Giận dữ, buồn bã, đều là ‘chìa khóa’ mở cánh cửa hạnh phúc

(minh họa: Xia Yang-Unsplash)

Không cha mẹ nào muốn thấy con cái mình khóc lóc, giận dữ, nhưng thay vì sợ hãi, hãy coi mỗi cơn tức giận như một cơ hội để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt.

Kiểm soát cảm xúc tốt là kỹ năng mà trẻ con cần rèn luyện để hạnh phúc và thành công hơn khi các cháu trưởng thành.

Jazmine McCoy, nhà tâm lý học ở vùng ngoại ô Atlanta cho biết, xét cho cùng thì việc thỉnh thoảng bộc phát cơn giận là điều không thể tránh khỏi. Mục tiêu của bạn, với tư cách là cha mẹ của con nhỏ không nên tránh né hoặc ngăn chặn cơn giận giữ của con, bằng mọi giá.

“Thay vào đó, điều quan trọng nhất là dạy cho con trẻ biết cách kiểm soát cơn giận của mình một cách khôn ngoan nhất,” McCoy nói với CNBC Make It.

Nghiên cứu cho thấy học cách điều chỉnh cảm xúc một cách hiệu quả, đặc biệt là những cảm xúc mãnh liệt, như tức giận và kể cả buồn bã, có thể giúp trẻ phát triển khả năng phục hồi, cải thiện khả năng tập trung và tăng cường phát triển nhận thức.

Theo các nhà tâm lý học, những kỹ năng và đặc điểm đó đều là chìa khóa cho sự thành công và hạnh phúc tổng thể của con bạn.

Đối với các bậc cha mẹ, cách bạn nói về sự tức giận – đặc biệt là khi phản ứng trước một cơn bộc phát bất ngờ – là yếu tố chính để dạy con bạn cách xử lý cảm xúc đó một cách thích hợp, theo McCoy.

Cô cho biết: “Bực bội cũng chẳng sao. Sự tức giận không chỉ là một cảm xúc, mà còn là một thông điệp. Nó xảy ra để chúng ta biết điều gì là quan trọng. Vì vậy hãy chú ý đến nó.”

Dưới đây là bốn bước mà cha mẹ cần làm, khi con cái mình giận giữ, theo McCoy:

1-Tạo ra ranh giới rõ ràng

McCoy nói: “Trẻ em cần cảm thấy chúng được lắng nghe và thấu hiểu, đặc biệt là được cha mẹ quan tâm. Con cần biết rằng, những cảm xúc tiêu cực, mãnh liệt của mình là điều bình thường và cha mẹ là những người luôn sẵn sàng giúp đỡ và sẽ vẫn yêu thương mình vô điều kiện, ngay cả khi mình hành động không đúng mực.”

Tuy nhiên, cha mẹ chấp nhận cảm xúc đó, không có nghĩa là chấp nhận hành vi tiêu cực, như la hét, đập phá,… Trong những trường hợp như vậy, hãy nêu rõ những ranh giới mà chúng không nên vượt qua.

Giả sử khi con bạn tức giận và bắt đầu la hét, hãy tạo ra một ranh giới: “Này con yêu, tập trung nghe nè, ba/mẹ muốn biết con muốn gì, nếu cứ la hét như vậy làm sao ba/mẹ hiểu con. Bình tĩnh lại, con nhé.”

(minh họa: Arwan Sutanto/Unsplash)

2-Thừa nhận cảm xúc của con bạn

Thừa nhận sự tức giận của con bạn là đòn bẩy giúp chúng diễn đạt những cảm xúc mãnh liệt mà trẻ đang cảm thấy bằng lời. Đó là bước quan trọng để giúp con trẻ kiểm soát những cảm xúc đó mà không thể hiện những hành động quá đáng.

Việc thừa nhận cảm xúc của trẻ thường đơn giản, như hỏi con bạn điều gì khiến chúng tức giận và tại sao, ngay cả khi bạn đã biết rõ. Sau đó, hãy trao đổi về các cách để giải quyết vấn đề, chẳng hạn như chơi với một món đồ chơi khác trong khi trẻ đợi anh chị em của chúng chơi xong cái món mà chúng muốn lúc ban đầu.

“Khi tôi dạy con mình cách giao tiếp bằng lời nói, con tôi không cảm thấy mình cần phải la hét và tỏ ra hung hăng để truyền đạt những gì chúng muốn,” McCoy cho biết.

Cô cũng là người thích sử dụng các loại sách dành cho trẻ em và các phương tiện truyền thông khác để nói chuyện với con cái của mình về cảm xúc. Chẳng hạn, hãy hỏi con mình suy nghĩ của chúng về một nhân vật trong cuốn sách yêu thích, lại đang buồn bã như thế, và nếu rơi vào tình cảnh này, phải làm sao để vượt qua nỗi buồn.

3-Cố gắng xoa dịu mọi chuyện

Dạy con bạn hít thở thật sâu khi buồn là cách phổ biến và hiệu quả để giảm bớt những cơn giận dữ bất ngờ bùng phát. McCoy nói mẹo để sử dụng chiến lược đó một cách hiệu quả, là hãy tự mình hít vào thở ra thật sâu trước mặt con bạn. Nói với các bé rằng bạn muốn tạm dừng cuộc trò chuyện để hít thở sâu vài hơi. Hãy chỉ cho chúng biết rằng làm như vậy sẽ giúp bạn bình tĩnh lại và xem liệu con bạn có chịu làm theo không.

Cũng có thể phương pháp này phản tác dụng. Nếu thế, đừng ép các cháu phải hít thở sâu, nếu chúng không muốn.

4-Đừng đổ thêm dầu vào lửa

Cha mẹ thường cảm thấy bực bội khi chứng kiến đứa con đáng yêu mới biết đi của mình đột nhiên nổi cơn thịnh nộ. McCoy nói các bé còn quá nhỏ để điều chỉnh những cảm xúc mạnh mẽ.

La mắng trẻ em đôi khi lại có tác động tiêu cực lâu dài đến lòng tự trọng và sự phát triển cảm xúc của trẻ. Ngay cả khi sự khó chịu của bạn không được thể hiện bằng lời, con bạn vẫn có thể cảm nhận được sự tức giận của mình qua cử chỉ, hành động. Điều này khiến tình hình càng lúc càng trở nên căng thẳng hơn.

Hãy giữ bình tĩnh và nói về cảm giác thất vọng của bạn với con, là bước hữu ích nhất để giải quyết một vấn đề. McCoy nói: “Điều này phụ thuộc vào những thông điệp mà cha mẹ truyền đến con cái, cố gắng đừng đổ thêm dầu vào lửa, thì mọi chuyện sẽ êm xuôi.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: