Hệ thống trung học Mỹ: Học lực kém là do học sinh hay bởi chính sách?

Minh họa: kenny-eliason-unsplash

Tình trạng học lực tại hệ thống trung học Mỹ tuột dốc và học sinh ngày càng… “lè phè” không chú tâm học tập đang khiến giới giáo dục ngày càng lo lắng. Trong bài báo ngày 10 Tháng Ba 2024, tờ The Economist đã đưa ra một bức tranh ảm đạm và cho thấy nguyên nhân tại sao. Trước đó, trong bài viết ngày 1 Tháng Hai 2024 trên trang web FEE.org (Foundation for Economic Education), tác giả John Hood cũng viết về “The Failure of American Public Education”.

Tại Trường Trung học Khoa học và Công nghệ Springfield (Springfield High School of Science and Technology) ở Massachusetts, điểm SAT (bài kiểm tra tuyển sinh đại học) hiện giảm 15%. Các thước đo trình độ tiếng Anh và toán cũng đi xuống. Tỷ lệ đỗ các kỳ thi nâng cao (advanced-placement exams) giảm chỉ còn 12% so với mức trung bình toàn quốc là 60%.

Chuyện đang xảy ra ở Springfield High cũng xảy ra tại nhiều trường trung học khắp Mỹ. Từ năm 2007 đến năm 2020, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp trung bình tại các trường trung học công lập ở Mỹ tăng từ 74% lên 87%; điểm thi SAT lại giảm. Kết quả mới nhất từ Chương trình Quốc tế Đánh giá Học sinh (Programme for International Student Assessment – PISA, dành cho học sinh 15 tuổi nói chung), cho thấy môn toán và khả năng đọc hiểu của học sinh Mỹ ở mức không đổi hoặc giảm.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao học sinh Mỹ đạt điểm tốt nghiệp cao trong khi điểm SAT thi vào đại học của họ giảm? Điều nghịch lý này là gì? Đơn giản: Nhiều trường đang hạ thấp tiêu chuẩn để tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp nhiều hơn!

Năm 1983, Bộ Giáo dục Hoa Kỳ công bố báo cáo mang tính bước ngoặt, “Một quốc gia đang đối mặt hiểm nguy” (“A Nation At Risk”), cảnh báo tình trạng học đường Mỹ “xuống cấp nghiêm trọng”. Thế là thiên hạ hoảng hốt chấn chỉnh. Trong vòng năm năm, 45 tiểu bang bắt đầu điều chỉnh lại tiêu chuẩn tốt nghiệp. Hơn 20 tiểu bang cũng đưa ra loạt cải cách khác, trong đó có chương trình cải tổ toàn diện, cùng với việc nâng mức lương giáo viên. Một số tiểu bang bắt đầu yêu cầu học sinh tốt nghiệp phải vượt qua các kỳ thi “năng lực tối thiểu” (“minimum-competency” exams), tức thực hiện những bài kiểm tra trình độ tiếng Anh và toán vốn chỉ dành cho học trò lớp 8 hoặc 9 từng ra đời những năm 1970.

Một cách tổng quát, người ta áp dụng chủ trương làm nhẹ bớt chương trình học và tạo sự thoải mái tối đa cho học trò. Kết quả, học trò đi học như đi chơi. Một cuộc khảo sát năm 1996 được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu chính sách công Public Agenda cho thấy chỉ một nửa số học sinh trung học công lập cảm thấy họ bị áp lực học tập. Một cuộc khảo sát khác năm 2001 cho biết thêm chỉ 1/4 học sinh nghĩ rằng giáo viên đặt kỳ vọng cao vào chúng. Một báo cáo của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho thấy hơn 1/10 bài tập toán của niên khóa 2005 sử dụng tài liệu… cấp tiểu học và trung học cơ sở (middle-school-level); và chỉ 1/3 học sinh học môn Đại số căn bản (Algebra 1) và 1/5 học trò học môn hình học là được dạy “nghiêm ngặt”.

Việc chấm điểm cũng trở nên dễ dàng hơn. Bằng chứng rõ nhất cho điều này là việc so sánh điểm số trong lớp với thành tích trong các kỳ thi cấp tiểu bang được thực hiện vào cuối năm học. Một nghiên cứu của Seth Gershenson thuộc Đại học Mỹ (American University) cho thấy từ năm 2005 đến năm 2016, 36% học sinh trường công ở North Carolina đạt điểm B môn Đại số căn bản (Algebra 1) lại thi trượt bài kiểm tra cuối khóa! Một nghiên cứu khác của Chris Clark thuộc Georgia College & State University – sau khi phân tích lớp toán tại các trường trung học công lập Georgia vào năm 2007 – cũng cho ra kết quả tương tự. Chris Clark kết luận: “Một số trường và hệ thống học đường dường như đang thổi phồng điểm số các môn học…”

Tóm lại, việc hạ tiêu chuẩn được thực hiện nhiều thập niên tại Mỹ đang dẫn đến những hậu quả không tốt. Trong khi đó, giáo dục Mỹ hiện nay vẫn tiếp tục chính sách hạ tiêu chuẩn học tập. Tháng Năm 2023, Hội đồng giáo dục New Jersey đã bỏ phiếu hạ điểm đậu trong bài kiểm tra tốt nghiệp trung học của tiểu bang, khi cho rằng những tiêu chuẩn được áp dụng trước đó có “tác động bất lợi” đối với học sinh. Tháng Mười Một 2023, giới chức giáo dục Oregon cũng loại bỏ phần “các kỹ năng thiết yếu” (“essential skills”) trong kỳ thi tốt nghiệp về toán, đọc và viết. Ít nhất bốn tiểu bang nữa – Florida, Massachusetts, New Jersey và New York – thậm chí đang cân nhắc việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Và Tháng Giêng 2024, Hội đồng giáo dục Alaska đã bỏ phiếu hạ chuẩn cho các kỳ thi đọc và toán của tiểu bang.

Trong một bài viết gần đây, Brooks Bowden, Viviana Rodriguez và Zach Weingarten của Đại học Pennsylvania và Texas đã phân tích xem chính sách chấm điểm “nương tay” và hạ chuẩn thi cử do các trường trung học công lập North Carolina đưa ra vào năm 2014 ảnh hưởng như thế nào đến kết quả học tập. Nhóm tác giả nhận thấy rằng, sau khi các trường thực hiện thang điểm mới, mang lại nhiều điểm A hơn và ít điểm F hơn, thì tinh thần học tập… cũng giảm theo. Những tưởng việc giảm áp lực học đường sẽ khiến học sinh vui thú hơn trong việc đến trường nhưng nhà trường càng nương tay thì hậu quả là học trò càng biếng học và thậm chí tỉ lệ học sinh đến trường giảm đáng kể – kết luận của nhóm nghiên cứu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: