Gen Z: Bốn năm ngồi mòn ghế nhà trường là không đáng!

(minh họa: Honey Yanibel Minaya Cruz/Unsplash)

Mọi người thường nói muốn thành công phải có bằng đại học, còn nhiều bạn trẻ bây giờ lại cho rằng việc mất bốn năm dài đằng đẵng trong trường, là không đáng!

Phillip Cohen, giáo sư xã hội học tại đại học University of Maryland-College Park, khi trả lời phỏng vấn của Fortune, ông cho rằng sinh viên đại học ngày nay quan niệm tấm bằng đại học không còn là tấm vé dẫn đến một tương lai an toàn.

Cha mẹ của sinh viên đại học thường nói với họ rằng phải vào cho xong đại học thì mới bảo đảm tương lai sau này, là có công ăn việc làm ổn định. Từ đó đi kèm với các tiêu chuẩn về quyền sở hữu nhà, quỹ nghỉ hè và thậm chí cả khả năng chu cấp cho gia đình cũng như trình độ học vấn của thế hệ tiếp theo. Nhưng điều ngược lại đang xuất hiện trong thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z (18 đến 26 tuổi).

Tại hội nghị Sáng kiến Tác động của Fortune vào tuần trước, Ziad Ahmed, người sáng lập và Giám đốc điều hành JUV Consulting – công ty tư vấn tập trung vào Thế hệ Z, cho biết: “Chúng ta đã được dạy rằng, ‘Bạn học trong 20 năm, lãnh đạo trong 30 năm, và có thể tiếp tục làm việc thêm 20 năm, và nếu may mắn, bạn sống trong giấc mơ Mỹ.”

Một “Gen Z” lấy lại micro và phản ứng: “Không. Chúng cháu muốn học hỏi, chúng cháu muốn lãnh đạo và sống cùng một lúc. Các thầy cô, cha mẹ chắc sẽ nguyền rủa nếu chúng cháu nói điều ngược lại, rằng không nhất thiết phải có bằng đại học thì mới thành công.”

Cohen nói với Fortune: Ý tưởng về việc học đại học để bảo đảm thành công đã bị xói mòn. “Chắc chắn rằng, theo đuổi học vấn và sự nghiệp vẫn là sự đặt cược an toàn hơn cho tương lai của bạn,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng kết quả công việc và mức lương cơ bản được cải thiện đáng kể với mỗi bằng cấp cao. Nhưng những lợi ích vật chất đó “không còn là sự bảo đảm nữa”.

Nhưng trong khi các sinh viên của Cohen bày tỏ sự thất vọng và lo lắng thì đại học vẫn chưa hẳn là lỗi thời. Trong một cuộc khảo sát quốc gia của Harris Poll đối với sinh viên tốt nghiệp năm 2023, 90% cho biết họ rất vui vì đã vào đại học và họ vẫn tin rằng bằng cấp là cơ hội tốt nhất để hướng tới một tương lai vững chắc.

Một lần nữa, hơn một nửa số người trưởng thành nói với tờ Wall Street Journal trong một cuộc khảo sát năm ngoái, rằng lợi ích kinh tế (hoặc khả năng kiếm tiền) của việc có được bằng cử nhân không lớn hơn chi phí. Đó là mức tăng 40% so với những người nói điều tương tự vào năm 2013.

Sự thay đổi trong thái độ có thể một phần là do những sinh viên tốt nghiệp đại học đã cố gắng hết sức để trả khoản vay hàng trăm nghìn đôla trong nhiều năm hoặc thậm chí hàng chục năm, nếu theo đuổi ngành y. Quả thực, đại học – dù về nguyên tắc có “cần thiết” hay không – đã trở thành một khoản chi phí cắt cổ mà khoảng một nửa đất nước phải gánh chịu, nhiều người cho rằng đó là “cục nợ” quá lớn.

Nhưng sinh viên đại học cũng có thể nhận thấy rằng các nhà tuyển dụng ngày càng tập trung hơn vào những gì người lao động thực sự có thể làm trong một vai trò nhất định. Trong nhiều ngành công nghiệp chính, người có trình độ, kỹ năng đang trở nên có giá trị hơn.

Động thái hướng tới tuyển dụng dựa trên kỹ năng đã đạt được động lực đáng kể trong suốt thời kỳ đại dịch khi người lao động và ông chủ xem xét lại các giá trị và nhu cầu của họ. Nhưng sự thay đổi đã diễn ra được gần một thập niên. Dưới sự hướng dẫn của cựu Giám đốc điều hành Ginni Rometty, công ty tư vấn khổng lồ IBM cho rằng cơ hội đòi hỏi một số kỹ năng cụ thể thay vì bằng cấp chuyên ngành hoặc tấm bằng đại học. Tỷ lệ các vị trí tại IBM yêu cầu bằng cấp bốn năm đã giảm từ 95% vào năm 2011 xuống dưới 50% vào Tháng Giêng, 2021.

(minh họa: Stephanie Hau/Unsplash)

Trong thị trường việc làm ngày nay, các ông chủ cần phải tuân theo những cách tiếp cận mới, Giám đốc điều hành LinkedIn Ryan Roslansky nói với Harvard Business Review vào năm ngoái. Ông cho biết, tuyển dụng thông qua mạng lưới chuyên gia hoặc cựu sinh viên là cách tiếp cận tốt khi thị trường đang bùng nổ những ứng viên tài năng. Ông giải thích: “Nhưng khi thị trường lao động chuyển động nhanh hơn nhiều, chúng tôi thực sự cần tìm ra điều gì đó để tập trung. Và con đường thay thế, linh hoạt, dễ tiếp cận đó thực sự sẽ dựa trên các kỹ năng.”

Ngay cả môi trường đại học cũng là phương tiện rèn luyện các kỹ năng, phục vụ tốt cho sinh viên trong công việc tương lai. Cohen, giáo sư Maryland, nói: “Những người bạn muốn ở bên cạnh là những người biết nhiều điều mới. Thật khó để truyền đạt cho giới trẻ ngày nay, nhưng ý tưởng ở đây là những gì bạn nhận được từ đại học không chỉ là kỹ năng mà còn là kinh nghiệm tư duy và học tập trong bốn năm.”

Đây không chỉ là tin tốt cho những người trẻ đang cân nhắc việc từ bỏ tấm bằng (và tất cả các khoản vay tiếp theo), mà cũng là tin tốt cho các nhà tuyển dụng. Các công ty tham gia và từ bỏ yêu cầu về bằng cấp có thể chứng kiến “sự bùng nổ tài năng”.

Ý kiến của bạn thế nào?

(theo Fortune)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: