Hoa hậu Bồ Đào (11)

Hiếu còn nhớ một câu chuyện của người lớn mà cô bạn Việt-Ấn của nàng đã nghe lóm được và kể lại cho nàng nghe. Theo người lớn thì con gái Việt Nam bây giờ cô nào cũng đẹp ghê hồn, mà kể cả đàn bà sồn sồn cũng rất đẹp. Đó là nhờ họ thạo trang điểm và thạo hóa trang nhưng nhứt là nhờ họ là kết quả của những cuộc phối hợp trong tinh thần duy mỹ. Ngày xưa các cụ lấy nhau vì đức hạnh, vì dòng dõi, vì địa vị, sắc đẹp của hai người hôn phối là điểm phụ thuộc hạng bét. Những người con sanh ra, lành thì có lành, thiện thì có thiện, nhưng thỉnh thoảng mới nhô lên một người đẹp hiếm hoi.

Chí như ngày nay thì cuộc tuyển lựa theo ý thức chuộng đẹp của những người kết hôn gây ra những cuộc đào thải tự nhiên và qua vài thế hệ, dân Việt-Nam sẽ đẹp hết thảy.

Nhớ lại câu chuyện trên đây, Hiếu đâm lo. Ba má nàng, chắc chắn lấy nhau không phải vì mê sắc đẹp của nhau. Ông Trung chắc đã cần một người bạn khéo nấu nướng, vá may, và bà Trung chỉ tìm một người bạn thuộc hạng dân thầy cho khỏi cảnh chân lấm tay bùn thôi.

Như vậy nàng có thật đẹp hay không mà dám mong chiếm giải mỹ nhân?

Tuy nhiên nàng vẫn hy vọng, chỉ vì những người được đăng ảnh, không đẹp đến đỗi nàng phải lép vế. Hiếu tin rằng một sáng kia nàng thức dậy, ra đầu ngõ mua báo và sẽ thấy ảnh mình. Nàng sẽ mừng như là dò vé số Kiến Thiết mà gặp số vé của mình trên tấm giấy dò số.

Và quả sáng hôm ấy số của nàng ra thật. Như thói quen, Hiếu cố tránh mở tờ báo trước mặt chị sập báo, sợ phải lộ tình cảm mình ra, chị ấy cười cho…

Nhưng nàng phải bước vội vàng để tránh xa chị ấy để mà dò hình cho đỡ sốt ruột. Hôm nay tánh linh báo tin lành hay sao không rõ mà Hiếu hồi hộp hơn mọi hôm và khi thấy ảnh mình, một sự xuất hiện trông đợi, nàng vẫn sửng sốt, ngạc nhiên lắm. Tự nhiên nàng dừng chân giữa đường mà không hay rồi nhìn trân trối vào bức ảnh đầu mà nàng cảm giác rằng người trong ảnh xa lạ quá đối với nàng. Nàng, một cô con gái nhà nghèo, sống một đời sống tối tăm trong ngõ hẹp ngập nước, lẽ nào lại được báo đăng hình lên trang nhứt cho muôn ngàn độc giả biết mặt như một nhân vật quan trọng nào?

Mặc dầu ảnh ấy rõ ràng là ảnh của nàng, Hiếu vẫn không dám tin rằng nàng đang mỉm cười trên mặt báo. Khi xem lại tên người dưới ảnh, nàng lại càng hồ nghi hơn. Nhà báo đã dặn hễ không muốn lộ tung tích thì được đưa thêm biệt hiệu và ảnh chỉ sẽ được đăng dưới biệt hiệu ấy và nhà báo giấu tên giùm cho. Nàng đã gởi biệt hiệu Thu-Nguyệt kèm theo tên nàng, cớ sao nhà báo lại ghi là “ảnh của cô Bích-Lệ”, và hai mươi tuổi của nàng bị sụt còn mười tám thôi?

Hiếu đứng tần ngần trên ngõ rất lâu, rồi mau bước về kẻo ba nàng trông đợi vì ông Trung rất nóng lòng đọc tin quốc tế vào buổi sáng.

Nàng bắt gặp cha đeo sẵn kiếng, đứng nơi ngạch cửa phì phà điếu thuốc đầu tiên trong ngày.

Lặng lẽ, nàng trao báo cho cha, và ông Trung lặng lẽ đón lấy tờ báo, không hỏi cái câu thường lệ lúc trước nữa: “Có hay không?” vì chỗ làm không bao giờ có cả, hai cha con đã đâm ra chán từ lâu rồi.

Vừa mới mở báo ra, ông trung chưng hửng và nói lớn:

-Mẽ! Cái con nầy…

Nhưng khi thấy tên tuổi người chụp ảnh ghi dưới bức ảnh, ông cụt hứng, im lặng giây lát rồi gọi con:

-Hiếu a! Ra coi cái nầy. Hiếu cố nén cười chạy ra hỏi:

-Gì đó ba ?

-Con xem, người sao mà giống người quá! Con của ai lại giống con y hệt, giống như đúc ở một khuôn mà ra, nhưng con nhỏ nầy chỉ mới mười tám thôi.

Hiếu vịn tờ báo mà ông Trung đang cầm, cơn cười bị đè nén làm cho cả thân thể nàng đều run lên và tờ báo cũng rung.

Ông Trung lấy kiếng ra, nhìn con trân trối rồi cười xòa:

-Té ra là mầy? Cái con nhỏ! Thật rắn mắc!

-Con sợ ba rầy.

-Ai mà rầy. Nhưng rồi ăn cái giải gì?

-Dạ, nếu giải nhứt thì được mười ngàn bạc mặt, được chức Hoa hậu Bồ Đào và…

-Hoa hậu Bồ Đào? Là cái quái gì?

-Là Hoa hậu do hãng rượu Bồ Đào nâng đỡ.

-À, ra vậy. Rượu Bồ Đào, ba biết, ba có uống với anh em dưới hãng. Nó cũng như là rượu thuốc Vĩnh-Tồn-Tâm vậy chớ không có gì lạ. Sao, được làm hoa hậu rượu thuốc rồi sao nữa?

-Họ hứa giới thiệu với các hãng phim để đóng phim… Thầy Tư Trung cười ha hả rồi gọi to:

-Má nó ơi! Con Hiếu sắp thành đào hát bóng rồi đây!

Bà Trung không thèm đáp vì ông Trung hay pha trò như vậy cả ngày, bà định lần nầy ông cũng chỉ cà rỡn như mọi lần khác vậy thôi.

Hiếu thì mắc cỡ, chạy tuốt vô buồng để trốn mà cười. Hôm nay nàng sung sướng quá, không đi dượt đánh máy nữa mà quyết tâm nằm nhà để tận hưởng sung sướng của nàng, và khi ông Trung đi rồi, bà Trung xách giỏ ra chợ, thì nàng mới lấy tờ báo ra xem, không đọc tiểu thuyết tình và chuyện ma như mọi bữa, mà chỉ nhìn ảnh mình thôi.

Thế là hôm nay cả nước đều biết có một cô gái đẹp tên Bích-Lệ. Bích-Lệ, nghe hay đó chớ, hay hơn Thu-Nguyệt nhiều lắm. Và tất cả bạn hữu nàng đều nhìn được gương mặt của bạn họ. Hiếu không biết rằng không phải ai cũng đọc báo Rạng-Đông như gia đình nàng và ngỡ hôm nay, nàng xuất hiện trong khắp hang cùng ngõ hẻm và từ sông Bến Hải đến mũi Cà-Mau.

Nàng hình dung Trọng đang mỉm cười sung sướng khi ngắm ảnh nàng và có lẽ đi khoe với các bạn đồng sở:

-Ấy, cái cô đã vào đây hôm nọ đó!

Nàng lại nhớ đến những gương mặt bạn mười lăm ngày, họ sẽ ngạc nhiên và thán phục nàng dữ lắm. Chỉ có một người mà Hiếu quên nghĩ tới và người ấy lại đến kia:

-Hello!

Hoàng khua chuông xe đạp của nàng và kêu lên lúc đẩy xe tới lưng cầu.

-Trời ơi, bà Hoàng!

Hiếu nhảy một cái rột là đã tới sân.

-Sao mà biệt tích vậy ?

-Mắc đi làm.

-Đã có chỗ làm rồi à?

-Ngay sau khi chia tay với em.

-Sao mà tài quá vậy?

-Mánh lới chớ tài gì mà tài.

-Nhưng sao lại đi chơi được đây?

-Xin nghỉ buổi sáng để đến mừng em.

-Mừng em thất nghiệp à?

-Đừng có làm bộ. Từ sáng đến giờ chắc em không có buông tờ báo Rạng Đông giây phút nào hết. Chị đoán có đúng không?

Hiếu cười xòa rồi kéo Hoàng vào nhà, vừa đi vừa hỏi:

-Sao mà tìm chỗ làm giỏi dữ vậy?

Hoàng dựng xe nơi vách nhà rồi bước lên thềm với Hiếu:

-Chị gởi đơn cho mười tám hãng buôn mà có mười bảy hãng sốt sắng cho chị một chỗ.

-Trời…

-Đơn chị viết đại khái như thế này: học lực trung bình, đánh máy giỏi, chỉ xin mỗi tháng 800đ để ăn cơm (chị định xin 500đ thôi, nhưng 500đ quá vô lý sợ họ sanh nghi), sẵn sàng đến nhà của chủ hãng phụ giúp rửa chén, lau nhà, khi có đám tiệc; sẵn sàng giữ trẻ cho bà chủ đi Long-Hải hoặc đi Đà-Lạt nghỉ mát năm bảy hôm, sẵn sàng đến ngày chúa nhựt nơi nhà riêng cho bà chủ sai khiến, như là đi mua vé hát, dắt con bà chủ đi xi-nê, vân… vân… Đơn chị gởi đi có ba hôm là được mười bảy bức thơ tha thiết mời chị đến ngay “kẻo muộn”.

Hiếu sững sờ trước thủ đoạn mà bạn nàng đang thổ lộ. Thì ra có một số người tham lam quá sức, cho dẫu họ đã giàu có. Hễ ai bán rẻ mạt công thì được nhận, chớ họ không bao giờ tưởng tượng đến hy sinh chịu kham khổ của công nhân để chen vào đám người tranh sống.

-Nhưng chị làm thế nào, với tám trăm đồng…

-Chị chịu lỗ, vì mướn người gánh nước, tưới cải tốn tiền hơn số lương mà chị lãnh được; chị đã có cách sống… Em à, bà ngoại bỗng dưng lâm bịnh nặng, nay đã đỡ rồi, nhưng yếu lắm, bà ngoại lo sợ không ở lại với chị lâu hơn sáu tháng.

-Trời, bà ngoại trông còn sõi lắm mà!

-Phải. Nhưng các cụ thường khi không lấy lại sức được sau một trận đau ốm. Trông ngoại thình lình già đi nhiều lắm.

-Tội nghiệp ngoại quá.

Hoàng cầm tờ báo lên xem, cười rồi nói:

-Ảnh đẹp thua người nhiều lắm. Em có biết rằng em chưa hết đẹp hay không? Chị muốn nói, sắc đẹp của em đang lên mà cứ còn lên mãi. Khi nãy còn ngoài cầu, chị đã ngạc nhiên mà thấy người em mấy tháng trước giờ đã biến khác hẳn đi.

Hiếu cũng nhìn ảnh mình và chỉ hôm nay nàng mới thấy rằng nàng đẹp, mới ý thức rõ rệt về nhan sắc của mình.

Hoàng véo bạn một cái rồi cười ngặt nghẹo một hơi mới nói được.

-Nhưng chưa đâu, sắc đẹp của em chỉ lên đến đỉnh chót khi nào em thành đờn bà thôi.

-Sao lạ vậy chị?

-Không lạ đâu. Đờn bà đẹp hơn con gái. Người ta cứ quên điều đó, nhưng sự thật là như vậy. Nè em, chị tin chắc rằng rồi thế nào em cũng được bầu làm hoa hậu.

-Em không dám hy vọng.

-Đừng có làm bộ khiêm nhượng.

-Thật đó chớ, vì tuy phần đông người dự thi không đẹp bằng em, nhưng có vài cô lại đẹp hơn em.

-Em không phải lo. Chị đã đọc thể lệ. Qua vòng loại, những cô có gương mặt đẹp sẽ được mời đến nhà báo để tiếp xúc với một ủy ban để họ xem người. Mà một khi họ xem người thì sẽ không người nào qua mặt em được đâu. Chị sành xem người đẹp lắm và không bao giờ lầm.

Hiếu cứ muốn nói về chuyện tuyển lựa hoa hậu để được nghe Hoàng nung chí nàng nhưng lại sợ Hoàng cười cho nên bỏ sang chuyện khác:

-Chị làm ở hãng nào?

-Em không biết đâu mà hỏi. Hãng nhỏ lắm.

-Sao chị lại chọn hãng nhỏ mà giúp việc?

-Chị cố ý như vậy, vì lẽ riêng.

-Chừng nào bà ngoại có đau ốm gì nhiều, chị cho em hay, chị nhé. Chị phải đi làm, còn em ở không.

-Em với Trọng đã đi đến đâu rồi?

Hiếu hết cả hồn vía, không biết tại sao Hoàng lại biết mối tình giữa nàng và Trọng. Hay là Trọng đã bép xép xì ra cho Hoàng biết?

Một lát sau, hết sợ hãi, nàng đâm liều nhưng còn giả đò ngây thơ, cười hỏi:

-Sao chị lại hỏi lạ vậy? Chị không nhớ là chị giới thiệu sơ Trọng với em, rồi thì em mãn khóa.

-Mốc xì! Cái nhìn của Trọng, ai mà không biết anh ta nghĩ gì trong bụng và ai mà không biết rằng anh ta sẽ trở lại tìm em.

Hiếu cười xòa:

-Chị tài số dách. Anh ấy nói yêu em…

Và van xin em yêu lại? Rồi em xẻn lẻn, cắn trôn áo mà làm thinh mãi cho đến một khi kia thì anh ấy nắm lấy tay em và em làm thinh? Rồi thì hai đứa trao đổi với nhau và anh ấy thề bán sống bán chết rằng sẽ yêu em đến lúc bạc đầu?

Hiếu cười ngặt nghẹo và véo bạn đến bốn cái mà chưa đáp được gì cả. Lâu lắm nàng mới ngớt được cơn cười:

-Em chắc chị có nham độn hay sao mà chị biết thấu ruột gan người khác.

-Đó là con đường cổ điển mà tuổi trẻ đã đi qua mà trong đó có chị. Nhưng có lẽ em là một cô gái hiếm hoi đã có phước gặp một người con trai chơn thật mà những lời hứa của anh ấy sẽ được thực hiện. Chị mong hai người thành vợ chồng với nhau để hưởng hạnh phúc. Thế nào, hắn có đề nghị hôn nhơn chưa?

-Có.

-Em bằng lòng chớ?

-Bằng lòng.

-Chừng nào?

-Đợi má ảnh cúng đám giỗ xong, lên Sài Gòn cậy mai để…

-Hay.

-Chị nè. Ảnh rủ em chiều nay đi coi chiếu bóng có nên nhận lời hôn chị? Hoàng chưng hửng nhìn Hiếu trân trối rồi giây lát phì cười nói:

-Té ra còn trong sạch như vậy à? Chị cứ ngỡ… Quí lắm đó em à. Nếu hai đứa mà giữ trong sạch được như vậy cho đến ngày cưới thì chắc ăn cho em lắm. Bọn con trai, dầu sao ta cũng phải đề phòng họ mới được. Được, em cứ đi với hắn. Phải thỏa mãn phần nào trong vòng trong sạch cần thiết, kẻo buồn quá, hắn lại tìm an ủi nơi khác thì hỏng.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: