Từ đỉnh cao rơi xuống vũng bùn
“Người ảnh hưởng trên mạng xã hội” Song Ji-a đã đạt đến đỉnh cao danh vọng vào Tháng Một, 2022. Nhưng chiếc áo đan dây Chanel hơi sai màu bị phát hiện đã dẫn đến sự sụp đổ không phanh của cô. Hợp đồng quảng cáo bị hủy vì tội: Mặc quần áo hàng hiệu giả, đóng vai giàu có giả làm vỡ mộng của vô số người hâm mộ trẻ! Dù hành vi này không “hề hấn” gì ở phương Tây, nó đã hủy hoại sự nghiệp của Ji-a ở quê hương cô. Tuy nhiên, đây không chỉ là trường hợp thêm một người nổi tiếng bị hủy hợp đồng mà còn gây ra sự phẫn nộ sâu sắc của giới trẻ Hàn Quốc.
Mới xuất hiện trong chương trình hẹn hò đình đám “Single’s Inferno” phát trên Netflix, nhưng Ji-a đã có tầm ảnh hưởng lớn lúc mới ở độ tuổi 20. Trước đó cô đã nổi tiếng với biệt danh “It Girl thời trang” và rất được các chàng trai ngưỡng vọng. Trong những thí sinh tham gia “Single’s Inferno”, Ji-a nhận được nhiều lời mời hẹn hò và đi dạo thân mật nhất. Chương trình thậm chí còn giới thiệu một nam ứng viên say mê chờ đợi hàng giờ dưới ánh nắng mặt trời để chờ cô trở lại!
Trong đêm chung kết, có ba trong năm thí sinh nam của chương trình xếp hàng trên bãi biển để mong có được cô! Lượng người theo dõi Ji-a trên các mạng xã hội tăng vọt sau khi “Single’s Inferno” ra mắt trên Netflix trong tuần đầu Tháng Một: hơn 3.7 triệu người trên Instagram và gần hai triệu người trên YouTube. Nhưng sự sụp đổ cũng đến ngay sau đó khi những kẻ chuyên “vạch lá tìm sâu” trên Internet bắt đầu chiếu tướng cô. Họ buộc tội cô mặc quần áo hàng hiệu giả. Cư dân mạng còn moi móc ra các dẫn chứng khác trong tủ quần áo của cô.
Chỉ trong vòng vài ngày, Ji-a trở thành “tội phạm” của cộng đồng mạng. Ji-a thừa nhận đã mặc hàng nhái nhưng khẳng định không hề biết chúng là bản sao và chỉ mua “vì trông khá đẹp”. Lời giải thích thiếu bằng chứng này không thể dập tắt cơn thịnh nộ. Cư dân mạng quay sang tìm hiểu sâu hơn về lý lịch của Ji-a, nghiên cứu các video YouTube trước đây, đánh dấu những thứ đáng ngờ và đặt câu hỏi liệu cô có thực sự làm chủ căn hộ sang trọng thường khoe hay không. Sau đó là một video, clip tiếng Hoa, trong đó Ji-a nói đang học tiếng Quan Thoại, gọi món kim chi của Hàn Quốc là pao cai (chỉ dưa muối trong tiếng Hoa).
Người hâm mộ buộc tội cô đã quảng cáo cho thị trường Trung Quốc, thậm chí có người gọi cô là kẻ phản bội, “nỗi ô nhục quốc gia”. Cư dân mạng buộc Ji-a vào nhiều tội danh khác nhau, từ “phá hoại các nhà thiết kế chăm chỉ làm việc” cho đến “một mình làm mất giá trị một thương hiệu”. Se-Woong Koo, biên tập viên tờ Korean Times nhận định: “Thực ra, tội lớn nhất của cô ta là giả mạo mà còn giả vờ không ý thức được việc mình làm và tái phạm hết lần này đến lần khác!”.
Chưa hết, các chương trình truyền hình của Hàn Quốc cũng tham gia bằng cách chỉnh sửa các vai phụ của Ji-a. Những người bạn nổi tiếng của cô, các diễn viên và những người có ảnh hưởng khác vội xóa những bức ảnh trên Instagram họ đi chơi với cô. Một tuần sau lời xin lỗi đầu tiên, Ji-a cho đăng một video mặc đồ đen và không trang điểm xúc động nói “vô cùng hối hận” về hành động của mình” và tự gọi mình là “kẻ thảm hại”. Cô cũng xóa sạch các bài viết và tài khoản xã hội, chỉ để lại những bài xin lỗi.
Đi tìm nguyên nhân
Nhưng đối với phần còn lại của thế giới, phản ứng này dường như bị thổi lên quá mức. Họ không hiểu làm thế nào mà một vụ mặc hàng nhái lại trở thành “cuộc săn lùng phù thủy” đại qui mô? Trong khi những người hâm mộ nước ngoài chỉ xem Ji-a là “người có ảnh hưởng sống sang trọng”, thì người Hàn Quốc tin rằng cô là đại diện cho một thứ gì đó lớn hơn thế nữa, thậm chí họ xem cô là một “geumsujeo” (“chiếc thìa vàng”) – chỉ những người “siêu giàu bẩm sinh” (bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Anh chỉ những người sinh ra đã được “ngậm thìa bạc”). “Ngậm thìa vàng” là những người thuộc top 1% hộ gia đình có thu nhập cao ở Hàn Quốc.
Chính vì vậy mà sai lầm của Ji-a đã dẫn đến “làn sóng đốt đền” và “ném đá” giống như thời Trung cổ. Từ “ngậm thìa vàng”, họ nói cô “ngậm thìa bẩn”! Các nhà phân tích xem phản ứng dữ dội chống lại Ji-a bắt nguồn từ sự căng thẳng của xã hội, chính trị và văn hóa đại chúng tại Hàn Quốc đương đại. Các bộ phim điện ảnh và truyền hình như “Parasite” và “Squid Game” đều nêu bật sự phân chia giai cấp giữa những kẻ “ngậm thìa vàng” và những người bần cùng trong xã hội.
Thế hệ trẻ Hàn Quốc sinh ra sau 2000, giống như ở nhiều nước phát triển, đang phải gánh chịu gánh nặng sự gia tăng bất bình đẳng giai cấp. Ngày nay, gần như giới trẻ Hàn Quốc không thể mua nhà với mức lương trung bình. Ngày càng có nhiều người trẻ không còn tin rằng làm việc chăm chỉ sẽ mang lại giàu có; thay vào đó, họ tin thành công trong cuộc sống phụ thuộc nhiều vào gia đình mình sinh ra. Giáo dục cũng không còn là “thước đo tương lai”, khi khoảng 70% học sinh không học tiếp lên đại học.