Gãy cành thiên hương

Truyện ngắn
Share:
Hình minh họa: pexels-rachel-claire

1/

Kiếp hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

Kiều, thi hào Nguyễn Du

______________

Chuẩn bị ăn điểm tâm, tôi tự hỏi: 

–Sáng nay tôi chọn tách nào? 

Rồi tự trả lời:

–Sáng nay tôi chọn tách Nữ hoàng Sissi vì sáng qua tôi đã dùng tách Van Gogh rồi.   

Sau mỗi chuyến du lịch, thông thường người ta hay mua các món đặc sản của nơi mình đến thăm: Rượu, bánh, nougat, café, chocolate, hoặc bưu thiếp giới thiệu phong cảnh gởi về cho gia đình, bạn bè. Riêng tôi thì thích mang về những cái tách bằng men sứ, loại 250 ml. Tôi rinh về chất đầy tủ. Sau không còn chỗ lại lựa ra đem năn nỉ cho bớt, chỉ giữ lại khoảng hai mươi cái tách yêu thích dành uống sữa hoặc trà thảo mộc nóng. 

Mỗi sáng tôi uống một tách sữa tươi pha ovomaltine, ăn một lát bánh mì quệt margarine và confiture– một loại mứt. Tôi yêu thích không khí buổi sáng sớm, ngồi nhấm nháp tách chocolate nóng, nhai chầm chậm mẩu bánh mì dòn vừa có vị béo của bơ thực vật, vừa có vị ngọt của mứt mơ – abricot – vừa ngắm nhìn bức hoạ được in trên cái tách đặt trước mặt mình. 

Mỗi cái tách gợi tôi nhớ về mỗi chuyến du lịch mình đã đi qua, trong trường hợp nào tôi đã mua chúng. Rồi từ đó tôi để trí óc mình lang thang quay về miền ký ức với những hình ảnh khác, những sự việc khác liên quan đến nó. Có khi là một chút bâng khuâng nuối tiếc, có khi là một nỗi hoài cổ lạ lùng. Nhưng đa phần là một tâm trạng hân hoan vui vẻ. Vui vì mình đã được Sống Mỗi Ngày Đúng Như Mình Ao Ước.  

Đây là tách Cây Hạnh Nhân Nở Hoa (Amandier en fleurs), kia là Hoa Anh Túc (Coquelicots) của hoạ sĩ Vincent Van Gogh trong dịp tôi đi chơi thành phố Amsterdam thăm viện bảo tàng ở Hoà Lan, xứ sở của cối xay gió và hoa tulip. Đó là Người mà khi sống thì sống trong nghèo khổ bịnh tật nợ nần, các tác phẩm của ông không được người đương thời –thế kỷ 19 – trân trọng, nhưng khi ông mất thì mỗi tác phẩm có giá lên đến vài chục triệu đôla Mỹ như bức Bác Sĩ Gachet $82.5 triệu, Hoa Diên Vỹ $53.9 triệu.

 Đây là tách in hình nhạc sĩ thiên tài Mozart, người Áo thế kỷ 18. Chuyến đi Salzbourg quê hương của ông dự buổi concert nhân sinh nhật 250 năm. Được vào đúng hí viện mà ngày xưa ông từng trình diễn. Tôi còn nhớ như in không khí tối ấy, ai cũng ăn mặc thanh lịch. Đàn ông thì bộ veste thắt cravate, phụ nữ robe soirée tha thướt. Cả thính phòng mấy trăm người im lặng tuyệt đối, tiếng thở mạnh còn nghe. Khi dàn nhạc hoà xong một bản giao hưởng, ai nấy đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Đến bản cuối cùng thì mọi người cùng đứng dậy vỗ tay kéo dài tưởng như vô tận. Các nhạc sĩ cúi chào đáp lễ, vào trong rồi phải trở ra ba lần để cảm tạ sự nồng nhiệt mà khán giả dành cho.

Đây là tách Forêt Noir (Black Forest, Rừng Đen), lúc đi chơi vùng nầy của Đức, khiến tôi nhớ đến bánh chocolate trứ danh cùng tên do xứ họ sản xuất. 

Hình minh họa: Pexels

Rồi cảnh Venise với chiếc cầu Rialto, Ý xây từ thế kỷ 16. Nhớ lúc chúng tôi đi vào mùa hè có nhiều trái anh đào. Tôi đứng trên cầu vừa ăn anh đào vừa ngắm các gondole – loại xuồng đặc biệt ở Venise– ngược xuôi dưới chân cầu chở khách luồn lách qua các con kinh chật hẹp thăm thú thành phố thơ mộng làm sao.

Núi Cervin, Thuỵ Sĩ – tiếng Đức là Matterhorn, cao 4,478 m– khiến tôi nhớ giai thoại vị bác sĩ gia đình của chúng tôi vừa kể vừa cười với chồng tôi rằng khi ông du lịch qua Việt Nam, ông có nhìn thấy trên tấm áp phích nào đó in hình quả núi Cervin là ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy Alps nằm trên lãnh địa Thuỵ Sĩ, chính là quê hương của ông và chồng tôi. Ông hỏi hướng dẫn viên có biết núi nầy không, người hướng dẫn sốt sắng trả lời:

–Biết chứ, núi này nổi tiếng lắm, ở Việt Nam chúng tôi đó !

Tôi có thể kể về mấy cái tách của tôi cả ngày vẫn chưa hết mà mỗi cái chuyên chở một câu chuyện riêng của nó.

Bây giờ tôi kể về cái tách Nữ hoàng Sissi mua ở Vienne, về ông chủ kiosque tuy lớn tuổi và to lớn bặm trợn có hàm râu quai nón giống như nhà văn Mỹ Ernest Hemingway (Ngư Ông Và Biển Cả), nhưng giọng nói rất nhẹ nhàng, bọc cái tách trong tờ giấy gói quà một cách tỉ mỉ trân trọng đến độ hầu như cung kính đáng ngạc nhiên.  

Vienne là thủ đô của Áo, được mệnh danh vương quốc của âm nhạc, nơi sản sinh ra nhiều thiên tài Mozart, Beethoven, Schubert, Strauss… Ngoài ra tưởng cũng nên nhắc đến những người nổi tiếng khác như triết gia Freud, văn sĩ Stefan Zweig, hoạ sĩ Klimt, tên đồ tể độc tài thế kỷ 20 Hitler (hắn chính người Áo, sau di cư sang Đức và từ bỏ quốc tịch Áo), tài tử kiêm thượng nghị sĩ Arnold Schwarzenegger, tài tử Romy Schneider người đóng vai Sissi Nữ Hoàng Áo Quốc –thật ra bà là người Đức, trở thành hoàng hậu Áo lúc kết hôn.

Qua phim nầy mà tôi được biết đến Hoàng hậu Elisabeth– gọi theo kiểu thân mật là Sissi–lần đầu tiên. Rồi tôi tìm sách truyện đọc thêm, càng đọc tôi càng say mê ái mộ bà. Không chỉ vì dung nhan tuyệt mỹ, dáng dấp thanh nhã mà cả vì cung cách sống khá kín đáo, ghét sự phù hoa chốn cung đình nên thường giả dạng thường dân đi du lịch khắp nơi với vài người thân cận. 

Thảm kịch xảy ra ở hồ Léman, Genève,Thuỵ Sĩ lúc bà chuẩn bị xuống thuyền cho chuyến viễn du sắp tới thì bị một người Ý bị bịnh hoang tưởng muốn được nổi tiếng đâm bà ngay tim bằng con dao nhọn. Sau nầy khi hỏi cung, hắn khai là định ám sát Công tước Orléans, nhưng cuối cùng vị công tước này đã thay đổi hành trình, hắn bèn chọn bà bởi sự tình cờ chứ không biết bà là ai. Bà mất đi để lại cho người đời và mãi ngàn sau niềm tiếc thương và sức mê hoặc không gì so sánh được.  

Năm năm trước, khi đã đi thăm lâu đài Schonbrunn, lâu đài Hofburg, viện bảo tàng, đại hí viện… tôi muốn tận mắt thấy sông Danube trứ danh.

Chúng tôi đến vào đầu Tháng Mười, lòng náo nức muốn ngắm giòng sông xanh mà qua giọng ca tuyệt vời của ca sĩ Thái Thanh hoà cùng điệu valse êm đềm du dương:

Một dòng xanh xanh /Một dòng tràn mông mênh/Một dòng nồng ý biếc/Một dòng sầu mấy kiếp/Một dòng trời xao xuyến… 

(Nhạc Johann Strauss, lời Việt Phạm Duy

Tôi nghểnh cổ lên tìm:

–Đâu? Danube của em đâu?

–Đó kìa!

–Đâu?

–Trời, ngay trước mặt em mà còn hỏi, cách có mấy bước.

–Cái gì ? Cái… cái này mà là Danube xanh xanh đó hả?

–Chứ gì nữa, bản đồ chỉ dẫn rõ ràng đây mà.

–Thôi anh đừng đùa. Nó đâu có vẻ gì là Một dòng xanh xanh, Một dòng tràn mông mênh, nhỏ xíu hà, xanh đâu mà xanh?!

–Thật mà. Bây giờ đầu Tháng Mười, sông chảy ngang thành phố bị cạn nước. Nếu mình có thời gian ra vùng ngoại ô thì mới chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó được. 

Hình minh họa: Pexels

2/

Chuyện ông chủ cửa hàng lưu niệm ở Vienne.

Lúc tôi trả tiền cái tách có in hình hoàng hậu Sissi, ông tự động đóng gói bằng giấy đặc biệt dành làm quà tặng mà không hỏi ý kiến tôi. Ngạc nhiên tôi định phản đối, vì không muốn trả thêm tiền cho tờ giấy mà đằng nào khi về nhà tôi cũng xé vứt đi vì đây là quà tôi tặng cho chính tôi mà. Nhưng ông vội trấn an là ông không tính thêm tiền đâu, đừng lo. 

Vậy ư. Tôi cười tươi rói nói cám ơn ông. Khi từ giã, ông còn bắt tay tôi khá thắm thiết và chúc – theo phép lịch sự của dân châu Âu – chúng tôi may mắn và hạnh phúc, lúc đó chồng tôi đã ra ngoài đứng đợi. Ủa? Cái này thì hơi kỳ a. Nào là tự nguyện tặng giấy gói quà, cử chỉ trịnh trọng lúc gói hàng, nào là lời chúc vượt ra ngoài khuôn sáo xã giao với người lạ chỉ mới gặp lần đầu.

Tôi hơi thắc mắc. Nhưng biết ông không có ý ám muội, nhìn vào đôi mắt thẳng thắn, chân thành của ông là biết. Hơn nữa, tôi đi với chồng tôi cơ mà. 

Hai đêm sau chúng tôi đến restaurant gần khách sạn. Sự ngẫu nhiên thế nào mà ông cũng vào đúng nhà hàng này, sau chúng tôi một lát, dáo dác tìm chỗ. Vì tối thứ bảy nên đông khách, còn một bàn hai chỗ trống cạnh chúng tôi nên ông được hướng dẫn lại ngồi. Chúng tôi chào ông vài câu bằng tiếng Anh.

Người phục vụ đem thức ăn ra, chúng tôi quay lại với câu chuyện của mình, còn ông thì lặng lẽ ăn. Đến phần tráng miệng, chồng tôi định uống cà phê Viennois, còn tôi thì muốn thử strudel là một loại bánh táo. Cả cà phê và bánh đều là đặc sản chế tạo theo kiểu của Áo. Tôi biết chắc chắn là mình không ăn hết, nhưng theo thói quen, hễ cái gì tôi ăn không hết hay chê là chồng tôi lãnh đủ. Đôi lúc anh đùa: Anh là cái sọt rác của em đây.

Bỗng từ bàn bên, ông xen vào, khuyên vợ chồng tôi nếu muốn tìm bánh táo ngon thì hãy đến tiệm bánh… đó (tôi quên mất tên). Ông nói tiếng Pháp rất lưu loát. Ô, may là tôi không nói xấu gì ông, hú hồn.

Ông đề nghị nếu chúng tôi đồng ý thì ông sẽ cùng chúng tôi đến cafétéria có món strudel ngon đó, cũng không xa nhà hàng là mấy. Vì ông sống một mình, không còn ai chờ đợi nên ông về lúc nào cũng được. Chồng tôi nói nếu chúng tôi không làm phiền thì nhờ ông vui lòng làm hướng dẫn viên thưởng thức ẩm thực của Áo vậy. Thế là ba chúng tôi cùng nhau đi uống cà phê Viennois và ăn bánh táo.

Tại đây, ông hé lộ cho chúng tôi thấy một góc nhỏ của tâm hồn ông.

Thật khó để nhận xét về ông. Vì ở ông là một sự pha trộn các tính cách đầy mâu thuẫn giữa bề ngoài và nội tâm: Ông có vóc dáng thật to, thật cao. Tôi đoán phải 1.85 m và 140 kg. Tóc cắt ngắn, nâu vàng ngả bạc. Hàm râu quai nón rậm rạp. Ông mặc một cái áo len dầy xù xì bên ngoài áo chemise. Ông nói như vậy đủ ấm rồi, không cần áo khoác nữa.

Nên nhớ Tháng Mười ở Tây Âu rất lạnh, nhiều khi xuống chỉ còn 9, 10 độ. Một người thể lực như vậy mà lại chịu đứng sau quầy thu ngân, kiên nhẫn tỉ mỉ bán những món hàng lưu niệm nho nhỏ xinh xinh mỗi ngày. Chả lẽ ông không thấy bức bối bởi không gian hạn hẹp của gian hàng, và các món hàng có khuynh hướng nữ tính đối chọi rõ rệt so với dáng hình ông sao?

Ngoài ra ông còn có một giọng nói vô cùng truyền cảm du dương, khiến tôi sửng sốt khi nghe lần đầu. Và đôi mắt của ông sao còn tinh anh trong trẻo thế, dù tôi đoán ít nhất ông cũng trong hạng tuổi 70 trở lên. Qua vài lời tâm sự vắn tắt của ông thì tôi không còn thắc mắc về các tính cách đối lập lẫn lộn trong một con người, là ông nữa.

Đàn ông, bất luận Âu hay Á, không hề thích đem bản thân mình ra phơi bày cho ai thấy, càng không với người xa lạ. Nhưng có lẽ ông tìm thấy ở chúng tôi sự cởi mở, nồng ấm, tình-người sao đó? Hoặc vô tình chúng tôi chạm đến một điểm yếu nào đã tạm ngủ vùi trong trái tim ông khiến ông bị một phút xao lòng mà trút nỗi niềm cho vơi bớt sầu thương?

Trong các chuyến viễn du tôi có cơ duyên gặp gỡ nhiều người hoàn toàn xa lạ mà họ đã kể tôi nghe về cuộc đời họ. Có người thì tôi không còn gặp lại lần nào, cũng có người sau đó trở thành bạn tốt.

Tôi tóm tắt lời Steve, tạm đổi tên ông để tỏ lòng tôn trọng. Thời gian chúng tôi gặp Steve thì ông đã trông coi cửa hàng lưu niệm được bảy năm lúc vợ qua đời vì tai nạn giao thông. Ông là công chức về hưu. Cửa hàng này của vợ, khi bà mất ông tiếp tục buôn bán để giết thời gian trống trải, cô quạnh. Nhờ đó mà ông không bị suy sụp tinh thần quá đáng.

Hình minh họa: Pexels

Khi chúng tôi vào chọn cái tách Hoàng hậu Sissi, Steve kể là nghe tôi líu lo với chồng là tôi rất ngưỡng mộ bà hoàng. Từ cốt cách cho đến sắc đẹp diễm lệ mà số phận khắc nghiệt để bà chịu cái chết bất đắc kỳ tử oan uổng, lãng xẹt bởi một tên vô chính phủ trong chuyến du lịch ở Thuỵ Sĩ. Giờ lại có dịp vào viện bảo tàng Nữ hoàng Sissi, nhìn thấy tận mắt mọi vật dụng từ y phục, cách sinh hoạt cho đến bathroom… tức là họ tạo dựng lại hầu như toàn bộ cuộc sống và con người của bà hoàng khiến ta có cảm tưởng là bà vẫn còn hiện diện đâu đó, chỉ là vắng mặt tạm thời thôi.

Thử nghĩ xem, đối với tôi bà là một nhân vật gần như chỉ có trong huyền thoại, trong văn chương, hay lịch sử… thế mà nay tôi được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan thật sự của bà – vâng, những tấm hình mà ta thấy là gương mặt thật  của bà đấy, rồi những y phục bà đã mặc khi ra mắt triều đình, dạ vũ… cái mũ, áo khoác, đôi giầy bà mang hôm bị giết… cứ như thể một nhân vật từ trong cổ tích bỗng nhiên bước ra cuộc đời trần trụi, làm sao không khiến tôi choáng ngợp và phấn khích cho được?!

Lần đầu tôi biết đến câu chuyện này nhờ xem phim do Romy Schneider đóng vai nữ hoàng…

Người đẹp vẫn thường hay chết yểu

Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai

Ba xuân muôn thắm thêu cành biếc

Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi 

(Hoa bạc mệnh, thi sĩ J.Leiba)

___

Hay:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

(Thơ Đường)

Dịch: Người đẹp từ xưa như tướng giỏi

Chẳng hẹn nhân gian thấy bạc đầu

Tôi cười, đùa với chồng: Em cũng thích đi du lịch, có khi nào số phận em kết thúc giống Sissi không ta. Chồng tôi nói em đừng có nói bậy, em sẽ sống hơn 120 tuổi, sẽ được cho vào sách kỷ lục Guiness nữa đó chứ.

Tôi không muốn mình sống tới 120 tuổi, mà chỉ cần Sống và Chết Cùng Lúc với chồng tôi thôi, hoặc là để tôi chết trước để tránh đau khổ. Thế mà Số Mệnh quyết định theo cách ngược lại, chồng bỏ tôi đi trước để tôi bơ vơ đơn độc trên đường đời! 

À thảo nào lúc nói đùa xong, tôi thấy Steve có thoáng liếc mắt nhìn tôi thật nhanh, mà đâu biết là ông tuy là người Áo nói tiếng Đức nhưng rất giỏi tiếng Pháp, đã nghe hết lời vợ chồng tôi trao đổi. 

Ông bảo là gia đình ông có liên quan đặc biệt với Hoàng hậu Áo từ ba đời. Vì vậy khi nghe chúng tôi nói chuyện, tự nhiên ông cảm thấy có sự gắn bó nào đấy. Tôi hỏi: 

–Vậy ông thuộc dòng dõi hoàng tộc Áo?

Ông cười to, tiếng cười sảng khoái ấm áp, trả lời:

 –Đúng rồi, chúng tôi thuộc dòng dõi hoàng tộc Áo đây, nhưng mà là trên sân khấu ấy.

Tôi ngơ ngẩn không hiểu. Ông từ tốn uống ngụm cà phê, kéo dài thời gian cho sự tò mò của tôi tăng thêm rồi mới giải thích. Năm 1898 lúc Sissi bị ám sát, bà ngoại ông được 10 tuổi, bà là người Thuỵ Sĩ, gốc Genève, đã chứng kiến từ xa cảnh lộn xộn nhưng không biết rõ lắm, vì lúc đó bà cùng gia đình cũng đang đi dạo dọc bờ hồ Léman. Sau đó mới nghe mọi người, báo chí, cha mẹ nhắc lại nhiều lần. Từ đó câu chuyện thương tâm ăn sâu vào đầu óc bà vĩnh viễn. 

Hình minh họa: Pexels

Mười hai năm sau, 1910, bà ngoại ông kết hôn với một người Áo lúc ông là sinh viên sang Thuỵ Sĩ du học, cả hai học cùng trường. Bà theo ông về Áo. Hai năm sau, 1912, mẹ Steve ra đời đặt tên Elisabeth. Từ nhỏ mẹ ông đã thích ca hát, diễn kịch. Sau bà gia nhập một nhóm kịch nhỏ, thường được phân vai Hoàng hậu Sissi vì bà có nét mặt và ngoại hình hao hao hoàng hậu.

Nói đến đây, Steve mở ví lôi ra hai tấm ảnh đen trắng cũ kỹ, đã phai nhạt theo dấu thời gian. Khoe một tấm là mẹ ông, chụp lúc bà khoảng 25 tuổi mà bà ngoại còn giữ lại được. Tấm còn lại là vợ ông, cũng chụp lúc trẻ. Nhìn trông giống như hai chị em ruột. Tóc để dài, dáng ngồi nghiêng nghiêng. Cả hai tấm hình này đều giống Sissi vô cùng.

Năm 1932, mẹ Steve kết hôn với cha ông là người gốc Do Thái, có cửa hàng bán dụng cụ âm nhạc. Năm sau thì ông ra đời.

Năm 1938, Áo bị sáp nhập vào Đức.

Năm 1939, Thế chiến thứ hai bùng nổ.

Nhờ bà ngoại Steve là người Thuỵ Sĩ mượn cớ đi về thăm quê nên cùng ông ngoại dẫn Steve trốn thoát, lúc đó mới sáu tuổi. Ba mẹ và cô em gái của Steve hai tuổi chưa kịp thu xếp ra đi thì bị Đức Quốc Xã bắt gom vào ghetto (tên đồ tể Hitler ban hành chính sách diệt chủng Do Thái. Khoảng 60 triệu người chết trong cuộc chiến, trong đó 6 triệu người của dân tộc lưu vong này đã bỏ mạng trong các lò thiêu xác, trại tù…).

Tuy chỉ là một cậu bé sáu tuổi, Steve vẫn còn nhớ rõ đêm cuối cùng ấy. Lần đầu mà cũng là lần cuối được ông bà ngoại, ba, em gái cùng nhau đi xem mẹ diễn kịch trong vai Hoàng hậu Sissi. Ánh đèn sân khấu, cùng sự hoá trang khéo léo nên mẹ ông trông lộng lẫy tuyệt vời không khác gì một bà hoàng thực thụ. Hình ảnh xinh đẹp rạng ngời đó in đậm trong tâm trí ông mãi tận bây giờ. 

Sau khi vở kịch hạ màn, ông bà ngoại, ba, Steve và em gái vào phía sau sân khấu để chúc mừng mẹ. Mọi người ôm hôn nhau, cánh tay ghì chặt, mắt rướm lệ. Steve ngạc nhiên sao mọi người không tươi cười hạnh phúc với thành công của mẹ mà lại có vẻ bồn chồn, lo lắng, đau khổ.

Rồi ông bà ngoại thúc hối Steve ra xe, nói để ông bà đưa Steve về trước, ba và em gái sẽ cùng mẹ về sau. Hình ảnh cuối cùng của mẹ Steve chính là hình ảnh Nữ hoàng Sissi thanh lịch, ánh mắt u buồn. Dịu dàng ôm hôn ông và thì thầm: “Ba mẹ yêu con thật nhiều, cầu Chúa ban phúc…” Mẹ chỉ nói được vậy rồi nín bặt. Steve đâu ngờ đó là giờ phút vĩnh biệt ba mẹ và em mãi mãi.

Khi Steve kể đến đây, chính ông cũng nín bặt. Không khí cô đọng. Cổ họng tôi nghẹn cứng.

Hình minh họa: mikhail-nilov-Pexels

Lát sau, lấy lại bình tĩnh, ông tiếp tục: Hết chiến tranh Steve cùng ông bà ngoại trở về Áo. Ông tiếp tục đi học, đi làm. Gia đình ai cũng có máu nghệ sĩ, yêu thích âm nhạc, kịch. Ngoài việc làm chính, ông thường chơi hồ cầm- violoncelle-đôi lúc hát trong các buổi lễ, hay trong nhà thờ. Thật tiếc là ông không đi theo con đường nghệ thuật, vì ông sở hữu một giọng nói ngọt ngào thiên phú.

Ông theo đạo Công giáo bên ngoại chứ không Do Thái giáo của cha. Vì gia đình bên cha bị tiêu diệt hết, không còn ai sống sót. Ông thử tìm kiếm nhưng không có tin tức gì.

Trong những lần đi chơi nhạc, ông đã gặp một người con gái  vóc dáng và gương mặt phảng phất mẹ mình. Cô có giọng hát truyền cảm, ánh mắt thu hút mà vừa ở cái nhìn đầu tiên ông đã biết ngay chính là người trong mộng. Hơn nữa, cô gái có tên là Elisabeth!

Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng

Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng

Tóc xanh lả bóng dừa hoang dại

Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng

(Tự tình dưới hoa, Đinh Hùng)

 Cái ông này lãng mạn, đa tình thật!

Hai vợ chồng sống với nhau 40 năm trong hạnh phúc, được năm người con như để bù lại cho việc ông một mình trơ trọi. Một buổi sáng vợ lái xe đi làm bị tai nạn, qua đời. Con cái lập gia đình, mỗi người một phương, thỉnh thoảng ghé thăm ông.

Lúc đầu ông buồn ghê lắm, tưởng không chống chọi nổi. Thời gian đúng là toa thuốc hay nhất, dần dần ông nguôi ngoai. Nhưng hình bóng vợ thì ngự trị mãi trong trái tim và tâm trí ông không bao giờ phai nhạt, không gì thay thế. Trước khi từ giã, chúng tôi trao đổi địa chỉ, hứa sẽ liên lạc. Giáng sinh năm đó chúng tôi gởi cho nhau thiệp mừng. Thỉnh thoảng gởi carte nhân dịp lễ lạt. Hơn một năm sau, Steve gởi cho chúng tôi một carte postale viết vắn tắt:

“Adieu mes amis, je vais rejoindre ma chérie Elisabeth. Je suis heureux. Tout le bonheur pour vous deux”.

Steve.

Chúng tôi lo sợ chuyện không hay, muốn liên lạc ngay mà không có số điện thoại, đành chỉ gởi thơ. Không hiểu sao chúng tôi lại không trao nhau số điện thoại. Mấy tháng sau nhận được hồi âm của con gái ông, viết vài dòng là Steve đã mất vì bịnh ung thư.

Chúng tôi buồn ngơ ngẩn một thời gian, dù biết rằng giờ đây Steve mới thật sự thanh thản và hạnh phúc như ông mong ước. Xong rồi một kiếp nhân sinh! Khi sống thì trải qua bao thăng trầm. Giờ tấm thân tứ đại đã tan biến vào hư vô. Có chăng là chút gì đọng lại trong ký ức của người yêu mến ta.

Mỗi tách sữa, không chỉ là vật vô tri giác, không chỉ đơn thuần là phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà đôi lúc nó còn chứa đựng một câu chuyện, một kỷ niệm mang nhiều ý nghĩa cho người xử dụng nó. 

Tôi định viết về niềm vui. Nhưng sao sáng nay tôi chọn cái tách này, rồi tâm trạng thoắt bỗng vương vấn sầu bi khi nghĩ về sự phi lý của đời người.

Không, không chỉ là buồn. Vượt lên trên, nó vẫn mang lại niềm hạnh phúc đó chứ. Là biết rằng trên đời, cũng còn nhiều người có tấm lòng Thuỷ Chung, trân quí Nghĩa Tình như Steve vậy. Giữa những thảm kịch, ông đã tìm được một nửa của mình.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: