Tự lập và tự tin – Hai kỹ năng cha mẹ cần dạy con cái khi còn nhỏ

(Minh họa: Anastasia Shuraeva/Pexels)

NEW YORK CITY, New York (SGN) – Dạy dỗ con nên người không chỉ đơn giản là chăm con tốt, cho ăn đầy đủ, cưng chiều con mà quan trọng là bạn tạo cơ hội cho con có tính tự lập cao và tự tin vào bản thân.

Một số chuyên gia tâm lý ví von việc dạy con như việc tập nhảy. Bạn cần phải khéo léo, uyển chuyển trước mọi bước chân, đôi lúc phải kéo tay đúng lúc, nhưng đôi khi lại nên thả lỏng để điệu múa trở nên đẹp hơn và phóng khoáng hơn, cũng như cách để con được tự do bay nhảy, suy nghĩ và hành động trong khuôn khổ.

Trước tiên để con tự lập thì chính cha mẹ phải là chiếc gương cho con noi theo, và đồng thời phải khéo léo không làm con bị mất tự tin từ những lời chỉ trích, trách móc và sợ hãi của người lớn, theo trang mạng Brightside.

1. Dành lời khen mỗi khi con làm tốt

Đôi khi ba mẹ bận với các hoạt động hàng ngày của mình đến nỗi không để ý đến thành tích của con. Các thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình cũng cần được chú ý và công nhận mỗi khi con đạt được mục tiêu. Các thành tựu ở đây không cần phải những thành tích to lớn, đôi khi chỉ như chiến thắng trong một giải đấu bóng đá ở trường, con được điểm cao, hay đơn giản hơn như con tự giác hoàn thành bài tập hay đánh răng mà không cần sự nhắc nhở.

Ba mẹ nên luôn quan sát và động viên, khuyến khích con cái mỗi khi các bé làm điều gì tốt và cả nhà cùng nhau ăn mừng sự tiến bộ mỗi ngày của con.

2. Để con giúp việc nhà

Trẻ em có thể học hỏi nhiều điều từ kinh nghiệm với các công việc gia đình. Tùy theo độ tuổi, bạn hãy trẻ tham gia vào công việc nhà, chẳng hạn như tưới cây, dọn dẹp chén bát sau khi ăn xong hay tự dọn dẹp đồ chơi mỗi khi chơi xong. Đây là cách giúp con có trách nhiệm với gia đình, đồng thời tạo điều kiện cho con tự tin vào những khi góp sức trong nhà.

3. Đừng làm mọi việc cho con

Ba mẹ hay vội vã và tự làm mọi thứ cho con cái vì việc này đơn giản hơn là để con tự làm. Tuy nhiên, hành vi này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho sự phát triển tính độc lập của trẻ về lâu dài. Trẻ em học bằng cách làm và bằng cách mắc lỗi, vì vậy điều quan trọng là cho con cơ hội để làm những việc cho bản thân và không tước đi những khoảnh khắc học tập này của con.

Bên cạnh đó, khi tạo điều kiện cho con thực hành và tự giác làm, bạn cũng sẽ thúc đẩy bản năng ham tìm tòi ở trẻ em.

Chơi với thú cưng trong nhà còn có thể cải thiện kỹ năng xã hội và củng cố lòng tự trọng của con. (Minh họa: Alicia Jones/Unsplash)

4. Nuôi thú cưng

Những con vật cưng mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Nhưng khi nuôi thú cưng, điều quan trọng là các con trong nhà phải hiểu tất cả các trách nhiệm liên quan, chẳng hạn như cho thú cưng ăn, có thể là một cách tốt để trẻ thực hành vai trò của người chăm sóc. Ngoài ra, chơi với thú cưng trong nhà còn có thể cải thiện kỹ năng xã hội và củng cố lòng tự trọng của con.

5. Hướng dẫn con cách thực hiện một nhiệm vụ

Ba mẹ chính là giáo viên đầu tiên của con, vì vậy nếu muốn con thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, bạn nên hướng dẫn cách thực hiện trước. Nếu không con có thể thất vọng và không làm điều đó chỉ vì con không biết cách.

Đầu tiên, hãy nói cho con biết con phải làm gì và chỉ cho con cách thực hiện. Tiếp đến, hãy thực hiện từng bước một cho con thấy. Thông thường, trẻ em học dễ dàng hơn nhiều nếu có thể nhìn thấy người lớn làm mọi việc. Nếu ba mẹ làm gương, con sẽ cảm thấy an tâm và tự tin hơn.

6. Hãy kiên nhẫn và không chỉ trích những nỗ lực của con

Khi làm điều gì đó lần đầu tiên, chúng ta có thể mắc sai lầm và phải thực hiện nhiều lần cho đến khi đạt được điều mình muốn. Vì vậy, ba mẹ phải kiên nhẫn, đồng thời hãy động viên, khen ngợi nỗ lực của con thay vì chỉ trích.

7. Hãy để con đưa ra những quyết định nhỏ

Ra quyết định là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ em cần có để trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh. Cha mẹ hãy cho con một số lựa chọn để quyết định và tăng số lượng chọn lựa dần dần lên theo độ tuổi con.

Ví dụ khi bạn dẫn một đứa trẻ ba tuổi đến chỗ bán đồ ăn vặt, hãy cho con biết rằng con sẽ không được kêu tất cả các món, nhưng con có quyền lựa chọn từ một đến hai món muốn thưởng thức, chẳng hạn như chọn lựa loại nước nào muốn uống, kẹo nào muốn ăn hay món nào muốn thử.

Ngoài ra, ba mẹ cũng nên khuyến khích trẻ ra quyết định tự chọn quần áo mà con muốn mặc. Điều này sẽ giúp con xây dựng lòng tự trọng, bày tỏ ý kiến của mình và khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn với bạn.

Việc chỉ trích sẽ chỉ khiến trẻ hình thành hình ảnh xấu về bản thân và cảm thấy mình không có khả năng. Khi được sử dụng kịp thời và đúng mức, lời khen có thể là một công cụ tuyệt vời để nâng cao lòng tự trọng, sự tự tin và trưởng thành của con.

Bạn nên sáng tạo ra các thách thức mới mà con mình có thể thử sức mỗi tuần, tùy theo khả năng và độ tuổi. (Minh họa: Jonathan Borba/Unsplash)

8. Lắng nghe và khám phá nỗi sợ hãi cùng con

Những nỗi sợ hãi thời thơ ấu là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, là người lớn, cha mẹ phải nhận thức được nỗi sợ hãi của con, lắng nghe và trấn an con. Điều quan trọng là con có thể nói với ba mẹ những cảm xúc sâu kín nhất của mình và cha mẹ cho con biết rằng sợ hãi là một phần tự nhiên của cuộc sống.

Bạn hãy chia sẻ câu chuyện và nỗi sợ của mình một cách phù hợp, và kể cho con nghe cách mà bạn vượt qua thử thách như thế nào để xoa dịu nỗi sợ hãi mà con đang có.

9. Thể hiện niềm tin vào khả năng của con

Nếu ba mẹ tin rằng con làm được, bản thân con cái cũng sẽ tin là mình làm được. Ba mẹ nên tin tưởng con nhiều hơn vào thế mạnh và mong muốn của con và hơn nữa, cũng như hãy truyền cho con niềm tin vào khả năng của mình. Đây là cách tốt nhất để nâng cao tự tin và tính tự lập cho con cái.

10. Ít nhất mỗi tháng một lần, hãy cho con một thử thách mới

Đối mặt với thử thách là điều rất quan trọng để trẻ cảm thấy tự tin. Do đó, bạn nên sáng tạo ra các thách thức mới mà con mình có thể thử sức mỗi tuần, tùy theo khả năng và độ tuổi. Chẳng hạn, bạn đề ra thử thách con tự mặc quần áo, vẽ một bức tranh hay hát một bài hát đối với trẻ ba tuổi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: