Duyên Anh, từ cảm xúc đi đến tận cùng con chữ (phần 1)

D ường như, chẳng cứ thế hệ chúng tôi, mà cả miền Bắc rất ít người được đọc, và biết đến nhà văn Duyên Anh. Bởi, tuy sinh trưởng ở Thái Bình, nhưng tài năng văn thơ Duyên Anh chỉ được phát tiết từ năm 1960, sau khi ông di cư vào Nam. Sau biến cố 1975, thơ văn cũng như con người ông bị đốt bỏ, vùi dập. Trong cái hỗn tạp đó, rất may cũng có vài ba tác phẩm của ông lọt lưới ra đất Bắc, và được âm thầm chuyền tay nhau đọc. Rồi mãi đến những năm gần đây, hình như người ta mới dám (rón rén) hồi sức cấp cứu cho một vài tác phẩm của ông thoi thóp trở lại. Nhiều độc giả miền Bắc khoái, tìm Duyên Anh để đọc. Khoái đến độ họa sĩ Nguyễn Việt (cùng quê Thái Bình) dứt khoát phải lấy tên Duyên Anh để đặt cho con gái của mình.

Có thể nói, Duyên Anh là một nghệ sĩ đa tài. Lĩnh vực nghệ thuật nào Duyên Anh cũng để lại những dấu ấn thật đậm nét trong lòng mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp người đọc, người nghe. Thật vậy, ở Duyên Anh ta có thể tìm thấy hai con người, hai tính khí đặc trưng: Một Duyên Anh chân chất, giàu cảm xúc của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và một Duyên Anh nhà báo sắc sảo đến cay nghiệt.

Nhìn vào Văn học sử Việt đương đại, cùng với Tô Hoài, Võ Phiến, tôi đánh giá cao nội lực sáng tạo của Duyên Anh, qua (trên) bảy chục tác phẩm chính đã xuất bản trước và sau 1975. Viết nhiều, đủ mọi thể loại, làm cho người đọc tưởng chừng Duyên Anh viết bằng bản năng, cùng cảm xúc của người nghệ sĩ, chứ không tuân thủ theo một thủ pháp nghệ thuật nhất định. Song không hẳn vậy. Cái giản dị đến hồn nhiên và chân thực ấy, đã đưa Duyên Anh đến gần với người đọc, nhất là tầng lớp bình dân, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, với đặc tính này, truyện của ông có một số nhược điểm, tình tiết, hành động đôi khi bị trùng lặp, hoặc có những cái kết (khuôn mẫu) đã được biết trước, ít gây bất ngờ cho người đọc.

Có thể nói, không chỉ hai mươi năm Văn học miền Nam, mà tiếp nối dòng chảy văn học nơi hải ngoại, Duyên Anh vẫn là một hiện tượng văn học rất đặc biệt. Sự đặc biệt ấy, không hẳn vì vốn sống, nội lực sáng tạo, mà do tư tưởng dân tộc của ông: “Dân tộc Việt Nam, một dân tộc phi Cộng Sản, phi Tư Bản, bị nhiễm cả hai thứ vi trùng chủ nghĩa…” (Saigon ngày dài nhất). Nhận ra, thân phận bi thương của đất nước, dân tộc như vậy, nên sự phản kháng cường quyền, châm biếm cái ác cứ đầy ăm ắp trên trang văn, và xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Duyên Anh. Khi chiến tranh đến giai đoạn khốc liệt, cái tư tưởng dân tộc đó trong thơ văn, dường như đã quá chật chội, nên buộc Duyên Anh phải rẽ sang ngạch báo chí.

Với bút danh Thương Sinh (và hàng chục danh khác) cùng với Chu Tử, Duyên Anh đã chọc thẳng vào cái ung nhọt trong mọi lãnh vực, mọi tầng lớp của xã hội lúc đó. Sự phê phán, diễu cợt sâu cay ấy, đôi khi vỗ mặt, quá đà gây không ít sóng gió, và Duyên Anh buộc phải trả cái giá quá đắt cho tận đến những năm tháng cuối đời, bởi thù hận. Tuy không đọc nhiều về mảng báo chí của Duyên Anh, hay Chu Tử, nhưng kẻ hậu sinh như tôi rất cảm phục ngòi bút, cũng như bản lĩnh, sự kiên cường của hai nhà văn này. Thật ra, dù sống ở chế độ Cộng Hòa, hay Cộng Sản, một nhà văn đích thực luôn chĩa bút về phía cường quyền. Và đối lập với chính quyền là điều quan trọng bậc nhất của người cầm bút. Nó không chỉ nhằm vạch ra những yếu khuyết của chính quyền, thúc đẩy xã hội phát triển hơn, mà còn là thước đo nhân cách của một nhà văn vậy. Và tôi nghĩ, Duyên Anh, hay Chu Tử đã làm được điều đó. Tuy nhiên, ở khuôn khổ bài viết này, chân dung hồn vía Duyên Anh chỉ được soi rọi từ khía cạnh văn học, dưới cái nhìn chủ quan của (cá nhân) người viết mà thôi.

D uyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long, sinh năm 1935 tại Thái Bình. Chiến tranh, đói khát đã phá nát tuổi thơ ông, thế hệ ông. Sự ám ảnh, và nghèo đói theo ông cùng gia đình lưu lạc khắp nơi. Do vậy, con đường học hành của ông bị gián đoạn, không được như ước vọng. Năm 1954, ông di cư vào Nam, và trải qua rất nhiều công việc, song cái nghèo, sự vất vưởng vẫn không chịu buông tha ông. Trong cái tận cùng gian khó ấy, ước mơ trở thành tác giả, người viết văn vẫn cháy bỏng trong ông. Và mãi đến những năm đầu thập nhiên sáu mươi, tài năng, tên tuổi Duyên Anh mới được khẳng định, và người đọc biết đến. Tập truyện Hoa Thiên Lý ra đời năm 1963 như một chiếc thẻ thông hành đưa Duyên Anh đến với làng văn vậy.

Trên 50 tác phẩm được in ấn phát hành trước 1975 đã nói lên tài năng, trí tuệ, sức làm việc dẻo dai, phi thường của ông. Biến cố 1975, Duyên Anh bị bắt, với đằng đẵng sáu năm tù cải tạo. Chẳng biết có cải tạo, học tập được gì hay không, mà sau khi mãn khóa (tù), Duyên Anh chuồn ngay, và định cư tại Paris. Năm 1997, ông mất bởi căn bệnh xơ gan.

Cũng như các nhà văn cùng thời, cuộc sống, thơ văn của Duyên Anh được chia cắt theo vận mệnh, nỗi đau của đất nước, và con người. Với tôi, Hoa Thiên Lý, Điệu Ru Nước Mắt. Saigon Ngày Dài Nhất, và Nhìn Lại Những Bến Bờ cùng Nhà Tù, tuy không hẳn là những tác phẩm hay nhất, nhưng nó là những trang văn tiêu biểu về tư tưởng, tài năng bút pháp qua từng giai đoạn sáng tạo, cũng như cuộc sống của Duyên Anh.

Tình yêu- nơi bắt đầu về miền ký ức

Nếu ta đã đọc Miền Thơ Ấu của Vũ Thư Hiên thì sự xúc động sẽ được tiếp nối, và nhân lên trước nỗi buồn, thân phận, tình yêu khi đọc Hoa Thiên Lý của Duyên Anh. Có thể nói, Vũ Thư Hiên, và Duyên Anh là hai nhà văn cùng thế hệ, viết về tuổi thơ, về miền quê cho tôi nhiều cảm xúc nhất khi đọc. Có lẽ bởi, cái tình yêu, nơi bắt đầu trở về miền ký ức ấy của hai nhà văn này, không chỉ làm mê mẩn tuổi học trò, mà còn chinh phục đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp người đọc trong xã hội. Ngoài sự hồn nhiên, trong sáng với những cảm xúc chân thực khi viết, ta còn thấy tài năng nắm bắt, miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật của Vũ Thư Hiên, và Duyên Anh, không phải nhà văn nào cũng có được.

Tôi chưa thể tìm đọc hết toàn bộ trên bảy chục tác phẩm, nhưng có thể nói, Con sáo của em tôi là truyện hay, truyền cảm nhất của Duyên Anh. Dù nó nằm trong số truyện viết đầu tay của ông. Đọc truyện này, tôi không chỉ xúc động, và có một sự đồng cảm sâu sắc, mà còn bị ám ảnh suốt mấy ngày liền. Cả thiên truyện như một lời tự sự của nhân vật hay chính của tác giả vậy. Với phép so sánh, cùng hình ảnh ẩn dụ con sáo nhỏ không cha, nhà văn làm bật lên nỗi bất hạnh, đói khát cả vật chất, lẫn tình thương của anh em Hữu và Mai. Bị khinh bỉ, và hất hủi của người đời, hai đứa trẻ chỉ còn biết co mình lại, dành tình yêu, bầu bạn với con sáo nhỏ. Tuy nhiên, cuộc sống nghiệt ngã, buộc Hữu phải giết chim sáo, giết chết niềm vui của mình, của em mình. Đoạn trích lời tự sự dưới đây là sự giằng xé, mâu thuẫn nội tâm, hay một bi kịch làm người đọc không khỏi xót xa, bùi ngùi trước cái bi thương của một kiếp người:

“Lúc này đứng nhìn thiên hạ đón xuân, tôi nghĩ đến em gái tôi, nghĩ đến miếng thịt gà, thịt lợn hay thịt chim khi em tôi tỉnh dậy. Anh em tôi chỉ có mỗi con sáo. Con sáo nuôi bao nhiêu ngày mới biết nói. Chẳng lẽ tôi giết nó? Chẳng lẽ em tôi ăn cơm với muối ngày đầu năm? Năm nay em tôi mười tuổi, mười mùa xuân bay vụt qua, mười mùa xuân tẻ nhạt, buồn thảm chấp nối thành thời thơ ấu của em tôi. Mùa xuân trôi theo kỷ nhiệm, có khi nào níu lại được? Tôi không muốn em tôi lớn lên phải nghẹn ngào nhắc tới một trang chua chát, xiên lệch trong cuộc đời. Vậy thì tôi sẽ giết con sáo… Tôi len lén trở vào xách cái lồng sáo xuống bếp. Trời còn tối, sáo không nhận ra tôi. Nếu nó chết thì nó oán hờn sự nghèo khổ và bàn tay tàn ác nào đó. Vong hồn cha tôi sẽ phù hộ tôi. Giết nó, tôi đau đớn vô ngần nhưng tôi phải thương em tôi hơn. Em tôi phải được ăn thịt sáo nấu su hào ngày mồng một tháng giêng năm mới. Chỉ vì em, tôi quên tất cả.”

(Con sáo của em tôi)

Tình yêu, nỗi nhớ nhà, nhớ quê luôn thường trực trong lòng người viễn xứ. Do vậy, ngay từ truyện ngắn đầu: Hoa Thiên Lý, Duyên Anh đã tìm về tuổi thơ, với một nỗi u hoài. Đọc tập truyện Hoa Thiên Lý, có thể thấy, văn thơ ông chín ngay từ những truyện ngắn đầu. Và một điều đặc biệt, mảng truyện này của Duyên Anh mang nặng hơi hướm hồi ký, tự truyện. Đôi lúc, tưởng chừng ông trộn tất tần tật các thể loại vào nhau vậy. Cũng với thủ pháp nghệ thuật này, có thể nói, nhà văn Đỗ Chu ở đất Bắc, hay sau 1975 nhà văn Phạm Tín An Ninh sử dụng rất thành công ở hải ngoại…

Với từ ngữ mộc mạc, trong sáng giàu hình ảnh gợi cảm, mẹ, tâm hồn mẹ dưới ngòi bút Duyên Anh hiện lên rất nhẹ nhàng lãng mạn, song cũng rất cô độc. Tình thương và nỗi nhớ ấy, quả thực làm cho người đọc không khỏi bùi ngùi, xúc động. Không dừng lại ở đó, thông qua hình ảnh hoán dụ, nhà văn dường như muốn nâng nỗi đau, sự nhớ thương lên một nấc, rộng mở, và sâu sắc cao cả hơn. Vâng, đó là tự do – một nỗi đau còn (hay) mất của cả miền quê đất Bắc. Với thủ pháp này, cho ta thấy, Duyên Anh có trí tưởng tượng, liên tưởng rất phong phú. Đoạn trích lời tự sự, từ truyện Hoa Thiên Lý dưới đây, sẽ chứng minh rõ điều đó:

“Giàn thiên lý quê nhà giờ đây héo khô tàn tạ. Loài ve sầu không rủ rê mùa hạ sang nữa nên họ hàng nhà bọ ngựa cũng chết hết vì buồn. Ở ngoài ấy người ta ngăn cấm không cho ai buồn, không cho ai nhớ, không cho ai thương nhau thì dễ gì mẹ tôi đã được ngồi duới giàn hoa mà kể chuyện cho em tôi nghe. Thì dễ gì có phút giây mẹ nằm tưởng tượng bão táp ngoài trời thấy con chim nhỏ lạc bầy dạt trôi thảm hại. Tôi buồn, tôi muốn khóc khi nghĩ rằng chiều nào người ta bắt mẹ tôi nhổ hoa lý, phá giàn tre để trồng ngô khoai chẳng hạn. Mẹ tôi sẽ chết khô héo trên mảnh đất xác xơ đầy những oán thù…”

Tôi không dám nói, tất cả những hình ảnh, câu chuyện là hiện thân của tác giả, song ở đó chắc chắn ta tìm được sự chân thực của ngòi bút Duyên Anh. Và Đại Dương Trong Lòng Con Ốc Nhỏ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu như vậy của ông. Hình ảnh người cha nghèo đến độ phải ăn cắp chiếc áo ngoài chợ cho con, bị dày vò đến chết, là tột cùng của sự bi thương, làm cho người đọc phải xót xa, và ám ảnh. Tính chân thực ấy, như một thủ pháp nghệ thuật (một cái ngòi) dẫn đến sự cảm thông cho người đọc vậy. Thật vậy, đoạn văn tuyệt đẹp, đầy ăm ắp hình ảnh so sánh dưới đây, đã làm cho nước mắt tôi rơi ngay trên bàn phím, khi ngồi viết những dòng chữ này:

“Cha tôi nhìn mẹ con tôi. Mắt cha tôi long lanh. Bóng cha tôi gầy gò in hình trên bức tường vôi loang lở. Có ai ngờ cái thân thể gầy gò kia lại bọc nổi tình thương yêu rộng lớn như con ốc nhỏ thu gọn cả đại dương trong lòng mà vẫn câm nín. Câm nín suốt đời…Cha tôi chết, mẹ con tôi nheo nhóc bơ vơ. Mẹ tôi năm tháng ngồi đan nỗi buồn ở bến đò Đồng Đức. Anh em tôi nhìn đám trẻ thành thị rồi vội vàng cúi gầm mặt qua sân nhà ông ngoại, làm rơi mất tuổi thơ.”

(Đại dương trong lòng con ốc nhỏ)

Và không chỉ chiến tranh, mà cả cách mạng cũng giết chết tuổi thơ, bạn bè, thế hệ Duyên Anh. Những vết nứt đầu đời ấy, như nhát dao đâm xuyên qua cuộc sống, tâm hồn nhà văn. Và Khúc Rẽ Cuộc Đời là một truyện ngắn, hay là câu hỏi, lời tự vấn của Vĩnh ám ảnh suốt cuộc đời Duyên Anh. Cho nên, cả cuộc đời cầm bút, dường như ông cứ phải đi tìm lời giải đáp, và chống lại cường quyền, chống lại cái ác là vậy:

“Phải chứng kiến lưởi kiếm đâm từ ngực xuyên qua lưng ba Vĩnh. Phải thấy ba Vĩnh dẫy dựa trên vũng máu, Phải thấy me Vĩnh chết ngất trên thây ba. Phải thấy xác chị Hiền trần truồng. Phải thấy mắt chị trợn trừng uất hận mới hiểu cách mạng và chiến tranh. Tại sao những người hiền lành lại phải chết khốn nạn thế nhỉ?

(Khúc Rẽ Cuộc Đời)

Với tôi, những truyện ngắn, hồi ký của ngày đầu cầm bút này, là giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Duyên Anh, xét về cả nội dung, lẫn hình thức nghệ thuật. Có thể nói, đây là giai đoạn viết hồn nhiên, với những hình ảnh chân thực, sâu sắc, truyền cảm nhất của ông. Chính vì vậy, nó đi sâu và đọng lại trong lòng mọi tầng lớp người đọc. Và nhắc đến Duyên Anh, chắc chắc như một phản xạ tự nhiên: Hoa Thiên Lý tập truyện ngắn, được bật ra từ người đọc.

Bế tắc cuộc sống, mất niềm tin vào xã hội, và con người

Sau 1954, nhát dao cắt đôi hình đất nước. Duyên Anh rời bỏ quê hương, theo dòng người di cư, trốn chạy. Tưởng rằng sẽ bình yên ở đất trời phương Nam, nhưng không phải vậy. Chiến tranh, và nỗi cô đơn cùng nghèo đói bủa vây lấy ông. Sự thất vọng ấy, đã làm cho Duyên Anh bất mãn trước một xã hội, mà ông cho rằng, giả dối và bất công. Vì vậy, ngòi bút của ông chọc thẳng vào ung nhọt đó. Sự can đảm ấy của ông luôn không vừa lòng với bất cứ chế độ, đảng phái, đoàn thể nào.

Vâng, có thể nói, đây là tư tưởng dẫn đến hành động xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Duyên Anh. Và đoạn văn rất sinh động: “Học chống cộng, để chống đói” có lời thoại mang tính mỉa mai, trào lộng, không chỉ chứng minh tư tưởng, hành động ấy của Duyên Anh, mà ta còn thấy được, cái sân khấu hề chèo của xã hội lúc đó: “Mẹ ơi, Trần Học chỉ là Trần Văn Thông, thằng cán bộ thông tin, đệ tử ông Quốc Phong, bạn Hà Nội của tôi, từng thuê tôi làm thơ chống cộng ăn cơm ghi sổ. Nó nhìn thấy tôi. Nó khớp. Nó ngó tôi, mỉm cười. Vì nó có quyền, nó xin lỗi toàn thể học viên cho nó ngưng giây lát rồi ngoắc tay gọi tôi ra thật xa khỏi lớp học.

– Mày ngồi như mả ông tiên sư, tao làm ăn gì được, hả?
– Ông đâu biết mày trở thành lý thuyết gia chống cộng!

Nó móc ví xỉa cho tôi hai trăm:

– Cút mẹ mày đi cho ông dạy chống cộng!

Tôi nói:

– Khóa học 10 ngày, 5 bò lận.

Lý thuyết gia Trần Văn Thông, biệt danh chống cộng Trần Học dậm chân, nhăn nhó:

– Mày cút đi chơi, ông giảng bài xong sẽ về gặp mày. Ông cho mày ký tên vào tờ giấy xác nhận mày học đủ 10 ngày, cụ Ngô sẽ trả mày đủ 5 bò. Mày sẽ có bằng chống cộng. Từ chiều nay, ông không muốn nhìn mặt mày nữa. Cứ nằm nhà. Ngày mãn khóa nhớ đến liên hoan đớp hít, lĩnh tiền và bằng cấp.
– Thế thôi à?
– Muốn gì nữa?
– Tao muốn học chống cộng!

Lý thuyết gia chống cộng Trần Học xỉa thêm hai trăm nữa.

– Cấm mày tiết lộ vụ bán thơ.

Tôi phú lỉnh ngay…

(Trích: Nhìn lại những bến bờ)

Trước một xã hội bất ổn, nạn bè phái, tướng tá khoái đảo chính hơn trận mạc, càng làm cho Duyên Anh chán nản, và khinh bỉ: “Với tôi, dù khát khao đổi mới, dù không ưa thái độ của Tổng giám mục Ngô Đình Thục, không chịu nổi ngôn ngữ của bà Trần Lệ Xuân, dù không chấp nhận sự thao túng của ông Ngô Đình Cẩn, tôi vẫn coi 1-11-1963 là một thoán nghịch đê tiện…”

(Nhìn lại những bến bờ)

Và từ đó, ta thấy Duyên Anh xuất hiện trên cả hai diễn đàn báo chí và văn chương. Nếu trên báo chí Duyên Anh đào sâu, hạ nhục các tướng lãnh, những nhân vật cốt yếu… và cường quyền thối nát, thì ở diễn đàn văn chương ông đi tìm, xây dựng, ngợi ca du đãng, giang hồ. Và có thể nói, Điệu Ru Nước Mắt ra lò năm 1965, là một trong những cuốn tiểu thuyết điển hình như vậy của Duyên Anh ở giai đoạn này. Và sau đó, nó được chuyển thể thành kịch bản phim cùng tên do Hãng Phim Liên Ảnh thực hiện.

Từ nhận thức, tư tưởng như vậy, cho nên không chỉ ở Điệu Ru Nước Mắt, mà những tiểu thuyết cùng viết về đề tài này, Duyên Anh đều xây dựng tính cách nhân vật, với những bố cục truyện khá đồng nhất. Do vậy, thành thật mà nói, đọc đến cuốn tiểu thuyết thứ hai, thứ ba… của ông về đề tài này, cảm hứng của tôi cũng vơi dần đi ít nhiều.

Vẫn thông qua nghệ thuật đối thoại, thái độ nhân vật, Duyên Anh cài cắm ý thức tư tưởng của mình về xã hội, và con người vào đó. Tư tưởng, hồn vía ấy của Duyên Anh ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý người đọc, nhất là giới trẻ khi tương lai, và niềm tin đã mất. Thật vậy, đoạn trích lời thoại, như một lời tự sự đắng chát giữa hai tầng lớp trong xã hội (bác sỹ Niệm và gã giang hồ Trần Đại) dưới đây, chứng minh cho ta thấy sự đảo lộn giá trị đạo đức, giá trị con người. Buộc Duyên Anh phải làm sáng tỏ nó, và giải quyết nghịch lý ấy, trong tác phẩm này:

“Bác sĩ Niệm nói chưa dứt, Trần Đại chặn lại :

– Không đi hoang đâu bác sĩ ạ ! Đi tìm tương lai đấy. Gia đình bỏ rơi chúng tôi, xã hội hất hủi chúng tôi, tổ quốc khinh bỉ chúng tôi. Có ai nghĩ cho chúng tôi đâu. Vậy chúng tôi tự nghĩ lấy, tự tạo lấy con đường riêng của chúng tôi. Chúng tôi đi làm du đãng. Bác sĩ chơi với du đãng, bác sĩ sẽ hối hận đấy.

Bác sĩ Niệm đứng lên :

– Tôi không có mặc cảm gì cả, nhưng tôi nhận thấy, nếu du đãng như anh và cậu Hùng cả thì xã hội này đỡ bẩn hơn. Tôi thường nhìn lại cuộc đời mình, dĩ vãng và hiện tại, tôi nói thật, nó dáng “buồn nôn” lắm. Những mẫu người mà cuộc đời đang công kênh lên, đặt vào chiếu tri thức, giá tâm hồn họ bỗng được một phần nhỏ tâm hồn anh, tôi chắc tổ quốc này đỡ tủi nhục nhiều. Khốn nỗi, họ đê hèn hơn cả những người vô học đê hèn, họ sống ích kỹ và rỗng tuếch. Chính tôi, tôi cũng thấy mình rỗng tuếch đáng phỉ nhổ.

(Điệu Ru Nước Mắt)

Khác hẳn với những truyện ngắn, bút ký về quê hương thuở ấu thơ, tiểu thuyết ở giai đoạn này Duyên Anh ít đi sâu vào miêu tả diễn biến tâm lý. Nhưng ông dành nhiều trang không chỉ thi vị hóa, mà còn còn (phóng đại) cường điệu hóa (hình ảnh, hành động) nhân vật:

“Anh Trần Đại được làm tướng đi đánh nhau với cộng sản, chắc chắn anh ấy thương lính của anh ấy như thương chúng mình, anh ấy lại cừ nữa, cộng sản cứ gọi là hết ngáp…”

(Điệu Ru Nước Mắt).

Có thể nói, Duyên Anh đề cao nhân cách giới du đãng, giang hồ (hay nói cách khác mượn họ) để bóc trần bộ mặt thật, giả dối lưu manh của giới chính trị, tầng lớp ăn trên ngồi trốc. Với những hình ảnh so sánh, đoạn trích dưới đây, cho ta thấy rõ điều đó:

“Nó đã làm đủ nghề. “Thổi nghẽo, đi hiu”, gác khách cho “phỉnh cấc” và ma cạo. Nhưng nó anh dũng hơn nhiều thằng khác trong cái xã hội bẩn thỉu này là nó dám nhận nó là ăn cắp xe đạp… Tôi yêu nó. Chúng tôi yêu nó. Không hiểu bác sĩ nghĩ thế nào, chứ theo ý tôi, những thằng đang vỗ ngực nhận mình là chính khách là cách mạng chưa thằng nào có can đảm như Năm Hòa Hưng. Tôi khinh chúng nó bác sĩ ạ!”

(Điệu Ru Nước Mắt)

Và trong cái xã hội trắng đen đảo lộn ấy, hình ảnh chính trực của nhà văn Thiên Chương can đảm, dám đi đến tận cùng của công lý, và sự thật, như một ngọn lửa chợt lóe lên giữa đêm đen vậy. Và phải chăng hình ảnh đó, chính là hiện thân của tác giả Duyên Anh? Đây là nhân vật đặc biệt, bất ngờ đã mở ra lối thoát cho xã hội, con người, và gieo niềm tin vào lòng người đọc. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, như (đại ý) Duyên Anh đã nói ở đâu đó, viết để giải tỏa uất ức bấy lâu. Song tôi nghĩ, chưa đủ, ông viết trên hết vì cuộc sống, cơm áo gạo tiền. Do vậy, lối viết của ông róng riết, không còn hồn nhiên, trong sáng như những năm tháng đầu.

(Phần 2 – Biến cố 1975, với những năm tháng tù đày)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: