Tới trước cửa nhà thương Thuốc Chó ở đường Bát-Tơ, thầy bảy Nam ngừng xe lại như thường lệ cho thầy tư Trung xuống để đi bộ, rồi thầy mới quẹo xe vào ngõ hẻm nhà thầy.
Thầy tư Trung vừa toan mở cửa xe thì thầy bảy Nam nói:
-Mà thôi, để tôi đưa thầy luôn tới đằng ấy.
-Cám ơn, nhưng mỏa sợ mắc công toa, thầy tư Trung phản đối lấy lệ nhưng trong bụng thích lắm.
-Đi chơi một vòng với anh, mất công mất linh gì đâu… Sẵn xe còn rồ máy, chủ xe sang số rồi chạy.
Thầy tư Trung lấy làm kỳ cho lòng tử tế của thầy bảy Nam hôm nay lắm. Cho xe đi cọp một đỗi dài mỗi ngày đã là tốt bụng rồi, thế mà chiều nay còn đưa về tận nhà thì khó hiểu lắm.
Đành rằng hôm nay là ngày lương, phần đông công tư chức nho nhỏ đều vui vì mua sắm được chút ít cho vợ con, nhưng thầy bảy Nam lại là thủ quỹ của hãng mà họ làm việc chung, lương cao, thì ngày lương không phải là ngày quan trọng lắm đối với thầy mà thầy vui rộn trong lòng, tử tế thêm với bạn đồng sở.
Xe quẹo qua mặt, vào đường Nguyễn-Đình-Chiểu rồi quẹo trái vào Huỳnh-Tịnh-Của. Thầy tư Trung băn khoăn mãi cho đến khi xe chạy tới ngoài sau trường học mới tìm ra duyên cớ tốt bụng của bạn nên vụt cười khan lên: Khi trưa, có một cô tuyệt đẹp đến thăm thầy thủ quỹ và thầy ta đã khoe với anh em cùng sở là đời thầy ta lên hương.
-Anh cười gì?
-Mỏa nhớ ra hôm nay toa lên hương.
-Lên hương, lại lên hương nữa. Tháng nầy ông chủ tăng thêm cho tôi năm trăm đồng.
-Toa thật là đẻ bọc điều.
Xe đã chạy mút con đường Huỳnh-Tịnh-Của. Nhà thầy tư Trung ở con xóm Cù-Lao, đường Yên-Đổ, bên kia đầu đường Huỳnh-Tịnh-Của nầy. Thầy cứ băng bộ qua đường Yên Đổ rồi vào ngõ hẻm của xóm, chớ xe hơi đâu có vào ngõ đó được, thế mà thầy nài nỉ:
-Toa chạy luôn qua bển đi.
-Xe vào ngõ sao được, ngõ anh đổ dốc quá.
Thầy Nam chắc lưỡi lắc đầu rồi chiều bụng người bạn vong niên của thầy.
Nơi đầu ngõ có đặt một phong-tên công cộng, người trong xóm ra đó gánh nước đông nghẹt, nên thầy Trung định le với xóm giềng là mình đi làm về bằng xe nhà, mặc dầu chỉ là đi xe cọp.
Đường Yên-Đỗ mép bên kia, đất nghiêng triền đổ xuống rạch Cầu Kiệu, nên những ngõ hẻm đưa vào các xóm bên đó như là xóm Bến Ngựa, xóm Cù Lao, v.v… đều đổ dốc.
Ngõ hẻm trải đá đỏ lâu đời bị nước mưa chảy xiết mài lõm nhiều nơi nên gập ghềnh rất khó đi. Thầy Trung mang giày bố đế xẹp bằng cao su thế mà đã sụp nhiều lần muốn trẹo giò, và mấy gói quà mua cho vợ con, cột bằng dây lát, đứt dây rơi rớt xuống đất nhiều phen.
Bấy giờ đã đỏ đèn. Thầy đi rất xa, qua không biết bao nhiêu căn nhà hẹp mới vào đến ngã ba bên trong và quẹo qua tay trái. Thầy lại đi thật xa nữa, qua không biết bao nhiêu nhà hẹp mới đến chiếc cầu ván đưa vào nhà thầy.
Rạch Cầu Kiệu chảy đến đó thì giữa rạch mọc lên một cù lao. Trong vòng mười mấy năm nay, sau ngày biến động, nông dân bỏ làng lên thủ đô rất đông. Họ đã lấn mặt nước, tha từng mảng bùn lấp cái ngạch con ngăn đất liền và cù lao để lấy chỗ ở.
Nhà thầy Trung là nhà sàn ở mãi ngoài vàm lạch, chưa ai lấp, nên phải qua cầu.
Cầu ván hình lưng lừa như các cây cầu miệt Bình Nhâm, Lái Thiêu, thầy Trung đi tới đầu cầu bên này thì thấy chiếc đèn măng-xông nhà thầy, treo trên trần mà là như đặt nằm ở trên mô cầu.
Thầy mới bước tới giữa lưng chừng cầu thì từ trong nhà, một đạo binh trẻ con túa ra.
-Ba về ê!
-Ba có mua bánh tụi bây ơi!
-Ba ơi ! Có tiền hả ba, đi xi-nê nha ba!
Hai ba đứa trẻ té đùi đụi vì lấn nhau mà chạy trên sân nhà đất trơn, và một đứa khóc rùm.
Hai con chó lai cũng chạy ra, rồi trẻ và chó vây lấy người tư chức hiền từ ấy, khiến thầy ta vui dạ chỉ muốn đứng mãi nơi đó mà tận hưởng niềm vui nầy.
Thầy Trung mới bốn lăm mà đầu đã bạc trắng. Nhưng con thầy đông và nhiều đứa còn bé quá, đứa bé nhứt mới lên năm trông rất buồn cười.
Thầy ba Hựu ở gần bên hay hỏi đùa:
-Ê, đầu bạc rồi mà chưa “đình chiến” sao ta?
Mấy gói quà bị lũ con giựt trên tay thầy, thầy Trung chỉ cười hề hề rồi bước vào nhà, vướng chân vướng cẳng mãi vì mấy đứa bé nhứt, chúng đeo riết thầy như sam, để mét tội trạng mà anh, chị, em, chúng đã phạm ngày hôm nay.
-Hiếu ơi, cho ba uống nước đi con!
Nghe một tiếng dạ từ sau bếp rồi thôi. Tật thầy Trung hễ về tới nhà là đòi uống nước liền vì thầy khát lắm: Ở sở thầy hà tiện, không đi uống nước, đợi về nhà mới giải khát một cách rẻ tiền.
Sáu đứa bé cùng tranh nhau quà bánh, làm giặc ở buồng ngoài trong khi thầy Trung vào buồng trong thay y phục để đi tắm.
-Đưa tay lên!
Một tiếng quát, giọng gái thơ cố hách dịch, nổi lên từ cửa hông trổ ra nhà bếp. Đám giặc con dòm lại thấy người chị cả của chúng một tay bưng ly nước đá chanh, một tay cầm cây súng nước chĩa vào chúng, chúng vội vàng tuân lệnh và mười cánh tay bỗng mọc lên một lượt.
Không phải là chúng sợ nước đâu. Nhưng đó là luật nô đùa, phải giả đò sợ mới chơi vui được.
-Lũ tét-đi-bồi không được giành bánh nữa nghe không? Phải để nữ chúa phát cho.
Hiếu không có bạn nên buồn lắm, hay nô đùa với em, mặc dầu chúng chỉ là lũ bé con thôi. Em thứ ba, thứ tư của Hiếu đã chết hồi sơ sanh, thằng thứ năm 14 tuổi, thì rất nhiều bạn, nên nó không thèm chơi với em nó. Giờ nầy mà nó chưa về thì biết nó ta bà đến bực nào.
Thầy Trung đã ra khỏi buồng. Thầy mặc sà-rong, cởi trần, cổ quấn khăn lông, rước lấy ly đá chanh rồi nhìn trưởng nữ của thầy mà hỏi:
-Cái con nhỏ nầy, ăn mặc gì mà kỳ cục dữ vậy?
Hiếu mặc áo cánh lối miền Bắc và quần ta nhưng may rất hẹp ống, gần bó sát vào chơn. Nàng ra ngoài thấy gái đợt sống mới mặc blue-jean và săng-đai hở cổ thì thích lắm mà không dám bắt chước, sợ mẹ mắng và sợ xóm giềng xầm xì nên tạm may mặc như thế này cho đỡ ghiền, vì y phục như vầy hao hao giống blue-jean và săng-đai hở.
Hiếu chỉ cười trừ và thầy Trung vốn dễ tánh, không tra hỏi thêm gì. Thầy vừa uống nước vừa nhìn đứa con gái lớn của thầy và vui trong dạ như đã nhìn lũ bé lúc về tới cửa.
Con thầy, thầy thấy và tin chắc chắn rằng nó rất đẹp, đẹp gấp đôi con gái ông chủ hãng của thầy, đẹp gấp ba con gái của bạn hữu ông chủ, đẹp hơn tất cả các cô gái lượn phố Sài Gòn mà thầy đã có dịp thấy.
-Hiếu a! Xuống phụ với má cái nầy chút con!
-Dạ!
Hiếu quày quả chạy đi, vừa chạy vừa hát rân nhà:
-“Có một bữa kia, đâu đó ra mặt hai chàng, hai chàng… vua Hùng khó phân…”
Thầy Trung gõ tay lên đầu thằng Lễ cái cóc rồi cũng đi luôn xuống nhà sau để tắm.
Bữa ăn tối hôm đó rất vui, dịp vui hiếm hoi của đời công nhân tăm tối mà ngày lương là ngày họ trông đợi ngay từ ba bốn hôm sau ngày lương của tháng trước.
Vợ chồng thầy Trung ngồi ở đầu ngoài bàn ăn, cùng nhau tính dự chi cho tháng tới. Cô Trung đồng lứa tuổi với thầy, nhưng trông già xọm vì sinh nở nhiều bận quá, vì thiếu thốn bởi quá hy sinh miếng ăn, miếng thuốc cho chồng con, vì quá lao lực để săn sóc tám đứa con hiện còn sống. Thầy thì tuy tóc đã bạc, nhưng nếu che tóc lại thì cứ thấy như là chỉ ngoài ba mươi thôi.
Hiếu ngồi ở đầu trong để trị lũ trẻ lao chao cho cha mẹ ăn bữa cơm cho yên thân. Nàng đánh nam, dẹp bắc, hữu đột, tả xông mới giữ được an ninh trật tự, không thôi chúng đánh nhau bằng đũa, chồm qua mâm cơm mà đấu đũa như là đấu đoản kiếm vậy.
Nhà thầy có giáo dục hẳn hoi, nhưng chúng nó đông quá và sanh năm một, bằng chạn nhau nên thật là khó trị. Vả chúng còn bé quá nên hai ông bà Trung cũng lơi nghiêm khắc, dễ dãi phần nào: con Tiết mười hai, thằng Lễ mười một, thằng Can mười tuổi, thằng Cường lên chín, thằng Hùng bảy, thằng Dũng năm.
Thằng mười bốn tuổi là thằng Trực hôm nay vắng mặt trong bữa ăn, nhưng nó là thằng lêu lỏng bất trị nên mãi rồi vợ chồng thầy Trung không thèm lo nữa những khi nó không về.
Cô Hiếu tên trong khai sanh là Nguyễn-Thị-Nghĩa. Nhưng lúc sanh con so, cô Trung đã về mẹ ở luôn ngót hai năm. Bà ngoại nàng đặt một tên riêng là Con Nhỏ Xíu, sợ gọi tên thật, ma quỉ bắt cháu bà đi chăng?
Túc-từ Xíu đọc theo lối quê dốt là Híu, Con Nhỏ Xíu hóa ra Con Nhỏ Híu và lần lần Con Nhỏ Híu lại biến thành Con Nhỏ Hiếu.
Khi cô Trung trở lên Sài Gòn, thầy Trung thấy rằng tên Hiếu của đứa con gái đầu lòng ấy vẫn liền nghĩa với tên Trung của thầy nên không buồn gọi lại tên cho đúng với khai sanh nữa.
Xóm Cù-Lao, mà chính vợ chồng thầy Trung cũng thế, ai ai cũng nhận thấy sao vợ chồng thầy không đẹp người lại sanh được một đứa con gái đẹp ghê hồn như vậy.
Nếu đẹp không phải là cuộc thừa tự mà chỉ là rủi may bí mật của sự cấu tạo bào thai, thì nước da phải là sự di truyền thừa hưởng của cha mẹ. Nhưng cớ sao nước da của cô Hiếu cũng bất chấp sự truyền tử lưu tôn ấy, nó trắng nõn nà trong khi nước da của cha mẹ nàng lại màu bánh ít?
Tính toán tiền nong xong xuôi thì đã đến món tráng miệng, thầy Trung cầm lên chiếc bánh mà thầy mua về khi nãy rồi day qua hỏi con gái:
-Sao con, đã sẵn sàng thi kỳ nhì chớ?
-Dạ, con luôn luôn sẵn sàng và sẵn sàng đã hai năm rồi.
-Nhưng sao lại cứ rớt mãi vậy?
Hiếu mỉm cười một nụ cười héo hon mà không đáp. Thằng Cang nói đùa:
-Ba ơi, kỳ nầy chị hai lên chức đại tá.
Cả nhà cười rộ lên, cả mấy đứa bé không hiểu gì cũng cười a dua theo lời chế giễu ấy mà chúng nghe rất thường.
Vợ chồng thầy Trung còn đang ngơ ngác thì thằng Trực bước vào, nghe câu pha trò ấy, đứng thẳng người nhìn chị, rồi chào theo lối nhà binh:
-Chào đại tá!
Vì tò mò muốn hiểu câu ấy, vợ chồng thầy Trung quên mắng đứa con về trễ.
-Tụi bây nói toàn những điều, những tiếng mà tao với má bây nghe đến thiếu điều điếc con ráy. Sao lại đại tá?
-Ba không biết cái đó sao?
-Không.
Nè, hễ thi rớt một lần thì được bạn hữu tặng một phù hiệu “ạch, đụi”, tức là lãnh một lon, tức như là thiếu úy, rớt hai lần thì hai phù hiệu, tức như là lên trung úy, như đánh cờ quan vậy đó mà ba! Chị hai con thi Trung học năm lần rồi, tức là trung tá, keo nầy rớt nữa là lên đại tá đó.
Hai vợ chồng thầy Trung cười khà…
Trong khi Hiếu triệt hạ mấy mâm cơm thì cô Trung lo bắt ép mấy đứa bé ngủ, còn thầy Trung thì dạy thêm cho mấy đứa đã đi học.
Hiếu rửa chén bát xong, cũng lên vùi đầu vào sách vở. Nếp sống của xóm lao động lành mạnh thấy mà thương. Người ta chỉ biết làm lụng, học hành, thương mến suốt ngày rồi ngủ sớm, chớ từ già đến trẻ không ai dám đua đòi gì cả.
Tuy nhiên cô trưởng nữ của thầy Trung vẫn thức khuya vì cô phải “gạo” để thi cho đậu vào kỳ nhì nầy. Gia đình túng quẫn quá nên cô giựt mảnh bằng để tìm công việc hầu tiếp tay cha mẹ phần nào.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP