Tại sao người Việt chiều con đến vậy?

Bằng cách liên tục nhắc nhở con cái về “món nợ” của chúng, thúc đẩy sự mất cân bằng quyền lực trong mối quan hệ, với việc đứa trẻ không ngừng cố gắng để trả một món nợ không thể cân đo. (minh họa: : Unsplash)

Có lần đi du lịch bụi bên Thái Lan, tôi có hỏi thêm cái cách dân sở tại xử sự các mối quan hệ trong các gia đình. Người hướng dẫn của tôi kể rằng vào sinh nhật của mình, đứa trẻ bên Thái ở tuổi bắt đầu biết nhận thức thường dậy sớm, vào hỏi thăm sức khỏe bố mẹ. Lên chùa, làm các công việc mà người Thái thường làm khi đến một nơi tôn nghiêm. Sau đó thì trở về nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng một bữa ngon lành để mời cha mẹ ăn, và lấy làm sung sướng được nghe bố mẹ nhận xét về mình.

Bên Hàn Quốc người ta cũng dạy con rất cẩn thận, với nghĩa là đề ra những yêu cầu cao với trẻ. Có cả một ngày gọi là “ngày rửa chân cho mẹ”, trong đó các học sinh trung học sung sướng khi được làm cái công việc mà từ lúc nhỏ bé đã thấy các anh chị lớn hơn từng làm.

Những chuyện nhỏ nhặt này rất đáng để ý bởi lẽ toàn xã hội Việt Nam đi ngược lại. Vào ngày sinh nhật của mình nhiều đứa trẻ Việt Nam  tự coi mình là ông tướng bà tướng, ban ơn cho bố mẹ đã sinh ra mình, và tha hồ đòi hỏi bố mẹ, kể cả những điều vượt quá khả năng thông thường của bố mẹ. Mà lạ một cái là các ông bố bà mẹ không ai bảo ai đều nem nép dưới yêu cầu của các vị con giời, nếu không thỏa mãn ý thích của con thì lấy làm đau đớn.

Sản phẩm của chiến tranh

Trong xã hội Việt Nam trước 1945 thì chỉ những gia đình nghèo mới có lối chiều con vô nguyên tắc như vậy. Do chả có ưu đãi cho con về vật chất, họ chiều con theo cái nghĩa buông lỏng con muốn làm gì thì làm. Nhìn sang những gia đình giàu có, tôi thấy có hai loại.

Một là những gia đình vốn nghèo sẵn nhưng mới khởi nghiệp phất lên, thường tiếp tục lối sống khi nghèo hồi trước.

Hai là những gia đình quan chức và những người giàu có nhiều đời. Để con có thể kế tục sự nghiệp ông cha, họ yêu cầu cao về con cái. Ngay cả hôn nhân con cái cũng yêu cầu con lấy lý trí ra giải quyết.

Sang thời chúng ta hiện nay thì nếp sống chiều chuộng con cái mới trở thành phổ biến. Nó bắt đầu từ những năm chiến tranh khi mà con người khổ quá và sống không có hy vọng gì về tương lai. Trong thời chiến thì mọi trẻ ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiểu rằng trước sau mình sẽ đi lính mà không biết sinh tử ra sao.

Ngay trong học hành cũng chểnh mảng. Quay về gia đình tự nhiên họ buông mình sống gấp, sống tranh thủ, hưởng thụ những cái mà người mới lớn lên muốn hướng tới. Bà mẹ biết con thế nào cũng đi lính, thì chăm chăm tính chuyện lấy vợ cho con, để nó có chết cũng có người nối dõi. Và để dọn đường cho công việc nhiều khi không phải dễ dàng gì đó, bà mẹ lấy việc làm theo ý con, cho phép nó hư hỏng làm vui, nghĩ rằng đó là cách để đền đáp cho những gian khổ mà nó phải chịu từ nay về sau.

Sự phổ biến trong thời hậu chiến

Cách sống chiều con vô nguyên tắc này trở thành phổ biến ở các tỉnh phía Bắc trong thời hậu chiến, khi mà đời sống khá hơn so với những năm sống trong bom đan. Và lại càng nảy sinh ra những biến dạng mới do sự hội nhập với nước ngoài.

Một hiện tượng phổ biến thấy ở nhiều gia đình là nghe nói có thứ bánh kẹo, thức ăn gì ngon, muốn con được nếm thử; có những tiện nghi gì mới thì muốn mua sắm bằng được cho con để mong nó bằng người. Tôi đọc ở đây một ý tưởng nằm sâu trong lòng người hậu chiến. Đó là hãy để trẻ con hưởng hết những điều gì lúc này ta có thể lo cho nó, vì tương lai chắc gì nó sẽ sướng hơn hôm nay.

Ta cũng không nên quên là một cách sống phổ biến của con người hậu chiến là sống gấp, tranh thủ hưởng thụ, dễ dãi với mình. Tâm lý này được chuyển từ bố mẹ sang con cái. Người ta chiều con với tâm lý chính là họ đang chiều mình, dễ dãi không có yêu cầu cao với mình.

Trong một số trường hợp người ta còn lấy cớ là chiều con để cho phép mình ăn cắp của công, tham nhũng, lừa lọc người mua hàng. Bấy giờ con cái trở thành chỗ ẩn nấp cho những ông bố bà mẹ hư hỏng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: