Dạy con kỹ năng tự quản lý thời gian

Các nghiên cứu đã chỉ ra những tác động bất lợi của việc dành quá nhiều thời gian trên trên mạng xã hội. (minh họa: Annie Spratt/Unsplash)

Theo Nir Eyal, giảng viên Stanford University, nhiều cha mẹ quên dạy con một kỹ năng quan trọng, đó là cho con tự kiểm soát thời gian của chúng.

Sau nhiều năm nghiên cứu về sự giao thoa giữa tâm lý học, công nghệ, ông nhận ra một trong những sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh là không cho con quyền tự kiểm soát thời gian của chúng. Cha mẹ cần phải hiểu, trẻ chịu trách nhiệm là điều hoàn toàn bình thường. Chỉ khi biết cách thực hành quản lý hành vi, chúng mới biết cách quản lý thời gian và sự chú ý.

Eyal cho rằng, trong tương lai thế giới chỉ có hai loại người: những người để cho người khác kiểm soát sự tập trung, cuộc sống của họ và những người “không thể bị phân tâm”.

Khi con gái của Eyal lên 5 tuổi và liên tục đòi xem iPad, ông và vợ biết đã đến lúc phải hành động. Hai vợ chồng tôn trọng nhu cầu của con, nhưng cũng giải thích một cách dễ hiểu nhất có thể cho con hiểu, là xem quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến những thứ con yêu thích. Chẳng hạn, nếu dành phần lớn thời gian cho các ứng dụng và video, con sẽ không còn nhiều cơ hội để chơi với bạn ngoài công viên, đi bơi hay chơi cùng cha mẹ.

Eyal giải thích cho con về việc các ứng dụng và video trên iPad do những người rất thông minh làm ra. Mục đích của các ứng dụng này là thiết kế sao cho trẻ con bị cuốn vào xem mãi, dứt không ra. Điều quan trọng là con phải hiểu được động cơ của các công ty game, mạng xã hội. Dù các sản phẩm của họ thú vị, hấp dẫn, họ cũng đang kiếm lời từ thời gian và sự chú ý của người xem. Những kiến thức này tuy có vẻ to tát với một đứa trẻ lên năm, nhưng Eyal cảm thấy cần phải trang bị cho con khả năng ra quyết định về thời gian xem thiết bị và thực thi quy tắc của riêng mình.

Nếu dành phần lớn thời gian cho các ứng dụng và video, con sẽ không còn nhiều cơ hội để chơi với bạn ngoài công viên, đi bơi hay chơi cùng cha mẹ. (minh họa: Unsplash)

Tiếp theo, vợ chồng Eyal hỏi suy nghĩ của con gái về thời gian xem màn hình bao nhiêu là đủ. Ông thừa nhận họ đã mạo hiểm khi cho con quyền tự quyết, nhưng rất đáng để thử. Ông nghĩ con bé chắc sẽ nói “con muốn xem cả ngày”. Nhưng ngược lại, cô bé chỉ muốn xem “hai tập”. Ông hỏi lại con: “Hai tập của một chương trình cho trẻ em trên Netflix vào khoảng 45 phút, chỉ có 45 phút thôi nhe!” Cô bé đồng ý. Với Eyal, 45 phút là vừa đủ, không ít mà cũng không quá nhiều.

Để chắc chắn chỉ xem 45 phút một ngày, cô con gái của ông dùng dùng đồng hồ bấm giờ, vì như giao hẹn, nếu xem quá giờ quy định, cô bé sẽ bị phạt, hoặc thỏa thuận trước đó sẽ bị… xem lại. Tất nhiên là không thoải mái như quy định hiện hành.

Khi con gái lên 10, Eyal vẫn cho con quyền tự quản lý thời gian. Cô bé thực hiện một số điều chỉnh khi lớn lên như đổi thời gian xem hàng ngày thành xem phim cuối tuần. Cô cũng thay đồng hồ bấm giờ bằng loa thông minh Alexa. Vấn đề ở chỗ, đây là những quy định của con đặt ra,  và con chịu trách nhiệm thực hiện đúng.

Theo Eyal, đây chính là “hiệp ước nỗ lực”, một loại cam kết cần đến nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành một hành động nào đó mà họ không mong muốn. Loại cam kết này có thể giúp chúng ta trở nên không bị phân tâm. Nhiều phụ huynh muốn biết thời lượng chính xác một đứa trẻ nên xem tivi, điện thoại hàng ngày, nhưng không có con số tuyệt đối nào cả. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nó như nhu cầu cụ thể của con, hoạt động con làm trên mạng hay các hoạt động ngoài đời.

Hoạt động ngoài trời giúp trẻ năng động hơn ngồi ôm điện thoại chơi game. (minh họa: Mi Pham/Unsplash)

Điều quan trọng nhất là cùng thảo luận với trẻ, chứ đừng áp đặt. Khi cha mẹ áp đặt giới hạn mà không có ý kiến của trẻ, chúng có xu hướng làm ngược lại, hoặc… “ăn gian”.

Thực tế, chẳng có gì bảo đảm sự hòa hợp giữa cha mẹ và con cái, nhưng Eyal cho rằng, tôn trọng ý kiến trái chiều là dấu hiệu của một gia đình lành mạnh. Dù trong doanh nghiệp lớn hay gia đình nhỏ, khi thảo luận các vấn đề cởi mở và trong môi trường mà ai cũng cảm thấy an toàn, được ủng hộ, chúng ta có thể giải quyết cùng với nhau.

Ngoài việc giúp con nhận thức được sản phẩm công nghệ ra đời với mục đích gây nghiện cao, các bậc phụ huynh cần tin tưởng vào khả năng vượt qua sự phân tâm của con, giúp con biết cách quản lý thời gian của chúng. Đó là trách nhiệm, cũng là quyền lợi để con sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan, thông minh.

(theo CNBC)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: