Phân nhóm các môn đạo đức học
Khi đã xác định được rõ ràng mục đích và tầm quan trọng của môn giáo dục đạo đức kèm theo một tổ chức giáo dục qui mô bao gồm trường học, thầy cô giáo và tài liệu giảng dạy phong phú. Nhưng những cái đó mới chỉ là một cái khung trên giấy tờ, trên lý thuyết, vẫn chưa thể đoan quyết được sẽ thành công như mong muốn. Muốn đạt được kết quả tốt khi giảng dạy còn phải biết lựa chọn bài giảng đúng với trình độ hiểu biết và tuổi tác của từng nhóm học sinh. Người ta chia chương trình giáo dục đạo đức trong 9 năm cưỡng bách giáo dục của Nhật Bản ra làm 4 nhóm khác nhau tuỳ theo trình độ và tuổi tác của học sinh:
-Nhóm 1: gồm những bài học liên quan đến bản thân của chính học sinh (quí trọng mạng sống, vệ sinh và giữ gìn sức khoẻ…)
-Nhóm 2: Dạy học sinh hiểu biết về người khác với những liên hệ giữa bạn bè trong trường, trong lớp với nhau, giúp đỡ nhau trong việc học hay trong những sinh hoạt đoàn nhóm (thể thao, chơi đùa…)
-Nhóm 3: Hướng dẫn học sinh những kỹ năng giao tiếp với cộng đồng. Quen thuộc với luật lệ cần thiết để hòa nhập vào sinh hoạt của tập thể có phạm vi rộng lớn hơn trong xã hội như các hội đoàn (clubs) thể thao, âm nhạc, võ nghệ,…
-Nhóm 4: Liên hệ đến các bài giảng mang tinh thần bảo vệ thiên nhiên, môi trường, yêu xã hội, yêu cuộc sống… Dành cho những học sinh lớp lớn (cuối bậc trung học) vì ở tuổi đó học sinh đã có khả năng nhận thức để tiếp nhận những kiến thức căn bản liên quan đến khoa học và thiên nhiên.
Tuy nhiên sự phân chia ra 4 nhóm như trên vẫn không được nhiều nhà giáo dục đồng ý. Họ cho rằng có thể sự phân chia đó chỉ thu nhỏ trong ngành giáo dục đạo đức trong 9 năm cưỡng bách giao dục mà thôi. Thực tế môn học giáo dục đạo đức không chỉ được dạy trong 9 năm đó mà nó đã được dạy cho đứa bé ngay từ khi bước vào cấp mẫu giáo (khoảng 2 năm, lúc 4,5 tuổi). Trong 2 năm mẫu giáo đó đứa bé đã được dạy các lễ nghi đơn giản, căn bản hàng ngày như chào kính, không nói dối với thầy cô, bạn bè và cha mẹ, yêu thú vật… biết giữ trật tự trong các sinh hoạt ngoại khóa (thể thao, múa hát, thăm viếng sở thú…). Chính vì vậy người ta đề nghị có thêm một nhóm thứ 5 gồm những bài học đạo đức căn bản và rất thông thường hàng ngày dành đứa bé ở cấp mẫu giáo.
Như các phần trên đã đề cập, môn giáo dục đạo đức trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản không chỉ thu gọn trong 9 năm giáo dục cưỡng bách và trong các sách giáo khoa chuyên ngành về đạo đức. Nó còn tản mạn trong tất cả các môn học khác và còn liên tục đến các trình độ cao hơn như cấp cao đẳng và đại học. Dĩ nhên ở các trình độ cao hơn, học sinh có kiến thức và nhận thức cũng cao hơn. Môn đạo đức cũng phải hàm chứa nội dung sâu sắc và tinh tế hơn, trong đó ý thức đạo đức không bó chặt trong địa giới quốc gia mà phải mở rộng ra thế giới đúng như tinh thần trong bản hiến pháp hòa bình năm 1947 với chủ trương “quốc tế thân thiện trong một thế giới hoà bình.” Với quan niệm đó, nhóm giáo dục “mở rộng” này muốn thêm một nhóm thứ 6 liên quan đến những bài học đạo đức trong lãnh vực quốc tế.
Tóm lại chương trình và hoạt động của môn giáo dục đạo đức trong nền giáo dục của Nhật bản đã được biến đổi, nó không phải chỉ có 4 nhóm kể trên mà thực tế đã có thêm 2 nhóm khác nữa bổ xung vào đó là:
-Nhóm 5: dành cho những đứa bé cấp mẫu giáo, thực tế tác dụng của giáo dục đạo đức trên nhóm trẻ này rất quan trọng và càng ngày càng được người dân Nhật chú ý . Chính vì vậy nhiều người ngoại quốc đến Nhật Bản đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tận mắt sự lễ độ của những đứa trẻ chỉ mới 5, 6 tuổi.
-Nhóm 6: Môn đạo đức được mở rộng hơn cho lứa tuổi sau 9 năm giáo dục cưỡng bách (trên 15 tuổi) nhưng thực tế nhóm này bao gồm mọi lứa tuổi, giúp người dân Nhật bản biết yêu và bảo tồn thiên nhiên cũng như thân thiện với nhân loại, tôn vinh thế giới hoà bình. Đó cũng chính là lý do tại sao đường phố, cũng như trong lễ hội, công viên , sân vận động… luôn luôn sạch sẽ, mọi người đều có ý thức vệ sinh, xếp hàng, giữ yên lặng… dù chẳng có luật lệ hay hình phạt nào gò bó họ phải làm như vậy.
Chi tiết thực hành trong việc giảng dạy đạo đức tại Nhật Bản
Trong tập san “Đạo đức giáo dục“ của bộ Quốc gia giáo dục Nhật Bản năm 1958 có đưa ra những chi tiết của từng chủ đề giáo dục đạo đức giúp cho thầy cô giáo noi theo trong viêc thực hành giảng dạy.
Dĩ nhiên đây chỉ là những chi tiết có tính cách tổng quát, vấn đề chính vẫn là người giáo viên phải biết rõ trình độ của học sinh để truyền đạt kiến thức một cách hợp lý để cho học sinh có thể lãnh hội kiến thức tốt nhất.
1.- Tập quán lễ nghi
Lễ nghi là dạng thức của con người hiển lộ ra bên ngoài như cử chỉ đi đứng, lời nói, sự chào kính và cả lối ăn mặc… Con người thiếu lễ nghi là con người thiếu lịch sự, thấp kém văn hóa làm cho người khác xa lánh hay chán ghét.
Học hỏi lễ nghi là một bài học đạo đức đầu tiên, căn bản cho bất cứ đứa bé nào khi đến trường, ngay cả trẻ con trong cấp mẫu giáo. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là uốn nắn, dạy bảo những nghi thức lễ phép cho học trò làm sao để trở thành tập quán, thói quen một cách rất tự nhiên. Không có lễ nghi là một thiếu sót không thể chấp nhận được trong một xã hội rất chuộng hình thức và lễ nghĩa như Nhật Bản. Bên cạnh đó những lời chào hỏi còn mang theo một tác động vui vẻ, thân thiện ban đầu trong giao tế. Chính vì vậy có những câu chào hỏi mang tính hình thức nhưng không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật Bản. Bậc cha mẹ và thầy cô phải có trách nhiệm dạy bảo cho đứa bé nằm lòng như một phản xạ.
Chẳng hạn khi nhận bất cứ vật gì hay giúp đỡ từ người khác luôn luôn phải có lời cám ơn. Trước khi ăn cơm phải nói câu xin mời mọi người (Itadakimasu), khi ăn xong để đũa xuống có thể nói vài câu khen ngon miệng nhưng không thể thiếu câu đã ăn xong (Gochisosama). Khi rời nhà phải nói câu “xin rời nhà“ (Ittekimasu) sẽ nhận được câu “xin cứ đi“ (Itterasai). Khi về nhà với câu “đã về nhà“ (Tadaima) sẽ nhận được lời chào đón “xin cứ về” (Okaerinasai), khi gặp bất cứ ai quen biết hay thầy cô trong trường phải chào hỏi. Bên cạnh đó đứa bé phải chỉnh tề trong ăn mặc lúc đến trường, giữ gìn vệ sinh chung, không được nói dối, trong lớp học phải yên lặng và tôn kính thầy cô…
Tóm lại hình thức lễ nghi căn bản hàng ngày này không còn là bài học đạo đức phải dạy lại hay bàn luận trong lớp học, trong gia đình… bởi vì nó phải như một phản xạ tự nhiên, một chân lý làm người mà không một con người Nhật Bản nào từ lúc là đứa trẻ mới biết nói ở tuổi lên 4 lên 5 bắt đầu đến mẫu giáo cho đến lúc già nua…. Tất cả những lễ nghi đó không thể thiếu vắng được nếu là người bình thường.
2.- Quí trọng sự sống và sức khỏe
Với đề mục này thầy cô giáo dạy cho học sinh yêu sự sống của mình, coi đó là một gia sản của cha mẹ, của đất nước mà mình có nhiệm vụ gìn giữ cho khoẻ mạnh để đền đáp lại cha mẹ và phục vụ xã hội nơi mình đang sống. Muốn cho khỏe mạnh phải sống hợp vệ sinh, tránh những bê tha làm hại đến sức khỏe như nghiện hút. Tham gia các hoạt động thể dục, thể thao cũng như hướng sự rảnh rỗi vào những giải trí có tính cách văn hóa, thanh cao như âm nhạc, hội họa, du lịch khám phá thiên nhiên v.v… mục đích làm cho tâm hồn được thanh cao, trong sáng. Thầy cô giáo phải tìm cách nâng đở, an ủi học sinh khi chúng gặp những buồn phiền, tuyệt đối không được mang sự chán chường, tiêu cực trong đời sống riêng tư của cá nhân mình vào giờ giảng dạy.
3.- Đức tính hòa nhập vào tập thể
Hướng dẫn cho học sinh những đức tính để hòa nhập vào sinh hoạt của tập thể là một bài học luôn luôn được đề cao trong nền giáo dục Nhật Bản. Tính tập thể được coi là căn bản trong tất cả dạng thức sinh hoạt đám đông trong xã hội. Ở Nhật Bản đức tính này hiển hiện rất rõ trong trường lớp, trong công sở, trong đoàn nhóm ngay cả trong giải trí, vui chơi… Tất cả được tổ chức thành đoàn thể và tính tập thể như một hiện tượng tự nhiên phải có trong xã hội Nhật bản. Chính vì vậy thầy cô giáo phải có trách nhiệm dạy bảo những nguyên tắc căn bản đễ học trò hòa nhập vào các sinh hoạt tập thể ngay từ khi đứa bé vào trường mẫu giáo.
Trong tất cả các sinh hoạt khi học tập, khi chơi đùa, khi sinh hoạt ngoại khóa (cắm trại, thể thao, thăm viếng đền đài, phòng triển lãm…) học sinh luôn luôn kết thành đoàn nhóm, tự nương tựa, kiểm soát hay giúp đỡ nhau. Khi tham dự những trò chơi có tính cách ganh đua phải tôn trọng sự công bình và dân chủ. Thầy cô giáo chỉ là người theo dõi tổng quát hay chú ý đặc biệt cho những học sinh cá biệt mà thôi.
Tuy nhiên muốn cho sinh hoạt tập thể được kỹ luật, không bị lộn xộn vì nhiều ý kiến khác nhau cũng như phân bì công việc và trách nhiệm giữa các thành viên… dẫn đến tình trạng vô tổ chức. Học sinh phải được truyền dạy các đức tính sau đây:
-Ý thức mình là một đơn vị trong tập thể, phải có nghĩa vụ tuân hành luật lệ của đoàn thể và tôn trọng vai trò cũng như mệnh lệnh của người trưởng nhóm do thầy cô giáo chỉ định hay do tập thể bầu ra.
-Tôn trọng phẩm cách của người khác, luôn luôn đối đãi với người khác trong tinh thần trọng lẽ phải và phục thiện. Trong những cuộc bàn cãi, lấy ý kiến về một vấn đề nào đó liên quan đến tập thể phải có tinh thần dân chủ và chân thành chấp nhận quyết định của đa số. Nếu muốn nêu ý kiến khác biệt hay đề nghị mới mẻ, phải đi đúng nguyên tắc để không tạo ra những chia rẽ làm giảm hiệu quả của tập thể.
-Luôn luôn đặt quyền lợi của đoàn thể lên trên cá nhân và vui vẻ nhận sự thiệt thòi nếu đến với cá nhân mình.
-Sẵn sàng đem năng lực của mình ra phục vụ đoàn thể.
-Can đảm phản đối những áp bức, bất công, gian dối trong sinh hoạt tập thể nhưng trong tinh thần đề cao dân chủ và tôn trọng công lý .
Ghi chú ngoài lề: Nếu chúng ta chú ý khi gặp một nhóm người Nhật tại bất cứ đâu, dù họ chỉ gặp nhau ngẫu nhiên, chưa hề quen biết nhau… nhưng chỉ cần vài ba phút với vài câu nói của một người nào đó tỏ vẻ hiểu biết hay có trình độ hơn đám đông mà nó liên quan đến sinh hoạt hay ý hướng của nhóm thì tự nhiên mọi người đều hướng đến người đó và hướng theo lời hướng đạo của người đó! Nhưng mọi người không dại khờ mà không xét đoán đúng sai, nếu thấy người đó sai hay đi khác hướng với họ hay đám đông… Họ tự nhiên im lặng và rời xa! Cá tính này của người Nhật bản nó khác hoàn toàn với những sinh hoạt hội đoàn của nhiều dân tộc khác, họ thường ồn ào, cãi vã và có khi gây ra những bạo lực! Đó là kết quả rất đáng cảm phục của nền giáo dục tập thể của Nhật bản vậy!
4.- Phát triển khả năng, nâng cao kiến thức để phân biệt được đúng sai.
Với chủ đề này, học sinh được khuyến khích học hỏi, tìm tòi không những trong sách giáo khoa, lời thầy cô dạy bảo mà còn trong sách báo, tài liệu với mục đích nâng cao kiến thức để:
-Có khả năng phán đoán đúng sai trong cuộc sống.
-Giúp học sinh tự tin hơn.
-Tránh được những sai lầm từ các hủ tục hay tập quán không hợp thời, thiếu tinh thần dân chủ. Phải biết tôn trọng nhân quyền trong xã hội văn minh, chẳng hạn tinh thần nam nữ bình đẳng…
Ghi chú ngoài lề :Có lẽ khi nói đến chữ bình đằng trong xã hội Nhật bản, nhiều người ngoại quốc khi nhìn vào sinh hoạt của gia đình Nhật bản cũng như đoàn thể, hội nhóm của người Nhật sẽ có nhiều nhận định không tốt về lãnh vực này. Thí dụ vai trò rất cứng mạnh của người đàn ông, người chồng trong gia đình cũng như người đàn anh sampai) trong đoàn thể… Có lẽ đây là một dạng thức khá đặc biệt của xã hôi Nhật mà nhiều người ngoại quốc cho đó là một nét không đẹp lắm, có tính cưỡng bách trong nền giáo dục của Nhật bản. Nhưng nếu nhìn lại nó vẫn có một vài biện minh khá hợp lý. Thí dụ như vai trò của đàn anh trong đoàn thể nếu nhìn kỹ sẽ thấy người đàn anh rất công minh và phục thiện nếu sai lầm, họ không ngoan cố mà không dám xin lỗi, nhận sai lầm trước đoàn thể hay ngay với người đàn em.
Còn vai vế người đàn ông trong gia đình (ngay cả trong xưởng hãng) họ tự nhận trách nhiệm của người đứng trước chịu sào ! Nhưng với sự phát triển của xã hội ngày nay vai trò của người đàn ông trong gia đình càng lúc càng thay đổi theo hướng bình đẳng vợ chồng, nó nhẹ nhàng hơn ! Tuy nhiên thành thật mà nói, nó vẫn chưa được như mong muốn !
-Kiến thức cũng giúp người ta tránh được những thêu dệt vô căn cứ, thiếu căn bản khoa học hay những tuyên truyền có dã tâm đi ngược với sự thật v.v…
5.- Tinh thần trách nhiệm và phát triển khả năng sáng tạo trong công việc.
Bài học đạo đức giảng dạy cho học sinh có tinh thần trách nhiệm trong việc làm, tôn trọng giá trị cần lao (trí óc cũng như lao động chân tay), phát triển khả năng sáng tạo trong công việc không chỉ thu nhỏ trong môi trường học đường mà còn liên tục và cần thiết cho học sinh khi bước vào việc làm tại các hãng xưởng trong xã hội.
Trong thời gian đi học, học sinh phải tự lo việc quét dọn, giữ gìn vệ sinh trường, lớp học, bàn ghế cũng như chăm sóc thú nuôi, vườn hoa, cây cảnh của nhà trường. Những công việc này giúp cho học sinh thông hiểu ý nghĩa của cuộc sống tập thể, cảm thông sự nhọc nhằn của lao động đồng thời giúp học sinh yêu thiên nhiêm thú vật…
Chính nhờ có khái niệm về lao động và tinh thần tập thể từ các bài học thực tiễn trong trường học đó, giới trẻ Nhật Bản khi bước vào môi trường làm việc tại các hãng xưởng, công ty… họ không gặp một khó khăn nào khi hòa nhập vào thực tế của xã hội.
Sau đây là một vài điểm quan trọng mà giới trẻ Nhật Bản phải có khi bước vào công việc làm ngoài xã hội:
-Dù với học vị nào khi mới vào cơ quan làm việc đều phải chấp nhận qua một thời gian thách đố với những công việc có thể nặng nhọc, đôi khi không liên quan gì đến chuyên môn của mình. Phải chịu nhiều áp lực từ sự huấn luyện, chỉ bảo hay kiểm soát rất khắt khe của người đi trước dù người đó có thua kém rất xa mình về học vị.
-Tuyệt đối tôn trọng luật lệ và trung thành với cơ quan. Giữ gìn cũng như sử dụng vật chất của hãng xưởng, cơ quan hợp lý và trách nhiệm.
-Chăm chỉ và luôn mang ý niệm sự thành công của hãng là của chính mình để cố gắng phát triển khả năng và sáng tạo trong việc làm, mang đến kết quả tốt trong sản xuất và kinh tế trong việc làm.
-Có tinh thần nhận trách nhiệm trong vị trí và quyền lợi của mình trong công việc.
-Tôn trọng nhân phẩm người dưới quyền trong tinh thần nhân bản và tự do với sự cảm thông và hòa nhã.
Ghi chú ngoài lề: Một nhân viên mới vào làm việc tại hãng, dù với bằng cấp nào khi mới vào làm việc tại hãng xưởng họ phải chịu sự hướng dẫn, chỉ dậy và ngay cả kiểm soát… của một người khác dù họ trẻ tuổi hay bằng cấp chuyên môn thua kém trong một thời gian có thể 3 hay 6 tháng hay dài lâu hơn ( một hình thức đàn anh , đàn em ) trong việc làm và cũng là thời gian cho hãng kiểm xét về bản tính trước khi ký nhận, giao công việc đúng với chuyên môn, tài năng của họ. Đó là một dạng thức thử việc, xét tài năng và cả tư cách con người của một nhân viên mới tại hầu hết hãng xưởng Nhật bản.
6.- Nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng và tham vọng hướng thiện,
Tiêu chí này trong ngành giáo dục của Nhật Bản nhằm mục đích hướng dẫn học sinh luôn luôn giữ được sự trong sáng của tâm hồn khi còn đi học. Nuôi dưỡng những tham vọng khi trưởng thành để phục vụ xã hội theo hướng đạo đức, ích lợi cho quốc gia, dân tộc.
Phương pháp để phát triển tâm hồn trong sáng, lý tưởng là giúp đỡ học sinh thăm viếng hay tiếp cận những cơ sở từ thiện (cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, tật nguyền…) hay tham gia vào những hoạt động từ thiện trong nước hay ngoại quốc (thiên tai, hỏa hoạn…). Trong những dịp đó thầy cô giáo giúp cho học sinh hiểu được sự may mắn của mình mà mong muốn có dịp làm gì để chia xẻ, giảm bớt nỗi bất hạnh của kẻ khác kém may mắn hơn.
Bên cạnh đó, học sinh còn được khuyến khích tránh xa những thú vui có tính cách bạo lực, vô đạo đức, nên tham dự vào những môn giải trí có tính cách nghệ thuật như âm nhạc, du lịch thiên nhiên nhằm nâng cao trình độ văn hóa nhân bản của học sinh. Đặc biệt nhất là với nữ sinh việc tham gia vào các khoá học liên quan đến gia chánh, nghệ thuật ( trà đạo, cắm hoa, âm nhạc… ) rất được chú ý và phổ biến.
7.- Tinh thần “hoà hiếu hạnh”trong gia đình
Bản hiến pháp hòa bình năm 1947 đã chấm dứt quan niệm “phu xướng phụ tuỳ“, “trọng nam khinh nữ “ trong gia đình và xã hội Nhật Bản có từ xa xưa đã được cáo chung bằng văn bản luật pháp. Tuy nhiên trên thực tế vấn đề này chỉ đạt được ở mức tương đối mà thôi. Nhưng với thời gian và nhất là nhờ chương trình giáo dục đạo đức được tích cực phát triển trong trường học. Nhờ những đội ngũ giáo viên trẻ có dịp thấm nhuần sinh hoạt dân chủ mới. Nên tinh thần tôn trọng tự do của người khác và sự bình đẳng nhân quyền giữa vợ chồng, con trai, con gái trong gia đình đã tăng tiến theo hướng đạo đức rất đang trân trọng.
Ngày nay môn giáo dục đạo đức gia đình của Nhật Bản được các giáo viên dựa vào 3 tiêu chí “Hoà, Hiếu, Hạnh“ sau đây để dậy học sinh:
-Tinh thần hòa thuận: Các con phải biết vâng lời, kính yêu cha mẹ và thương yêu anh chị em trong gia đình. Cha mẹ sinh con ra phải có nhiệm vụ nuôi dưỡng, thương yêu và lo việc học hành sinh sống tốt cho các con.
-Tinh thần hiếu kính: Các con cũng phải có lòng hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ ốm đau, già lão.
-Tinh thần tạo dựng hạnh phúc gia đình: Muốn vậy vợ chồng, con cái phải tôn trọng phẩm giá cũng như ý hướng của nhau. Cha mẹ không thể ép buộc con phải học hành, làm việc, giải trí… theo ý hướng của mình. Phải chấp nhận trong tinh thần dân chủ và ý hướng riêng của đứa con .
Tóm lại người giáo viên có bổn phận hướng dẫn học sinh hiểu rõ gia đình như một đoàn thể nhỏ trong quốc gia, trong đó mọi người đều phải biết tôn trọng nhân quyền của nhau cũng như phải có trách nhiệm với nhau để gia đình hạnh phúc và quốc gia yên bình.
8.- Can đảm khi hành động và phục vụ chính nghĩa.
Để chuẩn bị cho học sinh nhất là những học sinh chuẩn bị rời ghế nhà trường bước vào xã hội. Người giáo viên phải hướng dẫn học sinh có tính phân tích và phán xét sự kiện một cách chính xác nhờ những kiến thức đã thu được bằng nỗ lực học hỏi của chính mình. Phải biết lắng nghe những phê phán xây dựng của người khác một cách khôn ngoan và chọn lựa. Sau khi đã tìm ra một giải pháp, một hướng đi cho vấn đề là tối ưu hay hợp với chính nghĩa thì phải can đảm thực hiện trong tinh thần chủ động, không ỷ lại người khác, hãy tự tin chính mình để nhận lấy trách nhiệm. Tránh những cám dỗ hay những lời khích bác vu vơ từ bên ngoài làm cho mình lo sợ mất tin tưởng mà bỏ ngang hay thất bại.
9.-Ý thức đạo đức và lòng yêu nước.
Ngành giáo dục đạo đức là dạy người ta biết sống tốt với đồng loại, với thiên nhiên, cây cỏ, động vật và là người hữu ích cho quốc gia, dân tộc. Tóm lại tình yêu nước là một trong những tiêu đề được giảng dạy trong môn đạo đức học trong trường học cũng như ẩn tàng trong các môn học khác và cả trong sinh hoạt ngoài xã hội.
Nhìn lại những thay đổi nội dung giảng dạy của lòng yêu nước trong lịch sử Nhật Bản, người ta thấy có những đổi thay rất rõ rệt theo nhu cầu của thời đại. Mỗi thời đại, lòng yêu nước được giảng dạy theo một mục đích khác nhau.
Thời cổ đại lòng yêu nước thể hiện trong sự phụng sự và trung thành với Thiên Hoàng. Đến thời kỳ Mạc Phủ, Tướng Quân hình ảnh Thiên Hoàng và hoàng gia chỉ là biểu tượng làm vì (như tình trạng chúa Trịnh, chúa Nguyễn ở Việt Nam) lòng yêu nước thời đại này được giảng dạy trong tinh thần trung thành với Mạc Phủ và tôn vinh hình ảnh oai dũng, trọng danh dự của người võ sĩ đạo.
Sang thời đại Minh Trị Thiên Hoàng cho đến năm 1945 khi Nhật Bản thất trận, lòng ái quốc mang tính cách cực đoan với khẩu hiệu “phú quốc, cường binh“ kèm theo tinh thần tôn kính Thiên Hoàng một cách tuyệt đối . Coi Thiên Hoàng là một biểu tượng cao quí, bất khả xâm phạm, mọi hy sinh vì Thiên Hoàng đều có ý nghĩa và coi như là một vinh dự được tôn vinh. Ngày nay sau khi thất trận với sự cưỡng bách của quân đội đòng minh, lòng ái quốc đã được thay đổi, được dựa trên bản hiến pháp hoà bình năm 1947 với tiêu đề “Quốc gia độc lập và quốc tế thân thiện trong một thế giới hoà bình.”
Với sự thay đổi đó lòng ái quốc được giảng dạy trong môn giáo dục đạo đức đã thay đổi theo hoàn cảnh xã hội. Sự tôn vinh và hy sinh cho Thiên Hoàng không còn là một thực thể tối thượng nữa. Ngày nay chính trị Nhật Bản cũng như vị trí của một quốc gia Nhật bản biểu tượng cho một dân tộc yêu hòa bình trên thế giới. Với tinh thần đó những tiêu chí quan trọng sau đây được đề cập đến trong các bài học về đạo đức của nền giáo dục Nhật Bản:
-Tổ quốc bao gồm đất nước và dân tộc là một thực thể do tổ tiên truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác phải được lưu giữ và bảo tồn.
-Những truyền thống văn hóa tốt đẹp, biểu tượng cho sắc thái của dân tộc phải được gìn giữ và cố gắng phát huy để cho nền văn hóa càng lúc càng dồi dào phong phú hơn.
-Trung thành với nòi giống, yêu mến bảo vệ thiên nhiên, luôn luôn nỗ lực làm cho dân giàu nước mạnh trong tinh thần văn minh, dân chủ.
-Cố gắng làm cho quốc gia hòa nhập vào cộng đồng thế giới trong tinh thần quốc tế thân thiện
10.- Ý thức đạo đức và cộng đồng quốc tế.
Với tinh thần của bản hiến pháp 1947, đối với công đồng quốc tế ngành giáo dục đạo đức của Nhật Bản đã được định hướng rất rõ ràng. Đó là đào tạo những con người lý tưởng biết học hỏi để có những đức tính tốt của một người khỏe mạnh về thể lực, trong sáng về tâm hồn. Với gia đình, xã hội và đất nước phải là một thành viên có tinh thần kỹ luật, trách nhiệm. Phải biết trau dồi tài năng, giữ gìn và phát triển, làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc. Với thế giới phải mang lý tưởng cao cả thoát ra khỏi cái chật hẹp của địa giới quốc gia để hòa nhập vào sự tiến triển và an ninh chung cho xã hội loài người. Trong tiêu đề đó môn đạo đức giáo dục phải dậy người ta những điểm sau đây:
-Tạo dịp cho người dân, nhất là giới trẻ tìm hiểu, khám phá những nền văn hóa, thiên nhiên từ các dân tộc khác nhau dưới hình thức du lịch, trao đổi văn hóa, thể thao…
-Quảng bá những kiến thức bảo tồn thiên nhiên, văn hóa thế giới, tham gia các phong trào vì môi trường.
-Ngăn cản những hành động phá hoại sự sống và thanh bình của nhân loại như thử nghiệm bom đạn, khí giới cũng như hô hào chiến tranh… Tất cả nhắm đến mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình và quốc tế thân thiện.
(còn tiếp)