Khói bốc lên từ phòng trưng bày ở London của họa sĩ Damien Hirst vào ngày 11 Tháng Mười khi 1,000 bức tranh “chấm” (spot) có chữ ký của ông bị chính ông cho vào lò trước sự chứng kiến của truyền thông. Hàng ngàn cái khác cũng sẽ được biến thành tro trước khi hết Tháng Mười.
Dự án “đốt” gây sốc
Tuy nhiên, đây không phải là màn quẫn trí. Toàn bộ tầng hai của Newport Street Gallery (London) hai tầng tràn ngập mùi giống như đốt lửa trại khi các nhà báo và đội quay phim chen chúc để chứng kiến Hirst, 57 tuổi đưa hết bức tranh này đến bức tranh khác vào sáu lò đốt.
Sự kiện được được chiếu trực tiếp trên màn hình trong phòng trưng bày cũng như trên mạng xã hội Instagram là một phần của dự án “The Currency” do Hirst khởi xướng cách đây sáu năm để tạo ra 10,000 bức tranh “chấm” độc đáo. Thay vì bán các tác phẩm, họa sĩ người Anh cất giữ chúng trong nhà kho an toàn (vault). Và thay vì cho các nhà sưu tập cơ hội mua một trong 10,000 bức tranh NFT ông cho họ lựa chọn: Hoặc đổi “bức tranh kỹ thuật số” (digital token) họ mua được sau hạn chót để lấy bức tranh thật (physical paint) giống như thế hoặc cho phép bức tranh thật được đốt. 4,851 người đã chọn cách thứ hai.
Dù Hirst từ chối các cuộc phỏng vấn trước đó, nhưng ông lại vui vẻ trả lời câu hỏi từ phía sau rào chắn về giá trị của một tác phẩm kỹ thuật số (NFT) so với bức tranh thật của nó. “Đối với tôi không có sự khác nhau ở đây mà chỉ có nghệ thuật là tồn tại mãi mãi” – ông nói. Trên Instagram một ngày trước đó, Hirst đã đề cập chi tiết hơn đến vấn đề này. “Nhiều người nghĩ tôi đang đốt hàng triệu đôla tác phẩm nhưng không phải vậy – ông viết – Giá trị nghệ thuật của tác phẩm thật sẽ không bị mất đi mà sẽ được chuyển sang NFT đại diện cho nó ngay sau khi nó bị đốt”.
Một cách thẩm định giá trị của NFT
Được sản xuất từ năm 2016, các bức tranh “chấm” gốc đều được ký tên, đánh số và mang các tiêu đề độc đáo được tạo ra bằng công nghệ máy học (machine learning) trên một số lời bài hát yêu thích của Hirst với kết quả thú vị như “Never get up” hay “Since make love in love”. Không có tác phẩm nào giống hệt nhau và không có hai dấu chấm cùng màu trong một bức tranh.
Mỗi tác phẩm thật sau đó được “liên kết” với NFT (mã thông báo kỹ thuật số được hỗ trợ bởi blockchain – “blockchain-backed digital token”) và NFT có thể mua bán bình thường. Mùa Hè năm ngoái, những người đăng ký thành công đã trở thành chủ nhân của một NFT ngẫu nhiên với số tiền $2,000 bỏ ra. Nhận được “tối hậu thư” (ultimatum) của Hirst là nếu không đổi đúng hạn chót NFT sang tranh thật, bản thật sẽ bị đốt, các chủ sở hữu NFT lập tức chào bán NFT của họ trên thị trường thứ cấp.
Một NFT đã được đổi chủ với giá hơn $176,000 (theo dữ liệu từ Heni, chợ tranh kỹ thuật số tổ chức đợt bán đầu tiên). Nhưng giá bán trung bình chỉ đạt 20,742, dù vẫn cao hơn 10 lần so với giá chào bán ban đầu. Đến Tháng Bảy, sau một năm giao dịch, 5,149 nhà sưu tập NFT có thể “đổi” NFT để lấy tranh thật nó đại diện. Ai không đổi, bức tranh thật sẽ được đốt tại phòng trưng bày tư nhân của Hirst. Trên thực tế, những bức tranh bị thiêu hủy ngày đầu là của họa sĩ (ông giữ lại 1,000 trong số 10,000 bức).
Không chỉ có Hirst là “chơi với lửa”
Hirst cùng với Tracey Emin, được coi là thành viên chủ chốt của phong trào “Các họa sĩ trẻ người Anh” (Young British Artists) nổi lên ở London vào thập niên 1980. Ông cùng các trợ lý thực hiện những bức tranh vẽ “chấm” đặc trưng trong hơn ba thập niên. Các chấm màu của mỗi bức tranh khác nhau về mật độ, bóng râm và độ ngăn nắp khiến chúng vừa trở nên độc nhất vừa gần như không thể phân biệt với nhau.
Tác phẩm của họa sĩ (và số tiền kiếm được) thường là chủ đề lớn trong thế giới hội họa. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Hirst là hộp sọ người được đúc bằng bạch kim, phủ hơn 8,600 viên kim cương, được bán với giá 50 triệu bảng Anh (khoảng $100 triệu) vào năm 2007. Tuy nhiên, Hirst không phải là người duy nhất tham gia không gian NFT đã chơi với lửa.
Vào Tháng Ba, 2021, một công ty blockchain có tên Injective Protocol đã mua một tác phẩm của họa sĩ đường phố ẩn danh Banksy với giá $95,000 rồi… đốt nó trước camera và bán NFT của video với giá cao gấp bốn lần tranh gốc. Tháng trước, Martin Mobarak, nhà sưu tập nghệ thuật và kinh doanh tiền điện tử ở thành phố Miami, Florida cũng phát một video trong đó ông tuyên bố sẽ đốt một tác phẩm của nữ danh họa Frida Kahlo (tài sản quốc gia của Mexico) năm 1944 để mở đầu sản xuất các NFT theo chủ đề Kahlo tương ứng của riêng mình (Viện Mỹ thuật và Văn học Quốc gia ở Mexico mở một cuộc điều tra vì phá hủy tác phẩm của Kahlo là một hành vi phạm tội ở nước này) – Reuters cho biết.