Nguyên tắc giáo dục nào giúp trẻ thành công?

'Dạy con từ thuở còn thơ'. Không đứa trẻ nào vừa sinh ra đã biết làm việc nhà, hoặc sống tự lập.
Share:
Không đứa trẻ nào vừa sinh ra đã biết làm việc nhà, hoặc sống tự lập. Ảnh: Unplash

Cách đây hơn mười năm, cộng đồng mạng xã hội thích thú và bất ngờ khi xem một đoạn video cảnh các em học sinh lớp Một ở một trường tiểu học Nhật Bản vui vẻ quét dọn lớp học. Đoạn video đã lan truyền nhanh chóng, được đón nhận không chỉ đơn thuần là một đoạn phim, mà là cả một nền văn hóa Nhật Bản.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đã được dạy dỗ về sự bình đẳng và tinh thần trách nhiệm. Ông Michael Auslin, giám đốc nghiên cứu về Nhật Bản tại Học viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho biết trường học ở Nhật Bản không chỉ là nơi để các em học từ sách vở, nhưng là học cách trở thành một thành viên của xã hội và chịu trách nhiệm với chính mình.

Chuyên gia giáo dục, bà Esther Wojcicki, chia sẻ trong cuốn sách bán chạy nhất (bestseller) “Làm cách nào để nuôi dạy những đứa trẻ thành đạt?” của bà rằng: “Có rất nhiều nguyên tắc nuôi dạy con cái mà tôi đã làm theo khi là một bà mẹ trẻ. Nhưng nguyên tắc số một của tôi là: “Đừng làm bất cứ điều gì cho con bạn khi chúng có thể tự làm được.”

Trẻ em Nhật Bản trong một giờ học làm bánh. Ảnh: Kiyoshi Ota/Getty Images

Bà Esther nhấn mạnh nhờ nguyên tắc giáo dục này mà ba cô con gái của bà đều lớn lên rất thành công: Susan là Giám đốc điều hành của YouTube; Janet là bác sĩ; và Anne là người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của một công ty công nghệ sinh học nổi tiếng. Bà Ether tự hào khoe rằng cả ba cô con gái nhà bà đã thành công trong những ngành nghề đầy tính cạnh tranh do nam giới thống trị.

Bà Esther khuyến cáo rằng các phụ huynh đang làm quá nhiều cho con mình, khi liên tục giúp con loại bỏ các khó khăn để con mình không phải đối mặt với thử thách. Thói quen “lợi ít, hại nhiều’ này cũng thường thấy ở các cha mẹ Việt Nam: làm hầu hết mọi thứ cho con, khiến con không có cơ hội để tự làm và học hỏi, dần không có kỹ năng sống và mất đi khả năng tư duy. Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ: “Cha mẹ Việt Nam vẫn làm rất nhiều thứ cho con. Đấy cũng là sự khác biệt rất lớn, nên con chẳng cần làm gì cho mình, chẳng cần phát triển kỹ năng cho mình. Cha mẹ đang hiểu lầm, đó là cách biểu hiện tình thương không đúng, biến đứa trẻ thành người lệ thuộc, thụ động.”

Khi bố mẹ làm hết mọi việc cho con, ngay cả những việc đơn giản mà chúng có thể làm, là tước đi vai trò đóng góp của đứa bé trong gia đình. Như vậy, đứa trẻ sẽ không có cơ hội để có trách nhiệm và không học được các kỹ năng sống cần thiết và thái độ sống trách nhiệm.

Ví dụ về kiểu nuông chiều này như việc bà mẹ của cô bé bốn tuổi móc áo khoác cho con, mặc dù cô bé có thể tự làm điều đó. Hoặc bố của cậu bé bốn tuổi vẫn lấy nước từ tủ lạnh cho con, mặc dù cậu bé đã có thể tự rót nước. Hiểu rằng thói quen này bắt nguồn từ tình thương của bố mẹ. Nhưng cách biểu hiện tình thương này không còn phù hợp với ngày nay và lâu dài sẽ biến đứa trẻ thành người thụ động và lệ thuộc vào cha mẹ. Đến khi muốn sửa đổi thì rất khó khăn vì tư duy đã hình thành.

Hãy tạo cơ hội cho trẻ em làm những việc có thể. Ảnh: Unplash

Theo phần lớn các chuyên gia giáo dục, để giúp trẻ em phát triển tinh thần trách nhiệm và tâm lý lành mạnh, thì bố mẹ hãy tập giao việc nhà cho chúng. Việc nhà giúp trẻ em tin rằng chúng có năng lực và có khả năng, đồng thời giúp chúng tự tin hơn. Làm việc nhà cũng có thể giúp trẻ học các kỹ năng giải quyết vấn đề khó, cũng như giúp chúng hiểu được những hậu quả của không làm việc nhà.

Ví dụ: không giặt áo bóng đá thì sẽ không có áo cho trận đấu tiếp theo. Tóm lại, việc nhà là một giáo viên tuyệt vời về kỹ năng sống. Biết cách dọn bàn ăn, rửa chén, thu dọn đồ chơi, giặt giũ, chuẩn bị bữa ăn, quét/hút bụi sàn nhà, thay túi đựng máy hút bụi, lập ra danh sách những thứ cần mang theo cho một buổi học, v.v., tất cả đều giúp chuẩn bị cho trẻ những trách nhiệm cần thiết của tuổi trưởng thành.

Bố mẹ nên lưu ý những điều quan trọng sau khi giao việc nhà cho con.

Hãy kiên nhẫn – Không ai là hoàn hảo

Để thành công hướng dẫn con trẻ làm việc nhà, các phụ huynh cần có sự kiên nhẫn và đừng quá lo lắng về sự hoàn hảo, bởi không ai làm việc gì lần đầu mà hoàn hảo. Phụ huynh nên áp dụng phương pháp: “Bố/mẹ làm, chúng ta cùng làm, và con hãy tự làm.” Đầu tiên, chỉ cho con cách làm việc nhà từng bước một. Tiếp theo, hãy làm cùng con. Sau đó, để con làm việc nhà dưới sự giám sát của bố mẹ. Khi con đã thành thạo, hãy để chúng làm một mình.

Đôi khi trẻ em có thể mất rất nhiều thời gian để hoàn thành từng việc được giao, nhưng bố mẹ hãy nhớ đừng can thiệp. Nếu bố mẹ mất kiên nhẫn làm thay cho con, chúng có thể nghĩ rằng mình không có khả năng làm được, mất tự tin, ngừng cố gắng, và dần sẽ thiếu trách nhiệm. Sẽ tai hại hơn nếu con trẻ cố tình kéo dài thời gian, hoặc ngừng làm việc vì chúng nghĩ rằng cuối cùng bố mẹ hoặc ông bà sẽ làm thay.

Bố mẹ nên nhớ mục tiêu quan trọng là tạo thói quen tốt cho trẻ và dạy trẻ trách nhiệm, chứ không phải là tạo ra sự hoàn hảo. Vài lần đầu con bạn làm không như bạn mong đợi? Không sao. Theo thời gian, những sai sót sẽ giảm dần. Giúp con trẻ hiểu được việc chăm chỉ học hỏi và rèn luyện thì quan trọng hơn thành tích.

Trẻ em thông minh hơn bạn nghĩ

Cha mẹ có thể nghĩ rằng con tôi còn quá nhỏ và không thể làm được bất kỳ việc gì. Nhưng trẻ em thì thông minh và có nhiều khả năng hơn người lớn nghĩ. Theo các bác sĩ nhi đồng và chuyên gia giáo dục, trẻ em từ hai tuổi có thể được hướng dẫn việc nhà, như giúp lấy quần áo ra khỏi máy sấy, cất quần áo, mang ba lô vào nhà, cất đồ chơi sau khi chơi xong, hoặc tắt đèn khi đi ngủ.

Tất nhiên các phụ huynh không nên bắt con mình làm những việc mà chúng không hiểu, hoặc không có khả năng. Chuyên gia giáo dục Esther nhấn mạnh: “Một trong những bài học quan trọng nhất mà tôi đã dạy các con gái của mình là điều duy nhất chúng ta có thể kiểm soát là cách phản ứng với mọi chuyện.” Khi bố mẹ tin tưởng để con mình tự đưa ra quyết định, chúng sẽ bắt đầu cảm thấy gắn kết, tự tin, và tự lập hơn. Và một khi các bạn trẻ rèn luyện được kỹ năng và tư duy đó, thì chúng có thể vượt qua được các thử thách trong cuộc sống.

Đừng tiết kiệm lời khen

Khi trẻ con chấp nhận làm việc nhà, thì bố mẹ nên khen và cảm ơn con mình. Đừng đợi cho đến khi con bạn hoàn thành công việc đó. Khen ngợi và khuyến khích trẻ trong khi chúng đang làm việc nhà để tạo động lực tích cực với trẻ nhỏ.

Khi trẻ con chấp nhận làm việc nhà, thì bố mẹ nên khen và cảm ơn con mình. Ảnh: Unplash

Phải kiên định

Elizabeth Pantley, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về nuôi dạy con trẻ, cho biết nếu con bạn không được thường xuyên giao việc nhà, chúng có thể trì hoãn việc nhà với hy vọng rằng ai đó sẽ làm thay chúng. Bà Elizabeth khuyên bố mẹ nên cụ thể yêu cầu, khi giao việc nhà cho con mình.

Ví dụ, yêu cầu con hãy ‘Dọn dẹp phòng’ rất mơ hồ và có thể được hiểu theo nhiều cách. Thay vào đó, bố mẹ hãy nói cụ thể rõ ràng như, ‘Hãy cất quần áo của con vào tủ, cất sách lên kệ, bát đĩa trong bếp và đồ chơi vào tủ.’ Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, bố mẹ nên linh hoạt trong lời nhắc nhở cũng như ra thời hạn. Ví dụ, khi nào con rửa chén xong, con có thể đi dạo 15 phút.

Bố mẹ có nên ‘trả tiền’ để con làm việc nhà? Hầu hết các chuyên gia giáo dục nói rằng không. Công việc nhà là trách nhiệm và giúp đỡ nhau trong gia đình. Đúng là trẻ em cần học cách quản lý tiền bạc, nhưng không phải bằng cách làm những việc nhà mà chúng có trách nhiệm.

Tóm lại, chỉ khi các bậc cha mẹ tin tưởng con mình có thể làm được nhiều việc, thì khi đó đứa trẻ sẽ càng tự tin hơn. Roger W. McIntire, giáo sư tâm lý học Đại học Maryland, nhấn mạnh “một đứa trẻ phải có một số trách nhiệm’ trong gia đình, bởi gia đình là một cộng đồng và mọi người nên giúp đỡ lẫn nhau. Đây là kỹ năng hữu ích và cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ nhỏ.

Một cô bé người Nhật đang học làm bánh hambuger. Ảnh: Kiyoshi Ota/Getty Images
Học viện Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên Hoa Kỳ cho biết: “Trẻ làm việc nhà thể hiện lòng tự trọng cao hơn, có trách nhiệm hơn, và được trang bị tốt hơn để đối phó với sự thất vọng, nghịch cảnh. Những kỹ năng này có thể mang tới thành công hơn trong trường học, công việc, và các mối quan hệ.”

Không ai phủ nhận việc nuôi dạy con cái là một trách nhiệm rất gian nan. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, trách nhiệm cao quý này đòi hỏi phương pháp giáo dục đúng đắn và khoa học. Không đứa trẻ nào vừa sinh ra đã biết làm việc nhà, hoặc sống tự lập.

Để nuôi dưỡng những người trưởng thành có trách nhiệm, độc lập, biết giúp đỡ người khác, và tự tin, các bậc cha mẹ phải để con cái mình trải nghiệm vai trò quan trọng mà chúng có thể đóng góp trong việc giúp đỡ và chăm sóc gia đình, cũng như có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường xung quanh. Trên hết, trẻ em học nhanh và nhớ nhiều từ tính cách của bố mẹ, hơn là những điều bố mẹ dạy. Bởi thế, nếu muốn một đứa trẻ trở thành người thành công như thế nào, thì bố mẹ cũng phải là ‘tấm gương’ như vậy để con noi theo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: