anh ấy… chỉ yêu em khi rảnh, lúc bận thì… không hề hỏi thăm đến em! Nếu sau này thành vợ chồng thì sẽ ra sao? Sẽ bỏ mặc em!

Tôi vuốt tóc nàng:

– Anh sẽ dắt em về Canada, ra mắt mẹ anh nhé! Mẹ rất yêu quý con dâu đấy!

– Vâng! Khi mình xong khóa học ở đây!

***

Phòng làm việc nghiên cứu của chúng tôi có thể nhìn thấy nhau qua bức chắn bằng thủy tinh, chúng tôi có nhiều tổ, mỗi tổ làm một công việc khác nhau. Phía tôi làm biến đổi gen, công việc này tôi rất thích vì thấy được sự biến hóa và tác dụng của nó khi cho vào chuột hay khỉ. Đây là những nghiên cứu rất bí mật của hai nước Mỹ và Hoa! Hai cường quốc này tuy bên ngoài ngoảnh mặt làm ngơ nhau, nhưng bên trong cũng bắt tay làm chung một project bí mật, nên họ mới tuyển những nghiên cứu sinh từ Canada và Mỹ vào làm công việc này!

Người Hoa ở viện nghiên cứu khoảng chừng 200 người rất giỏi, thạo việc, là những nhà khoa học đàn anh mà chúng tôi phải học hỏi.

Tương lai, con người muốn có con trai hay gái cũng có thể được, chỉ cần cấy gen thích hợp vào người phụ nữ thôi; hay có thể cấy gen đặc biệt vào thì người ấy sẽ trông giống y đúc người mình muốn tạo ra… Nhưng tại sao phải làm trên đất Hoa? Phải chăng nơi này có thể chế tạo ra nhiều dụng cụ mà trong quá trình nghiên cứu chúng ta thường tới ví dụ như kẹp cho các ống hóa chất, các ống nghiệm, đồ bịt mặt, gants tay, bottes đặc biệt của bên trong viện… nếu tính ra thành tiền chuyên chở những vật liệu này đi thì thật tốn kém quá! Vả lại, nhân công, nhà cửa bên Trung-Quốc rẻ hơn Mỹ rất nhiều nên mọi xưởng đều đặt ở Trung-Quốc, cũng vì lý do này mà viện được nằm trên phần đất Trung-Quốc.

Ngoài việc làm biến đổi gen, viện còn nghiên cứu về vi sinh học, một phần bên kia rất bí mật mà chúng tôi không thể nào vào tham dự được. Chỉ thấy những người làm việc như những người đi lên Mặt trăng với những bộ đồ trùm từ trên đầu xuống gót chân kín như bưng, vì virus rất nguy hiểm, không thể để cho lây lan ra ngoài. Ra vào phải rửa tay thật cẩn thận, thậm chí người này mặc quần áo giúp cho người kia để không có một khe hở nào mà vi trùng có thể xâm nhập.

Tháng Mười Hai, Vũ-Hán với mùa Đông rất khắc nghiệt, cái lạnh se thắt và ẩm ướt. Mùa Thu đẹp lãng mạn, rực rỡ ấm áp bao nhiêu thì mùa Đông cả thành phố như màu tang tóc, trắng suốt. Những cây đào bị tuyết phủ dầy đặc đến trĩu nặng giống như những cánh tay ma giang ra cố níu lấy những con người đang thoi thóp sống! Cảnh tượng trông giá băng và không có sự sống!

Mỗi buổi sáng Zhany đều đến gõ cửa phòng tôi để cả hai cùng đi chung, nhưng hôm nay không thấy nàng đến, tôi nghĩ bụng “chắc người đẹp đã ngủ quên rồi đây!” Tôi vội đóng cửa phòng và bước sang gõ phòng bên cạnh số 26; một khuôn mặt mỏi mệt, đầu tóc rối bù, mắt thâm quầng lò ra ở cánh cửa mở hé, chiếc mền che kín mít cả mặt lẫn người chỉ trừ hai con mắt, nàng thều thào vừa ho khan:

– Em… em không thể đi làm được đâu, em mệt ghê lắm!… Đau cả tứ chi…

Tôi lo lắng định đưa tay mở cửa, nàng chặn lại:

– Anh hãy đi làm đi, đứng xa ra, coi chừng lây cảm… chắc mặc phong phanh quá nên cảm… em vào nằm nghỉ đây… anh đi cẩn thận nhé…

– … Ừm! anh đi làm, có gì em cứ liên lạc với anh bằng cell nhe… Thôi em vào nghỉ ngơi đi!

Cánh cửa phòng vội vàng đóng xập lại, tôi đứng một lúc bên ngoài xem có động tĩnh gì lạ không rồi mới rời đi.

Vào đến viện, tôi thấy mấy người bên phòng nghiên cứu bí mật bên kia, chụm đầu thì thầm to nhỏ, có vẻ rất quan trọng, một trong những người ấy to tiếng bằng tiếng Quan-Thoại lẫn với Quảng-Đông mà tôi không hiểu được gì, có vẻ gây cấn lắm. Tôi vòng vào nơi tôi làm việc. Mấy tiếng ho húc hắc nổi lên ở bên kia tấm kiếng thủy tinh nơi Zhany làm việc, tôi nghĩ mới đầu mùa Đông mà mọi người có vẻ cảm cúm, có thể người Á-Châu không chịu đựng nổi cơn lạnh!

Chiều, tôi ba chân bốn cẳng nhanh nhanh chạy về, ghé mua thuốc cảm cho Zhany. Phone cho nàng, không thấy người cầm phone; đập cửa phòng, cũng không thấy nàng ra mở cửa, tôi la to và tiếp tục đập cửa, một lúc mới thấy nàng hiện ra với chiếc mền dài trùm kín ló đầu ra một cách vật vã:

– Em… em thật khó thở quá! Rất mệt và khô cuống họng…

– …

Chưa kịp trấn an, cả thân nàng rơi rụng xuống đất như một trái cây chín rời cành lăn đùng xuống đất. Tôi hoảng hồn, xô rộng cánh cửa, vội vã gọi ngay ambulance…

Các bạn trong équipe vừa về tới nơi, họ xôn xao, hoảng loạn:

– Philippe, cậu có nghe gì về vấn đề siêu vi trùng Corona đã bị lọt ra ngoài và bây giờ mọi người đang bị lây nhiễm đó, rất nguy hiểm! Phải coi chừng bị lây bệnh! Hồi sáng nay trong viện tất cả mọi người đều nhốn nháo vì tin tức này… Có giáo sư Lý cũng đã bị nhiễm… Nhưng chúng ta không được phao tin này ra vì họ không muốn làm dấy động quần chúng!… Chúng mình chờ khi họ tự đưa tin này ra thôi…

Bây giờ tôi mới thực sự hiểu ra câu chuyện hồi sáng! Như vậy thật là nguy kịch đến tính mạng, không biết Zhany sẽ ra sao, vì nàng là một trong những người đầu tiên bị nhiễm khuẩn, sự lây lan rất nhanh và chưa ai tìm ra thuốc chủng ngừa cả!

Buổi tối, chúng tôi không ai có thể ngủ được, cả một tầng lầu sinh viên hỗn loạn, xôn xao. Chúng tôi cũng được biết có những bác sĩ đã loan tin cho tất cả mọi người phải đề phòng virus Covid truyền nhiễm nguy hiểm này thì bị cấp trên gạt phăng, cho là họ phao tin đồn nhảm, còn ra lệnh nếu tiếp tục sẽ bị xử tù!

Mối hoài nghi trong lòng mỗi ngày càng lớn, chúng tôi không còn niềm tin, không còn đầu óc để làm nghiên cứu hay học hỏi gì nữa! Tôi không được vào thăm Zhany khi nàng thoi thóp trên giường, chỉ nhìn thấy nàng qua khung cửa kiếng từ xa. Nàng thở thật nặng nhọc, đôi mắt khép chặt, hai tay đè chặt lên ngực vẻ như đau đớn lắm, những cơn ho dài như xé phổi. Tôi đưa tay làm dấu cho nàng thấy sự có mặt của tôi bên ngoài để nâng đỡ tinh thần.

Nàng nhìn thấy tôi, cố gắng ngồi dậy, môi mấp máy nhưng tiếng nói không thể phát ra được, nhìn tôi thật lâu, nước mắt ràn rụa chảy, tôi đọc được trong ấy sự yêu thương của nàng dành cho tôi, sự vô vọng và mất niềm tin. Cũng có thể đây là lần cuối cùng nàng và tôi có thể nhìn thấy nhau qua tấm kiếng chắn này! Ngồi một lúc, nàng lại lên cơn ho thật dữ dội, cả người co rúm, tôi vội chạy đi gọi người cấp cứu, họ cho Zhany thở bình oxygen, chích nước biển vào veine tay, nàng thở nhẹ nhàng hơn, và thiếp đi trong cơn mệt mỏi…

***

Tình yêu đầu đời của tôi… sao vất vả thế!

Tôi đã đặt cả cuộc đời vào người con gái mong manh đang nằm trên giường bệnh, nàng có vượt qua được cơn bệnh ngặt nghèo không? Hay sẽ làm tôi mãi mãi mang mối sầu u uất?! Có phải tình yêu của tôi chưa đủ duyên lành? Bất chợt những dòng nước mắt nóng hổi lăn dài xuống má!

Mỗi ngày người bệnh được khiêng vào bệnh viện đông hơn, khiêng vào nhưng không thấy ai được xuất viện cả! Mỗi buổi chiều đi làm về tôi đều nghe tiếng ho thảm thiết như xé toạc buồng phổi, tiếng khóc vì sợ hãi, lẫn với tiếng than vãn như những cơn sóng lớn đập vào bờ đá ồ ạt!

Tôi ngồi yên lặng lẽ trên bờ sông Dương-Tử, có chỗ nước đã đông thành băng, có chỗ vẫn còn lỏng, mùa đông tuyết phủ đầy thật lạnh trên từng cành cây đến phiến đá, tôi không còn cảm giác nóng lạnh nữa, đầu óc như điên cuồng, phẫn nộ, cảm thấy mình bị lừa dối chà đạp, mạch máu muốn tung vỡ, muốn chất vấn, muốn đập đổ một guồng máy thống trị phi lý của nhà cầm quyền Trung-Quốc, họ giấu giếm che lấp để đến bây giờ kẻ trả giá đắt là dân chúng vô tội!

Trái tim tôi thắt chặt lại mỗi khi suy nghĩ không biết làm sao để cứu Zhany thoát khỏi cảnh bệnh hoạn này. Nàng chỉ chờ chết mà thôi vì thuốc chưa tìm ra, bệnh nhân quá tải…

Tôi lén nhìn thấy từng chiếc xe camion chất đầy xác chết từ nhà thương đem đi thiêu vào những buổi xế chiều, những người bệnh chết không được tẩm liệm như những cái chết bình thường, mà đưa thẳng vào lò hỏa thiêu để tránh bệnh dịch lan ra thêm. Tiếng khóc nức nở tức tưởi của người thân chạy theo sau chiếc xe chở xác vang lên thật rõ trên con đường vắng vẻ đìu hiu giữa cơn dịch! Có những người quá đau khổ, đứng không vững, tay nắm theo chiếc xe chở thây người, rồi té xỉu lăn ra giữa đường… Tôi đứng lặng im sau bức tường gạch đang xây dở dang gần viện nghiên cứu nước mắt cứ tuôn trào, thương cho thân phận những người dân Trung-Quốc!

Cuối cùng, nhà nước cũng đành phải dùng biện pháp cách ly toàn Vũ-Hán, những cọc thép được đóng khắp thành phố như một vòng đai lồng gà nhốt những người đang bệnh dịch. Họ đập hết những tượng đài xung quanh viện để lấy chỗ xây thêm một bệnh viện dã chiến cả ngàn giường để đáp ứng cho con bệnh mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân!

Chúng tôi là những nghiên cứu sinh ngoại quốc nên bị cách ly ở yên trong phòng riêng, không được nói chuyện với ai, sợ lây bệnh, phải đeo khẩu trang mỗi lần đi ra mua đồ ăn. Còn những sinh viên bản xứ vẫn phải đi làm để tiếp tục tìm ra thuốc kháng sinh.

Tuần thứ hai ở Vũ-Hán sau khi bị cách ly. Sáng sớm từ trong phòng nhìn xuống toàn cảnh đường phố, những con đường vắng ngắt, không còn chút sinh khí của một thành phố sầm uất, từng là trung tâm mua sắm của toàn tỉnh Hồ-Bắc. Những cảnh sát đeo dùi cui và súng đi trên đường để phạt những người dân không tuân theo lệnh ở yên trong nhà.

Bỗng dưng tiếng ré khóc rùng rợn vang tận đến phòng; tôi mở cửa ra nhìn, một đoàn cảnh vệ đang lôi từ trong phòng ra một người bệnh đang trốn trong nhà, bà ta bị lây nhiễm virus nhưng vì quá sợ hãi, bà đã không dám ra khỏi phòng đến bệnh viện. Bà bị đám cảnh binh vừa khiêng vừa kéo, lôi ra khỏi phòng, bà vẫn hét lên không chịu đi, họ xông đến khiêng trói bà lên xe như bắt một con lợn vậy!

Thông thường khi có bệnh, người ta thường tự mình đến bệnh viện, còn đằng này chính quyền dùng vũ lực để bắt ép, áp tải người bệnh vào nhà thương, khi vào đến nhà thương họ không chắc được chữa khỏi vì không còn chỗ nằm, cũng như không đủ dụng cụ y học thì xác suất sống còn thật mong manh!

Tôi không thể nào tin vào mắt mình cách đối xử của đảng cộng sản Trung Quốc với con người mà tôi chưa từng bao giờ thấy từ lúc sanh ra!

Chỉ nhìn những chiếc xe vận tải bít bùng chở xác những người chết vì Covid-19, tôi đều cúi đầu tưởng niệm, cầu nguyện cho họ sớm tiêu diêu về miền cực lạc; cũng tự hỏi không biết trong những người nằm xuống ấy có… người con gái tôi yêu hay không? Tôi không phải là người thân của nàng nên không biết chút tin tức nào, trong lòng thật đau đớn khi tôi nghe kể những người bệnh nằm lâu chưa khỏi đã được chuyển đến một nơi khác để dành chỗ cho những người tới sau cần được chữa.

Nơi đây, chỉ mới bốn tháng, như một chứng nhân tồn tại, họ đã cho tôi thấy thật nhiều thứ, phải gan lỳ, giẫm đạp lên nhau vì mạng sống, vì quyền lợi riêng, và nhất là phải có máu lạnh! Chỉ có người có máu lạnh mới có thể vứt những xác người còn thoi thóp vào lò lửa thiêu sống! Những tiếng thét kinh hoàng ấy tôi không thể nào quên cho cả cuộc đời này!

***

Thời gian nơi đây trôi qua thật chậm, như muốn đầy đọa, đe dọa con người, như nhồi vào óc một thứ tình cảm chát chúa đắng ngắt… Những con đường vắng hoe, cây cối xác xơ, không tiếng chim hót buổi sáng, không tiếng suối chảy, mà chỉ có ngọn khói trắng ùn ùn bay lên mù mịt đất trời, mùi tử thi nồng nặc từ những nhà máy đốt xác không xa, tất cả tạo thành một sự ô uế trong không khí, khiến cho những tiếng ho ngày càng nặng!

Tuần thứ tư sau cơn dịch Covid-19 bùng nổ, chúng tôi được tin chính quyền Canada sẽ đem máy bay sang Trung-Quốc để đón công dân sinh viên về nước. Lòng mừng khôn xiết, vì đã lâu chúng tôi không được tin tức của người nhà; chính phủ cấm không cho chúng tôi liên lạc ra bên ngoài, vì khi đến họ đã phát cho mỗi sinh viên một chiếc điện thoại di động Huawei với internet mà họ đã cài đặt sẵn như để theo dõi tất cả mọi hành vi của mỗi công dân.

Hãng hàng không Air Canada chỉ được phép đậu ở phi trường Nội-Bài, Việt-Nam; Air China chở chúng tôi từ Vũ-Hán đến Nội-Bài để trả tất cả các công dân ngoại quốc về nguyên quán!

Ngồi trên máy bay quay về nước, ai cũng phải đeo khẩu trang, chả ai nói với ai lời nào, những khuôn mặt mang đầy vẻ lo âu, tâm hồn nặng thương tích, mỗi người chúng tôi ai nấy cũng đều mang theo cho mình sự ghi nhớ tồi tệ nhất của sự cai trị của đảng cộng sản Trung Quốc. Những nghiên cứu sinh của hai nước Mỹ và Canada có chung một suy nghĩ: nhà cầm quyền Trung-Quốc có đối xử với dân của họ như những con người thực sự không? Chúng tôi đã trở thành những nhân chứng sống một cách bất đắc dĩ cho sự đối xử dã man, che đậy sự thật và xảo quyệt nhất nhân loại ở thế kỷ thứ 21 này!

*

Hiện giờ khắp mọi nơi trên đất nước, dịch bệnh hoành hành, xâm nhập vào cơ thể của bất kể già trẻ lớn bé, từ quan chức cao cấp đến người hạng dân thường, vi sinh vật vô tội bé nhỏ, mang tên Covid-19 vừa được chính quyền Trung-Quốc tạo ra chưa bao lâu ấy vui tươi nhảy tứ tung từ người này sang người khác như một cuộc du ngoạn không bến bờ, chúng không biết là đang làm khuynh đảo cả vũ trụ loài người… và chúng cũng không biết chính vì chúng mà các bác sĩ, nhà khoa học không thể ngủ ngon, họ là tuyến đầu chạy đua theo thời gian tìm thuốc ngăn chặn sự lây lan của các em bé Covid-19 vô tội vạ!

Tôi không biết nên trách ai, trách những em bé Covid-19 mới được hình thành? Hay trách người đã tạo nên chúng? Sanh chúng ra đời nhưng không hoàn hảo, thiếu thốn chăm sóc để chúng có những tật xấu ma mãnh mà không dậy chúng biết nằm yên ngoan ngoãn vâng lời khi gặp những cơ thể có sức kháng cự yếu…

*

Từ cuối Tháng Chín đến nay, gần nửa năm tôi chưa liên lạc được với mẹ vì bao nhiêu biến cố ngoài ý muốn. Giờ đây ra khỏi Hoa Lục, điều đầu tiên là phone về cho mẹ ngay, tiếng mẹ lộ rõ vẻ vui mừng như trút bao sự lo lắng:

– Con trai, Philippe hả? Con khỏe không? Con đang ở đâu? Con…

– Mẹ!… Mẹ ơi, con thật nhớ mẹ! Mẹ khỏe không? Mẹ…

– Mẹ khỏe lắm… Mẹ đang ở nhà vì chính phủ có lệnh cấm… sợ lây lan con à!… Vậy con có về nhà được không? Mẹ sẽ nấu đồ ăn chờ con về…

– Không! Không được đâu mẹ, con mới về từ Trung-Quốc, bây giờ phải cách ly 15 ngày ở trại lính của chúng con ở tận Québec lận, con sẽ phone cho mẹ thường xuyên, sẽ facetime mẹ nhé; con đã rất lo lắng đến mẹ… Những ngày ở nhà có chuyện gì không hả mẹ?

– Không đâu con, tất cả yên ổn lắm! Con bình an là mẹ mừng rồi! Nhớ ăn uống đầy đủ con nghe, còn các bạn con thế nào? Họ cũng mạnh khỏe bình thường hết chứ?

– Vâng… tụi nó không sao hết mẹ ạ!

– Mẹ rất vui khi con trở về bình an, bây giờ con nghỉ ngơi đi, có gì thì ngày mai nói chuyện với mẹ sau, chắc con cũng mệt lắm!

– Có gì ngày mai con sẽ phone mẹ nhé, nhiều chuyện muốn kể cho mẹ nghe ghê lắm, nhưng bây giờ thì con mới về tới trại thôi, con phải ra tập trung với mọi người mẹ nhé!

– Được rồi, ngày mai hãy nói sau con trai ạ, cho mẹ hỏi thăm đến các bạn của con! Sau này khi về lại Montréal nhớ rủ họ về nhà chơi và ăn cơm với mình…

– Dạ vâng…

Tôi sực nhớ đến Zhany. Nàng thật cô độc lẻ loi trong nhà thương, người mà tôi đã định giới thiệu với mẹ. Không biết nàng đã chết hay còn sống, thật trớ trêu thay!

Hình ảnh cuối cùng của nàng trong trí nhớ tôi, khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt sáng thông minh, nụ cười thật tươi với chiếc răng khểnh, mắt tóc dài nâu đen màu hạt dẻ, mỗi lần nói chuyện cặp mắt như cùng nói với đôi môi đỏ hồng, Nàng còn cả một tương lai dài trước mắt, tại sao lại phải chấm dứt cuộc sống vì một sinh vật bé con vậy chứ! Tôi không chịu thua! Tôi phải kiện chuyện này! Nhưng kiện ai? Kiện chế độ cộng sản Trung Quốc đã không báo trước với nhân loại khi họ biết có bệnh dịch lan truyền? Hay kiện những nhà khoa học đã không kịp bào chế ra những viên thuốc màu nhiệm kịp thời để cứu sống bệnh nhân? Mà có phải chỉ riêng gì Zhany đâu, cả chục ngàn người đã bỏ mạng vì virus Covid-19 cơ mà!

Tôi tin rằng mọi người sẽ thức tỉnh sau vụ Covid-19, cả thế giới sẽ đồng tâm kiện nhà cầm quyền Trung-Quốc đã tạo nên vi sinh vật này, đã giấu nhẹm khi chúng nó thoát ra, đã bưng bít khi chỉ có một số ít người bị thiệt mạng, đã đối xử không có tính người đối với những người dân mắc bệnh, sau đó đã vu khống, đổ vấy lên một đất nước khác, là Mỹ, đã làm lây lan vi khuẩn Covid-19 chứ không phải họ!

Tôi tin rằng khi hết dịch, khi thế giới trở lại yên bình như xưa, nhân loại sẽ lên án những tên chủ mưu đã bày ra sự việc này! Tôi tin sẽ lấy lại được công bằng cho thế giới, cũng như trả được “mối thù” này cho người tôi yêu!

***

Tôi ít khi đến chùa lạy Phật, nhưng lần này vì Zhany cũng như cả thế giới, tôi xin khấn đầu van vái Phật Tổ hãy thương xót cho loài người, mong cho các nhà khoa học, nghiên cứu tìm được thuốc trừ virus Covid-19. Tôi cũng thầm cầu xin những em bé vi sinh vật này hãy đừng làm tay sai cho những người độc ác gieo rắc tàn sát những người vô tội trên thế giới, hãy nằm yên, hãy bỏ xuống những vòi bạch tuộc gieo trứng ác, hãy ngủ yên để cả nhân loại sẽ nhớ ơn em! Phải chăng các em cũng là nạn nhân của những kẻ đang muốn làm bá chủ thế giới?

Mỗi buổi sáng tôi dậy rất sớm để tập thể dục, chưa bao giờ tôi thấy cảnh lặng yên đẹp đến thế!

Đầu tháng Tư, mùa Xuân đã đến, không phải mùa Xuân yên vui rộn ràng rực rỡ như mọi năm, mà một mùa Xuân thật thầm lặng, mùa Xuân của lo lắng khi mới bắt đầu của một ngày!

Từ xa Mặt trời đang ló dạng dưới chân núi, tỏa sáng một vùng bao la rộng lớn, tiếng chim hót thật thanh và rõ giữa bầu không khí trong lành mà hôm nay tôi mới thực sự để ý đến!

Nhờ có bệnh dịch Covid-19 mà chính phủ cấm tất cả mọi người không được ra đường, ở yên trong nhà trong mấy tuần liền, nên khí thải giảm rất đáng kể, không còn tiếng ồn ào xe chạy, tiếng nói huyên náo vào bốn giờ sáng để họp chợ hay chuẩn bị công việc.Tất cả thật tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng chim líu lo làm trái tim tôi thật rung động!

Ngoài tiếng chim còn có tiếng xào xạc của những bước chân rất nhẹ của những chú sóc, nàng nai ở bìa rừng gần bên. Mùi thơm của đất mới, của mùa Xuân đang trỗi dậy, tôi bàng hoàng cảm xúc dâng trào trước vẻ đẹp của thiên nhiên chưa từng thấy!

Tôi tự hỏi tại sao loài người bị lầm than với nỗi sợ hãi dịch bệnh? Đến bao giờ mới chấm dứt, đến bao giờ chúng tôi mới trở lại những hoạt động bình thường như xưa? Chúng tôi đã làm gì để bị thiên nhiên trừng phạt nặng nề thế? Tôi nhớ mẹ từng hay nói “Bất kỳ sự việc gì xảy ra trong đời cũng đều có một thông điệp nhắn gởi.”

Vâng! Tôi đã hiểu! Chúng đến rồi sẽ ra đi…

Tôi thầm biết ơn những em bé Covid-19 đã đến với thế kỷ 21 để truyền tải cho loài người chúng tôi: Hãy sống đoàn kết, yêu thương, trân trọng thiên nhiên và môi trường sống! 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: