NEW YORK CITY, New York (SGN) – Con cái khi được dạy các kỹ năng xã hội quan trọng sẽ có cuộc sống khỏe mạnh và thành công hơn khi trưởng thành, nhờ vào cách giáo dục và quan tâm của cha mẹ.
Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh tầm quan trọng của việc dạy cho con những kỹ năng cần thiết ngay từ khi còn nhỏ để con có thể hoàn thiện hơn trong cách suy nghĩ, hành động và xử sự. Và dưới đây là 10 kỹ năng quan trọng giúp con phát triển và lớn lên một cách tốt hơn trước khi bước sang tuổi 13, theo trang mạng Brightside.
1. Học cách lạc quan và yêu bản thân
Cho con thấy mặt tươi sáng của mọi thứ, đánh giá cao nỗ lực của con và dạy con rằng đôi khi thất bại cũng không sao là điều cần thiết và quan trọng để xây dựng tinh thần lạc quan cần thiết cho con.
Yêu thương bản thân cũng là một bài học cha mẹ cần dạy cho con. Dạy con tin tưởng vào bản thân và nhìn nhận bản thân tích cực bằng cách khen ngợi con và hỏi con về những gì con thích hoặc không thích ở bản thân mỗi ngày.
2. Dần có trách nhiệm xung quanh
Dạy con có trách nhiệm từ những việc nhỏ nhặt nhất như cất đồ chơi, giúp việc nhà hoặc chăm sóc thú cưng là điều cha mẹ nên rèn giũa từ khi còn nhỏ. Theo thời gian, con sẽ học được việc chịu trách nhiệm cho những việc cần phải làm, chứ không phải vì cha mẹ bắt buộc làm. Đó là chìa khóa để con thành công ở trường học và cuộc sống sau này.
3. Học cách quản lý thời gian
Dạy con cách quản lý thời gian bằng cách đặt giờ đi ngủ và bảo đảm con tự học cách ngủ và thức dậy đúng giờ.
Cha mẹ cũng có thể lên lịch và để con có thể tự sắp xếp cho các hoạt động và nhiệm vụ hàng tuần của mình. Việc thiết lập giờ ăn cố định là rất quan trọng vì con phải học rằng cả gia đình ăn cùng nhau và cùng một lúc.
4. Giải quyết các bất đồng một cách thân thiện
Xung đột giữa con trẻ luôn xảy ra, ngay cả giữa những người bạn thân nhất, vì vậy cha mẹ phải chuẩn bị cho con cách đối phó và xử lý.
Dạy con xác định nguồn gốc của xung đột và sau đó đưa ra các giải pháp giải quyết hòa bình. Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu về hành vi của con trẻ nên cần phải làm gương cho sự giao tiếp và cảm thông.
5. Làm việc với những người khác
Dạy con cách hòa đồng với những người khác sẽ giúp con làm việc như một thành viên linh hoạt khi hoạt động nhóm trong cuộc sống trưởng thành. Học cách làm việc theo nhóm sẽ giúp con có nhiều kỹ năng xã hội như tôn trọng, thỏa hiệp, khoan dung, kiên nhẫn, giao tiếp và đồng cảm. Con cũng sẽ phát triển sự tự tin và tin tưởng vào người khác, và những kỹ năng đó sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho con cái sau này.
6. Chấp nhận sự thất vọng
Con cũng cần phải học cách đối mặt với sự thất vọng. Cha mẹ phải học cách lắng nghe và nhìn nhận những gì con cái đang trải qua, sau đó đưa ra quan điểm và tìm kiếm giải pháp.
Tập con biết rằng thất vọng là một phần của cuộc sống và không để sự thất vọng làm con nản lòng, nhưng thay vào đó, thể hiện niềm tin vào con sẽ rất quan trọng.
7. Dạy con biết cách đứng lên vì bản thân và những người xung quanh
Bạn hãy dạy con cách bảo vệ bạn thân của con. Môi trường ở trường học không thiếu việc con cái chúng ta phải chịu đựng những tin đồn không hay hoặc bị gọi bằng những cái tên khó nghe. Chính vì vậy, bạn hãy dạy con làm bạn với những học sinh mới, kết bạn với chúng để con mình vừa có bạn bè vui chơi với nhau, vừa là cơ hội để con học cách biết quan tâm và đứng lên bảo vệ người khác.
8. Biết xin lỗi và tha thứ
Chỉ yêu cầu con nói “Con xin lỗi” là không đủ. Ba mẹ cần đảm bảo rằng con hiểu vì sao và con xin lỗi về những hành động con đã gây ra, chứ không chỉ là một lời nói đơn giản.
Mặt khác, sự tha thứ vẫn là một vấn đề của nhiều người lớn. Đó là lý do tại sao chúng ta nên nhắc nhở con rằng sự tha thứ là quan trọng và chúng ta nên làm điều đó thường xuyên hơn.
9. Học cách lắng nghe và cảm thông
Bản thân cha mẹ trở thành một người biết lắng nghe sẽ làm gương tốt cho con cái. Đối xử với con bằng sự tôn trọng và thể hiện sự quan tâm đến những gì con muốn nói sẽ giúp rèn luyện bản thân con thành những người biết lắng nghe.
Tương tự đối với sự đồng cảm, chính sự thể hiện khía cạnh đồng cảm của cha mẹ với con sẽ cho chúng một tấm gương tốt để noi theo. Việc này sẽ giúp con tập tính quan tâm đến người khác và tạo cơ hội cho con thể hiện sự đồng cảm sâu sắc hơn.
10. Học cách điều chỉnh cảm xúc
Trẻ nhỏ thường không thể xử lý những cảm xúc và bị cảm xúc lấn át. Nhiệm vụ của cha mẹ là hướng dẫn để con vượt qua điều đó. Ba mẹ cần dành thời gian để ý và ghi nhận cảm xúc của con, để con có thể tự học cách nhận ra các cảm xúc này. Là người lớn, cha mẹ cũng nên làm những điều tương tự, vì hành vi của cha mẹ là một tấm gương cho con. Cha mẹ nên chia sẻ cảm xúc của mình với con và sau đó cho con thấy cách mà bạn đối mặt và giải quyết các cảm xúc đó như thế nào.